Họa tiết trong Mỹ thuật An Nam - Họa tiết chữ (Phần 2)
>>> Họa tiết trong Mỹ thuật An Nam (Phần 1)
Trong Hán tự có nhiều chữ tượng ý dù rằng thuở ban đầu chữ Hán là hình vẽ dùng để chỉ sự vật. Lối chữ Hán cổ đã được tiến hóa rất đáng kể nên có giá trị trang trí rất lớn. Chẳng hạn hình vẽ ba đỉnh nhọn nằm ngang trên cùng một đường chân trời để chỉ trái núi, rồi sau này biến thể thành chữ ‘sơn’ (山); tuy rằng hiện nay đôi khi vẫn còn thấy lối viết cổ trên một vài tấm biển nhỏ.
Chữ hiện nay khác rất xa với chữ cổ, tác dụng trang trí thêm nhiều hơn. Hoặc mềm mại và liền nét, hoặc rộng và phẳng lì, hoặc cong cong và cứng còng; dù cho đan chen hay chồng lớp lên nhau theo hình kỷ hà, nằm gọn trong một ô vuông hay tự do phóng túng nét; chữ hiện đại vẫn là thứ trang trí hết sức phong phú khiến cho một ngôi chùa dù hư nát cũng trang trọng lên.
Tên các tấm giấy to lại thấy có tác dụng khác: nghệ thuật mang nét phóng khoáng. Người nghệ sĩ phóng bút thảo nhanh các nét chữ chẳng chút ngượng tay, cho ra một tác phẩm trang nhã hài hòa với ý tưởng tinh tế của câu chữ. Những nét móc, nét xổ, nét ngang, … được tuôn ra từ ngọn bút lông thấm mực. Tôi có biết một nghệ sĩ Huế đã quá cố từng vẽ chữ chỉ bằng đầu ngọn tre đập cho tưa dập, nó khiến cho tác phẩm của ông có nét vừa mộc mạc quê mùa vừa có tính tìm tòi sáng tạo. Ông có biệt danh là Khóa Cọ như người ta thường gọi. Bởi vì ông không vẽ như mọi họa sĩ thông thường mà là “chùi cọ”, nhưng nói theo nghệ thuật phương Tây là vẽ phác. Với mực Tàu, ông chẳng những viết chữ mà còn vẽ thêm các tích cổ với hình hoa, lá, chim, đá , … vào các câu đối (hình LIII), đúng là một bậc thạc nho. Quả là nghệ thuật, nhưng phải thú nhận đó là thứ nghệ thuật hiện đang suy tàn.
Trong các trường hợp này mục đích trang trí là thứ yếu. Điều mà người ta muốn nói lên trước tiên là tư duy: người nghệ sĩ làm sao cho chữ viết thanh cao nhất.
Nhưng đối với một số chữ, mục đích trang trí có tính nhạy cảm hơn như chữ ‘phúc’, chữ ‘lộc’, chữ ‘thọ’, chữ ‘hỉ’, v.v. … (hình XXXVI). Trên hết tất cả, các chữ này đều hàm ý mang đến điều may mắn như ý, như một thứ bùa cầu may lồng trong chúng. Người ta tin điều đó có hiệu quả nên ban phát chúng khắp nơi; công việc thường làm đó đã dẫn người nghệ sĩ dùng chúng làm họa tiết trang trí. Chúng được cách điệu bằng mọi kiểu (hình XXXVII, XXXVIII, XXXIX); chúng bị giản lược lại rất nhiều, chỉ còn nét vòng vòng hay khúc khuỷu, giản lược thành hình chữ nhật của chữ triện (hình XXIX, XLII, XLV, LXXXIII, CIV v.v. …), cho chúng mang hình cái lư hương (hình XLIII, XLVII, ,,,); cho chúng kết hợp với hồi văn (hình XLIII, XLIV, XLV); với dây lá (hình XLVI, XLVII, XLVIII, XLIX). Chúng được trang trí cho các bình phong, màn trướng, tường bao, cửa sổ tròn hay vuông (hình XL, XLI, XLII).
Thường chữ ‘thọ’ được dùng nhiều và rất đa dạng. Nhiều người An Nam, trong đó có cả nho sĩ, hay dùng chữ ‘thọ’ cách điệu để trang trí. Chưa bao giờ tôi đủ khả năng phân biệt sự khác biệt giữa chữ ‘thọ’ với chữ ‘phúc’ hay chữ ‘lộc’ đã được cách điệu hóa để dùng trong mục đích trang trí. Tôi đành chấp nhận lối giải thích của người An Nam và sưu tập tất cả các dạng chữ ‘thọ’ đó.
Có một chữ rất đặc thù là chữ ‘hỉ’. Một đôi khi nó được dùng một mình nhưng thường được ghép đôi hai chữ với nhau, gọi là ‘song hỉ’ (hình LII). Đó là biểu tượng trang trí mang ý nghĩa chung vui, hạnh phúc lứa đôi, tức niềm mong ước của những vợ chồng mới cưới.
>>> Họa tiết trong Mỹ thuật An Nam (Phần 3)