Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 2)

2. Ký hiệu trong truyện tranh (tiếp)

Về hình thức, truyện tranh bao gồm những thành phần như: hình ảnh sự vật, khung hình chứa đựng lời thoại, từ tượng thanh, biểu đạt tiếng động, âm thanh, và trong một số trường hợp có thể kết hợp với chữ viết. Đặc điểm của truyện tranh là có sự kết hợp giữa hình ảnh nhân vật với lời thoại và lời thoại thường được sắp xếp trong khung hình truyện tranh, hướng về phía nhân vật. Những từ có liên quan đến suy nghĩ, lời thoại của nhân vật được trình bày trong các khuôn hình dạng như đám mây, tròn, chữ nhật hoặc ô van… Các ký hiệu ngôn ngữ và ký hiệu hình ảnh khi đưa vào truyện tranh đã được biến đổi để tăng hiệu quả biểu đạt. Thí dụ, dấu chấm than trong ngôn ngữ thường đặt ở cuối câu cảm thán, câu cầu khiến, khuyên ngăn hay mệnh lệnh khi đưa vào truyện tranh thì tùy theo số lượng, kích cỡ và cách biểu hiện mà dấu chấm than sẽ gợi lên những liên tưởng và thông tin khác nhau. Tương tự, các dấu hỏi, dấu chấm câu qua kênh thị giác tạo nên những tác động đến cảm nhận của người thưởng thức. Dù cùng là dấu chấm than, nhưng ở trang truyện này nó là sự biểu hiện mệnh lệnh quyết liệt của một dũng tướng thì ở trang truyện khác lại biểu hiện cho tiếng thở nhẹ trong đêm của một người con gái… Các dấu than, dấu chấm hỏi, dấu chấm câu khi kết hợp với từ tượng thanh và hình ảnh đã giúp người họa sĩ biểu đạt được những nội dung phong phú của cuộc sống. Như vậy, có thể thấy rằng trong truyện tranh các từ tượng thanh đặc biệt được phát huy tối đa để mô tả âm thanh của tự nhiên và con người. Ngoài ra, tùy cảm xúc cũng như hành động của nhân vật mà có các cách biểu hiện khác nhau về hình dạng của khuôn hình chứa đựng lời thoại.

truyen tranh 5

Các hình biểu tượng tiếng nổ được dùng để biểu thị âm lượng lớn của lời thoại nhân vật. Khung hình tròn hơn là lời thoại bình thường, và đám mây thể hiện cảm xúc vui vẻ, thích thú của nhân vật. Dấu chấm than biểu thị sự phát hiện, ba dấu tia để biểu hiện sự chuyển hướng chú ý… các ô ghi lời thoại chỉ về hướng của người nói, hoặc xuất hiện trên đầu nhân vật để biểu hiện về cuộc trò chuyện, hay suy nghĩ của mỗi nhân vật.

truyen tranh 6

Trước thế kỷ 18, ô ghi lời thoại trong truyện tranh thường có hình thức cuộn giấy hay lá cờ. Sau đó được phát triển thêm nhiều dạng khác nhau như hình ô van, tròn, chữ nhật… Ba quy ước ký hiệu tiêu biểu nhất về ô ghi lời thoại: lời nói, suy nghĩ, hét lên… Trong đó, ô ghi lời nói có hình dạng giống như quả bóng bay, ô ghi suy nghĩ có hình tròn hoặc ô van với cái đuôi là những hình tròn nhỏ dần đều và ô ghi lời hét lên có đường viền răng cưa… Nhờ các ký hiệu này mà người đọc có thể phân biệt được lời nói hay suy nghĩ của nhân vật. Ngoài ra, hình dạng khung ghi lời thoại trong truyện tranh còn phổ biến một số loại như sau:

- Ô biểu hiện sự phát sóng, hay có thể gọi tắt là ô phát thanh: được biểu hiện như một tia sét đánh, hình đa giác. Chữ nghiêng trình bày trong ô cũng có khi được in đậm. Ô phát sóng chỉ ra nhân vật trong truyện tranh đang giao tiếp thông qua thiết bị điện tử như đài phát thanh, truyền hình hay robot.

- Ô thì thầm: thường là phông chữ nhỏ, nhạt hơn để thể hiện giọng điệu nhẹ nhàng.

- Ô biểu hiện sự hào hứng: thường là hình đám mây. Càng hào hứng thì các đường cong thể hiện đám mây lại càng được thể hiện rõ hơn.

Ô ghi lời thoại là phương tiện trực quan truyền đạt lời nói của nhân vật. Trong truyện tranh cần có sự phân biệt lời thoại với chú thích dành cho tường thuật, thường được trình bày ở trên hoặc ở dưới lời thoại. Vị trí của ô ghi lời thoại rất quan trọng để biểu hiện cho cuộc đối thoại. Đuôi ô ghi lời thoại hướng về phía nhân vật xác định ai đang nói. Họa sĩ truyện tranh thường chú trọng việc lựa chọn khung hình và vị trí để truyền đạt ý nghĩa và không gây nhầm lẫn cho người đọc. Ngoài ra, thay đổi phông chữ cũng là một trong những phương pháp chủ yếu trong sáng tác truyện tranh để biểu đạt sự khẩn cấp, âm lượng hay sự quan trọng của thông tin. Hệ thống ký hiệu trong truyện tranh có thể phân loại như sau: ký hiệu hình ảnh (nhà cửa, cây cối, đường phố, con người…), ký hiệu ngôn ngữ (từ tượng thanh), ký hiệu cảm xúc (vui, buồn, hạnh phúc, thất vọng, sợ hãi, phấn chấn, ghê tởm, khinh bỉ…), ký hiệu động tác (chuyển động tay và chân, chuyển động cơ thể…) v.v…

truyen tranh 7

Như vậy, đặc thù biểu hiện nội dung câu chuyện thông qua hình ảnh, lời thoại và các từ tượng thanh nên truyện tranh là nghệ thuật sáng tạo và sử dụng hệ thống các ký hiệu.

3. Ký hiệu trong truyện tranh và bản sắc văn hóa

Ý nghĩa của ký hiệu được hình thành từ một hệ thống văn hóa. Xét từ khía cạnh này, có thể xem truyện tranh như là một hệ thống văn hóa. Thông qua truyện tranh, những mã của hệ thống văn hóa như lối ứng xử, tập quán, cách nhìn, lối nghĩ… của một dân tộc được biểu hiện. Độc giả dễ dàng nhận ra phong cách trang phục, đặc điểm kiến trúc, phong tục, và ngôn ngữ của quốc gia hay dân tộc. Bởi lẽ, họa sĩ truyện tranh trong quá trình sáng tác bao giờ cũng phản ánh hệ thống văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời độc giả khi tiếp nhận hệ thống văn hóa này, tức là họ đã xác định những ý nghĩa nhất định của các ký hiệu được biểu hiện qua truyện tranh.

truyen tranh 8

Sự khác biệt về các quy ước ký hiệu trong truyện tranh có thể thay đổi đối với các nghệ sĩ đến từ những nền văn hóa khác nhau. Nguyên do, mỗi quốc gia, khu vực có lịch sử, văn hóa, tập quán khác nhau nên ký hiệu để biểu thị sự vật hiện tượng cũng khác nhau. Tuy nhiên, cũng phải xem xét đến hệ thống ký hiệu mang tính quốc tế như ký hiệu trong giao thông, ký hiệu trên máy bay… Những ký hiệu này khi được sử dụng hay phản ánh trong truyện tranh sẽ được người đọc ở mọi quốc gia chấp nhận và hiểu theo nghĩa chung phổ biến ấy.

Do đặc điểm là nghệ thuật sử dụng các ký hiệu nên truyện tranh khi thành công sẽ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Như trường hợp manga của Nhật Bản, các nghiên cứu của nhiều tác giả đã chỉ ra những yếu tố tạo nên bản sắc Nhật Bản trong truyện tranh. Độc giả khi xem manga phải đọc tuần tự từ phải sang trái. Ngay cả khi manga được xuất bản sang các quốc gia khác hầu như vẫn giữ đặc điểm này. Trong khi đó ở nhiều quốc gia, phổ biến là cách đọc thông thường là từ trái sang phải.

truyen tranh 9

Truyện tranh của Nhật Bản thường dài, được chia nhiều tập và có sự phân loại căn cứ vào giới tính và tuổi như: Shoujoshi (truyện tranh dành cho nữ) và Shounenshi (truyện tranh dành cho nam); Yonensi (dành cho trẻ em), Shounenshi (dành cho thiếu niên), sein enshi/ yangushi (dành cho thanh niên), otonashi/seneshi (dành cho độc giả trưởng thành). Về đặc điểm nghệ thuật, Manga tạo được bản sắc riêng thông qua cách tạo hình nhân vật, diễn tả trang phục, thể hiện giới tính và biểu tả từ tượng thanh. Các nhân vật nữ trong tranh Manga thường có đôi mắt to tròn với hàng lông mi dài và cong. Tỷ lệ mắt to hơn nhiều so với mũi và miệng. Các nhân vật nam được tạo hình bằng những đường nét khỏe, khúc triết. Về nội dung, Manga đi vào khai thác đa dạng chủ đề, đề tài như hành động, phiêu lưu, lãng mạn, thể thao, lịch sử, hài, khoa học, viễn tưởng đến kinh dị, tình dục và kinh doanh/ thương mại. Gắn liền với cuộc sống hiện thực, những nhân vật trong Manga như bước ra từ cuộc sống bình dị thường ngày. Trong khi đó, truyện tranh của Mỹ lại mang đạm bản sắc văn hóa Mỹ thông qua đặc điểm khai thác thể loại truyện về siêu anh hùng hoặc thể loại truyện hài hước, vui nhộn. Action Commics (truyện tranh hành động) là nơi nhân vật siêu nhân ra đời và sau đó thể loại tranh siêu nhân phát triển mạnh mẽ trong một thời gian dài. Ý tưởng về nhân vật siêu nhận đã có từ năm 1933, nhưng phải đến năm 1938 siêu nhân mới xuất hiện trong số đầu tiên của sêri Action Commics. Đại diện cho lòng yêu nước và tinh thần Mỹ, siêu nhân trở thành biểu tượng cho sự chính nghĩa, lòng hào hiệp và phẩm chất anh hùng. Truyện tranh Mỹ thường diễn tả hình khối theo đúng tỷ lệ giải phẫu và không gian theo luật phối cảnh. Đồng thời, các nhân vật mang phong cách Mỹ rất đặc trưng. Như vậy, có thể thấy rằng ký hiệu trong truyện tranh thể hiện bản sắc văn hóa và sáng tạo riêng của mỗi dân tộc.

Thay lời kết: Ký hiệu trong truyện tranh là sự chuyển giao ẩn dụ để người xem có thể tiếp nhận được ý nghĩa và thông tin của người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Lịch sử hình thành và phát triển truyện tranh cũng chính là lịch sử hình thành và phát triển hệ thống các ký hiệu trong truyện tranh.

Thông qua ký hiệu, truyện tranh thể hiện những giấc mơ, hồi ức, câu chuyện viễn tưởng, tình yêu và trạng thái tâm hồn… Những họa sĩ truyện tranh ở mọi thời đại đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo để tạo nên hệ thống ký hiệu độc đáo biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

- Lê Văn Sửu -

>>> Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 1)

>>> Vẽ truyện tranh phong cách Nhật Bản (Phần 1)

>>> Vẽ truyện tranh phong cách Nhật Bản (Phần 2)

>>> Học vẽ - Truyện tranh hoạt hình

>>> Họa sĩ minh họa và truyện tranh Shaun Tan

0976984729