Yếu tố trang trí trong tranh (Phần cuối)
Thay đổi màu sắc không theo quy luật:
Nếu màu sắc trong hội họa ít nhiều còn nệ thực thì trái lại màu sắc trong trang trí được sử dụng thoải mái hơn, tự do hơn. Ngoại trừ một số trường hợp quy định về tính độc dược của thuốc (màu vàng), hay tín hiệu màu trong giao thông (đỏ, vàng, xanh)… thì màu sắc sử dụng trong trang trí muốn đặt vào chỗ nào, đồ vật nào hay đối tượng nào cũng được, miễn là đẹp và thuận mắt. Màu da cô gái có thể xanh như lá, tóc đỏ như son soi bóng bên hồ nước vàng cũng chẳng sao nếu nó là hình trang trí làm ta thích thú, hứng khởi. Cách sử dụng màu như thể hẳn hiếm có trong hội họa từ trước thế kỷ XIX, song lại dễ thấy ở hội họa hiện đại kể từ Hậu Ấn tượng trở đi. Các tác giả Những nền tảng của mỹ thuật – Lý thuyết và thực hành đã có lý khi nhận định: “Một trong những cống hiến nổi bật nhất của các họa sĩ hiện đại là sự tái đánh giá của họ về những tiềm năng tạo hình màu sắc. Màu sắc giờ đây được trực tiếp sát nhập vào hình dáng của hình ảnh trong tranh ở một cách thức tích cực và trực tiếp nhằm tạo ra những mặt phẳng không gian khác nhau của những vùng bề mặt”. Các họa sĩ thời kỳ này muốn phá bỏ truyền thống kinh điển còn được nuôi dưỡng bởi dư âm của thời kỳ Phục Hưng. Theo đó, màu sắc phải thể hiện thiên nhiên và các sự kiện trong cuộc sống một cách hiện thực. Các trường phái xuất hiện vào thời kỳ trước và sau thế chiến thứ nhất, nói chung đều muốn thoát ly quy tắc, khuôn mẫu trước đó. Theo họ, giờ đây màu sắc không còn mang tính miêu tả, và cũng không cần chép lại hoàn toàn thực tế, màu sắc biểu hiện tính cá nhân chứ không phải tính công dân, vẽ là sáng tạo, là chọn ra những đường nét cơ bản của vật thể, sắp xếp chúng lại một cách tự nhiên trên mặt phẳng và tô đậm bằng màu sắc rực rỡ. Phải chăng những quan điểm này vô hình chung đã đưa yếu tố trang trí bước vào thế giới ảo trong tranh. Có lẽ vì vậy mà nhiều tranh của Gauguin tràn đầy xúc cảm trong cách thể hiện giàu yếu tố trang trí. Những hoa văn duyên dáng, những vạt đất, bãi cỏ, dòng suối, lùm cây, hay nhân vật có màu sắc rực rỡ với đường nét rành mạch chẳng cần giống với màu sắc tự nhiên, chẳng cần sự cân đối trong hình thể đã mang lại ý vị thẩm mỹ và hiệu quả bất ngờ.
Trong “Vũ điệu” của Matisse, mỗi nhân vật có một dáng điệu độc đáo, hình người được lược giản bằng những nét khái quát, giản lược khối đến mức gần như phẳng, màu sắc mạnh mẽ cô đọng trong ba sắc đỏ, xanh lục, xanh da trời. Tuy tác giả không hề đưa một yếu tố trang trí nào vào tác phẩm nhưng bức họa vẫn toát lên tinh thần trang trí qua cách xây dựng hình thể và sử dụng màu sắc.
Cũng những mảng phẳng với sắc màu rực rỡ, ở tranh “Xưởng họa đỏ” Matisse giản lược các chi tiết của đồ vật, bức tranh hay tấm thảm và sắp xếp chúng trên một nền phẳng màu đỏ. Tất cả những vật đó điểm xuyết cho bức tranh các mảng màu vàng chanh, xanh ấm chén, quần áo, khăn yếm… Các đồ vật này, do công năng, kết cấu mà hình thành hệ thống nét, mảng trên đồ vật khi ta phân tích dưới góc độ tạo hình. Hệ thống nét, mảng này khi được tái hiện có lựa chọn, khai thác hợp lý trên tác phẩm cũng tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ và đậm chất trang trí. Một điều gần như không phải tranh luận, ai cũng thừa nhận, đó là tranh lụa, tranh sơn khắc giàu tính trang trí. Một trong những nguyên nhân cơ bản trong hai chất liệu này là do đặc trưng chất liệu thể hiện. Lụa, sơn khắc không có khả năng diễn tả sâu về không gian, khối, chất. Nếu lụa có cố tả như sơn dầu thì hiệu quả tạo hình cũng không cao. Do vậy, để khắc họa được đối tượng thể hiện, tranh lụa và tranh sơn khắc phải khai thác tối đa các chi tiết cấu tạo nên đối tượng. Để khái quát được các chi tiết ấy thì không gì khác chính là nét và mảng. Tác phẩm lụa, sơn khắc đẹp là tác phẩm xử lý tinh tế cấu trúc hệ thống nét, mảng.
Choki họa sĩ Nhật Bản khi tả hai thiếu nữ đi trong tuyết rơi ở tác phẩm “Thiếu nữ trong tuyết” đã khéo léo thể hiện vô cùng sinh động các chi tiết về cấu trúc của chiếc ô. Yếu tố trang trí thể hiện ở tổ hợp nét, hệ thống mảng từ chiếc ô đã tạo nhịp điệu, sự hấp dẫn về hình mảng, đậm nhạt và trên hết là vẻ đẹp của bản sắc với đặc trưng nổi bật: tinh tế, trang trọng và tao nhã. Tranh “Bác Hồ” của họa sĩ Nguyễn Thụ khai thác vẻ đẹp trang trí từ đặc điểm về cấu tạo của chiếc liếp tre rất hiệu quả. Cấu trúc đan của từng lớp tre đơn giản, song nhờ đậm nhạt của màu sắc, nét thay đổi mềm mại mà một tấm liếp đơn sơ quen thuộc trở thành hình tượng có trang trí đẹp, duyên dáng và phù hợp với hình ảnh Bác, vị lãnh tụ giản dị, khiêm nhường. Những bức tranh lụa khác của Nguyễn Thụ như “Sàng gạo”, “Bên bếp lửa”, “Dệt”… cũng phát huy tối đa cách làm này và từ đó trở thành một đặc điểm sáng tạo riêng của tác giả. Ngoài ra, ta cũng có thể thấy cách vận dụng này ở nhiều họa sĩ Việt Nam như: Nguyễn Phan Chánh với tranh “Cho chim ăn”, Trần Lưu Hậu với tranh “Qua bản”, “Khâu áo”, hay bức “Vườn trường” của Doãn Tuân, “Mẹ con” của Đinh Trọng Khang… Như vậy, bằng cách nhìn trang trí để quan sát sự vật thì xem ra các sự vật bình thường như cái rổ, cái rá, cái chõng tre… không cứ là cổ truyền hay hiện đại đều có thể trở thành yếu tố trang trí. Đây là cách làm đắc dụng và tiện lợi đối với người vẽ.
Thể hiện đúng đối tượng có gợi yếu tố trang trí:
Đây thực chất là việc chọn đối tượng để đưa vào tác phẩm. Trong thiên nhiên có những bông hoa, cành cây, muông thú, cảnh vật hay hiện tượng… nếu người họa sĩ vẽ đúng như đối tượng sẽ làm cho tranh có phẩm chất trang trí. Nói cách khác, thiên nhiên tự nó có những sự vật, hiện tượng vốn đã đẹp và nhiều yếu tố trang trí chỉ cần người vẽ phản ánh đúng cũng có hiệu quả tạo hình, giá trị nghệ thuật. Chẳng hạn, một lễ hội với đoàn người mặc trang phục màu sắc rực rỡ, rước cờ, kiệu, lọng hay múa rồng trước sân đình chỉ cần ta khắc họa chân thực bằng màu sắc, mảng, nét, không cường điệu hay gia giảm cũng thấy xuất hiện yếu tố trang trí trong thẩm mỹ tạo hình của tác phẩm. Bởi tự thân các đối tượng đó có sắc màu, hình thái, dáng điệu… rất gần với nghệ thuật trang trí. Cách làm này thể hiện rõ trong tranh của họa gia Trung Hoa xưa khi thể hiện các loại thảo mộc như mai, lan, cúc, trúc, tùng, sen hoặc cảnh sinh hoạt ở cung đình hay bản phủ. Tranh của các họa sĩ Việt Nam, như “Lùm tre nông thôn” của Nguyễn Gia Trí, “Cảnh chùa Thầy” của Hoàng Tích Chù, “Thuyền trên bến sông Hồng” của An Sơn Đỗ Đức Thuận, “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ, “Mùa xuân Tây Nguyên” của Trần Hữu Chất, “Thôn Vĩnh Mốc” của Huỳnh Văn Thuận, “Phong cảnh Sài Sơn” của Công Văn Trung, “Ra đồng” của Trần Đình Thọ, “Tre và Chuối” của Nguyễn Văn Bình, “Về nông thôn sản xuất” của Ngô Minh Cầu, “Vườn Đại Phong” của Trần Thanh Ngọc, “Khu gang thép Thái Nguyên” của Bùi Trang Chước, “Hội Gióng” của Nguyễn Nghĩa Duyện… cũng được thể hiện theo tinh thần này.
Tranh "Cảnh chùa Thầy”. Hoàng Tích Chù
Tranh "Cho Chim ăn". Nguyễn Phan Chánh
Tranh "Dân quân". Nguyễn Thụ
Tranh "Dệt". Nguyễn Thụ
Tranh "Mùa xuân Tây Nguyên". Trần Hữu Chất
Tranh "Nhà tranh gốc mít". Nguyễn Văn Tỵ
Tranh "Phong cảnh Sài Sơn". Công Văn Trung
Tranh "Thôn Vĩnh Mốc". Huỳnh Văn Thuận
Tranh "Tre và Chuối". Nguyễn Văn Bình
Tranh "Về nông thôn sản xuất". Ngô Minh Cầu
Tranh "Vườn Đại Phong". Trần Thanh Ngọc
Một số nhận xét từ việc nghiên cứu yếu tố trang trí trong tranh:
Trong các cách trên, thì cách thứ nhất được khá nhiều họa sĩ vận dụng. Người ta thấy họa tiết trang trí trên quần áo nhân vật trong tranh khắc gỗ Nhật Bản, tranh giấy hay tranh lụa của Trung Quốc, trên giấy màu và vải in hoa được dán trong các tranh của Vuillard hay Matisse, họa sĩ Lập Thể cùng nhiều họa sĩ khác. Ta cần chú ý đến một đặc điểm của tâm sinh lý thị giác là chỉ tập trung sự nhìn vào những điểm thật hấp dẫn. Vì vậy, đưa yếu tố trang trí lên tranh một cách hợp lý thì nhìn thấy dễ chịu, bởi bản thân những đồ vật, họa tiết trang trí đã mang sẵn những nét đẹp mà người vẽ có thể khai thác trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Cách thứ hai và cách thứ ba giúp người vẽ được thoải mái hơn, không lệ thuộc vào hiện thực. Thật ra, người vẽ không cần phải truyền đạt thật đúng các khoảnh khắc của tự nhiên như cách ống kính ghi nhận, trong khi ý tưởng cần truyền tải các vấn đề, sự việc hay cảm xúc ở không gian quảng tính và thời gian trường tính. Với hai cách này, ngwofi ta có tiền đề để tạo ra một thế giới nghệ thuật thuần nhất bao trùm bức vẽ, mà ở đó, có thể dung hòa những quan hệ tưởng như không thể giải quyết. Với nghệ thuật, hiện thực có thể được thể hiện theo nhiều cách, bằng nhiều phương tiện, sáng tác tranh không phải chỉ hướng đến tái hiện hình thức bên ngoài mà còn ẩn cả tình lý bên trong, không phải chỉ để có một thế giới thực tại vô hồn mà còn nhằm đem lại cho sự thưởng thức những ý vị tinh tế, uyên thâm.
Qua những điều vừa trình bày, ta thấy cách thứ hai và thứ ba có những ưu điểm như: dễ thực hành, không phải nhất nhất theo phép dựng hình, và các yêu cầu về tỷ lệ của khoảng cách và khối lượng; có sức truyền cảm, không thoảng qua mà ấn tượng sâu bền bởi nội dung súc tích, cô đọng; hình thức nghệ thuật hấp dẫn, có thể kết hợp giữa cách điệu hóa với lược giản hay tả chân. Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, hai cách này cũng có những nhược điểm như: khó dung nạp nhiều lớp cảnh, chiều sâu của tranh hạn chế; khó giữ đúng tỷ lệ giữa cảnh vật và nhân vật do sự chênh lệch về kích thước của các đối tượng rất lớn, nếu không khéo thu xếp thì tính chất của tranh không phải giàu yếu tố trang trí mà là tùy tiện. Hai cách cuối cùng nhấn mạnh vào cảm quan của họa sĩ trong quá trình chọn lọc đối tượng để đưa vào tác phẩm. Điều này không phải là công việc dễ dàng. Bởi trước thực tế muôn nghìn hình vẻ, nhiều khi người ta không biết nên lấy cái gì, bỏ cái gì. Nếu không tinh ý thì khó lựa chọn được những điểm thật đích đáng. Nhìn ở mắt, hiểu ở lòng, ứng ra tay, hiện ra bút là quá trình tạo nên họa phẩm. Như vậy, điều đầu tiên quan trọng đối với người vễ là phải có con mắt biết nhìn ra cái đẹp và có khả năng thể hiện được nó. Việc quan sát và chọn lọc đối tượng đòi hỏi ở người họa sĩ nhiều phẩm chất như: tự chủ, có thị hiếu tốt, biết phân tích… mà phải trải qua rèn luyện mới có được. Tóm lại, cái thật và cái đẹp chỉ bộc lộ với những ai biết nhìn. Sáng tác tranh chính là truyền đạt sự hiểu biết về thực tế và cảm quan của người họa sĩ, vì vậy khi xem một bức vẽ, người ta sẽ thấy tác giả của nó có thật là biết nhìn hay không. Song, các cách trên phải nhằm đạt được hiệu quả cuối cùng là bố cục bức vẽ phải mang tính tổng thể. Chi tiết có đẹp, nhưng nếu xếp đặt không tinh sẽ chỉ tạo nên một mớ hỗn độn, chưa nói đến những phản tác dụng có thể xảy ra. Nhìn theo góc độ tạo hình, một bức tranh đẹp là người vẽ xử lý ổn thỏa các mối quan hệ để tạo nên một tổng thể thống nhất và hài hòa. Việc thể hiện yếu tố trang trí có rất nhiều cách khác nhau, nhưng đều đưa đến kết quả tùy theo sự vận dụng của cá nhân mỗi họa sĩ. Các cách thức cũng chỉ nhằm một mục đích, đạt hiệu quả trên mặt phẳng. Điều căn bản là người vẽ cần am hiểu tường tận, nắm bắt chặt chẽ điều mình muốn diễn đạt, có tay nghề, còn dù vẽ theo lối nào cũng đều đạt kết quả.
Lời kết:
Yếu tố trang trí được nhiều họa sĩ vận dụng thể hiện trong sáng tác. Đó là sự kế thừa, phát triển và sáng tạo. Khai thác và vận dụng chủ động những giá trị của việc biểu hiện yếu tố trang trí sẽ giúp người vẽ mở rộng sự tưởng tượng, kích thích về nhận thức và cảm thụ cái đẹp mà người ta chưa khai thác hết. Công việc sáng tác yêu cầu họa sĩ không chỉ dừng lại ở chỗ chọn đề tài hay yếu tố tạo hình để thể hiện, mà còn là sự lựa chọn thủ pháp nào hữu hiệu nhất, khả năng nào biểu đạt nhất… Do đấy, ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu yếu tố trang trí và các cách thể hiện nó trong tranh.
- Lê Văn Sửu -
>>> Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 1)
>>> Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 2)