Nghệ thuật Tây Ban Nha (Phần 1)

Từ Rokeby Venus eo con kiến của Velázquez

Gần như ai cũng biết Tây Ban Nha có họa sĩ Goya, nhà văn Cervantes, nhà thám hiểm Columbus. Nhưng vì các lý do chính trị, lịch sử, hoặc địa lý, đất nước Tây Ban Nha khá tách rời với phần còn lại của châu Âu về mặt văn hóa. Ngay cả những tên tuổi lớn kể trên cũng chỉ được biết rộng rãi thông qua những magnum opus của họ (Maja khỏa thân, Don Quixote,) còn hệ thống nghệ thuật đồ sộ của Tây Ban Nha đa phần vẫn nằm sau một lớp sương mù bí ẩn.

Thử tưởng tượng nền mỹ thuật đồ sộ của châu Âu là một lớp học: Pháp, Anh, Ý, Đức, Hà Lan,… chơi với nhau hòa thuận, trao đổi bài vở, thỉnh thoảng có cãi cọ chút đỉnh cũng xí xóa ngay. Trong khi đó Tây Ban Nha mặt mũi khó đăm đăm, ít trò chuyện với ai, một mình một kiểu. Nghệ thuật Tây Ban Nha do đó cần được phán xét một cách tương đối độc lập với phần còn lại của châu Âu, song nó có một sức hấp dẫn mãnh liệt và đặc biệt không pha tạp. Trong loạt bài này, ta sẽ cùng nhau khám phá hội họa Tây Ban Nha từ Kỉ nguyên Hoàng Kim (Spanish Golden Age) đến thời hiện đại qua các họa sĩ tiêu biểu thay vì từng trường phái riêng rẽ.

tay ban nha p1-1
Kho báu Villena, một trong những kho báu được khai quật
có lượng vàng tích trữ lớn nhất của thời đại đồ đồng
ở châu Âu và là di sản quốc gia của Tây Ban Nha

Khoảng thời gian từ 1492 đến 1659, gọi một cách tự hào Siglo de Oro (thế kỉ vàng ròng,) là lúc “kẻ lập dị” Tây Ban Nha khiến thế giới phải ngỡ ngàng vì những cống hiến quý giá. Dẫn đầu trong số những tài năng lúc bấy giờ có Diego Velázquez, họa sĩ trong triều đình vua Philip đệ tứ. Cả đời Velázquez chỉ sản xuất chừng 110-120 tác phẩm, song đều xuất chúng và có vị trí kinh điển trong nền nghệ thuật châu Âu. Họa sĩ Francis Bacon đã từng vẽ hơn 45 bức tranh dựa theo Velásquez, ví dụ như từ bức này:

tay ban nha p1-2
Chân dung giáo hoàng Innocent X, của Velázquez, 1650

tay ban nha p1-3
Tác phẩm dựa theo của Bacon, 1953

Picasso còn “điên” hơn, vẽ 58 bức dựa trên một mình tác phẩm Las Meninas! Dali và Manet cũng thần tượng Velázquez không kém, gọi ông là “họa sĩ vĩ đại nhất từng tồn tại.” Nhà thiết kế thời trang Cristobal Balenciaga thì thiết kế hẳn một dòng thời trang dựa trên tranh của Velázquez.

tay ban nha p1-4

Từ trái qua phải: tiểu công chúa Maria-Margarita trong bức “Las Meninas” của Velázquez, váy Infanta của Balenciaga, bản phác thảo trong tạp chí Vogue, năm 1939

Dài dòng như vậy cột để nói rằng: danh hiệu “đại sư phụ” của Velázquez là không phải bàn cãi gì nữa! Trong bài này, tôi chọn bức Rokeby Venus của ông để phân tích bởi hai lý do cơ bản sau:

tay ban nha p1-5
Rokeby Venus, 1651

- Đây là bức tranh phụ nữ khỏa thân duy nhất còn tồn tại đến giờ của Velázquez. Thời đó mà vẽ tranh khỏa thân là dễ… ăn đập như chơi. Tòa Hình án Tây Ban Nha (Spanish Inquisition) đặc biệt căm ghét những tác phẩm “đồi trụy” kiểu này, thậm chí vẽ cánh tay trần của phụ nữ cũng nguy hiểm! Nguyên do là Tây Ban Nha thế kỉ 17 có một nỗi sợ vô căn cứ: lo nhìn tranh gái đẹp hở hang dễ dẫn đến… biến thái, hư hỏng. Chẳng hạn vở kịch La quinta de Florencia còn kể lại một vụ cưỡng hiếp bắt nguồn từ việc xem tranh Michelangelo. Thật may Velázquez là họa sĩ cưng của nhà vua nên không bị sờ gáy, tuy bức tranh chỉ được treo trong phòng riêng để các nhà sưu tập thưởng lãm. Mấy trăm năm sau Goya cũng chịu sự tra hỏi của Tòa Hình án sau khi vẽ Maja khỏa thân, nhưng không hề hấn gì vì khai là chỉ vẽ… bắt chước Velázquez mà thôi. (Các vị tròng Tòa Hình án này mà sống lại vào thời nay chắc sẽ bị nhồi máu cơ tim hết cả nút.)

- Venus trong tranh đẹp miên man đến mức bị tấn công ngoài đời. Năm 1914, một bà theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan tên là Mary Richardson lăm lăm một con dao chặt thịt lao vào chém Venus tơi tả. Mary muốn phá hủy “người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử thần thoại” để… trả thù hộ một bà theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan khác vừa bị bắt. Mãi tận mấy chục năm sau bà ta mới thú nhận chẳng qua không ưa Rokeby Venus vì cánh đàn ông cứ nhìn cô ta chằm chặp! Khỏi nói cũng biết mọi người phẫn nộ và đau xót thế nào; cánh nhà báo thì mô tả vụ việc này như thể ám sát người thật vậy. May thay bức tranh đã được phục hồi nguyên trạng nhờ ông Helmut Moritz Ruhemann đại tài, xin ngả mũ trước ông vì đã cứu thoát người đẹp khỏi số phận thảm thương. Bà Mary Richardson sau này gia nhập hàng ngũ Phát-xít, âu cũng là cái liễn.

tay ban nha p1-6
Rokeby Venus bị bà Mary Richardson “vùi hoa dập liễu,”
ảnh đen trắng chụp sau vụ tấn công

Tranh vẽ Venus, nói gì thì nói, cũng nhằm hai mục đích cơ bản: khoe tài hoa vẽ người phụ nữ của họa sĩ, và thỏa mãn cái nhìn của người hâm mộ. Venus trong tranh thường tóc vàng (có lúc tóc nâu,) đường cong mỹ miều, nằm mời gọi, lý do vì sao thì không cần có bằng tiến sỹ tâm lý cũng trả lời được.

tay ban nha p1-7
Một số tranh Vệ Nữ tiêu biểu trong nửa cuối thiên niên kỷ trước

Venus của Velázquez khác thường ở chỗ… quay hẳn lưng lại, chả để cho người xem được mãn nhãn. Song chính cái tư thế khác thường ấy lại phô diễn đường cong tuyệt mỹ của nàng hiệu quả một cách lạ thường. Tôi đố ai chỉ ra được Venus nào có vòng eo mê ly được như cô này. Sợ so sánh mất lòng nhau chứ đặt cạnh Venus của Velázquez, thực tình các Venus nằm ngửa kia có vẻ “xôi thịt” hơn hẳn.

tay ban nha p1-8
Vòng eo của Venus, chi tiết tranh

Là nữ thần của lạc thú và sinh sản, Venus thường có cái bụng hơi bầu bầu phồn thực, nhưng cơ thể của Rokeby Venus lại có vẻ trẻ trung như cô gái mới lớn. Chẳng có hoa hồng, nữ trang hay chim bồ câu, nàng chỉ có cậu con trai Cupid và chiếc gương soi để người xem biết đấy chính là nữ thần tình yêu và sắc đẹp.

tay ban nha p1-9

Một Venus quay lưng, soi gương, béo mập của Rubens, 1615. Vì họa sĩ thích vẽ người đầy đặn nên người ta gọi vẻ đẹp tròn trịa kiểu này là “Rubenesque.”

Lý do Velázquez vẽ Venus quay lưng lại cũng một phần để không dính rắc rối với Tòa Hình án Tây Ban Nha, “tránh voi chẳng xấu mặt nào,” nhưng cũng vì ông chịu ảnh hưởng của nghệ thuật thời Hellenistic. Pho tượng đem cho ông cảm hứng rõ rệt nhất được khai quật vào khoảng 1608, sau đó ông liền yêu cầu gửi tới một bản sao làm bằng đồng để ông nghiên cứu. Mang tên Sleeping Hermaphroditus, pho tượng này được sao chép vô số lần với các chất liệu khác nhau. Tư thế quay lưng của Rokeby Venus được gợi ý từ tác phẩm này.

tay ban nha p1-10

Tượng Hermaphroditus nằm ngủ trong bảo tàng Louvre. Hermaphroditus  là vị thần nửa nam nửa nữ, con của Venus và Hermes. Theo Ovid, chàng ta sinh ra là nam nhưng đi tắm hồ bị một cô nàng “fan cuồng” quắp chặt lấy không buông, từ đó hai người hòa làm một. Tên của vị thần này là nguồn gốc của từ hermaphrodite – người lưỡng tính.

Gương mặt của Rokeby Venus cũng là đề tài cho người ta bàn tán. Mắt, mũi, miệng nàng ta vừa rõ ràng vừa mờ ảo, không thể nắm bắt được. Velázquez cố tình để những chi tiết đó mơ hồ, bởi ông đâu phải vẽ một nữ thần trong truyện, càng không phải vẽ một người mẫu cụ thể nào. Trên hết, cái mà Velázquez muốn biểu đạt là cái Đẹp viết hoa, cao hơn và rộng hơn bất kì một cá thể nào. Bộ mặt trong gương đó là đại diện của mọi vẻ đẹp phụ nữ trên đời. Khi một người đẹp soi mình vào gương thì hình bóng phản chiếu lại cũng chính là của Venus vậy!

tay ban nha p1-11
Venus trong gương, chi tiết tranh

Gương mặt này còn lạ lẫm ở chỗ: nếu chiếu theo vật lý quang học, Venus không thể ngắm bản thân được bởi ánh mắt nàng hướng về phía người xem. Vậy thì Venus đang nhìn gì? Họa sĩ trêu ta chăng? Hiện tượng này thực ra còn có tên gọi là “Venus effect” (hiệu ứng Vệ Nữ,) trong đó người xem tưởng nhân vật ngắm bóng mình trong gương nhưng thực ra không phải. Hiện tượng này còn được ứng dụng trong nhiếp ảnh và phim ảnh. Cái nhìn thờ ơ mà thách thức ấy sẽ được Manet lặp lại trong bức Olympia gây sốc cả Paris, còn tấm lưng nuột nà của Venus thì được Jean Dominique Ingres áp dụng cho các “nữ thần” tình ái trong đời thường, điển hình là La Grande Odalisque.

tay ban nha p1-12
Một ví dụ của “Venus effect,” tranh Veronese

tay ban nha p1-13
Đại cung phi, của Ingres, 1814

tay ban nha p1-14
Nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ, của Ingres, 1862

tay ban nha p1-15
Một bức khác vẽ người tắm của Ingres 

Theo mô tả của tờ The Times vào năm 1914, Rokeby Venus “không duy tâm cũng chẳng nồng cháy, nhưng tuyệt đối tự nhiên, tuyệt đối thuần khiết”. Một nhà bình luận nghệ thuật còn nhận xét “Nàng Vệ Nữ Tây Ban Nha này không phải Aphrodite mà những kẻ si tình thờ phụng hoặc kính sợ. Nàng là nữ thần của Tuổi trẻ và Sức khỏe, là biểu tượng của sự dẻo dai và sức sống, là tính nữ ở giai đoạn hoàn hảo như nụ hoa bừng nở thành đóa hoa”.

Dù bức tranh đã bị lưu lạc đến Anh (vậy mới có cái tên Rokeby), nhưng Rokeby Venus là đại diện đỉnh cao của tinh thần nghệ thuật Tây Ban Nha: lộng lẫy xa hoa ẩn chứa trong khắc khổ và tiết chế, đơn giản mà tinh vi, mời gọi mà bí hiểm. Mặt khác, nó cũng thể hiện tài năng của Velázquez ở mức độ cô đọng nhất. Và nền nghệ thuật kỳ vĩ của Tây Ban Nha còn rất nhiều kho tàng để chúng ta khám phá.

- Anh Nguyễn -

>>> Nghệ thuật Tây Ban Nha (Phần 2)

>>> Cézanne đã thay đổi lịch sử nghệ thuật như thế nào?

>>> Nghệ thuật chữ trong quảng cáo

0976984729