Nguyên lý ánh sáng (Phần 4)
Bóng mở – Open Shade
Trong vùng bóng mở, bầu trời là nguồn chiếu sáng chính và ánh sáng có màu xanh mạnh. Ánh sáng khuếch tán và bóng đổ yếu. Nếu bạn đứng trong vùng bóng râm của ánh trăng, có thể vùng bóng này sẽ có màu tối đen.
Ánh sáng trong vùng bóng mở cũng có thể bị phản xạ từ môi trường (như gần các bức tường). Tán lá cây và các bề mặt khác cũng có thể phản xạ ánh sáng xuống vùng bóng đổ, ảnh hưởng tới màu của ánh sáng. Nếu bạn ở trong khu rừng rậm với bầu trời hoàn toàn bị che khuất, những chiếc lá vẫn phản xạ lại ánh sáng và ánh sáng sẽ có màu xanh. Hiệu ứng tương tự có thể thấy giữa các cây với nhau.
Bằng mắt thường ta có thể nhìn thấy rõ màu bóng đổ xanh
khá đậm lên các bậc thang. Trong thực tế, ánh sáng bị tán xạ nhưng
chúng ta vẫn nhận ra hướng ánh sáng chiếu rất rõ từ trên xuống và
những hướng khác bị khuất sau các bức tường.
Trong vùng bóng mở với ánh sáng khuếch tán màu xanh,
ta có thể nhìn thấy rất rõ cây trên.
Overcast
Ánh sáng vào những ngày u ám phụ thuộc vào độ dày của mây và khoảng thời gian trong ngày. Trái ngược hoàn toàn với những quan điểm phổ biến về loại ánh sáng này, ánh sáng vào những ngày u ám cũng có vẻ đẹp riêng. Khi cả bầu trời đóng vài trò làm nguồn sáng duy nhất, ánh sáng nhẹ, tán xạ và có bóng đổ rất mềm. Sự tương phản thấp và độ bão hòa màu cao.
Màu của ánh sáng phụ thuộc nhiều vào thời gian trong ngày. Tôi đã từng nhìn một biểu đồ ghi nhiệt độ màu sắc và nó nói rằng ánh sáng khi trời u ám có màu xanh, mây càng dầy, ánh sáng xanh càng đậm. Tuy nhiên, những gì tôi phát hiện ra lại hoàn toàn khác. Nếu mặt trời lên cao, ánh sáng sẽ có màu trắng hoặc xám, mây càng dày thì ánh sáng lại càng trắng. Khi mặt trời xuống thấp, ánh sáng màu xanh tăng lên và mặt trời càng xuống thấp thì màu xanh càng rõ.
Ánh sáng lúc trời u ám thường bị coi là tẻ nhạt nhưng nó cũng có vẻ đẹp riêng. Do ánh sáng này nhẹ nên có thể trải rộng và nó có thể tạo những hiệu ứng làm nổi rõ màu sắc của bức hình. Bản thân phản xạ từ bầu trời cũng yếu và có sức lan rộng, nó giúp cho các bề mặt phản xạ hiện rõ trong khung cảnh. Chúng ta thường thấy trong môi trường nước, đôi khi tại các bề mặt khác như vỏ xe ô tô.
Ánh sáng lúc trời u ám có độ tương phản thấp và khá trung lập,
nó làm cho màu sắc ánh sáng có thể hiện lên rất rõ, hoàn toàn bão hòa.
Chúng ta hãy để ý đến bóng sáng nhẹ trên những chiếc lá đỏ,
chúng được tạo ra do phản xạ của bầu trời. Vào ngày nắng,
những bóng sáng này có thể trông nhỏ và chói hơn.
Ánh sáng khuếch tán làm lộ rõ hình dáng của từng quả nho.
Nhờ độ tương phản nhẹ của ánh sáng, toàn chùm nho hầu như không bị
ảnh hưởng của vùng bóng đổ. Một lần nữa chúng ta nhận thấy
các màu ở đây đều bão hòa.
Bầu trời ngày u ám tạo ánh sáng phản xạ bạc
rất đẹp trên bề mặt nước. Một trong những bí mật tạo nên
các bức ảnh tuyệt vời vào ngày không nắng ráo đó là đừng để cho
bầu trời xuất hiện trong bức hình của bạn.
Ánh sáng ngày nhiều mây:
Vào những ngày có nhiều mây, mặt đất rất hiếm khi nhận được ánh sáng mặt trời trực tíếp. Ánh sáng lúc này có thể tạo vùng bóng đổ mạnh hơn những ngày u ám, nhưng cứ khi nào mặt trời bị mây che là vùng bóng đổ lại yếu theo. Những ngày này trời sáng sủa hơn so với ngày u ám, nó là cái bắt tay khá lý tưởng giữa sự tương phản mạnh của ánh sáng mặt trời với vẻ u ám của tầng mây dày che phủ.
Ảnh chụp vào những ngày nhiều mây có thể nhiều màu sắc (dù ta chỉ đơn thuần thấy độc màu trắng hay xám). Độ dày mỏng hay khoảng cách giữa các tầng mây cũng có thể tô màu cho bầu trời với các gam màu xanh, màu vàng phản xạ lên bề mặt các đám mây. Khi tầng mây ùn càng dày, màu sắc càng phong phú, bầu trời thường nổi bật ở vùng mây thưa hay phân tán. Một nhân tố ảnh hưởng đến màu mây đó là khoảng cách giữa các đám mây. Do tán xạ, ánh sáng có thể màu vàng, thậm chí màu da cam (ngay cả vào lúc lúc giữa trưa).
Ánh sáng vào ngày nhiều mây có chiều hướng mạnh hơn
so với ánh sáng khuyếch tán từ đám mây dày phủ trực tiếp phía trên.
Tuy nhiên, bóng đổ vẫn bị ảnh hưởng bởi đám mây xung quanh.
Trong bức hình này, ánh sáng mạnh hơn đến từ bầu trời
đủ sáng để làm hiện lên hình dáng con vật. Tuy nhiên, bóng đổ dưới nó
vẫn mờ do ánh sáng mặt trời bị tán xạ bởi mây. Chúng ta hãy để ý,
trong bóng đổ không có màu xanh
(vì bầu trời xanh đã bị mây che khuất)
Ánh sáng vào lúc mây tan (giông bão) và khi mây quầng
Chúng ta thường xuyên gặp nhiều loại ánh sáng và bóng đổ của nó trong môi trường tự nhiên. Tôi đã nhóm chúng lại theo từng loại cho dù chúng có khá nhiều nét khác nhau.
Khi mây trôi (tan), bạn thấy lúc thì có ánh sáng mặt trời, lúc thì lại âm u (do ánh sáng xanh từ bầu trời vẫn bị che khuất bởi mây, và mỗi khi giữa các đám mây trôi có khoảng cách, ánh sáng mặt trời lại có dịp rọi xuống mặt đất). Các đám mây đổ bóng lên toàn cảnh, chen giữa những mảng bóng râm đều có ánh sáng mặt trời. Độ tương phản lúc này cao và bầu trời xám như một phông nền đầy kịch tính. Sự đối lập, đan xen giữa nắng và và bầu trời âm u tạo cảnh khá thú vị.
Bầu trời lúc này rất sặc sỡ, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc: thời gian trong ngày, độ dày mỏng của mây, khoảng cách giữa các đám mây,…Màu sắc có thể tạo nên những bóng đổ màu xanh, vàng, da cam hay xám. Ánh sáng chuyển đổi rất nhanh, nhanh như tốc độ mây trôi trên bầu trời, ánh sáng mặt trời cũng ẩn hiện nhanh không kém.
Ánh sáng lúc mây quầng (như dưới các tán lá cây) là loại ánh sáng tổng hợp và tạo nên bóng đổ phổ biến trong tự nhiên. Độ tương phản ánh sáng mạnh, ánh sáng mặt trời lúc này có thể rất sáng, tương phản hoàn toàn với bóng đổ quanh nó. Hầu hết các máy ảnh đều không có khả năng ghi lại được độ tương phản này (Với mắt thuờng bạn lại có thể nhận ra).
Các bóng sáng rất rõ, hầu như chuyển
hoàn toàn sang một màu trắng đơn thuần.
Máy ảnh chỉ đủ ghi lại phần nào sự tương phản cao của ánh sáng.
Ánh sáng mặt trời tương phản với vùng bóng
khuất tối phía sau nhìn rất kịch tính.
Ánh sáng ban đêm
Vào ban đêm, mặc dù mặt trời đã khuất hẳn nhưng trên bầu trời vẫn còn ánh sáng. Ánh sáng này có thể do ánh sáng mặt trời vẫn còn phát tán trong bầu khí quyển hay từ mặt trăng. Các ngôi sao thì quá mờ nhạt để có thể chiếu thành ánh sáng rõ ràng.
Điểm đáng chú ý trong chiếu sáng phông cảnh thời gian này là bầu trời luôn phải sáng hơn so với mặt đất (trừ trường hợp mặt đất được ánh sáng nhân tạo chiếu). Chúng ta hãy nhìn hai ảnh dưới đây, bên trái là ảnh chuẩn, bên phải không thể có vì ta không thể hiểu được ánh sáng đến từ nguồn nào.
Khi trăng bị che khuất, chúng ta hãy nhớ ánh sáng của mặt trăng suy cho cùng cũng chỉ do mặt trời cung cấp và nó không thể tránh khỏi các nguyên tắc chiếu sáng như với cách chiếu sáng của mặt trời. Khi mặt trăng ở vị trí gần đường chân trời, nó có màu đỏ hay vàng. Nhưng khi càng lên cao, nó càng trắng. Bề mặt của mặt trăng thực tế không màu, chỉ có sắc xám. Nếu bạn nhìn một bức hình chụp ảnh các phi hành gia đáp xuống mặt trăng, lúc đầu bạn chỉ nhìn thấy màu đen và trắng, dần dần mới có thể nhìn thấy hình các phi hành gia.
Vào ban đêm, ánh sáng bầu trời khuếch tán và yếu nhưng ánh trăng lại chiếu sắc nét như ánh sáng mặt trời, có khác thì chỉ trong cường độ sáng: rõ ràng ánh sáng của mặt trăng không thể mạnh bằng ánh sáng mặt trời. Do vậy, tỉ lệ giữa ánh sáng mặt trăng và ánh sáng bầu trời cũng sẽ khác nếu ta so sánh với tỉ lệ giữa ánh sáng mặt trời và ánh sáng bầu trời vào ban ngày. Một vấn đề khác bạn cần cân nhắc đó là khi nhìn bằng mắt thường, mặt trăng thường trông khá nhỏ bé (trong thực tế thì nó lớn hơn nhiều).
Trong bóng tối, mắt thường của chúng ta hầu như không có khả năng cảm nhận màu sắc. Tuy nhiên, máy ảnh vẫn có khả năng ghi lại màu sắc trong bóng tối. Trong thực tế, nếu bạn để mắt quang mở lâu, bạn có thể chụp 1 bức hình vào ban đêm và trông hệt như chụp ban ngày. Thậm chí, những bức hình này còn rất nhiều màu sắc (hơn hẳn những gì mắt thường nhìn được).
Trong điện ảnh, cách quay phim truyền thống tạo cảnh ban đêm là quay cảnh ban ngày nhưng chỉ quay non, sau đó sử dụng bộ lọc xanh của thấu kính máy quay để tạo ảo giác về ánh sáng.
Một nhân tố khác ảnh hưởng phông cảnh ban đêm đó là ảo giác ánh sáng. Tại Anh, cho dù bạn ở đâu (thậm chí xa hàng dặm so với thành phố), bạn vẫn có thể thấy ánh sáng hắt lên bầu trời hay phản xạ lên các đám mây màu da cam. Nếu không muốn nhìn cảnh này, bạn phải đi thật xa, đến những miền xa xôi, cách ly hoàn toàn với thế giới đô thị hiện đại.
Phông cảnh, nơi không chịu ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo,
có màu rất tối (so với bầu trời). Chúng ta hãy nhìn những mái nhà khá
nổi bật vẫn đang phản xạ lại ánh sáng bầu trời (dù màn đêm rất tối).
Để ý ánh sáng và màu sắc trên bầu trời, nếu nhìn bằng
mắt thường chúng ta sẽ không có khả năng thấy rõ như vậy.
Đây là mặt trăng với bóng đổ nâu và chút đỏ. Hiện tượng này
do khi chụp bức hình, mặt trăng chưa lên cao.
Nếu mặt trăng đã lên tới đỉnh, nó sẽ có màu trắng và xám.
Màu sắc trên bầu trời:
Bầu trời thường khá đa dạng về màu sắc, nếu bạn quan sát hàng ngày, bạn sẽ thấy nhiều dải màu hỗn hợp khác nhau. Khi bạn nhìn bầu trời hay những đám mây, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng: thời gian trong ngày, mây che, độ dày của các đám mây cũng như khoảng cách giữa các đám mây. Nếu mây không dày hoặc khoảng cách giữa các đám mây đan xen nhau nhỏ, bạn sẽ nhìn thấy màu sắc và chất lượng ánh sáng rất khác nhau. Nó có thể tạo ra những gam màu không thể đoán nổi.
Ánh sáng tự nhiên nói chung và trên bầu trời nói riêng thường có một số màu (thậm chí vào những ngày lạnh lẽo nhất). Bầu trời là nguồn sáng khuếch tán bất biến trong ngày, không chịu ảnh hưởng mặt trời lúc sáng lúc yếu.
Tôi cũng chưa hiểu cái gì làm cho bầu trời mưa
phía xa có màu hồng, có thể do mặt trời che khuất phía sau.
Bầu trời luôn thay đổi và không thể dự đoán trước được điều gì.
Sương mù
Ánh sáng cũng tương tác với môi trường nếu có bất kỳ hạt sáng nào, nếu trong môi trường có những hạt phản xạ lại ánh sáng. Các hạt này có thể là những hạt bụi, nước hay những hạt ô nhiễm trong không khí. Đây là những hạt có khả năng bắt sáng và tạo cảm giác khối như khói hay sương mù.
Sương mờ thường thấy trong không khí, nó giúp chúng ta có thể cảm nhận cảnh phía xa. Sương che khuất làm các vật thể mờ nhạt, có phần xanh hơn và độ tương phản thấp (do môi trường sương mù không có khả năng khuếch tán mạnh ánh sáng phản xạ).
Sương mù giống hệt sương nhưng dày hơn. Nó khuếch tán ánh sáng mạnh và nếu bạn đang đứng trong đám sương mù dày đặc, bạn sẽ nhận thấy ánh sáng phát tán ra mọi hướng. Khi chụp một bức hình trong màu sương mù dày đặc, dụng cụ đo của máy ảnh có thể cho chúng ta số liệu chính xác (dù bạn có đang chếch máy lên, xuống hay quay sang hướng nào khác).
Sương thường có màu trắng hoặc ánh xanh, tuỳ theo thời tiết: Màu xanh nếu có ánh sáng mặt trời (vì chịu ảnh hưởng của bầu trời) và màu trắng nếu chịu ảnh hưởng của mây che. Sương mù có màu trắng như mây nhưng nó vẫn có màu sắc (nhận ánh sáng chiếu từ bầu trời hoặc mặt trời). Do vậy, trong thực tế, sương mù có thể màu xanh, thậm chí vàng hay da cam.
Các tia nắng xuyên qua những đám mây đã bị những
hạt trong không khí giữ lại.
Sương mù che phủ có màu xanh (do phản xạ ánh sáng từ bầu trời).
Nhưng phía xa, khi không chịu ảnh hưởng bóng đổ của cây,
sương mù lại có màu vàng hay da cam
(lúc này chịu ảnh hưởng trực tiếp ánh sáng mắt trời).
Cảnh tuyết trắng bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc,
ánh sáng khuyếch tán mạnh và không hề có
bóng đổ dưới bất kỳ gốc cây nào.
Nước:
Nước ảnh hưởng lớn đến cách tương tác của ánh sáng tự nhiên với thế giới quanh ta. Nó trở thành đặc điểm chung của phông cảnh mỗi khi trời mưa, sương hay trên mặt hồ, sông và biển.
Nước làm thay đổi bản chất các bề mặt vì không như hầu hết các vật thể trong tự nhiên, mặt nước có tính phản xạ cao và gây nên bóng sáng trực tiếp khá mạnh. Sương đọng trong cỏ có thể tạo nên hàng nghìn bóng sáng li ti (nó giữ lại những ánh nắng ban mai), mỗi hạt sương là 1 thấu kính con. Trong tự nhiên, những phản xạ long lanh thường khó thấy (trừ khi các bề mặt có nước bao phủ). Nước có thể giống các hạt trong bầu không khí.
Một ảnh hưởng lớn khác của nước lên ánh sáng đó là nó phản xạ ngược lại phông cảnh. Nếu bạn đang đứng cạnh bờ biển, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều ánh sáng phản xạ từ dưới bề mặt nước biển lên.
Cuối cùng, nước cũng gây nên một số hiệu ứng trong không khí: từ hiện tượng 7 sắc cầu vồng đến các quầng sáng.
Những hạt sương nhỏ tạo nên hàng nghìn bóng sáng lung linh,
thậm chí bóng đổ cũng tạo cho chúng ta cảm giác đó.
Hãy nhìn những giọt sương mai, chúng đang phản xạ bầu trời trong trẻo.
Bề mặt đọng nước của hè phố trông như 1 tấm gương lớn,
phản xạ mọi vật.
Nhựa dính trên những quả mọng này làm lớp vỏ ngoài sáng bóng,
nổi bật vẻ ngoài của vỏ. Chúng ta biết được vỏ quả mọng bị ướt
vì trong tự nhiên, phản xạ kiểu này không dễ thấy.
Đôi dòng suy nghĩ sau cùng:
Ánh sáng tự nhiên là một thể hỗn hợp và thay đổi liên tục. Tuy cũng tuân theo môt vài khuôn mẫu, nguyên tắc của thế giới vật lý tự nhiên nhưng loại ánh sáng này vẫn quá phức tạp để có thể cắt nghĩa được toàn bộ vấn đề trong một bài viết như thế này. Tôi chỉ hi vọng có thể cung cấp cho các bạn hướng đi, giúp các bạn giải quyết các trường hợp chiếu sáng khác nhau. Hi vọng những gì tôi cung cấp sẽ khơi dậy trí tò mò trong bạn, giúp bạn tự nghiên cứu, tìm tòi theo cách quan sát của riêng để có thể áp dụng vào công việc của mỗi người. Các bạn sẽ không những nhận ra những điểm yếu trong tác phẩm của mình mà còn nhận ra những gì trước đây quá lý thuyết sáo rỗng với bản thân. Thực tế chỉ là điểm khởi đầu và luôn cần sự tìm tòi nhiều thêm.
Có một vấn đề tôi vẫn phải cẩn thận là đôi khi những gì thuộc về nguyên tắc của trường hợp này lại có thể sai lầm khi áp dụng vào trường hợp khác! Ví dụ như ánh nắng ấm sẽ đổ màu lạnh. Có thể điều này đúng với ánh sáng tự nhiên: ánh sáng mặt trời màu vàng và bóng đổ màu xanh. Nhưng đây chỉ là một nguyên tắc của tự nhiên và chúng ta không nên làm theo một cách mù quáng, trong các trường hợp khác nó có thể không đúng (như với trường hợp mây tan).
Cũng tương tự như lý thuyết, màu bóng đổ theo màu của ánh sáng chính. Đây có thể là nguyên lý ăn sâu vào trí óc của chúng ta nhưng trên thực tế, lại không hoàn toàn như vậy (máy ảnh có thể tạo dễ dàng). Điều đáng nói ở đây là ý tưởng của bạn, ý đồ của bạn trong tác phẩm, bạn muốn một hiệu ứng riêng cho mình, không theo một nguyên tắc nào cả.
Danh họa giỏi nhất bạn nên học tập đó là Claude Monet, ông có kiến thức sâu sắc về ánh sáng tự nhiên và hầu hết các tác phẩm của ông đều xử lý ánh sáng rất tuyệt (mặc dù phong cách vẽ của ông khá thô và không hề tuân theo nguyên tắc chính xác nào của ánh sáng). Ông đã vẽ những bức tranh có sự thay đổi, biến tấu ánh sáng tuyệt vời như loạt tác phẩm về ụ rơm Haystacks hay các bức hoạ về nhà thờ Rouen Cathedral.
- Hương Giang -
>>> Nguyên lý ánh sáng (Phần 1)
>>> Nguyên lý ánh sáng (Phần 2)
>>> Nguyên lý ánh sáng (Phần 3)
>>> Tại sao sắc độ sáng tối lại quan trọng