Nguyên lý phối màu – Các gam màu cơ bản
1. Màu vô sắc: Là các thang đậm nhạt do đen và trắng tạo ra gồm: đen, trắng và tất cả các thang độ xám. Phối sắc độ đen và trắng (hòa sắc màu vô sắc). Sắc độ cho cảm giác về sự đậm nhạt của sự vật do bởi ánh sáng tạo ra. Ánh sáng càng mạnh sự vật nhận được sự tương phản cao, nhìn thấy rõ. Sắc độ đậm nhất là màu đen, sắc độ sáng nhất là màu trắng, sắc độ trung gian là các cấp độ của màu xám. Sự tương quan tỷ lệ giữa các sắc độ sẽ cho ra sự phân cấp rõ, mờ khác nhau trong bố cục đen – trắng.
2. Màu hữu sắc: Màu được pha ra từ những màu gốc, màu cơ bản hay màu bậc 1 (ở mỗi lĩnh vực: mỹ thuật, in ấn, kỹ thuật số là khác nhau). Màu của chất màu trong mỹ thuật: vàng chanh, đỏ, xanh lam là 3 màu cơ bản, vì 3 màu này pha ra được các màu khác và không màu nào pha ra được nó: đỏ (1) + vàng (1) = cam (2), lam (1) + đỏ (1) = tím (2), vàng (1) + lam (1) = lục (2)…
3. Màu nguyên sắc: Màu bậc 1 và các bậc màu được pha ra từ nó (bậc 2, 3, 4, 5,…) mà không có tham gia của đen, trắng. Màu nguyên sắc cho độ thuần cao và tươi thắm.
4. Màu đơn sắc: Khi màu nguyên sắc chỉ pha trộn thêm đen, trắng để giải quyết sắc độ đậm nhạt thì gọi là màu đơn sắc. Màu đơn sắc chỉ khác sắc độ đen trắng là có thêm sắc thái của màu hữu sắc.
a. Phối màu tương đồng lạnh: Màu cho cảm nhận sự mát – lạnh do sự liên tưởng từ màu bầu trời, biển nước, lá cây xanh… Những màu lạnh gần nhau ở vòng màu sắc thì cho sự tương đồng với nhau. Gam màu tương đồng lạnh: là phối những màu lạnh với nhau, có sự tham gia sắc độ đen, trắng, màu trung gian và hòa trộn vào một ít sự ấm áp của màu nóng. Có màu chủ đạo và màu bổ trợ, cũng như tỷ lệ hợp lý của màu trung gian và màu nóng. Cuối cùng đem lại được cảm giác mát – lạnh.
b. Phối màu tương đồng nóng: Màu cho cảm nhận sự nóng - ấm do sự liên tưởng từ màu của bức xạ mặt trời, ngọn lửa, lá cây khô, sa mạc… Những màu nóng gần nhau ở vòng màu sắc thì cho sự tương đồng với nhau. Gam màu tương đồng nóng là phối những màu nóng với nhau, có sự tham gia của sắc độ đen, trắng, màu trung gian và hòa trộn vào một ít sự mát mẻ của màu lạnh. Có màu chủ đạo và màu bổ trợ cũng như tỷ lệ hợp lý của màu trung gian và màu lạnh. Cuối cùng là đem lại được cảm giác ấm – nóng.
c. Phối màu tổng hợp (tự do): Tăng dần sự tương phản của gam màu tương đồng nóng hoặc lạnh khi thêm màu nóng vào gam lạnh (giảm lạnh) hoặc thêm màu lạnh vào gam nóng (giảm nhiệt), nhưng vẫn giữ được sự chủ đạo của gam màu. Tỷ lệ màu chủ đạo và màu nhấn khác gam là vấn đề quyết định làm sao không bị nhầm lẫn với gam màu tương đồng hoặc tương phản.
d. Phối màu tương phản: Màu đứng xa nhau ở vòng màu sắc, có sự khác và tương phản nhau. Gam màu tương phản là phối những màu tương phản với nhau, có sự tham gia của sắc độ đen, trắng, màu trung gian, màu sáng, màu tối và màu nóng, màu lạnh. Có màu chủ đạo và màu bổ trợ cũng như tỷ lệ hợp lý của màu trung gian và màu lạnh, màu nóng… Cuối cùng là đem lại cảm giác tương phản, thấy rõ sự đối chọi nhau của màu sắc. Tương phản nóng >< lạnh (của các cặp màu bổ túc – đỏ >< lục, cam >< lam, tím >< vàng): cấp độ 1; Tương phản nóng >< lạnh của các cặp màu không là cặp màu bổ túc: cấp độ 2; Tương phản màu sáng >< màu tối cùng gam nóng hoặc cùng gam lạnh: cấp độ 3; Tương phản đậm >< nhạt của sắc độ khi thêm đen và trắng: cấp độ 4 (yếu dần).
Gam màu tương đồng nóng – nhấn màu nóng
Gam màu tương đồng nóng – nhấn màu nóng & màu trung gian
Gam màu tương đồng nóng – nhấn mạnh trung gian
Gam màu tương đồng nóng
Gam màu tương đồng lạnh – nhấn màu trung gian
Gam mau tương đồng lạnh
Gam màu tương đồng lạnh – nhấn màu lạnh & màu trung gian
Gam màu tương đồng lạnh – nhấn màu lạnh
Gam màu tổng hợp: chủ đạo lạnh – nhấn nóng
Gam màu tổng hợp: nhấn lạnh & chủ đạo lạnh – nhấn nóng
Gam màu tương phản: Tương phản nóng >< lạnh; Tương phản nóng >< lạnh của màu bổ túc.
Tương phản tổng hòa của nóng >< lạnh; sáng >< tối; đậm >< nhạt
>>> Những bài bố cục màu cổ điển đẹp
>>> Nguyên lý bố cục đường diềm