Art Deco trong lịch sử Design
Cũng như nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật design hình thành với tư cách tìm đến cái đẹp, mang lại giá trị tinh thần cho con người. Tuy nhiên, nghệ thuật design thường chứa đựng công năng riêng biệt gắn với yếu tố kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho đời sống vật chất xã hội. Theo thời gian, đặc biệt từ thế kỷ 20 đến nay design được nhìn nhận là một loại hình nghệ thuật quan trọng trong xã hội hiện đại. Nó không chỉ đánh dấu sự tiến bộ của nghệ thuật phục vụ đời sống tiện ích mà hình thành ngày càng hoàn thiện như một thời đại design mang tính công năng lan tỏa về mỹ cảm, mà hơn hết là sản phẩm design ngày càng đem đến nhận thức cái đẹp mới bởi tiếng nói tự thân của tạo dáng, hình, màu trên design. Đó cũng chính là sản phẩm của thời gian, lịch sử đã ghi lại những bước tiến của design hòa chung cùng dòng chảy của lịch sử design thế giới.
Sự ra đời của nghệ thuật trang trí Art Deco
Nghệ thuật trang trí hiện đại với tên gọi Art Deco đã ra đời từ tổng hòa mối quan hệ trên khi mà mỗi lĩnh vực đã tiến tới những thành tựu đáng kể. Thời kỳ này tại Pháp hội tụ đủ những điều kiện khiến cho trào lưu Art Deco ra đời và trở thành một trường phái nghệ thuật trang trí mới, biểu hiện cho một lối sống thời thượng những thập niên đầu thế kỷ 20 của Châu Âu và thế giới.
Năm 1925, sau cả quá trình trì bị trì hoãn do chiến tranh thế giới I, cuộc triển lãm quốc tế nhằm tôn vinh nghệ thuật trang trí công nghiệp hiện đại cuối cùng cũng đã được tổ chức tại Pháp, mang tên “Exposition Internationale des Arts Décoratifs et Industriels Modernes” dịch là Triển lãm quốc tế về nghệ thuật trang trí và công nghiệp hiện đại. Art Deco là tên viết tắt của “Art Dé’coratifs”.Art Deco mang dấu ấn của nghệ thuật trang trí với tinh thần hiện đại, do đó một cách tự nhiên đã hướng tới quan hệ hữu cơ với Design hiện đại.
Đặc điểm nghệ thuật chung của Art Deco
Art Deco chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn nghệ thuật khác nhau: ngay chính tại Pháp cuối thế kỷ 19 phong cách Tân cổ điển (Neo Classical) đã lan rộng trong lĩnh vực thiết kế đồ nội thất. Một số họa sĩ lúc này đi theo phái hiện đại của Chủ nghĩa cấu trúc Nga (Constructivism), trường phái Dã thú (Fauvism) và Lập thể (Cubism), Vị lai (Futurism) nên việc sử dụng màu sắc sống động, gây sốc qua tương phản mạnh, tạo hình theo lối phân mảng và góc cạnh... sự tiếp nối từ phong cách trẻ Art Nouveau đang phổ biến khắp Châu Âu bấy giờ.
Các yếu tố trang trí hiện đại và sự lớn mạnh của khoa học kỹ thuật diễn ra không ngừng từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 khiến cho guồng quay cuộc sống và cách tư duy quan điểm sống thay đổi. Vì vậy, Art Deco được xem là “phong cách đậm chất trí tuệ”.
JACQUES ESMILE RUHLMANN - Bàn và ghế, Paris 1919
Các hình tượng và biểu tượng nghệ thuật mới đạt tới nhu cầu cần biểu đạt các giá trị mới “tân thời” trong một xã hội hiện đại lúc này là vô cùng thiết yếu đối với mọi người đặc biệt là lớp trẻ. Một mặt do quy luật (khách quan) phát triển xã hội đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa chi phối, một mặt do nhu cầu (chủ quan) tiêu thụ vật chất ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai điển hình là phim ảnh Mỹ Holywood và lối sống hưởng thụ đem lại. Chính vì điều đó Art Deco vừa phô trương, xa hoa, nhưng lại cũng tao nhã, thanh lịch, quyến rũ, và diễm lệ.
Các kỹ thuật thể hiện: Gồm các kỹ thuật truyền thống và hiện đại:chạm khảm vỏ trai, cẩn, phun chuyển màu, phủ bọc nhung, bọc da, các kỹ thuật làm giả chất liệu, mạ vàng, sơn mài…
Thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu: Dùng nhiều tới các yếu tố tương phản mạnh từ chất liệu tới màu sắc và khéo léo sử dụng các điểm nhấn rất đắt trong mỗi thiết kế. Ví dụ gam màu đen hoặc trắng phối hợp với xanh, đỏ, tím, thêm chút hiệu ứng bóng bẩy của kim loại là nét đặc trưng thường thấy, đôi khi kết hợp thêm tông xám nhã nhặn cho thêm phần mềm mại và thư thái. Bề mặt các chất liệu thường được miêu tả “bóng nhoáng - láng mịn”. Trang trí có trọng điểm. Art Deco là sự kết hợp giữa nghệ thuật thủ công và những đường nét vay mượn cải biên hiện đại nhằm tạo ra một ấn tượng xa xỉ, mới mẻ cho tầng lớp thượng lưu Châu Âu và Mỹ bấy giờ. Đặt nặng hình thức và công năng, cùng bắt nhịp theo xu thế chung của chủ nghĩa công năng hiện đại mà Design hiện đại đang trên đà phát triển.
Sự ảnh hưởng đối với một số lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng
Lĩnh vực trang trí nội thất
Art Deco nhanh chóng trở thành một trào lưu nghệ thuật quốc tế, không chỉ với Châu Âu, tại Mỹ Art Deco cũng có nhiều ảnh hưởng đáng kể. Lĩnh vực thiết kế đồ nội thất được coi là đã ứng dụng phong cách Art Deco nhiều nhất, đi bên cạnh lĩnh vực kiến trúc. Sự thống nhất đó đã tạo ra những thành tựu đáng kể. Các công trình nổi tiếng như: Chrysler ở New York Mỹ là tòa tháp cao nhất thế giới trong những năm 1930, tòa tháp có phần chóp nhọn vươn cao và tỏa sáng nhờ sự trang trí bằng một bề mặt lớn thép không gỉ lấy ý tưởng từ các tia sáng mặt trời. Sảnh tòa nhà Empire State là sảnh lớn với những mảng hoa văn hình học sắc nét chiếu sáng... tất cả tạo ra sự hoành tráng của vật liệu và công nghệ cùng thấm đẫm chất xa xỉ tới tận cùng của nghệ thuật trang trí. Bên trong những không gian kiến trúc như vậy, cách trang trí nội thất và cách thiết kế các đồ nội thất nhất thiết phải tạo tổng thể ăn nhập. Từ các hoa văn trang trí hình học nhanh chóng được triển khai sang các loại trần phào, cửa, vách ngăn,... Tinh thần Art Deco được khai thác triệt để trong việc tạo ra một diện mạo mạnh mẽ, sang trọng, lôi cuốn. Lĩnh vực thiết kế nội thất có sự gắn kết chặt chẽ đối với nghệ thuật trang trí bởi chủ yếu được làm từ nguyên liệu tự nhiên và phương thức thủ công vẫn là cách làm phổ biến. Tầng lớp trung thượng lưu vẫn có nhu cầu sử dụng đồ dùng được làm bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ, chính vì lẽ đó, đồ dùng nội thất trong thời kỳ này vô cùng tinh xảo, mang sắc thái nghệ thuật truyền thống nhưng cải tiến theo phong cách hiện đại, đơn giản và giàu tính sáng tạo.
Ví dụ điển hình là chiếc ghế của người nghệ sĩ, nhà thiết kế Maurice Dufrene (1876 - 1955), ghế có chất liệu từ gỗ quý đào hoa tâm kết hợp cùng vải bọc từ lụa tạo cảm giác ngồi thoải mái, có chỗ dựa của hai tay và là một phần trong chỉnh thể kết cấu cái ghế, bề ngang của ghế rộng rãi và tuy làm từ gỗ nhưng được gọt giũa tạo ra phần xoắn lượn ở phần điểm cuối nơi tay dựa, nhìn duyên dáng và nhẹ nhõm. Các phần ghép nối giữa các mảng vải tạo ra các đường kẻ song hành cùng nhau và đó cũng chính là hình thức trang trí cho chiếc ghế một cách sáng tạo mà vô cùng đơn giản.
MAURICE DUFRENE - Ghế. Paris 1913. 76x48cm
Đến với Jean Dunand (1877-1942) một người chuyên về làm đồ nội thất sơn mài đã thành công trong việc thiết kế phòng hút thuốc lá cho đại sứ quán Pháp,dự án tham gia ở triển lãm "Exposition Internationale des Arts Decoratifs et Industriels Modernes" 1925. Đồ nội thất làm từ sơn mài, không gian phòng được tạo bởi các góc của hình tám góc xếp lần lượt thành dãy theo lối zigzac, tường chính là vách được sơn mài đen, nhắc lại cùng màu đen của chiếc bàn vuông nơi giữa phòng, bốn cái ghế xung quanh bàn có các diện lớn màu bạc. Phía cạnh là những chiếc gối dựa với hoạ tiết hình học, là điểm tương phản với những mảng trơn khác, vẫn đảm bảo tính thống nhất chung cho lối design của toàn bộ gian phòng. Jean Dunand hẳn đã hình dung cảnh hút thuốc của những mẫu người trí thức lịch lãm và thức thời trong bộ vest sẫm màu, cổ áo trắng sẽ tạo ra phong cách chuẩn mực mà vẫn phóng khoáng như thế nào.
Jacques - Émile Ruhlmann(1879 - 1933), là một nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp trong lĩnh vực đồ nội thất. Năm 2009, ông được gọi là “nghệ sĩ vĩ đại nhất của Art Deco” theo bình chọn của tờ New York Times. Những thiết kế của ông là sự pha trộn tài tình giữa truyền thống và hiện đại. Kiểu dáng tao nhã, cách chuốt gọt các chi tiết vô cùng tinh tế, tạo cảm nhận thanh lịch và quyến rũ, đậm chất nghệ thuật Pháp.
Tại Mỹ, khách sạn Omni William Penn lấy gam màu vàng gold sang trọng là chủ đạo, phối hợp với màu đen, các đồ trong gian phòng như ghế, đèn, thảm, cửa, trần nhà… đều thống nhất về lối trang trí dạng hình học, điểm nhấn là chiếc đèn với kiểu các tia nhọn hướng ra xung quanh đang là mốt lúc bấy giờ.
Như vậy, Art Deco xuất phát điểm là nghệ thuật trang trí nhưng bên cạnh việc xác lập các mô típ trang trí kỷ hà mới mẻ, còn xác lập hướng đi cho Design hiện đại. Việc chuyển hướng sử dụng các vật liệu mới đặc biệt là nhựa, thép không gỉ, gương kính, gỗ công nghiệp, mạ Crom,... đã mang đến cho phong cách nội thất Art Deco thực sự phù hợp với sản xuất công nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được tính trang trí mà các phong cách nghệ thuật trước chưa làm được, điều này vẫn đúng đến ngày hôm nay. Và Art Deco trong vai trò định hướng bởi cách trang trí quy về các dạng hình học cơ bản, trang trí hợp lý gắn với công năng, khuynh hướng của form dáng tối giản ngày càng phổ biến trong các cao ốc, văn phòng, nhà ở, không gian công cộng hiện nay. Nhịp sống hiện đại nhanh gọn buộc phải đi theo hướng công năng hoá. Đặc biệt các đô thị với không gian sống ngày càng bị thu hẹp thì việc tổ chức bố trí sắp đặt đồ vật phải hết sức khoa học, những mô típ trang trí bớt đi, chỉ nhấn nhá một cách tinh tế và nhường chỗ cho những mảng diện trống lớn đặc biệt là những mảng kính tấm lớn của các khối nhà cao tầng. Theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các vật liệu mới liên tục được ra đời và kết hợp sử dụng công nghệ thông minh hơn. Dựa trên kết cấu hình học, các hình thức modun, các sản phẩm tự lắp lẫn, các sản phẩm tiện ích 2 trong 1, sản phẩm tiết kiệm, thân thiện...là xu hướng chung của người tiêu dùng ngày nay. Sự nhất quán lựa chọn 1 phong cách trang trí nội thất được đề cao. Về màu sắc những gam màu trung tính luôn được ưu tiên hơn cả, những bộ màu được tối ưu hoá, thể hiện rõ các khuynh hướng từ cổ điển, lãng mạn, vintage, đến hiện đại, tối giản... Những thực tế ngày nay cho thấy rõ hướng đi theo phong cách hiện đại: đơn giản, hiệu quả mà Art Deco đã đi tiên phong là đúng đắn nhất, rồi từ nền tảng đó sáng tạo bắt nhịp với những xu thế mới của thời đại.
Lĩnh vực thiết kế đồ hoạ
Với mảng thiết kế poster, áp phích trong thời kỳ này phải kể đến các thiết kế của nhà thiết kế người Pháp A.M. Cassandre(1901-1968). Áp phích của ông thể hiện phong cách của thời kỳ thiết kế cổ điển từ cuối những năm 1920 đến giữa năm 1930. Áp phích của ông kết hợp những hình ảnh táo bạo với một sự đơn giản cách điệu và kiểu chữ hiện đại. Sắc thái nghệ thuật hướng đến vẻ đẹp trữ tình nhưng cũng đậm màu sắc lý trí mạch lạc, rõ ràng, nhất là cách sử dụng chữ to khỏe mạnh mẽ!
A.M.Cassandre - Áp phích cho Pivolo. 1925. 61x94cm
Lĩnh vực thiết kế đồ hoạ trong một thế kỷ của công nghệ thông tin hiện nay là công cụ vô cùng đắc dụng bởi khả năng thể hiện của nghệ thuật rất mạnh mẽ. Đồ hoạ biểu đạt cách giao tiếp, truyền thông qua ngôn ngữ hình ảnh và nghệ thuật chữ typography. Những đổi thay trong quan điểm Art Deco đối với đồ hoạ là nền tảng của đồ hoạ hiện đại ngày nay. Đó là cách thể hiện yếu tố hình cận cảnh thông qua minh hoạ gợi tả - chắt lọc - cô đọng, cách dùng chữ không chân đơn giản, các yếu tố đồ hoạ khác nhất quán. Cách làm đó cho đến nay vẫn là cách thiết kế bài bản. Ngày nay, máy tính tuy đã tạo ra rất nhiều hiệu ứng, kỹ xảo mà trước đây chưa thể có nhưng cũng chính vì vậy thì sự lựa chọn các yếu tố đồ hoạ sao cho “đắt” và sự tiết chế khôn ngoan mới là quan trọng. Sự lạm dụng công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số phổ biến đến mức bão hoà và nhàm chán. Qua đó, học hỏi tinh thần của đồ hoạ Art Deco: tinh tế trong biểu cảm, gây ấn tượng mạnh bằng thủ pháp tương phản nhưng vẫn hài hoà, thống nhất về phong cách, truyền tải thông điệp sáng rõ vẫn luôn mang lại giá trị trong mọi trường hợp.
Lĩnh vực Thời trang
Sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân đã thổi bùng ngọn lửa tinh thần trong suốt một thập kỉ… Thời trang cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Khái niệm “người phụ nữ mới”, “người phụ nữ tân thời” ra đời. Sự gợi cảm và táo bạo trong trang phục nữ giới được chấp nhận. Những xu hướng thời trang thịnh hành trong thời kì này là kiểu tóc bồng ngang vai, váy eo xệ và cổ áo khoét hình chữ V quyến rũ... Và chính lúc này, bình minh của thời đại Art Deco bắt đầu. Sự xa xỉ, sang trọng của lông vũ được thay thế bằng những chất liệu có tính ứng dụng cao hơn. Những gam màu rực rỡ tươi tắn thế chỗ cho những gam trầm buồn của thập niên trước. Những họa tiết hình khối giản đơn mang tới sự mới mẻ, trẻ trung hơn những bộ trang phục đơn sắc nhàm chán. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là Paul Poiret (1879-1944), J. Lanvin, và Coco Chanel - người tạo nên cuộc cách mạng thời trang nữ giới sau đại chiến thứ I.
Thời trang giờ đây đã chinh phục những giới hạn cao cả trong nghệ thuật lẫn ứng dụng, tuy nhiên sự quay vòng của các mùa mốt vẫn mang đầy âm hưởng hiện đại của Art Deco. Mốt tua rua, hoa văn hình học trừu tượng, những đường cắt đơn giản vẫn chưa bao giờ lỗi mốt. Cái chính là Art Deco đã khai sáng cho một ngành công nghiệp mới - công nghiệp thời trang lên ngôi.
Sự phát triển Art Deco để lại cho Nghệ thuật trang trí và Design công nghiệp là điểm gặp gỡ giao thoa, là bước định hình tiên phong trong thẩm mỹ công nghiệp (nghĩa là thẩm mỹ đối với hàng sản xuất công nghiệp). Các chủ đề của thế giới tự nhiên vẫn được khai thác triệt để qua hình thức cách điệu các họa tiết hoa văn theo lối kỷ hà hóa.
Lời kết
Thế kỷ 20 đã cho ra đời những tiêu chuẩn khắt khe đối với nghệ thuật, vốn dành cho tầng lớp tiến bộ của xã hội.Đó chính là phong cách nghệ thuật trang trí hay còn gọi là nghệ thuật thị giác Art Deco. Art Deco là sự công nhận sự cần thiết phảihiện đại hóa truyền thống đồng thời thích ứng với thời đại để sản xuất những thiết kế mang tính công nghiệp hơn. Art Deco là một trường phái nghệ thuật và trang trí mang tính triết trung (thời đại tập hợp các quan điểm, tư tưởng từ nhiều phong cáchnghệ thuật đối lập nhau). Có thể nói Art Deco đã phản ánh tính đa nguyên của thế giới đương đại. Art Deco đã thành công trong việc tạo ra một phong cách đại chúng nhưng vẫn mang được nét tinh tế, sang trọng và trang trí.Có thể nói Art Deco như là biểu tượng của nhu cầu thay đổi, năng lực vận động để tìm kiếm những giá trị mới - giá trị của sự gọt giũa tìm kiếm cái tinh hoa. Và như một quy luật tự nhiên, trong thế kỷ 21 này, những thành quả của Art Deco vẫn tiếp tục đặt nền tảng cho những bước phát triển không ngừng của mỹ thuật ứng dụng.
- Trần Ngọc Anh -
>>> Giáo trình trang trí cơ bản