Vẽ chân dung sưu tầm 2
Vẽ chân dung người cũng đồng nghĩa với việc mô phỏng thực tế nhờ phân tích mối tương quan chặt chẽ của người mẫu tạo nên sự tập trung, năng lực cùng tình cảm sáng tạo của các nghệ sĩ trong khám phá phát hiện. Trong quá trình vẽ nghiên cứu ( hoặc sáng tạo ) thông qua người mẫu cụ thể, nhờ sự chọn lọc tinh tế của khối óc và đôi mắt, người vẽ đã hiểu rõ đối tượng cũng như thấy được các nét đặc trưng của nhân vật .
Mục đích của họa sĩ vẽ chân dung là đi tìm cái đẹp, cái chân thực cụ thể của từng con người để thông qua đó, nói lên nhận thức và ý thức trách nhiệm của mình với xã hội. Họa sĩ vẽ chân dung có thể trực tiếp hoặc vẽ theo một ghi chép , nhớ lại hoặc tưởng tượng về một con người hay đó chính là lý tưởng của tác giả. Dù vẽ trực họa hay ấn tượng của trí nhớ thì ngay từ ban đầu, chân dung đã có tính sáng tạo bởi được khái quát, đơn giản và lược bỏ chi tiết đồng thời phải tìm được những đặc điểm nổi trội nhất. Khám phá những tâm tư tình cảm đằng sau khuôn mặt , tìm hình thức biểu đạt về bút pháp và chất cảm cho phù hợp với đối tượng là quá trình tập chung tinh thần cao độ ,phải có sự đồng cảm trong làm việc của người vẽ với mẫu tác phẩm mới có thể thành công tốt đẹp.
Vẽ chân dung tuy mang cái nhìn về một con người cụ thể, sống động song phải tái hiện trung thực hình tượng nhân vật về diện mạo, tính cách và cao hơn là tính nghệ thuật, tính thời đại. Dù là vẽ nghiên cứu hay sáng tác, tác phẩm chân dung đều thể hiện cái đẹp ở sự hài hòa, thống nhất giữa hình thức thể hiện và thần thái bên trong của mỗi con người được thể hiện ra ở đôi mắt, khóe môi hoặc những biểu cảm cụ thể của thần thái trên khuôn mặt. Do đó, vẽ chân dung nếu chỉ giống với vẻ bên ngoài của hình dáng người mẫu mà không lột tả được tính cách , tâm tư tình cảm bên trong, không có sáng tạo cá nhân của người vẽ thì cũng chưa thể gọi là thành công.