Không gian vật lý của nghệ thuật với thị giác (Phần cuối)

khong gian 24

Hình 164. Nội thất của nhà thờ Sant’Apollinare ở Classe, thành phố Ravenna,
Đế chế BYZANTINE, khoảng năm 530-549 sau Công nguyên

Nếu, từ Nhà Nguyện Versailles, chúng ta di chuyển thẳng đến nhà thờ Sant’Apollinare ở Classe (hình 164), chúng ta sẽ thấy cấu trúc không gian phức tạp ở trên đã chuyển thành một cấu trúc với hiệu ứng đơn giản và tức thì. Có vẻ như không gian chuyển động mềm mại, lặng lẽ của nhà nguyện được gom lại thành một không gian độc nhất và cố định chắc chắn. Bước vào nhà thờ tại thành phố Ravenna, cảm giác của chúng ta về sự cân bằng tinh tế của không gian đã biến mất, vì tại đây chúng ta chỉ nhận thức được khoảng không gian của gian giữa – nơi trung tâm của tòa nhà. Mặc dù trên thực tế, hàng cột sẽ mở ra khoảng không gian dọc hai bên tòa nhà, nhưng do hiệu ứng ánh sáng rực rỡ của gian giữa, các cột đã che mất hình ảnh của không gian bên sườn. Phần thân cột bằng đá cẩm thạch bóng bẩy và các bức tường trơn, màu sáng phản chiếu ánh sáng mạnh đến mức các cửa sổ và khoảng trống giữa các cột trông nổi bật như các hình dạng được dựng lên trên bề mặt phẳng. Nguồn sáng cường độ cao được phân bố đồng đều khiến bức tường của gian giữa nhà trông rất phẳng, chia cắt gọn ghẽ các mặt phẳng với độ dày nhỏ ; các bức tường được thả vào không gian như tấm rèm, đột ngột chặn đứng khoảng không gian bên ngoài nó. Khi các dầm và xà trên mái nhà lộ ra, lấp đầy và làm tối phần không gian phía trên của nhà thờ, chúng ta cũng cảm nhận được mặt phẳng nằm ngang được vẽ ra phía trên đầu.

Khi hình dạng và đặc điểm của không gian được nhấn mạnh bởi sự tương phản giữa màu trần tối và tường sáng, vị trí của chúng ta trong không gian ấy sẽ được định vị một cách chính xác tới mức một cách vô thức chúng sẽ tìm cách thoát ra. Khi ấy chúng ta sẽ tìm đến khu vực duy nhất trong không gian đầy sức mạnh có điểm nghỉ ngơi, đó là lễ đài hình bán nguyệt.

khong gian 25

Hình 165. Sơ đồ nhìn từ trên cao của nhà thờ San’t Apollinare ở Classe,
thành phố Ravenna. Đế chế BYZANTINE, khoảng năm 530-519 sau Công Nguyên

Bức tường cong của nó làm mềm các góc cạnh của vùng không gian ở giữa nhà thờ, các tia sáng ấm áp của ánh sáng chiếu qua các tấm đá cẩm thạch mờ dường như cũng làm thay đổi đặc tính của không gian. Một cách tự nhiên, mắt chúng ta được dẫn đến khu vực này bởi hai hàng cột, mái vòm và các vòng tròn (chuyển động này sẽ rõ hơn nếu ta nhìn qua một máy ảnh góc rộng thay vì nhìn trực tiếp vào trong nhà thờ), thế nhưng điều thực sự khiến cho khu lễ đài hình bán nguyệt này trở thành tâm điểm của nhà thờ, chính là cảm giác về không gian tách biệt và cô lập của nó. Bằng các bậc thang đi lên từ gian giữa nhà thờ với các họa tiết khảm trang trí, khu vực này trong nhà thờ thực sự được mô tả giống như một cung thánh, tuy nhiên những nét này chỉ là sự ghi lại một cách tượng trưng cho sự hiện diện mà vốn dĩ các hiệu ứng không gian của tòa nhà đã cho ta thấy từ trước đó rồi.

khong gian 26

Hình 166. Cung thánh trong nhà thờ Sant’ Apollinare ở Classe,
thành phố Ravenna, Đế chế BYZANTINE, khoảng năm 530-549 sau Công Nguyên

Chỉ sau khi vào bên trong Nhà Nguyện Versailles hoặc nhà thờ Ravenna, chúng ta mới tìm thấy từ hình dáng bên ngoài của tòa nhà, bản chất cụ thể của không gian bên trong đó.

khong gian 27

Hình 167. Mặt tiền và sơ đồ mặt bằng của nhà thờ San’t Andrea al Quirinale, Rome,
Kiến trúc sư GIANLORENZO BERNINI, năm 1658-1670

Ngay từ khoảnh khắc nhìn thấy nhà thờ đế chế La Mã của Bernini (hình 167) chúng ta bị cuốn vào sự giao thoa giữa các hình dạng của không gian. Khi tiến gần về phía nhà thờ, con phố phía trước nhà thờ lùi về một phía, nhường lối cho khoảng không tạo ra bởi hai bức tường thấp và uốn lượn. Mắt chúng ta lập tức được dẫn đến mặt tiền cao và hẹp của nhà thờ, với tỷ lệ đó, nhà thờ chiếm trọn không gian trước mặt nó, như một bức tượng đứng trong hốc tường của riêng mình. Tuy nhiên khi chúng ta nhìn lên mặt tiền sừng sững phía trên chúng ta, điểm nhấn Bernini tạo cho các phần phẳng và góc cạnh của mặt tiền khiến chúng ta thấy nó như một mặt phẳng sắc nhọn cắt vào phần không gian nhỏ hình cánh cung. Đồng thời chúng ta nhận thức được các cột và dầm ngang của cổng vòm uốn cong dường như không phải được xây gắn lên trên mặt tiền mà như tự nhô ra ngoài từ phía bên trong, vì vậy nếu nhìn thoáng, qua các bức tường bên hông của nhà thờ, tạo ấn tượng như đang di chuyển về phía trước và từ hai bên để tìm đến bề mặt phẳng của mặt tiền. Đường cánh cung này được tiếp nối bởi đường cong của cổng vòm, chúng ta cảm thấy rằng cổng vòm như bị đẩy ra ngoài bởi lực đẩy của không gian bên trong nhà thờ, tại đây nó gặp gỡ mặt phẳng của mặt tiền và cả các không gian hình vòm đang chạy ngược lại, sức mạnh của sự va chạm ấy lan xuống cả các bậc thang hình cung dần mở rộng.

Mọi chuyển động tiềm ẩn trong các hình cung này giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của gần như cả không gian bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ, giống như những làn sóng tạo ra khi ta ném viên sỏi xuống mặt nước phẳng lặng, lúc ấy mặt nước như một tấm vải trong suốt dệt bởi loại chất liệu với mật độ cụ thể.

khong gian 28

Hình 168. Bên trong của nhà thờ Sant’Andrea al Quirinale, Rome,
Kiến trúc sư GIANLORENZO BERNINI, năm 1658-1670

khong gian

Hình 169. Bên trong của nhà thờ Sant’Andrea al Quirinale, Rome
Kiến trúc sư GIANLORENZO BERNINI, năm 1658-1670

Chuyển động đối kháng của hai khoảng không gian này bị gián đoạn bởi mặt tiền đặt tại điểm giao nhau cảu hai hình cung, điều đó làm tăng thêm cảm giác chúng ta đang đi từ không gian này sang không gian khác. Toàn bộ mặt tiền chỉ còn là một cánh cổng duy nhất. Ngay khi đi qua cổng, bước từ vùng sáng ngoài trời rực rỡ vào bên trong tối hơn, chuyển động hướng ra ngoài của không gian bên trong như bị đảo ngược, như thể khi ta mở cửa không gian bên ngoài đã ùa vào và ép không gian bên trong lùi lại. Các bức tường uốn cong hướng ra phía xa hai bên, nhanh chóng lướt qua và gom không gian lại trước khi nó thoát ra khỏi hộp chứa hình bầu dục này. Hai bờ tường gặp lại nhau tại điểm đối diện vị trí của ta khi bước vào, tại một cấu trúc gần giống mái hiên tương tự như phía bên ngoài.

Nhưng thay vì chĩa thẳng vào không gian, cấu trúc này bẻ lái để không gian chuyển động theo hướng của nó. Thông qua nó, không gian thoát ra và đi vào cung thánh và nhờ vậy biến thành ánh sáng. Trong vòng tròn không gian thiếu ánh sáng của Nhà nguyện, cung Thánh tỏa sáng rực rỡ như thể nó được một nguồn sáng từ trên cao rọi xuống.

Và khi nhìn lên, mắt chúng ta quét theo đường cong của bệ đá, tại đây chúng ta phát hiện ra bức tượng Thánh Andrew, người dường như được tia sáng nâng lên không gian phía trên. Các ấn tượng nối tiếp nhau nhanh chóng đến nỗi trải nghiệm xảy đến với chúng ta gần như tức thời, cảm giác như ngay tại khoảnh khắc ta bước vào nhà thờ, Thánh Andrew vừa mới được nâng lên vào vùng đất Thánh. Luồng ánh sáng đi vào từ các cửa sổ bao quanh phần mái vòm màu sáng, ngăn cách không gian tối màu của chúng ta với thiên cầu nơi Thánh Andrew được đưa lên. Không gian lấp đẩy mái vòm dường như ngưng tụ và bất động lơ lửng trên đầu chúng ta.

Giống như Mansart, Bernini đã sử dụng không gian để cho ta thấy mối quan hệ của hệ thống cấp bậc trong niềm tin của Giáo hội. Sự khác biệt trải nghiệm của hai tác phẩm này nằm ở quan niệm về không gian của mỗi tác giả, một người coi không gian là loại chất liệu gần như có thể sờ thấy được – ông cho ta thấy một không gian được treo lên ở trạng thái cân bằng, người còn lại cho chúng ta trải nghiệm một trình tự sống động của nhiều hiệu ứng không gian. Bernini làm cho không gian trở nên thật đến nỗi, giống như tác phẩm điêu khắc của Henry Moore, chúng ta không chắc liệu cấu trúc thể rắn định hình không gian hay không gian đã định hình và nhào nặn các hình thái ở thể rắn.

- Nguồn: Theo Nghệ thuật với Thị giác của Bates Lowry
được dịch bởi Nguyễn Mai Linh và Nguyễn Mi -

>>> Không gian vật lý của nghệ thuật với thị giác (Phần 2)

>>> Diện tạo không gian

>>> Thiết kế bố cục bằng lực thị giác (Phần 1)

0976984729