Xem tranh
Không cần phải tỏ tường nghệ thuật mới có thể ngắm các tác phẩm, nhưng nếu có kiến thức vững vàng, ta sẽ hiểu thêm nhiều điều khi thưởng lãm.
Tranh vẽ cái gì?
Một trong những thứ đầu tiên, mang tính quyết định của tranh là nó nói lên điều gì. Hội họa được chia thành nhiều nhóm, hoặc nhiều loại, dựa vào những gì tranh thể hiện. Các loại tranh chính gồm tranh kể chuyện, chân dung, phong cảnh và tĩnh vật. Tất cả sẽ được giải thích chi tiết hơn ở các trang sau. Bức họa này do Raphael vẽ, vốn là cảnh trong câu chuyện về giấc mơ của một chàng hiệp sĩ. Hai phụ nữ chỉ là nhân vật trong mơ chứ không phải người thực.
Cảnh mộng của chàng hiệp sĩ (Vision of a Knight, khoảng 1504) của Raffaello Sanzio, nghệ danh là Raphael; màu keo trứng trên gỗ dương, 17 x 17cm. Chàng hiệp sĩ đang thiếp ngủ và mơ về lựa chọn khó khăn của mình, giữa một bên là bổn phận (tượng trưng bởi nhân vật nghiêm nghị bên trái), và lạc thú (thể hiện qua người phụ nữ xinh đẹp bên phải)). Rất có thể Raphael đã vẽ chàng dựa vào người hùng La Mã Scipio, vốn theo tích truyện cũng có giấc mơ tương tự.
Bố cục ra sao?
Khung cảnh trong tranh thường được sắp xếp (bố cục) theo một cách nhất định. Các nhân vật hoặc đồ vật quan trọng thường sẽ lớn hơn, sáng màu hơn hoặc được đặt ở vị trí trung tâm, khiến ta hướng sự chú ý trước nhất. Như ở bức tranh này, người xem tự động nhìn chàng hiệp sĩ đầu tiên. Chàng nằm ở khoảng giữa hai bức tranh, trong tầm mắt của người phụ nữ.
Tranh có kết cấu tam giác, chia đôi bằng cái cây.
Đường dóng từ mắt của hai người phụ nữ gặp nhau tại đầu chàng hiệp sĩ.
Ý nghĩa thế nào?
Nghệ sĩ thường giấu những manh mối hoặc biểu tượng vào tranh để giúp bạn đoán định ý nghĩa của bức họa. Đôi khi, những manh mối đại diện cho vài tư tưởng phổ quát. Chẳng hạn, sách và gươm trong bức tranh trên tượng trưng cho học vấn và chiến trận, trong khi nhành hoa là hiện thân của vẻ đẹp và lạc thú. Các biểu tượng cũng giúp ta nhận biết danh tính người trong tranh. Các nhân vật được nhiều người biết tới, như các vị thánh, thường được vẽ với biểu tượng gắn với cuộc đời họ. Bởi thế, các chuyên gia có thể khẳng định được đó là vị thánh nào.
Tranh để làm gì?
Nắm rõ nguyên cớ đăng sau nét cọ sẽ giúp ta ngắm tranh được sâu hơn. Tranh được dùng để trang trí cho một lâu đài, treo trong nhà thờ để mọi người cầu nguyện? Hay tranh được vẽ ra để trưng tại bảo tàng cho người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tìm tòi tư tưởng ẩn sau đó? Liệu nó có mang thông điệp về chính trị, xã hội hoặc đạo đức hay chỉ đơn thuần diễn tả cảm xúc?
Tranh của Raphel Cảnh mộng của chàng hiệp sĩ được đặt vẽ. Có vẻ như người đặt tranh đã cho tác giả biết phải vẽ gì. Rất có thể đó là tặng phẩm dành cho một quý tộc trẻ tuổi, với mục đích khơi gợi suy nghĩ của chàng. Còn bức họa Tại nhà hát được vẽ vì sở thích – nó không hề có thông điệp nào rõ ràng. Họa sĩ Pierre-Auguste Renoir đã vẽ theo ý mình, và người ta mua tranh của ông cũng bởi họ thích những gì họ thấy mà thôi.
Tại nhà hát (At The Theatre, 1876-1877) của Pierre-Auguste Renoir, sơn dầu trên toan, 65 x 50cm. Tranh còn có tên là Chuyến đi chơi đầu tiên (The First Outing), vẽ cô gái trẻ lần đầu đến nhà hát. Nàng ngồi trong một lô và chăm chú nhìn các khán giả, có vẻ choáng ngợp vì khung cảnh trước mắt.
Tranh vẽ ra sao?
Phong cách của bức vẽ hay thậm chí các lớp màu trong tranh đều đáng để ta ngắm nhìn. Chất liệu và kỹ thuật vẽ thay đổi đáng kể qua thời gian. Nét vẽ của nghệ sĩ cũng độc đáo, riêng biệt như chữ viết tay vậy. Có người vẽ với nét mềm mại và tỉa tót, số khác lại dùng những đường xoáy và chấm bút mạnh bạo. Bạn sẽ thấy sự khác biệt đó khi nhìn vào hai chi tiết dưới đây:
Raphael dùng nhiều nét bút nhỏ xíu, tạo bề mặt phẳng phiu, trơn mịn
Renoir lại vẽ với phong cách nhanh và thoáng, nhìn rõ từng nhát cọ trên tranh
Bạn có thích không?
Bạn cần hỏi bản thân một câu quan trọng: mình có thích bức tranh này không? Tại sao? Suy nghĩ và cảm nhận của mỗi người, ở mỗi thời đều khác. Xưa kia, khi những bức vẽ kiểu tranh Renoir mới xuất hiện, nhiều nhà phê bình chê bai là “quá sơ sài”. Nhưng giờ đây, những bức vẽ ấy được mến mộ nồng nhiệt. Chẳng có quy tắc nào bó buộc những người thưởng thức nghệ thuật.
Đến với Nghệ Thuật - Rosie Dickins
Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu dịch