Sư tử trên Long Sàng đền Vua Đinh lần đầu tiên và duy nhất

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, Ninh Bình là nơi lưu giữ hai chiếc sập đá vô cùng độc đáo, là một bảo vật vô tiền khoáng hậu trong mỹ thuật Việt Nam. Hai chiếc sập đá cũng có thể gọi là long sàng này là một trong những hiện vật quan trọng nhất của ngôi đền vua Đinh. Hai chiếc sập đá này xác lập những kỷ lục lần đầu tiên và duy nhất trong mỹ thuật Việt.

Sở dĩ có thể gọi và nên gọi là hai chiếc sập đá này là long sàng vì chỉ có ở đền vua Đinh, trên mặt sập thờ mới có chạm khắc hình rồng. Về điểm độc đáo này đã có nhiều nhà nghiên cứu bàn luận đến. Trong bài viết nhỏ này, người viết xin được nhắc đến một hiện tượng vô tiền khoáng hậu khác: hình ảnh sư tử thực như trong tự nhiên trên sập đá trước Bái đường đền Vua Đinh.

long sang 1
Long sàng bên ngoài nghi môn ngoại, đền Vua Đinh

Long sàng bên ngoài nghi môn ngoại, đền Vua Đinh

Do vị trí địa lý, Việt Nam không phải môi trường sinh sống tự nhiên của loài sư tử. Chữ sư tử xuất hiện trong thư tịch cổ lần đầu tiên trên tấm bia Minh tịnh tự bi văn niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090). Nhưng cũng trên tấm bia này, chữ sư tử viết liền chữ nghê (sư tử nghê tòa) mô tả kiểu thức bệ sen đặt trên một linh vật. Điều đó dẫn đến khả năng sư tử nghê là một dạng linh vật. Thực tế trong nghệ thuật Phật giáo thời Lý, sư tử Đại Việt không giống với sư tử Champa, sư tử Khmer, sư tử Myanmar và cũng không giống với sư tử Trung Hoa. Kiểu thức nửa sư tử, nửa nghê đã phát triển từ thời Lý đã ảnh hưởng và chi phối cung cách tạo tượng các giai đoạn về sau. Hơn nữa, qua tìm hiểu văn bia thời Trần, tần suất chữ nghê cũng xuất hiện nhiều hơn sư tử. Có thể khẳng định rằng trái ngược với Trung Hoa, tượng hình sư tử của người Việt là rất sơ khai và mờ nhạt. Có hai di tích trong mỹ thuật cổ truyền của người Việt được xác định chắc chắn là có tượng sư tử đá là đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội) và chùa Nành (Bắc Ninh). Tượng sư tử  đá ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) được xác định bởi minh văn khắc trên một con rồng thành bậc bên ngoài Nghi môn tạc năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705). Nhưng rõ ràng với tượng sư tử này, tuyệt nhiên không hề có một đặc điểm gì của sư tử. Thần thái và ngoại hình rất giống với những con nghê xuất hiện ở các đền miếu cùng thời. Tượng sư tử đá chùa Nành, đặc biệt hơn, được nghệ nhân cẩn thận khắc thêm chữ sư tử lên hông. So với sư tử đền Phù Đổng, sư tử đá chùa Nành có cấu tạo đuôi gần với cấu tạo sinh học của loài sinh vật này. Ngoài ra, cũng không tìm thấy những đặc điểm đặc trưng nhận dạng nào của loài sư tử: đầu có bờm dày (sư tử đực), hàm răng sắc nhọn, bụng thót, chân cao, đuôi dài có túm lông phía cuối, tai nhọn vếch lên. Nhìn một cách khái quát, nghệ thuật tạo hình sư tử của cả Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam có khuynh hướng ước lệ và biểu tượng hóa, ngày càng xa dời nguyên gốc thực. Sư tử từ một động vật có thực dần trở thành một linh vật đầy quyền uy, phô trương những sức mạnh hoang đường, dễ khiến những người yếu bóng vía hồn siêu phách lạc.

long sang 2
Hình sư tử trên long sàng bên ngoài nghi môn ngoại, đền Vua Đinh

Hình sư tử trên long sàng bên ngoài nghi môn ngoại, đền Vua Đinh

Bảo tàng Thạch Họa tượng ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) còn lưu giữ một số bức chạm võ sỹ đấu sư tử thời Đông Hán. Khuynh hướng thoát ly khỏi cấu tạo sinh học tư nhiên đã khá thịnh hành từ thời Đường. Chỉ tới thời Minh, Thanh sau này, tạo hình sư tử Trung Hoa mới thoát ly khỏi cấu tạo sinh học thực tế tự nhiên của loài vật này. Tượng sư tử đá thời Minh như ta thấy ở Tử Cấm Thành thể hiện rõ nét nhất khuynh hướng mô tả sư tử với một cái đầu có cánh mũi nở, hàm vuông, bụng tròn, chân mập, đuôi bông. Những đặc điểm này mang tính hư cấu không có của loài sư tử được người Hán sáng tạo nên. Trong nghệ thuật tạo hình sư tử, thời Minh, có một ngoại lệ hết sức hi hữu là hình ảnh sư tử trên bức bích họa chùa Pháp Hải ở Bắc Kinh. Trong bức bích họa này, con sư tử đực tuy chỉ được thấy phần đầu và nửa thân trwocs nhưng là một con sư tử thực như được thấy ngoài tự nhiên. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đặc ra câu hỏi liệu họa sỹ vẽ bức bích họa này có được trực tiếp nhìn thấy con vật này không.

long sang 3
Sư tử đền Gióng, Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội

Hình sư tử trên long sàng bên ngoài nghi môn ngoại, đền Vua Đinh

Nhật Bản cũng là vùng địa lý không có sư tử sinh sống. Nghệ thuật tạo hình sư tử ở quốc gia mặt trời mọc này cũng liên quan đến Phật giáo. Tượng hình sư tử của Nhật Bản (trực tiếp hoặc thông qua Triều Tiên) phần nhiều giống với kiểu thức ước lệ của Trung Hoa. Tuy vậy, cũng có một vài ngoại lệ hy hữu như hình ảnh con sư tử đang lặn lội khóc trong bức tranh Phật nhập niết bàn ở chùa Byodo ở Tokyo được vẽ vào năm 1086.

long sang 4

Do chịu ảnh hưởng sâu sắc văn minh Ấn Độ, từ tôn giáo đến văn tự nên hình ảnh sư tử trong mỹ thuật Champa có nhiều thành tựu hơn hẳn mỹ thuật Đại Việt. Sư tử Champa, tiêu biểu ở đài thờ Vân Trạch Hòa, tháp Mắm, hay phật viện Đồng Dương đều là những sư tử gần với những đặc điểm tự nhiên. Tuy vậy, sư tử Champa chịu ảnh hưởng của truyền thống nhân hóa luận của Ấn Độ giáo nên cugnx có nhiều yếu tố phảng phất hành vi, động tác và cấu tạo cơ thể của con người. Chẳng hạn tư thế ngồi bệt, hai tay chắp trước ngực của sư tử Vân Trạch Hòa hay hai bàn tay chi trước, thân mình, cho đến bộ phận sinh thực khí của sư tử Mỹ Sơn đều giống với con người. Có thể nói, ngay cả trong mỹ thuật Champa, ta cũng chưa tìm thấy một hình ảnh sư tử nào giống như sư tử tự nhiên, cho nên trong giai đoạn nhà Lý, Trần, được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nghệ thuật Champa, nhưng tạo hình sư tử Đại Việt vẫn mang nhiều yếu tố cách điệu, ước lệ. Thân sư tử thường béo, bụng tròn, chân mập, lông bờm xoăn hình dấu hỏi.

long sang 5
Hình thuyền Tây chùa Hưng Khánh, Đan Phượng, chạm gỗ thế kỷ XVII

Điểm qua những nét phác khái lược về tình hình tạo tác sư tử trong mỹ thuật vùng Viễn Đông cho thấy khuynh hướng phi hiện thực tuy đóng vai trò chủ đạo, chính thống nhưng vẫn có một vài ngoại lệ hi hữu. Đến đây, xin trở lại hình ảnh sư tử trên long sàng có hình rồng cơ bản giống nhau, nhưng chỉ trên chiếc long sàng trước Nghi môn ngoại mới có hình sư tử. Căn cứ vào phong cách hoa văn, cụ thể là kiểu thức rồng yên ngựa ở thành sập mặt trước và hình rộng cuộn vuông chằn chặn phong cách Mạc thời đầu Hoằng Định trùng khớp với niên đại phục dựng đền vua Đinh Tiên Hoàng để ở Hoa Lư. Tấm bia Hoằng Định ở đền vua Đinh, vua Lê vào những năm đầu của thế kỷ XVII. Ở giai đoạn này, nếu như ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ suy giảm thì văn hóa phương Tây lại đặc biệt hưng thịnh. Ngoài những ghi chép của các thương nhân, giáo sỹ phương Tây mà chúng ta từng biết, đến như cuốn Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc đàng ngoài của Jean-Baptiste Tavernier (Lê Tư Lành dịch 2007), Nxb Thế Giới cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 của William Dampier (Hoàng Anh Tuấn dịch, Nxb Thế Giới 2011), hay được tập hợp và hệ thống trong cuốn Những người Châu Âu ở nước An Nam của Charles B. MayBon (Nguyễn Thừa Hý dịch, Nxb thế giới, 2006). Tuy nhiên, một bằng chứng vật chất còn lưu giữ trên các mảng chạm khắc ở đình Tiên Chướng, đình Phong Cốc, đình Liên Hiệp, đình Thổ Hà, chùa Bồng Lai cho thấy rõ sự xuất hiện người Phương Tây ở Đại Việt thời đó. Sư tử là hình tượng đặc biệt phổ biến trong văn hóa phương Tây. Trên thành huy, gia huy, quốc huy và đồng tiền của nhiều vương quốc ở châu Âu thời Trung đại. Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định là nơi tập trung cao các nhà thờ Công giáo vì đó là các tỉnh duyên hải – nơi mà các giáo sỹ phương Tây dễ dàng thâm nhập. Khả năng những người nghệ nhân khi tạc long sàng đền Vua Đinh đã nhìn thấy những hình ảnh của sư tử mà người phương Tây đưa đến. Hay nói khác đi, đó là tạo hình sư tử kiểu phương Tây. Các tư liệu phương Tây cho biết việc lưu hành tiền Tây Ban Nha trong giao dịch ngoại thương ở Đại Việt khá phổ biến. Trên đồng tiền của vua Philip III năm 1602 có in hình sư tử nhìn nghiêng.

long sang 6
Bản vẽ nét mặt long sàng bên ngoài nghi môn ngoại, đền Vua Đinh

long sang 7
Hình sư tử trên đồng tiền Tây Ban Nha thế kỷ XVII

Mặc dù chỉ là phỏng đoán, trong khi chờ những dữ liệu để kiểm chứng, chúng ta đều có thể nhất trí rằng: sư tử trên long sàng đền vua Đinh là lần đầu tiên và duy nhất trong nghệ thuật Đại Việt đã đến gần nhất với đặc điểm tự nhiên của loài vật này.

Hình ảnh sư tử theo cách tả thực cùng với những bàn tay tròn trịa, nõn nà đã tạo nên sự bí hiểm đầy ma lực cho chiếc long sàng trước nghi môn ngoại ở đền vua Đinh. Sau nhiều năm ngắm đi ngắm lại chiếc long sàng này, tôi ngờ rằng câu chuyện tay ba giữa Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga mà cái chết bi thảm của vua Đinh khá trùng hợp với hình ảnh con rồng đang quặn người vật vã; hình ảnh con sư tử dũng mãnh và những bàn tay đàn bà hiện ra đầy ma quái. Một câu chuyện cũ trở lại với dưới một hình thức mới mẻ, tân kỳ cho ta thêm một lần nữa bất ngờ trước khả năng tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật Đại Việt.

- Trần Hậu Yên Thế -

>>> Giải phẫu cơ thể loài sư tử

>>> Họa tiết trong mỹ thuật An Nam (Phần 10)