Giai đoạn hình thành và phát triển của tranh kính màu

Kính màu được khám phá tình cờ trong quá trình lao động của người thợ làm gốm và kim hoàn, thời gian đầu kính mờ đục nhưng lại vô cùng quí giá. Thời đại của kính bắt đầu khoảng năm 2750 đến 2650 trước Công Nguyên, khi lối kiến trúc nổi hình chuỗi hạt của Ai Cập thịnh hành.

Trải qua nhiều quá trình phát triển, kính cũng có sự tiến hóa, từ các kỹ thuật sản xuất cho đến sự xuất hiện màu sắc trên kính. Sự sáng tạo trong nghề thủ công làm kính màu đã dần hình thành một kỹ thuật kính màu. Về sau người ta dùng các khung sắt để gắn các mảnh kính lại với nhau, cũng nhờ vào phương pháp này mà tranh kính có cơ hội được sử dụng rộng rãi với kích thước lớn hơn. 

“Dựa vào các di tích được tìm thấy ở Pompeii và Heraculaneum, Ý, kính màu được sử dụng đầu tiên trong các cung điện, trong các lâu đài và dinh thự của người La Mã thượng lưu vào thế kỷ đầu sau Công Nguyên. Vào thời điểm này, tranh kính màu luôn được những tầng lớp quí tộc sử dụng trong trang trí cho ngôi nhà của họ.”

tranh kinh mau 1

Bảo tàng Anh hiện nay đang giữ hai đồ vật làm bằng kính màu tốt nhất của thời La Mã. Đó là chiếc cốc Lycurgus (H.01) màu vàng sậm nhưng lại phát ra màu đỏ tía khi ánh sáng đi qua và lọ Portland (H.02) màu xanh thẫm có các đường màu trắng chạy trên thân bình.

Vào thế kỷ IV và V, các nhà thờ Cơ đốc giáo đầu tiên đã có nhiều cửa sử dụng các hoa văn trang trí làm bằng chất liệu thạch cao mỏng, tạo nên hiệu ứng giống như kính màu (H.03). Các kiến trúc sư Hồi giáo vùng Tây Nam có kỹ thuật cao hơn, họ đã biết sử dụng kính màu để tạo ra hiệu ứng ánh sáng (H.04). 

Hiện nay người ta vẫn còn lưu giữ một số chi tiết kính màu từng được sử dụng để trang trí cho nhà thờ Thánh Martin ở Tours, theo những nhà nghiên cứu thì nó được làm từ thế kỷ thứ VI sau công nguyên.

Tại nhà thờ Thánh PAUL ở Jarrow có một số mảnh kính rời còn sót lại có nhiều khả năng cùng một thời với nền móng của tu viện được xây dựng vào thế kỷ VII. 

Đến thế kỷ thứ X tranh kính đạt đến đỉnh cao và bắt đầu được coi là lĩnh vực nghệ thuật nhưng phần lớn là để phục vụ cho các công trình kiến trúc Ki -Tô-Giáo. Những bức tranh hoành tráng có khả năng tỏa sáng nhờ ánh sáng trời đã tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy và huyền bí, tăng thêm bội phần không khí linh thiêng của các thánh đường. Nhờ vào khả năng này mà ngay từ thời Trung Cổ nghệ thuật tranh kính đã được coi là một bộ phận không thể thiếu trong việc truyền bá Ki - Tô - Giáo và được coi là công trình do Chúa Trời sáng tạo ra, nó trở thành những bức tranh quan trọng và được sử dụng để minh hoạ cho các câu chuyện trong kinh thánh dành cho số đông quần chúng không biết chữ.

Từ thế kỷ thứ X đến XI, tranh kính rất được ưa chuộng. Nhiều xưởng làm tranh kính xuất hiện, họ có trữ lượng silic điôxít sẵn có và các nguyên liệu cần thiết để sản xuất tranh kính màu. Người ta tạo nên màu sắc của kính bằng cách dùng lò nung chảy kính được chứa trong nồi bằng đất sét, sau đó thêm các ôxít kim loại vào trong quá trình nung. Kính được tạo màu theo phương pháp này được gọi là thủy tinh lỏng (pot metal). Nếu thêm ôxít đồng vào ta được màu xanh lá, thêm côban vào được màu xanh  sẫm (blue), thêm vàng vào ta được màu đỏ. Ngày nay, để tạo ra màu đỏ, người ta sử dụng chất liệu khác rẻ hơn vàng nhưng lại cho ra một sắc đỏ sáng và tươi hơn.

tranh kinh mau 2

Dấu tích của năm bức tranh kính trên các cửa sổ nhà thờ Augsburg tại Đức được làm vào đầu thế kỷ thứ XII, là những tác phẩm có một giá trị lớn đối với lịch sử nghệ thuật tranh kính màu còn sót lại đến ngày nay, đây là những bức tranh mô tả các nhà tiên tri trong kinh thánh. Xem tác phẩm “Daniel” (H.05) ta thấy được vẽ thô ráp của chất liệu, nhân vật được thể hiện theo lối tạo hình ước lệ, mang đậm nét trang trí, riêng các dòng chữ được thể hiện rất sắc xảo, với lối bố cục chặt chẽ, phần chân dung nhân vật chiếm phần lớn diện tích bức tranh, phần không gian nền phía sau rất ít, các chi tiết cũng như màu sắc của tranh tuy ít nhiều bị ảnh hưởng qua thời gian dài tồn tại nhưng vẫn giữ được độ sắc nét và rực rỡ vốn có của chất liệu. Ta cũng không thể bỏ qua bức tranh chân dung“Bespectacled hoàng đế” (H.06), được thể hiện vào thế kỷ thứ XIII bằng chất liệu kính màu ghép là một trong số cửa sổ của Nhà thờ chính tòa Strasbourg hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng de l'oeuvre Notre-Dame. Đây là một tác phẩm có giá trị, được nhiều người yêu thích. So với tác phẩm “Daniel” thì tác phẩm này đã có một bước tiến dài, nhất là các chi tiết trên chiếc áo hoàng bào, vương niệm, vòng hào quang và ngai vàng được thể hiện rất kỹ lưỡng, góp phần diễn tả được nét quý phái, sang trọng của một vị vua. Chân dung của vị vua cũng diễn tả được cái thần của một người có uy quyền, được thể hiện với tỷ lệ cân đối, bố cục như chật kín với hai lính hầu phía sau. Xem tranh ta thấy rõ sự ảnh hưởng của trường phái hội họa cổ điển như tranh sơn dầu theo lối vẽ hình khối. 

Vào giữa thế kỷ XII, Vị linh mục Suger người cai quản nhà thờ Sain Denis ở Pari (từ năm 1122 – 1151) là người có công đưa nền nghệ thuật tranh kính sang một trang sử mới. Dựa vào mối quan hệ là người bạn tâm phúc của Vua Loui VI và Vua Loui VII, ông đã thuyết phục được nhà vua cấp tiền ủng hộ, nhờ đó Suger đã mạnh dạn cải tiến các nhà thờ Thiên Chúa Giáo một cách bài bản, sự thay đổi này đã sản sinh ra một trường phái kiến trúc lẫy lừng và để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử kiến trúc - trường phái Gothic. So với trường phái Roman, trường phái Gothic có nhiều thay đổi. Sự khác biệt dễ dàng nhận thấy nhất giữa hai lối kiến trúc Trung cổ này là trong khi kiến trúc Roman theo kiểu vòm cong tròn thì kiến trúc Gothic lại theo kiểu vòm nhọn. Hệ thống kết cấu nhà thờ Gothic là một hệ thống không gian lớn, dùng khung chịu lực, tách biệt rõ rệt giữa kết cấu chịu lực và kết cấu ngăn cách, với những thành phần chính tính từ đổ mái xuống là: vòm mái hình múi có sống, cuộn nhọn, cột và cuộn bay. Hệ thống đã tạo cho kiến trúc những không gian rộng, khoáng đạt và một khung cảnh nội thất nhẹ nhàng, tràn ngập ánh sáng. Hệ thống kết cấu vòm Gothic giải được những bài toán xây dựng vòm có hình chiếu trên mặt bằng hình chữ nhật, điều mà hệ thống kết cấu vòm Roman chưa giải quyết được. Trong đó cuốn bay là một thành phần quan trọng của hệ thống kết cấu nhà thờ Gothic, chia sẻ với cột tải trọng của vòm, làm giảm tiết diện của cột, khiến cho công trình có thể mở cửa sổ lớn được. Nhờ vào yếu tố này kiến trúc Gothic có cửa sổ nhiều hơn và kích thước cửa sổ lớn hơn kiến trúc Roman. 

Trước khi kiến trúc Gothic ra đời tranh kính chỉ có những kính thước nhỏ bởi kiến trúc của các nhà thờ Ki-Tô-Giáo chủ yếu theo phong cách Byzantium và Roman, được liên kết bởi những bức tường dày, có nhiều cột lớn chịu lực đỡ các mái vòm  hoặc khung tò vò đồ sộ. Với kỹ thuật mái vòm của Gothic các bức tường không còn chịu lực như trước, nhờ đó có thể mở tối đa các khoảng trống để đón nhận ánh sáng tự nhiên và đây cũng là cơ hội để tranh kính màu phát huy thế mạnh của mình.

>>> Tranh kính nghệ thuật

 

 

 

0976984729