Họa sĩ minh họa và truyện tranh Shaun Tan
Họa sĩ Shaun Tan sinh năm 1974, lớn lên từ vùng ngoại ô miền tây nước Úc. Ở trường anh đã nổi tiếng là “cây bút sắt” cừ khôi nhưng luôn luôn là “ông nhóc hạng bét” trong các lớp học. Anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng danh dự nghệ thuật và văn chương Anh.
Ở tuổi niên thiếu, Shaun bắt đầu vẽ minh họa cho các cuốn truyện về khoa học giả tưởng và các truyện phiêu lưu mạo hiểm cho một tờ báo nhỏ. Kế đến được mời vẽ minh họa cho những cuốn sách mang nội dung lịch sử, xã hội và chính trị lẫn các cuốn truyện với nội dung viễn tưởng và siêu thực. Shaun Tan nổi tiếng từ đó và sáng tác truyện tranh của chính mình. Anh đã có 20 đầu sách được dịch ra hơn 10 thứ tiếng gồm Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Trung Quốc, trong đó có The Rabbits(1998), The Red Tree (2001), The Arrival (2006) và Tales From Outer Suburbia (2008). Nhiều cuốn phát hành rộng rãi ở châu Âu, châu Á và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, Shaun Tan thiết kế sân khấu nhà hát kịch và trợ lý mỹ thuật điện ảnh. Anh là chủ nhân giải Oscar với phim hoạt hình ngắn The Lost Thing.
Hiện nay, Shaun Tan làm việc với tư cách họa sĩ và nhà văn tự do ở Melbourn.
Bậc thầy kể chuyện bằng hình
Larry Lempert, Chủ tịch Hội đồng chấm giải nhận xét: “Shaun Tan là bậc thầy kể chuyện bằng hình". Tác phẩm hướng tới một cách thức mới đầy trách nhiệm cho những tác phẩm truyện tranh với giọng văn tường thuật mang tính đại chúng, làm xúc động người đọc ở mọi lứa tuổi. Phía sau chi tiết sắc sảo, phong phú, nền văn minh được phân tích và lịch sử được phác họa qua các hình tượng biểu trưng với cảm xúc cao độ như thể chạm thấy được. Con người luôn luôn hiện diện, Shaun Tan miêu tả sinh động cả hai mặt, sự tìm kiếm và chối bỏ của con người. Anh đã kết hợp nghệ thuật tài hoa và sự kỳ diệu trong lối dẫn chuyện đậm nét nhân văn”.
Có vẻ ngoài rụt rè, chậm rãi, nhưng Shautan không để ai bị “bìa sách đánh lừa về nội dung”. Trong nhiều năm qua, danh tiếng của Shaun Tan đã vươn xa ra khắp thế giới và trở thành hình mẫu kinh điển của nghệ thuật minh họa. Bước ngoặt về mặt tiếng tăm của Shaun Tan chính là khi anh được trao Oscar cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất vào năm 2010 với tác phẩm The Lost Thing. Bộ phim kể về sự gặp gỡ của một cậu bé và một sinh vật vừa giống cua, robot vừa giống một chiếc lò khổng lồ chỉ dài 15 phút, nhưng lấy đi của anh gần 8 năm công sức lao động. Và cũng trong 15 phút ấy, anh đã đưa ra phát ngôn về nghệ thuật của mình: Sáng tác với tâm thế của một đứa trẻ luôn hiếu kỳ, nhân hậu và không ngừng tìm kiếm những điều kỳ diệu quanh mình.
Những người yêu công việc minh họa biết đến Shaun Tan trước The Lost Thing rất lâu. Anh đã luôn gắn với công việc vẽ minh họa từ khi còn rất trẻ, và danh sách giải thưởng anh có được từ sáng tác của mình trải dài trên nhiều trang giấy. Anh là một nghệ sĩ được bạn đọc yêu mến nhưng vẫn là một trường hợp rất đặc biệt vì sáng tác của anh – trái với vẻ ngoài – luôn là những chuyến đi vào thế giới tưởng tượng tăm tối, khám phá những nỗi sợ hãi của con người. Thế nên, trẻ em coi Shaun Tan như một vị phù thủy bí ẩn và mê hoặc, người lớn thì coi anh như người cứu họ khỏi thế giới nhàm chán và thiếu vắng trí tưởng tượng.
Bàn về đối tượng độc giả của mình, anh giải thích: “Mọi người lớn đều từng là trẻ con, và đứa trẻ nào cũng đang lớn lên, trở thành một người lớn. Tôi cho là người ta dành quá nhiều công sức để chỉ ra sự khác biệt giữa các nhóm tuổi. Với tôi thì trạng thái lý tưởng nhất là khi mỗi người nghệ sĩ đều có sự hồn nhiên, tâm hồn mở rộng của một đứa trẻ, kết hợp với sự hiểu biết và những trải nghiệm của người lớn”.
Bến cảng
Tranh của Shaun Tan luôn rất giàu có về mặt chi tiết, nhưng cùng lúc lại vô cùng sắc sảo trong bố cục, khiến cho mỗi trang vẽ của anh là một thế giới kỳ thú và độc giả có thể sẽ mất hàng giờ để khám phá hết những điều bất ngờ còn ẩn trong các mảng màu. Hơn thế nữa, với mong muốn tạo ra một thế giới “vượt qua khỏi ranh giới địa lý, vùng miền”, anh luôn kết hợp những yếu tố tự nhiên hoang dã và các yếu tố đô thị, phóng đại những cái nhỏ, thu bé những cái lớn. Shautan khẳng định điều anh hướng đến là tạo ra một thế giới tựa như giấc mơ, bỏ qua các logic, chỉ để lại chỗ cho cảm xúc.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, anh thành thật phát biểu rằng: “Đôi khi tôi thấy thất vọng với việc độc giả cứ nhất định phải tìm kiếm cho ra một “thông điệp”, như thể tất cả các câu chuyện đều là một tập hợp đáp án cố định vậy. Vì thế, tôi muốn tạo ra những cuốn sách chẳng có thông điệp gì cả, thông điệp đến từ chính trí tưởng tượng của các bạn”.
Dẫu vậy, điều ấy không có nghĩa là nghệ sĩ vĩ đại này không đầu tư công sức vào các tác phẩm của mình. Chính vì muốn độc giả mở rộng trí tưởng tượng, tác phẩm của anh luôn là một cấu trúc phức tạp về mặt thẩm mỹ, khiến cho chúng ta không bao giờ mất đi hứng thú khi thưởng thức chúng. Đó là bởi Shaun Tan không tin rằng mình là người kể chuyện giỏi nếu dùng lời nói hay chữ viết. Tất cả những gì anh muốn nói, anh chuyển thành hình ảnh, như một cách cố gắng nói chuyện trong im lặng.
Trong nỗ lực kể lại câu chuyện bằng hình ảnh ấy, Shaun Tan đặt mình vào nhân vật. Anh chia sẻ rằng bằng cách đặt điều gì đó vào một bối cảnh hư cấu, một tương lai xa xôi hay một quá khứ đã qua từ lâu, anh nhận ra phong cách của mình. “Người ta cứ nghĩ phong cách là những điều bạn thường làm, nhưng không hẳn là như vậy đâu”, anh cho biết. Shaun Tan, cho đến lúc này, vẫn chưa thực sự hiểu rõ bản thân, đôi khi anh vẫn còn thấy xấu hổ vì lượng cảm xúc tràn ngập trong một câu chuyện. Và nhờ đó, anh nhận ra rằng mỗi con người vẫn còn rất nhiều xúc cảm bị giấu kín hoặc bị từ chối, rơi vào im lặng. Cách để giải thoát cho chúng, chính là việc chúng ta ngồi xuống kể chuyện, một câu chuyện trong mơ, với sự thức tỉnh rằng ta đang làm điều đó.
Một số tác phẩm của Shaun Tan