Lý giải tính trừu tượng trong hội họa hiện đại

“Để tiếp cận tới cái tâm hồn (spiritual) của nghệ thuật, cần sử dụng càng ít hiện thực càng tốt bởi hiện thực vốn đối lập với tâm hồn.”

Hãy cùng mythuatms.com tìm hiểu về sự phụ thuộc của hội họa cổ điển và điều gì đã khiến hội họa hiện đại phóng mình ra khỏi thực tại để hướng đến tự do trong nghệ thuật nhé!

truu tuong 1

Black Square (1915), bởi Kazimir Malevich

Hội họa Hiện Đại (Modern) ắt hẳn sẽ khó hiểu với nhiều người, bởi quá nửa là những trường phái mang nặng triết lý với hình thức thể hiện mơ hồ, khó hiểu. Bắt đầu với hình vuông màu đen của Malevich, những đường thẳng, đường ngang của Mondrian, mở ra cho hội họa Hiện Đại con đường của trừu tượng, con đường đã kéo dài suốt từ đầu thế kỷ 20 cho tới tận ngày nay. Kỹ thuật giờ đã không còn là vấn đề bởi tranh không cần giống với bất cứ người hay vật nào, mọi thứ chỉ là những mảng màu, những hình khối và đường nét không tên. Nhiều người thắc mắc rằng tại sao lại vẽ những thứ “ngớ ngẩn” đến vậy? Vì sao không tiếp tục vẽ như Da Vinci, như Caravaggio mà phải thay đổi, phải khó hiểu?

Sự phụ thuộc của hội họa cổ điển

Để nói tới hội họa Cổ Điển (Classical) đầu tiên chúng ta bày tỏ sự thán phục với khả năng về giải phẫu, những kỹ thuật tả sáng, tả chất liệu, chỉ cần nhìn qua cũng thấy được sự cần mẫn, công sức luyện tập, sáng tác qua nhiều năm của họ. Thế nhưng công nghệ phát triển máy móc thay đổi xã hội con người, việc phát minh ra máy ảnh khiến người ta phân vân liệu có nên dành suốt nhiều tháng, nhiều năm cần mẫn để vẽ một thứ có thể được ghi lại bằng một cái bấm nút?

truu tuong 2
The Birth of Venus (Sự Ra Đời Của Thần Vệ Nữ, 1636) bởi Nicolas Poussin

Và theo những họa sĩ Hiện Đại, vấn đề lớn của hội họa Cổ Điển đó là sự phụ thuộc. Hầu hết tranh Cổ Điển là những bức tranh vẽ về Chúa, về Đức Mẹ Đồng Trinh, hoặc là các câu chuyện ngụ ngôn, các chiến tích lịch sử, bản chất những bức tranh ấy là những sản phẩm minh họa, là khung cảnh được hình ảnh hóa từ một câu chuyện trong kinh thánh hoặc văn học. Tương tự như vậy, các chủ đề khác như chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, bức tranh cũng là một sự mô phỏng hay tái hiện từ một người hoặc vật khác. 

Việc cố gắng mô tả, minh họa cho một thứ gì đó khiến ý nghĩa của hội họa bị đặt ra ngoài khung tranh, ta đứng trước một bức tranh nhưng suy nghĩ của ta là về Chúa, về một người nào đó, một vật nào đó chứ không phải là về chính bức tranh. Hội họa đã luôn phải phụ thuộc vào một câu chuyện để có ý nghĩa, cũng giống như họa sĩ đã luôn phải phụ thuộc vào nhà thờ và vua chúa để có thể sáng tác. Đó là giới hạn của hội họa Cổ Điển, giới hạn là một công cụ để kể chuyện và đại diện cho tiếng nói của nhà thờ, vua chúa. 

Tự do và hội họa Hiện Đại

Tới khoảng thế kỷ 19 với những tư tưởng triết học mới, những phát triển về khoa học khiến con người đặt câu hỏi cho sự tồn tại của Chúa, liệu Chúa có là người kiến tạo nên vạn vật hay chỉ đơn giản là những tiến trình sinh học tất yếu? Sự hoài nghi về tôn giáo khiến thế lực của nhà thờ dần suy yếu. Và sự phát triển về kinh tế phá vỡ hệ thống xã hội cũ, tạo ra những cơ hội cho con người được thoát ra khỏi lưới số phận. Đó là những thứ đã tạo đà cho họa sĩ được bước ra khỏi thánh địa nhà thờ, tìm cho mình tự do nghệ thuật.

truu tuong 3
Liberty Leading the People (Nữ Thần Tự Do Dẫn Dắt Nhân Dân, 1830) bởi Eugène Delacroix

Tự do chính là xương sống của hội họa Hiện Đại. Không còn bị phụ thuộc vào một thế lực nào, không còn bị cưỡng ép phải mô tả hiện thực, họa sĩ được quyền vẽ cái họ muốn vẽ. Và tự do này cũng đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi cho hội họa, nếu hội họa không đại diện cho tôn giáo thì nó nên đại diện cho ai? Và hội họa có thể làm gì mà máy ảnh không thể? 

Khi hội họa hướng đến tâm hồn và vươn xa khỏi thực tại

Vì những câu hỏi đó, Hiện Đại là tập hợp của rất nhiều phong trào, rất nhiều thử nghiệm khám phá khả năng của hội họa, sử dụng màu sắc, hình khối, đường nét để tạo ra những ngôn ngữ thị giác mới. Nó cũng là thời kỳ mà hội họa chứng minh bản thân nó có thể đứng độc lập, nói tiếng nói của riêng nó mà không cần phải dựa theo một câu chuyện nào đó để có ý nghĩa. Đổi mới trở thành niềm tin và sứ mệnh của các họa sĩ và Hiện Đại trở thành điểm bùng nổ của những thử nghiệm, những tuyên ngôn về tái định nghĩa nghệ thuật. Ấn Tượng cho hội họa mục đích ghi lại ấn tượng thị giác, Dã Thú là tuyên ngôn về màu sắc và Lập Thể phá vỡ không gian, ghép nối nhiều góc nhìn trên cùng một mặt phẳng 2D. Ngoài ra còn là Siêu Thực, Biểu Hiện, Vị Lai… cùng hàng loạt những phong trào khác cùng nhau khám phá và đặt ra những tuyên ngôn cho hội họa. 

Tới năm 1915 những thử nghiệm này đã đi xa hơn bao giờ hết khi một họa sĩ có tên Kazimir Malevich trưng bày một hình vuông màu đen được vẽ trên nền trắng. Tác phẩm là Black Square, được trưng bày cùng với các tác phẩm của 13 nghệ sĩ khác vẽ theo phong cách tương tự tại Triển Lãm Vị Lai Cuối Cùng, Saint Petersburg.

truu tuong 4
Các tác phẩm của Chủ Nghĩa Tuyệt Đỉnh tại Triển Lãm Vị Lai Cuối Cùng

Những tác phẩm này tự xưng dưới cái tên Chủ Nghĩa Tuyệt Đỉnh (Suprematism), ảnh hưởng từ những trường phái trước đó như Vị Lai, Lập Thể và đặc biệt là sự ảnh hưởng của xã hội công nghiệp mới với những dạng hình học từ bê tông, sắt thép. Trong tác phẩm Tuyệt Đỉnh, họa sĩ chỉ sử dụng những hình vuông, tròn, tam giác, chứ không tham chiếu hay mô tả bất cứ sự vật nào. Malevich gọi nó là một hiện thực mới, đồng thời bác bỏ định nghĩa về hội họa hiện thực cũ khi chúng chỉ mô tả những thứ ở thế giới bên ngoài, có thể thấy bằng mắt. 

Malevich và nhiều họa sĩ cùng thời, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng về huyền học, cõi vô thức và thế giới tâm hồn bởi sự nổi lên của những nhà huyền học như Helena Blavatsky, Peter Ouspensky hay nhà phân tâm học Sigmund Freud. Những tư tưởng này là thứ châm ngòi cho hội họa trừu tượng, tạo ra những mong muốn vượt ra khỏi thế giới vật chất, khám phá những không gian khác nơi mắt thường không thể thấy. Bởi trừu tượng không phụ thuộc vào một sự vật, hiện tượng nào của thế giới bên ngoài nên các họa sĩ Hiện Đại gọi nó là nghệ thuật thuần khiết.

“Trong nghệ thuật tạo hình thuần khiết, ý nghĩa từ các hình dạng và đường nét khác nhau vốn rất quan trọng; chính thực tế này làm cho nó trở nên tinh khiết”

- Piet Mondrian -

Mondrian nổi tiếng với những bức tranh chỉ sử dụng đường thẳng và các hình vuông, chữ nhật, màu sắc cũng thường hạn chế ở 3 màu chính là đỏ, xanh lam và vàng. Và theo như ông giải thích, những đường thẳng đứng và ngang đối nghịch nhau để tạo ra thế cân bằng. Ý tưởng được hình thành từ việc quan sát và chiêm nghiệm của Mondrian, theo ông, sự đối nghịch thống trị và hiện hữu ở mọi nơi, chính nó là thứ giúp mọi sự cân bằng và tạo nên cuộc sống. Từ đó ông hướng tới một ngôn ngữ hội họa mang giá trị phổ quát (universal) và dùng nó để phản ánh một nghệ thuật vượt xa hiện thực:

“Nghệ thuật phải cao hơn hiện thực, đồng thời không có một mối liên hệ nào với nó. Để tiếp cận tới cái tâm hồn (spiritual) của nghệ thuật, cần sử dụng càng ít hiện thực càng tốt bởi hiện thực vốn đối lập với tâm hồn”.

truu tuong 5
Composition C No.III with Red, Yellow and Blue (Bố Cục C Số 3 với Đỏ, Vàng và Xanh, 1935), bởi Piet Mondrian

Nếu Malevich và Mondrian cùng hướng tới hình thức thể hiện tối giản để chạm tới tâm hồn và nghệ thuật thuần khiết, thì Wassily Kandinsky lại sử dụng tối đa khả năng thể hiện của hội họa, tìm đến điểm kết nối giữa hội họa và âm nhạc. Với ông, màu sắc chính là những phím đàn, con mắt là hòa âm và tâm hồn là chiếc piano với nhiều cung bậc. Người họa sĩ chính là đôi bàn tay đánh lên những âm thanh, tạo ra rung động cho tâm hồn.

Còn Jackson Pollock với những bức tranh hỗn loạn phủ đầy vệt sơn, ông coi hội họa như một hình thức ghi lại những chuyển động của cơ thể nhằm đưa trạng thái vô thức in dấu lên tranh. Mark Rothko là những bức tranh phủ kín những hình vuông, hình chữ nhật với các màu sắc khác nhau, nó như một thứ ông để truyền tải những cảm xúc về tâm linh, tôn giáo.

truu tuong 6
Autumn Rhythm Number 30 (Nhịp Điệu Mùa Thu số 30, 1950), bởi Jackson Pollock

Và còn rất nhiều cái tên khác như Joan Miró, Frank Stella, Arshile Gorky,v.v. cùng nhau theo đuổi ngôn ngữ trừu tượng, tìm kiếm những rung động tâm hồn. Mỗi người lại có một hành trình khám phá và thử nghiệm riêng, tìm cho mình một phong cách, một lý thuyết riêng về hội hoạ. Những lý thuyết ấy trở thành những bản tuyên ngôn cho hội họa trừu tượng, như Kandinsky có Về Cái Tinh Thần Trong Nghệ Thuật hay Mondrian có Nghệ Thuật Tạo Hình và Nghệ Thuật Tạo Hình Thuần Khiết.

Nhưng dù những tuyên ngôn ấy có trình bày điều gì thì sự thay đổi, sự khác biệt đều phải chịu những chỉ trích nhất định. Có người coi tranh của Jackson Pollock là đỉnh cao của nghệ thuật nhưng cũng có người coi nó chỉ là sự hên xui và vô nghĩa. Bởi dẫu sao những thứ thuộc về tinh thần, cảm xúc rất khó để giải thích được bằng lý luận. Dù ta có thể nghe, có thể hiểu nhưng khi đã không cảm nhận được thì ắt hẳn mọi sự đều vô nghĩa. Và bởi họa sĩ trừu tượng không vẽ cái họ nhìn thấy mà vẽ cái họ cảm thấy, vậy nên ngôn ngữ hội họa của họ vốn là thứ ngôn ngữ mang tính cá nhân (chủ quan). Mà thứ xuất phát từ bên trong thì phải cảm nhận từ bên trong và thứ đến từ cá nhân cũng nên để riêng cá nhân bình phẩm.

- Thủy Mẫn -

>>> Ảnh hưởng của hội họa trừu tượng vào thiết kế đồ họa

>>> Thưởng thức nghệ thuật hiện đại

>>> Vài nét về hội họa hiện đại

0976984729