Họa phẩm “Thợ vá đường ở phố Berne (1878)"
của Edouard – Manet
Trong sáu năm, giữa thập niên 1870, Manet có một phòng vẽ mà nay là phố Leningrad, khu cư xá mới của giới trung lưu, gần nhà ga Saint Lazare quận Tám. Từ trên cửa sổ, ông có thể nhìn sang phố Berne. Tầm nhìn này đã giúp ông thực hiện một số tác phẩm, trong đó có bức này – trước năm ông rời họa thất này (1878). Bảng màu sáng và các tông màu mới trong tranh đều cho thấy ông chịu ảnh hưởng tư tưởng và kỹ thuật của phái Ấn tượng. Mặc dù ông đi lại thân thiết với đồng nghiệp trẻ ở quán cà phê Soirées từ năm 1860, nhưng mãi 10 năm sau, ông mới chấp nhận ảnh hưởng của họ. Ông đi vẽ ngoài trời khoảng từ năm 1870-1871 và đến năm 1874, ông cùng với Renoir và Monet đi vẽ trong dịp hè ở một làng bên bờ sông Seine tại Argenteuil, gần mạn Đông Bắc Paris – vùng có nhiều villa của cấp trung lưu.
Monet sống ở Argenteunil từ năm 1872, nơi đã nổi tiếng về phong cảnh do nhóm Ấn tượng vẽ từ năm 1870. Địa điểm rất thuận tiện cho nghệ sĩ gặp gỡ, triển lãm và trao đổi với giới thương mại. Cùng lúc họ lại có sẵn nhiều quang cảnh như làng mạc, vườn cây và cảnh sông nước gợi hứng làm việc với thiên nhiên. Dù Manet không dốc hết tâm lực vẽ cảnh thiên nhiên tại chỗ trước thập niên 1870, nhưng thỉnh thoảng có dịp là ông lại đi vẽ như vậy. Từ kinh nghiệm vẽ ngoài trời, bảng màu của ông trở nên nhẹ và sáng hơn, dù ông không chấp nhận sự giới hạn màu của Ấn tượng, mà vẫn còn dùng màu đen và đất làm thang màu tương phản trong tác phẩm – thập niên 1860, ông mới dần dần chuyển sang vẽ thang màu lợt hơn.
Trong bức “Thợ vá đường ở phố Berne” là một ví dụ điển hình khi Manet gây sửng sốt giới thưởng ngoạn với tài nắm bắt ánh sáng ngoài trời của ông. Tranh được vẽ trên khổ vải chữ nhật nằm ngang, hơi nhỏ hơn mức tiêu chuẩn, vẽ phong cảnh số 25, bề bản 81 x 62,1cm. Để sơn lót nền, ông dùng màu xám lợt, sơn trên khung vải thật mịn, còn thấy rõ sớ vải, để kéo lê. Màu sơn lót này nhắm làm nổi ánh lấp lánh trong toàn tranh, hợp nhất với những lớp màu kem. Những lớp màu sáng như màu phấn tiên – pastel – với nhiều trắng chì làm tăng sự phản chiếu và tạo ra hiệu quả như ánh sáng mặt trời.
Nhìn từ phía Tây bắc phố Berne, mặt trời ban trưa ngả từ trái sang phải trên con đường màu vàng ấm, nhuộm, khắp đường và các cao ốc bên phải, tạo ra bóng tối xanh tím tương phản. Không có bóng tối thẫm, hay màu tương phản phá hỏng tông màu thống nhất của ánh sáng mặt trời. Bầu không khí xanh (da trời) ở cuối phố lui dần thật tuyệt vời, ở đó, Manet tô một màu sơn trong xanh đục trên màu đá để tạo lớp phản quang trong bóng mát. Phòng vẽ chói nắng của ông đã tạo ra hiệu quả vừa ấm, lại mát ở ngoài cửa để nghiên cứu màu sắc Ấn tượng.
Ánh sáng mặt trời lan rộng trong bố cục tạo nên sự mơ hồ trên bề mặt và không gian trong tranh. Ánh sáng đồng bộ thiếu sự tương phản của sắc độ ở tiền và hậu cảnh, xoay ra mâu thuẫn với không gian ảo trước con đường rút ra khoảng xa. Thang màu xanh lợt của hậu cảnh lộ rõ trên các cao ốc gần bên và các nhân vật, một vệt xanh da trời sáng lên ở đầu cuối mé trái đã đẩy hậu cảnh tiến tới trước. Vệt đậm nâu đỏ kéo dài xuống từ mé trái để tạo nét dội bên mép tranh. Nét này cũng làm dội tòa cao ốc chấm ở cuối phố để ghép nó vào mặt tranh…
Bảng màu của Manet vẽ tranh này có thể gồm:
(1) chì, hay (2) trắng kẽm, đen, (3) nâu đen, (4) nâu vàng (sienna), (5) vàng nâu, (6) đỏ đất hay đỏ chì, (7) đỏ son, (8) có lẽ là đỏ alizarin, (9) xanh cobalt, (10) xanh nước biển, (11) xanh vàng, (12) viridia, (13) xanh (lá cây) cobalt, xanh lợt cerulean cũng có thể được dùng.
Từ trên xuống dưới, từ trái qua phải:
- Màu xanh đục mờ, lợt đi với lớp trắng mỏng để gợi nét mơ hồ từ đằng xa.
- Điểm vàng nâu ở đây tương đối thuần chất.
- Bóng xanh lợt phản chiếu màu trời, vẽ bằng xanh (da trời) pha trắng đục.
- Vệt sơn khô màu phấn bền chắc.
- Gần như trắng tinh, tạo điểm sáng dội.
- Chấm đỏ điểm trên đóa hoa, tương phản với vàng xanh.
- Đỏ tía đan xen nhau lúc còn ướt.
- Vẽ sơn ướt đè sơn ướt, hòa nhau từng phần một.
- Nét xám đất lợt, trên cạnh đáy.
Trong tác phẩm này, Manet bỏ thang màu tương phản – đặt đen, trắng như thập niên 1860, lúc còn mang ảnh hưởng của Manet. Ở đây, ông vẽ trắng, pha với các màu để tạo sắc lợt như phấn tiên, và cũng để hợp với ánh sáng chan hòa ngoài trời.
Theo tầm mắt họa sĩ, ông nhìn xuống hiện trường từ cửa sổ, và đưa nó lên mặt tranh, ông loại bỏ đường chân trời làm cho bức tranh thu lại. Tuy nhiên, sự rút lại được tăng cường bằng tỷ lệ thay đổi của nét bút, làm rõ tiền cảnh, làm mờ hậu cảnh, làm giảm tỷ lệ nhân vật và hợp nét phối cảnh trên các cao ốc bên phải. Như vậy Manet tạo được yếu tố cân bằng giữa tự nhiên và không gian để nhấn mạnh phẩm chất hai chiều trong tranh.
Nét cọ của Manet miêu tả sống động theo hình thể nhân vật và các cao ốc, nhấn mạnh những nét thay đổi trên mặt tranh. Nhóm người ở tiền cảnh đang lót đá trên con đường mới mở này. Sự cách biệt bên trái con dường sau chấn song im lìm, trong khi người ngoài đường lo lót đường.
Họa sĩ Manet cũng vẽ như người đương thời, ông tách đám người sống trong khu phố ra một bên, mà chỉ chú trọng mô tả đô thị đang được xây dựng mới. Dưới con mắt Ấn tượng, các họa sĩ lo ghi lại phố sá lát đá sạch sẽ, sáng sủa hiện đại.
Màu kem thanh tao giống như phấn tiên, gợi ra ánh mặt trời từ xa, tương phản với thang màu xanh (da trời) mơ hồ trong bóng hình. Do lượng trắng nhiều, khiến ánh phản chiếu từ màu, tự gia tăng. Thang màu xanh (da trời) lợt tô lên lớp sơn mỏng nhưng đục màu làm người ta nhớ lại thang màu xanh Renoir sử dụng trong tác phẩm Rocky Crags (1882). Vàng, xanh vàng và trắng dùng vẽ tán cây. Màu xanh trắng lý thú lướt trên lớp sơn dày để tạo đoàn người bé nhỏ xa xa.
Chi tiết lơi lỏng và nét bút phóng khoáng cứ mỗi nét là dùng một màu. Các nét cọ tuy luyến vào nhau nhưng sắc độ vẫn rành rẽ. Nét cọ kéo lết vẫn để màu sơn lót khô lộ ra. Màu xanh (lá cây) pha xanh (da trời) lợt nhất đó có thể là màu xanh cerulean, còn màu xanh tím ở khuôn hồng này có thể là xanh nước biển.
Nét cọ phất mạnh ở góc này vừa pha màu ướt với nhau lại vừa tô ướt trên màu đã khô. Khung vải vẽ rất mịn thấy lộ ra ở nhiều chỗ sơn lót nền xám. Những nét màu cam pha trộn tạo sự tương phản sống động với thang màu xanh (da trời) bổ túc. Manet vẽ nét lơi, không tập trung đã tạo cảm giác nhóm người đang bận rộn làm việc ngay từ cái nhìn thoáng qua.
Chi tiết cỡ thật. Ở góc chi tiết này, ta thấy lớp sơn đen trong suốt nằm dưới đống đá bên trái. Phần này, đã được cạo hay xóa, để lộ một vệt sơn xám mỏng lót nền vải vẽ. Cạo bỏ là cách họa sĩ thường dùng để loại lớp màu tô không vừa ý. Vệt mờ quanh bả vai và đầu người đang cúi xuống cũng có vết cạo. Màu đục mờ to sơn ướt trên ướt và ướt trên khô trên mảng sơn mỏng. Lớp màu tô lơi và rộng tạo ngay cảm giác hiện đại trong chủ đề. Phần lớn nét vẽ đều tô gián đoạn với màu đất và đất sơn lợt. Vài thang màu như xanh (da trời) và vàng chỉ pha nhiều lượng trắng vào. Màu trắng ấm lợt có thể là đã pha sắc, hay có lẽ là vàng Naples mà Renoir dùng thay cho vàng chrom vào thời này. Màu sơn nói chung thật mỏng, dù có phần đục mờ, nhưng vài chỗ lộ ra nét bút tô tiên mặt tranh. Nét bút tạo kết cấu. Nét bút lông heo thường để lại vết dễ nhận ra của nó. Trong bức này, các loại nét bằng, vuông và tròn, cỡ thay đổi từ 5mm đến 1.5cm. Những phần không có nét vẽ ở dưới cạnh đáy, ta thấy rõ sơn lót xám. Cạnh dưới tranh được cạo sạch để lại sắc xám của nền vải.
>>> Họa phẩm Ga Saint-Lazarre (1877) của Claude Monet
>>> Họa phẩm "Cửa sổ" của Pierre Bonnard