Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 1)
Truyện tranh là câu chuyện bằng hình ảnh. Họa sĩ phát huy hệ thống ký hiệu để người xem có thể tiếp nhận được ý nghĩa và thông tin. Ký hiệu quy định hình thức, thẩm mỹ và sức hấp dẫn của truyện tranh. Nghiên cứu của bài viết cho thấy, hệ thống ký hiệu trong truyện tranh không chỉ hiệu quả trong biểu đạt trạng thái tâm hồn, tình cảm, cảm xúc nhân vật, miêu tả sự vật, hiện tượng mà còn biểu hiện bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia.
Truyện tranh là câu chuyện được trình bày dưới dạng một chuỗi các hình ảnh sắp xếp thứ tự, nhằm chuyển tải nội dung cốt truyện một cách hấp dẫn và sinh động đến người đọc. Họa sĩ truyện tranh sử dụng các ký hiệu kết hợp với các từ tượng thanh và lời thoại để miêu tả sự vật, cảm xúc và các diễn biến trong câu chuyện. Nhìn từ góc độ ký hiệu học, sáng tác truyện tranh chính là hành trình sáng tạo nhằm cụ thể hóa hệ thống dấu hiệu bằng hình tượng nghệ thuật thông qua các phương tiện, thủ pháp của nghệ thuật đồ họa. Việc nghiên cứu truyện tranh từ góc độ ký hiệu học có vai trò quan trọng trong khảo cứu và đánh giá truyện tranh. Tuy nhiên, nghiên cứu chuyên sâu truyện tranh từ góc độ ký hiệu học chưa nhiều, vấn đề này mới chủ yếu rải rác xuất hiện trong các bình luận về truyện tranh. Từ nhu cầu nhằm nâng cao chất lượng sáng tác, thưởng thức truyện tranh cũng như đóng góp vào công việc nghiên cứu truyện tranh ở Việt Nam, bài viết có mục đích nghiên cứu truyện tranh từ lý thuyết ký hiệu học, bao gồm các vấn đề như: khái quát về ký hiệu học nghệ thuật, ký hiệu trong truyện tranh, ký hiệu trong truyện tranh và bản sắc văn hóa.
1. Khái quát về ký hiệu học nghệ thuật
Ký hiệu học là “khoa học nghiên cứu về tính chất của các ký hiệu và các hệ thống ký hiệu”. Nói cách khác, ký hiệu học nghiên cứu cơ cấu và ý nghĩa của các ký hiệu. Ký hiệu khi hình thành bao giờ cũng phải có hai mặt: cái biểu hiện (hình thức) và cái được biểu hiện (nội dung). Theo Morris, một ký hiệu bao gồm ba thành tố cơ bản và không thể chia nhỏ nữa là: Phương tiện mang ký hiệu, cái được biểu đạt – cái biểu đạt (Designat – denotat) và sự giải nghĩa. Trên cơ sở đó, Morris dẫn ra ba cặp quan hệ: 1. Quan hệ của ký hiệu với những phương tiện mang ký hiệu khác, như là chiều cú pháp của ký hiệu, 2. Quan hệ của ký hiệu với những đối tượng chung của nó như là chiều ngữ nghĩa của ký hiệu, 3. Quan hệ giữa ký hiệu với người sử dụng ký hiệu như chiều thực dụng của ký hiệu. Điều này lý giải vì sao cùng một ký hiệu nhưng cách hiểu và giải thích có thể khác nhau. Ở lĩnh vực nghệ thuật, ký hiệu học nghiên cứu hệ thống dấu hiệu biểu đạt đặc trưng trong tác phẩm nghệ thuật. Ký hiệu được áp dụng cho tất cả các nỗ lực của con người trong việc truyền tải thông điệp, bao gồm cả điện ảnh, múa, sân khấu, kiến trúc, hội họa… và mỗi loại hình nghệ thuật có đặc trưng riêng trong sử dụng hệ thống ký hiệu. Trong cuộc sống hàng ngày, con người sử dụng vô số các ký hiệu để giao tiếp với nhau. Những ký hiệu này khi được đưa vào trong tác phẩm nghệ thuật sẽ có khả năng biểu đạt, truyền cảm và thông tin đến người thưởng thức.
Thời cổ xưa, người nguyên thủy đã tạo nên những ký hiệu đầu tiên để biểu hiện đời sống tinh thần, tình cảm và ước vọng của mình qua những hình vẽ trên vách hang động, trên xương và đá. Thời Cổ đại, phát kiến về chữ viết giúp con người truyền tải thông tin trong giao tiếp. Cùng với thời gian, hệ thống ký hiệu ngày càng trở nên phong phú.
Bên cạnh hệ thống ký hiệu chung thì mỗi nền văn hóa lại có những sáng tạo riêng trong việc xây dựng và sử dụng ký hiệu. Tựu chung, hệ thống ký hiệu trong nghệ thuật có thể phân loại như sau: ký hiệu ngôn ngữ (văn học, sân khấu, điện ảnh…), ký hiệu hoạt động (sân khấu, điện ảnh…), ký hiệu hình ảnh (điêu khắc, hội họa, đồ họa…), ký hiệu không gian (văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc…) v.v… Tùy từng loại hình nghệ thuật mà có sự nổi trội trong việc sử dụng hệ thống các ký hiệu. Chẳng hạn, trong sân khấu và điện ảnh, những ký hiệu động tác miêu tả của đầu, khuôn mặt, thân người, vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay… có khả năng ngụ ý hoặc hàm chỉ về sự vật hay hiện tượng, giúp sản sinh ý nghĩa. Trong điêu khắc và hội họa, ký hiệu biểu hiện dáng vẻ, nét mặt và cử chỉ nhân vật cũng có khả năng diễn đạt những trạng thái tình cảm khác nhau một cách sinh động. Tiếp cận từ ký hiệu học, nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật chính là công việc nghiên cứu và giải mã hệ thống ký hiệu đã được người nghệ sĩ sử dụng để xây dựng tác phẩm nghệ thuật đó.
2. Ký hiệu trong truyện tranh
Thuật ngữ “Comic” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ thuật ngữ hài hước. Không có sự đồng thuận giữa các nhà lý thuyết và lịch sử trong định nghĩa về truyện tranh. Trong khi một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến sự kết hợp của hình ảnh và văn bản trong truyện tranh thì những người khác lại khẳng định về vai trò văn hóa đại chúng và nghệ thuật sử dụng các ký hiệu. Giá trị của ký hiệu trong truyện tranh ngoài việc được xác định bằng đặc trưng của cái được biểu hiện – mặt ngữ nghĩa của ký hiệu thì còn được xác định trong đa số các trường hợp bằng các đặc điểm và sự phân bố các ký hiệu đó.
Quá trình hình thành và phát triển truyện tranh, có thể xem là quá trình hệ thống ký hiệu trong truyện tranh được xác lập, để trở thành hình thức truyện tranh như chúng ta thấy ngày nay. Tiền thân của truyện tranh là những câu chuyện bằng hình ảnh được vẽ trên vách hang động của người nguyên thủy, cột đá Trajan (Ý), tranh tường (Ai Cập), phù điêu trang trí đền thờ (Hy Lạp), trang trí thảm thời Trung cổ và những phiên bản Kinh Thánh bằng hình ảnh được phổ biến rộng rãi ở châu Âu giai đoạn cuối thời Trung cổ… Thế kỷ 15 ở châu Âu, Gutenberg chọn chất liệu kim loại để tạo nên những chữ cái, con số, sau đó nhập vào khuôn và sắp xếp chúng để tạo ra một thông điệp trước khi được in ra hàng loạt. Việc phát minh ra máy in và phương pháp in hiện đại, thiết lập sự tách biệt giữa hình ảnh và lời thoại, tạo điều kiện cho hệ thống ký hiệu ngôn ngữ trong truyện tranh. Những ấn phẩm in đầu tiên tập trung vào chủ đề tôn giáo nhưng sang đến thế kỳ 17 và 18, bắt đầu xuất hiện các tranh biếm họa, giải quyết các khía cạnh của chính trị và đời sống xã hội. Thời gian này, các ô ghi lời thoại của nhân vật được phát triển như một hình thức biểu hiện sự đối thoại. Cuối thế kỷ 18, William Hogarth với các tranh vẽ châm biếm, hài hước cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn đã dự báo cho sự phát triển truyện tranh ở thế kỷ 19. Tác phẩm A Rake’s Progress, là sêri tám bức tranh sơn dầu kết hợp cùng nhau để tạo nên một câu chuyện về Tom Rakewell, kẻ hoang phí, đã tiêu tất cả tiền được thừa kế vào cuộc sống xa hoa, gái mại dâm, cờ bạc, và hệ quả là bị giam cầm ở nhà tù, cuối cùng kết thúc cuộc đời ở bệnh viện tâm thần Bethlehem.
Truyền thống truyện tranh của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đã đi theo những con đường khác nhau. Truyện tranh châu Âu hiện đại bắt đầu từ Thụy Sĩ với truyện tranh của Rodophe Topffer vào năm 1830. Trong khi đó, truyện tranh Mỹ lại được xem là khởi nguồn vào cuối thế kỷ 19 khi The Yellow Kid (Cậu bé vàng) của Richard. F. Outcault bắt đầu xuất hiện trên báo NewYork World. Còn ở Nhật Bản, có thể thấy nguồn gốc truyện tranh xuất hiện từ rất sớm. Rodolphe Topffer, họa sĩ người Thụy Sĩ có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử truyện tranh, được xem như cha đẻ của truyện tranh hiện đại. Toffer chế giễu hệ thống giáo dục, tham vọng chính trị, thói hư tật xấu trong xã hội… thông qua các truyện tranh của mình, nhiều khi các truyện tranh của ông được xuất bản liên tiếp trong ba số của một tờ tạp chí. Cuối thế kỷ 19, nhân vật nổi bật trong lĩnh vực truyện tranh là Wilhelm Busch. Sau một số truyện tranh thành công, Wilhelm Busch nhanh chóng trở thành nghệ sĩ truyện tranh chuyên nghiệp. Các tác phẩm của ông lôi cuốn cả người già và trẻ nhỏ, người có học vấn và thất học. Wilhelm Busch tạo ra một bộ sưu tập hình ảnh các nhân vật trong xã hội như: kẻ say rượu, nhà thơ và họa sĩ bất đắc chí, những người giáo viên kém may mắn… Có thể nói rằng, ông là nhà quan sát nhạy bén các hành vi của con người và có khả năng tái hiện, làm sống lại thông qua nét vẽ của mình. Sự phát triển của kỹ thuật in ấn dẫn đến sự ra đời của các báo và tạp chí. Các ấn phẩm này đã sử dụng hình minh họa như một phương tiện, kết hợp cùng những bài viết về các vấn đề chính trị và xã hội. Các nghệ sĩ bắt đầu thử nghiệm việc thiết lập một chuỗi các hình ảnh mang tính ký hiệu để tạo ra một câu chuyện. Đến giữa thế kỷ 20, truyện tranh đã trở nên đặc biệt phổ biến ở Mỹ, Tây Âu (đặc biệt là Pháp và Bỉ). Trong đó, truyện tranh Mỹ nổi lên như một sản phẩm văn hóa đại chúng gắn liền với sự ra đời của báo và tạp chí. Ở châu Á, truyện tranh có nguồn gốc từ nghệ thuật tạo hình truyền thống. Vào khoảng giữa thế kỷ 6 và 7, những cuộn lịch bằng da có hình vẽ ký hiệu biểu tượng thời gian và hình ảnh động vật của Nhật Bản có thể xem như tiền đề của truyện tranh. Đến cuối thế kỷ 13, thuật ngữ “manga” được sử dụng để chỉ các tác phẩm của Suzuki Kankei và Santo Kyoden. Đến đầu thế kỷ 20, tạp chí truyện tranh trở nên phổ biến ở Nhật Bản, đồng thời còn phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng trên thế giới. Những doanh nghiệp kinh doanh manga đẩy mạnh việc nghiên cứu thị trường, điều tra sở thích của người đọc. Nhờ đó, manga rất phát triển ở Nhật thậm chí còn mở rộng thị trường ra một số quốc gia trên thế giới, đem lại doanh thu khổng lồ từ việc xuất bản truyện tranh và những sản phẩm liên quan. Manhua (truyện tranh Trung Quốc) và Manhwa (truyện tranh Hàn Quốc) xuất hiện muộn hơn so với Manga, nhưng cũng đang được phát triển khá mạnh và dần mở rộng thị trường.
Đối với các hình thức nghệ thuật thị giác như truyện tranh và tranh minh họa văn học, cảm xúc không chỉ được xây dựng từ hệ thống tín hiệu quy ước như chữ tượng hình, tượng thanh mà còn bởi các hình ảnh ký hiệu về hành vi như nét mặt, dáng hình, và chuyển động của nhân vật.
So với tranh minh họa cho sách văn học và báo chí, truyện tranh sử dụng tối đa các ký hiệu hình ảnh và ngôn ngữ để chuyển tải nội dung câu chuyện. Các ký hiệu trong truyện tranh như dấu chấm than, dấu hỏi, ô ghi lời thoại… đều mang những tính chất chung của ký hiệu học. Do đặc điểm tập trung vào hình ảnh, lời thoại và các từ tượng thanh nên truyện tranh phát huy ưu thế của ký hiệu học để người xem nhận biết được các thông tin cần truyền đạt. Nói cách khác, truyện tranh là nghệ thuật của việc sử dụng hệ thống dấu hiệu biểu đạt đặc trưng có khả năng truyền đạt nội dung cốt truyện qua kênh thị giác đến người thưởng thức. Truyện tranh ngày nay là sản phẩm của sự liên kết những tiến bộ trong công nghệ in ấn, xuất bản và nghệ thuật đồ họa. Trong sáng tác truyện tranh, người họa sĩ khai thác hệ thống các ký hiệu của ngôn ngữ, hình ảnh đồng thời sáng tạo thêm những ký hiệu mới. Các từ tượng thanh (mô tả âm thanh thực tế) đặc biệt được khai thác trong truyện tranh. Đặc điểm của truyện tranh là truyện được xây dựng bằng hình ảnh, có tính liên tục, nối tiếp, kết hợp hình ảnh với lời thoại và các từ tượng thanh để chuyển tải nội dung. Do đấy, tính ký hiệu của truyện tranh rất cao. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với tranh minh họa tác phẩm văn học là sự kết hợp giữa hình ảnh minh họa và ngôn từ. Hệ thống ký hiệu đã phân chia ranh giới giữa truyện tranh và tranh minh họa truyện.
Một bên, các hình ảnh tuy cũng mang tính ký hiệu nhưng là để minh họa cho nội dung văn học. Ở những truyện văn học này, hình minh họa đóng vai trò góp phần làm sáng tỏ nội dung văn học. Tuy nhiên, nếu thiếu tranh minh họa, người đọc vẫn có thể hiểu được nội dung và cảm thụ tác phẩm thông qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ.
- Lê Văn Sửu -
>>> Vẽ truyện tranh phong cách Nhật Bản (Phần 1)
>>> Vẽ truyện tranh phong cách Nhật Bản (Phần 2)
>>> Học vẽ - Truyện tranh hoạt hình
>>> Họa sĩ minh họa và truyện tranh Shaun Tan