Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 2) - Màu

a) Các hạt màu (pigments):

Các hạt vật chất khô có màu được gọi là hạt màu (pigments), hữu cơ (organic) tức có chứa carbon, hoặc vô cơ (inorganic), thường không có tính thẩm thấu hoặc thẩm thấu rất yếu trên các bề mặt vật chất mà chúng tiếp xúc. Vì thế cần chất kết dính để giữ chúng trên các bề mặt đó (trên giấy, canvas, gỗ, v.v.). Chúng không bị hòa tan trong các chất kết dính, song sẽ được phân tán treo lơ lửng trong chất kế dính. Một số hạt màu có nguồn trong thiên nhiên (ví dụ umber và sienna là đất). Các hạt khác là do chế tạo (ví dụ các màu cadmium).

Cần phân biệt hạt màu với phẩm nhuộm. Phẩm nhuộm hòa tan được và thẩm thấu được. Có thể biến phẩm nhuộm thành các hạt màu bằng phương pháp hóa học, tức tách chúng ra khỏi dung môi sau đó hãm chúng bằng một chất vô cơ không màu (thường là muối kim loại như barium sulfate, calcium sulfate, aliminium hydroxide, aluminium oxide) để chúng không bị hòa tan. Những hạt màu loại này được gọi là lake. Ví dụ:

- Indigo (chàm) lake được chế tạo từ thời Ai Cập cổ đại từ lá cây tùng lam (woad), sau đó được nhập từ Ấn Độ;

- Hồng madder lake được lấy từ cây thiên thảo (madder). Màu tổng hợp (synthetic) được gọi là Azarin crimson;

- Carmine lake được chiết từ xác khô con rệp son (phẩm yên chi) (có ở các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới, ở Nam Mỹ và Mexico).

Các hạt màu chế từ phẩm nhuộm thường bị phai màu:

Các hạt màu hữu cơ (organic) thường nhẹ, trong, có độ nhuộm cao (high tinting strength). Các hạt màu vô cơ thường là các hợp chất kim loại, đục (opaque), nặng, và đặc (như cobalt, iron, zinc, …).

- Các hạt màu vô cơ trong tự nhiên như ochre, umber, sienna có trong đất có màu do oxide sắt, hydroxides, kết hợp với đất sét, phấn, và silica tạo ra.

- Các hạt màu vô cơ được tổng hợp trong công nghiệp thường là kim loại. Cũng có các hạt màu vô cơ tổng hợp thay thế cho các màu tự nhiên như đỏ mars và vàng mars.

- Các hạt màu hữu cơ trong tự nhiên thường được chiết từ thảo mộc hoặc động vật (thiên thảo, ngà voi, xương, cây nho)

- Các hạt màu hữu cơ tổng hợp là các hợp chất chứa carbon như quinacridone (đỏ - tím).

Các hạt màu được phân tích theo:

- độ nhuộm (tinting strength): Được thử bằng trộn màu với màu trắng theo tỉ lệ 1:10. Các hạt màu hữu cơ, đặc biệt hữu cơ tổng hợp, thường có độ nhuộm cao hơn các hạt màu vô cơ;

- độ đục – trong: Một số hạt màu hữu cơ hòan toàn trong do cấu trúc phân tử, vì thế được dùng làm màu láng;

- độ bền đối với ánh sáng: Một số hạt màu bền khi vẽ đặc, nhưng lại không bền khi vẽ loãng;

- tốc độ khô: Vermillion (đỏ son, đỏ thần sa, sulfide thủy ngân HgS) khi hòa với dầu thì làm dầu khô chậm hơn, trong khi cobalt làm dầu khô nhanh hơn.

- độ hấp thụ dầu: Một số hạt màu cần nhiều dầu hơn. Càng nhiều dầu thì càng dễ nứt.

b) Đặc tính của màu sơn dầu:

Phụ thuộc vào hãng sản xuất. Vì vậy cần đọc chỉ dẫn trên từng tube màu. Một số hãng nổi tiếng: Lefranc & Bourgeois (1720), Winsor & Newton (1832), Talens (1899), Holbein (1900), Kusakabe (1996), Matsuda.

Trắng:

- Trắng chì [carbonate chì PbCO3: là loại trắng cổ xưa nhất, rất độc, có độ phủ cao (đục), sắc ấm, và nhiều độ chuyển, khô nhanh, nhưng bị đen (chết, bẩn) theo thời gian. Vì độc nên ngày nay trắng chì khá hiếm, thường chỉ được bán cho họa sĩ trong tube nhỏ.

- Trắng bạc: [flake white (trăng vẩy) hay Cremnitz white]: carbonate chì + hydrate chì 2PbCO3 · Pb(OH)2, bị đen khi gặp sulphur hoặc khói. Tên gọi “trắng vảy” (flake white) bắt nguồn từ cách sản xuất các hạt màu trắng chì (Xem bên dưới). Kremnitz hay Cremnitz là một địa danh ở biên giới Hungary – Slovakia, nơi có mỏ chì, còn Krems lại là một địa danh ở Áo nơi người ta làm ra carbonate chì.

- Trắng kẽm (oxide kẽm ZnO): độ phủ yếu (bán đục semi-opaque), không dùng để vẽ lót được, nhưng tốt cho vẽ trong, hoặc viễn cận không khí. Trắng kẽm tinh khiết có sắc lạnh, lâu khô, khi khô tạo thành màng giòn nên dễ bị nứt nếu vẽ dày.

- Trắng titan (titanium dioxide TiO2) được phát hiện năm 1821, được dùng thay thế trắng chì từ 1921 do công ty Mỹ sản xuất đại trà cho họa sĩ, có độ phủ rất cao, bền màu, khô nhanh, không độc, sắc lạnh hơn trắng chì nhưng ấm hơn trắng kẽm, ngả vàng theo thời gian, và kết sợi trong dầu, vì thế thường được trộn với 15 – 20 % trắng kẽm để khắc phục; được coi là màu trắng của thế kỷ 20. Không nên dùng quá nhiều vì trắng titan có xu hướng át các màu khác.

- Trắng óng ánh (trắng xà cừ) (iridescent white = blanc nacré): vẩy mica (khoáng chất silicate) phủ trắng titan, bán đục, phủ lên nền trắng đục cho một màng trắng óng ánh như điệp. - Trắng sứ (ceramic white) (titanic acid strontium): mới được sản xuất gần đây (Holbein), không ngả vàng.

pp sx trang chi

mau chet

anh mau chet

anh ky hieu mau trong duc

anh do duc

Winsor

anh 6

Các hòa trộn gây mất màu (màu bẩn, chết):

- Cerulean (xanh trời) + Indian red (đỏ Ấn Độ) hay ivory black (đen ngà voi)

- Cadmium yellow (Vàng cadmium sáng) + red earth (đỏ đất) , colbalt violet (tím cobalt) - Cadmium orange (da cam cadmium) + burnt sienna (nâu Sienna cháy)

- Ultramarine (xanh biển thẫm) + aureolin (vàng colbalt) - Ultramarine (xanh biển thẫm) + zinc white (trắng kẽm): bạc màu, bệnh “ultramarine chết”.

- Nền có màu nâu đất hoặc đỏ đất thường làm các nửa bóng (mid-shade) tối đi dần.

- Viridian (xanh lục) + cadmium yellow (vàng cadmium) chỉ bền nếu được trộn với zinc white (trắng kẽm).

- Naples yellow (vàng Naples) và colbalt violet (tím colbat) có thể bị bẩn khi tiếp xúc với kim loại (dao vẽ).

- Vermillion (đỏ son hay đỏ thần sa) ngả đen theo thời gian vì sulphide thủy ngân dưới tác động của ánh sáng trong môi trường chứa ion chlor biến thành chất corderoite Hg3S2Cl2. Chất này chịu phản ứng hóa học, sinh ra thủy ngân nguyên chất có màu đen. Vermillion trong tự nhiên có trong tinh thể cinnabar (thần sa) tức quặng thủy ngân, thường thấy ở các mạch khoáng chất thuộc vùng núi lửa hay suối khoáng.

anh 7

Cường độ chia theo tốc độ khô:

Khô nhanh (trong vòng 2 ngày):

- Umber (nâu đen): bền, dẻo lỏng (flexible)

- Aureolin (vàng cobalt)

- Burnt sienna (nâu Sienna nung): khá mạnh

- Trắng chì: dễ hòa hợp

Khô vừa (khoảng 5 ngày):

- Cerulean (xanh trời): khá dẻo lỏng

- Raw sienna (nâu Sienna sống): bền, khá mạnh

- Xanh cobalt (cobalt blue): giòn

- Tím colbalt (cobalt violet): khá giòn

- Đỏ oxide sắt: mạnh - Lục chromium oxide: khá dẻo lỏng

- Vàng Naples: mạnh

Khô chậm (nhiều hơn 5 ngày – 1 tuần):

- Lục đất (terre verte): mềm, dẻo lỏng

- Vàng đất (yellow ochre): khá mạnh

- Đen ngà voi (Ivory black): mềm, giòn

- Vàng cadmium: dẻo lỏng

- Trắng titanium: giòn

Khô rất chậm:

- Trắng kẽm: giòn

- Đen muội đèn (Lamp black): mềm

ảnh khung Tránh dùng đen ngà voi (ivory black) để vẽ lót hoặc phác vì rất lâu khô;

Độ bền (với ánh sáng):

Phân loại cuả Winsor & Newton:

AA: rất bền, A: bền, B, C. v.v.

(i): ‘A’ có thể bị bạc mầu nếu dùng với màu có (i)

(ii): Không chắc đã chịu được ẩm

(iii): Bị tẩy đi khi tiếp xúc với môi trường có acid (ví dụ trong không khí)

(iv): Màu dao động: để ra sáng thì bị bạc đi, nhưng khi để vào chỗ tối thì lại hồi phục lại

(v): Không dùng được với trắng chì pha loãng vì sẽ bạc đi

(vi): Loại ‘A’ với màu hãm

Phân loại của Mỹ:

ASTM (American Standard Test Measure): I (tuyệt), II (rất tốt), III (khá), IV (trung bình), V (kém)

Phân loại của Anh:

Blue Wool Standard: 1 – 3 (bạc màu trong 20 năm), 4 – 5 (20 – 100 năm), 6 (rất tốt), 7 - 8 (tuyệt).

Một số hãng như Lefranc & Bourgeois, Holbein v.v. dùng sao (*) để chỉ độ bền phơi sáng. Màu càng nhiều sao càng bền.

Giá của màu phụ thuộc vào giá và hàm lượng hạt màu (pigments). Màu hạng cho họa sĩ (artist grade) được chế từ các pigments đắt tiền, có hàm lượng pigment cao, ít hoặc không có phụ gia, và được xếp theo series number, từ 1 đến 6. Số series càng cao giá càng đắt. Màu hạng sinh viên (student grade) được chế từ các pigment rẻ tiền, chứa ít pigment, nhiều phụ gia, thường có giá đồng hạng và không có series.

- Nguyễn Đình Đăng -

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 2)

0976984729