Nghệ thuật sắp đặt
Nghệ thuật Sắp đặt là một thể loại nghệ thuật mới ở phương Tây trong những năm của thập niên 60- 70 của thế kỷ trước. Đây là một thời kỳ thúc đẩy sáng tạo sắp đặt một cách đa dạng. Các hoạ sĩ quan tâm đến những tác phẩm nghệ thuật có tỷ lệ lớn hơn nhiều so với những bức tranh được treo trong khung. Những bức tranh khích lệ sự cảm nhận tác phẩm nghệ thuật như một phạm vi của sự hành động: tăng cường nhận thức về môi trường không gian (cả trong thế giới của sự rộng lớn cũng như kiểu nghệ thuật trên mặt đất) gắn với những nghệ thuật có sự chi phối của thời gian như video và trình diễn. Điều này dẫn tới sự phá tan ranh giới đa dạng giữa hội hoạ và điêu khắc, nghệ thuật trực quan và sân khấu, nghệ thuật và cuộc sống… Nghệ thuật Sắp đặt gắn liền với chủ nghĩa Hậu hiện đại. Đây là một thuật ngữ được áp dụng với những cách thức sáng tạo nghệ thuật mới của hầu hết các hoạ sĩ trẻ. Thuật ngữ Hậu hiện đại cũng được dùng cho rất nhiều các phong cách khác nhau xuất hiện từ cuối thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX. Tất cả những loại hình nghệ thuật của ba thập kỷ cuối thế kỷ XX và những năm tiếp theo (có xu hướng đi tìm không chỉ các phương thức biểu đạt mới mà cả những hình thể biểu trưng gần với hiện thực) đều nằm trong phạm vi của hậu hiện đại.
Nghệ thuật sắp đặt trong lịch sử mỹ thuật là một trào lưu đầy tính cách mạng đã xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX với Marcel Duchamp** và những tác phẩm nghệ thuật được làm từ những đồ vật có sẵn. Từ năm 1912, việc đưa trực tiếp các vật liệu làm sẵn không có tính nghệ thuật- những mảnh giấy báo, mụn vải, bàn ghế, hộp thiếc… vào tranh đã trở thành một phần của ngôn ngữ hội họa Lập thể với Picasso, Braque và nhiều người khác. Tuy nhiên, Duchamp là người đầu tiên nhận ra rằng, bất cứ vật “làm sẵn” phi nghệ thuật nào tự thân nó cũng có thể được trưng bày như là “nghệ thuật” nếu nó được tách ra khỏi bối cảnh, công dụng và ý nghĩa nguyên thủy của mình.
Nghệ thuật Sắp đặt là một sáng tạo trong không gian gian ba chiều và một trong những đặc điểm của nó là đòi hỏi phải có tính tổng thể, phải có mối liên hệ với thế giới. Có lẽ được nhìn thấy một cách dễ dàng nhất trong nghệ thuật sắp đặt là địa điểm đặc trưng. Địa điểm và tác phẩm là không thể tách rời. Nghệ thuật được tạo ra cho một địa điểm đặc trưng và việc di chuyển sẽ làm thay đổi cơ bản hay phá hỏng tác phẩm. Địa điểm đặc trưng liên quan đến tỷ lệ, ánh sáng, hình…
Bên cạnh đó, nghệ thuật Sắp đặt còn có đặc trưng khác là sử dụng không gian như một thực thể quan trọng- người xem có thể vừa là chủ thể vừa là khách thể của tác phẩm và bị cuốn hút cùng với tác phẩm đó. Trong khi tất cả các loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự vận động để chủ động nêu bật nội dung thì những tác phẩm Sắp đặt còn có thêm những ý nghĩa bắt nguồn từ sự vận động của không gian. Không gian đó được trình bày bên trong không gian sắp đặt, khiến công chúng ngay lập tức tò mò tìm hiểu. Điều đó lý giải tại sao công chúng chiêm ngưỡng một tác phẩm Sắp đặt trong không gian triển lãm với rác rưởi, bụi bặm, giẻ rách mà vẫn cảm thấy rằng mình đang ở trong không gian nghệ thuật.
Hiện nay, Nghệ thuật Sắp đặt lan tràn trên toàn thế giới với hai loại khác nhau:
- Loại thứ nhất, nghệ thuật Sắp đặt được xem như là một bộ sưu tập những vật thể “làm sẵn”, trong đó người hoạ sĩ sắp xếp tạo nên những vật thể lớn.
- Loại thứ hai, nghệ thuật Sắp đặt không sử dụng, hoặc được xem là không sử dụng các vật thể như một chủ thể của tác phẩm, tuy nhiên không gian được biến đổi hoàn toàn. Ví dụ như cách biến đổi một căn phòng tới những chi tiết nhỏ nhất như sơn lại… Tất cả các giới hạn của không gian được tái tạo lại gây ấn tượng khác thường cho người thưởng thức.