Hình họa – Tỷ lệ người toàn thân
Tỷ lệ người: Đó là mối quan hệ về kích thước giữa các bộ phận với toàn bộ cơ thể con người. Để nắm được các mối quan hệ này và làm cơ sở khoa học cho việc vẽ hình họa người một cách thuận lợi chúng ta cần nghiên cứu toàn diện sự khác nhau về tỷ lệ chiều cao, chiều ngang cũng như một số bộ phận cơ thể người. Chúng ta lần lượt tìm hiểu tỷ lệ giữa người châu Âu với châu Á, giữa nam và nữ, giữa người trưởng thành, người già và trẻ em thông qua một số lược đồ, hình minh họa và một số bài tập vẽ người toàn thân của sinh viên. Tuy vậy tỷ lệ người cũng chỉ mang tính tương đối và không thể tuyệt đối với từng cơ thể, bởi có người cao, người thấp, người béo, người gầy…
Trong giải phẫu tạo hình và một số tài liệu, sách tham khảo, giáo trình dạy vẽ hình họa, thông thường người ta lấy chiều cao của đầu làm đơn vị đo và so sánh tỷ lệ cơ thể người thực tế cho thấy lấy đầu làm đơn vị đo là hợp lý và tối ưu. Tỷ lệ chiều cao người chủ yếu phụ thuộc vào khung xương, nhưng bề rộng và độ lớn của bề ngang cũng như của bộ phận cơ thể lại do các cơ và lớp mỡ quyết định. Có nhiều người có chiều cao như nhau nhưng béo hay gầy là sự khác nhau.
Tỷ lệ người châu Âu: Thời Phục Hưng người ta đã tìm ra tỷ lệ mang tính tổng quát của cơ thể người, mặc dù tỷ lệ này có tính chất lý tưởng. Nhưng hãy bắt đầu làm như vậy, nó vẫn là cơ sở cần thiết cho người vẽ khi cần rút ngắn hoặc kéo dài người ra trên bức vẽ, hay trong tác phẩm của mình. Người ta chia làm 8 phần (theo chiều cao đứng thẳng của người đàn ông trưởng thành), mỗi phần bằng chiều cao từ đỉnh sọ tới cằm. Nếu tính từ trên đỉnh sọ xuống thì phần thứ nhất là chiều cao đầu, phần thứ hai từ cằm tới ngang vú, phần thứ ba từ ngang vú tới rốn, phần thứ từ từ rốn tới bộ phận sinh dục, phần thứ năm từ bộ phận sinh dục tới vị trí gần 2/3 chiều dài xương đùi, tiếp đến dưới khớp xương bánh chè, từ vị trí dưới khớp xương bánh chè xuống hết bàn chân (mặt đất) bằng hai đầu. Rốn là giao điểm của hai đường chéo từ đầu xương đòn bên trái, bên phải xuống mấu chuyển xương đùi bên phải và trái. Khi hai tay dang ngang, từ điểm đầu ngón bên này sang bên kia bằng chiều cao của cơ thể - Trục giữa, thẳng, đi qua cơ thể người khi đứng theo hướng chính diện, ta có các vị trí về hai bên phải và trái, mỗi bên 4 đầu (Nhóm hình 1).
Nhóm hình 1 – Bản vẽ Vitruvian Man của Leonardo da Vinci mô tả mối quan hệ tương quan giữa tỷ lệ cơ thể người và hình học.
Nhóm hình 2 – Lược đồ tỷ lệ cơ thể người, nam, nữ nhìn phía trước, phía sau và hướng nghiêng.
Tính từ giữa hai đầu xương đòn đến khớp giữa cánh tay và cẳng tay bằng 2 đầu, tiếp đến đầu ngón chỏ cũng bằng 2 đầu. Như vậy từ đầu vai này sang đầu vai kia gần bằng 2 đầu, độ dài của cánh tay trên và cẳng tương đương bằng nhau tay dưới. Chiều ngang hông, chỗ rộng nhất với nam bằng 1,5 đầu, với nữ khoảng 2 đầu. Chiều cao mặt chia làm 3 phần bằng nhau, phần thứ nhất từ chân tóc tới ngang lông mày, phần tiếp theo tới chân mũi, phần còn lại tới cằm. Nếu ta chia đôi chiều cao của mặt thì đó là trục mặt. Đó là toàn bộ tỷ lệ cơ thể người nhìn phía trước còn phía sau và hướng nghiêng chúng ta xem lược đồ (Nhóm hình 2).
Tỷ lệ người châu Á: Cũng với việc chia tỷ lệ (lấy đầu làm đơn vị đo như trên), người Trung Quốc và Việt Nam có quan niệm và cách chia gần như nhau. Người Trung Quốc cho rằng, nếu chia chiều cao của người chừng 7,5 đến 8 thước thì chiều ngang phải là 2 thước đến 2,5 thước và được đúc kết kinh nghiệm bằng một câu nói: "đứng 7 ngồi 5 3 rưỡi". Như vậy câu nói đó cũng phù hợp với việc lấy đầu làm chuẩn (Nhóm hình 3).
Nhóm hình 2 – Lược đồ tỷ lệ cơ thể người, nam, nữ nhìn phía trước, phía sau và hướng nghiêng.
Theo cách chia của người Việt Nam ta, họa sĩ Lương Xuân Nhị (trong cuốn Giải phẫu tạo hình) cũng vẫn lấy đầu làm đơn vị đo và chia tỷ lệ toàn thân ở người đàn ông trưởng thành khi đứng thẳng được 7 ½ đầu và cụ thể: Mặt trước: thân kể cả đầu đo được 4 đầu và chia ra như sau: (1) Từ đỉnh đầu đến cằm, (2) Từ cằm đến vú, (3) Từ vú đến khoảng rốn, (4) Khoảng rốn đến bộ phận sinh dục. Chân từ mặt đất đến ngấn bẹn bằng 4 đầu và được chia ra như sau: Từ mặt đất đến khớp đầu gối (là 2 đầu) bằng từ khớp đầu gối đến ngấn bẹn, vị trí trên mấu chuyển lớn của xương đủi 1 đốt ngón tay (là 2 đầu).
Mặt sau: (1) Đỉnh đầu đến ngang gáy (phía trên mấu xương), (2) Tiêp theo tới góc xương vai (3) Tới cạnh trên mông, (4) Tới ngấn mông. Từ mặt đất đến ngấn mông bằng 3 ½ đầu.
Tay: Từ mỏm cùng vai đến đầu ngón tay giữa gần bằng 3 ½ đầu. Từ mỏm khuỷu đến đầu ngón tay giữa bằng 2 đầu. (Nhóm hình 1 và 3).
Chiều rộng ngang vai gần bằng 2 đầu. Hông – từ mấu chuyển lớn bên này sang bên kia bằng 1 ½ đầu.
Những đặc điểm khác nhau dễ nhận biết nhất giữa nam và nữ là: Nữ vai hẹp, hông rộng và ngược lại nam, vai rộng, hông hẹp. (Nhóm hình 2). Ngoài ra còn có những đặc điểm khác nhau khác như: người chân dài thì thân ngắn, khuỷu tay xuống thấp ngang thắt lưng và ngược lại, người thân ngắn thì chân dài. Vì vậy mà khi ngồi xổm hay ngồi bệt dễ nhận ra điểm đầu gối cao hay thấp, dưới nách hay ngang vai.
Tỷ lệ của trẻ em: Khảo sát lược đồ sau (Nhóm hình 4), chúng ta thấy việc tìm hiệu tỷ lệ và mối quan hệ biến đổi qua các lứa tuổi được xác định ở các vị trí các bộ phận trên cơ thể người giữa châu Âu, châu Á nói chung và cách chia của người Việt nam chúng ta cơ bản là tương tự nhau, từ đó chúng ta có thể tìm ra được tỷ lệ chung nhất như sau:
Nhóm hình 3 – Tỷ lệ người nam, nữ châu Á
Nhóm hình 4
Trẻ em sơ sinh cho tới khi 1 tuổi có chiều cao khoảng 4 đầu – Lúc đó vị trí rốn nằm ở dưới hoặc được phân đôi ngang chiều cao cơ thể. Bộ phận sinh dục nằm ở vị trí thấp. Chiều cao lúc này so với người trưởng thành là ¼.
Trẻ em từ 2 đến khi 4 tuổi có chiều cao khoảng 5 đầu – Lúc đó vị trí rốn nằm ở giữa đường phân đôi ngang chiều cao cơ thể. Vị trí của bộ phận sinh dục nằm vào khoảng giữa từ cằm tới mặt đất. Chiều cao cơ thể lúc này so với người trưởng thành là ½.
Trẻ em từ 7 đến 9 tuổi có chiều cao khoảng 6 đầu, lúc đó rốn nằm vào vị trí hơn 2.5 đầu tính từ trên xuống. Bộ phận sinh dục nằm ở dưới đầu thứ 3, tính từ đỉnh đầu tới mặt đất. Chiều cao cơ thể lúc này so với người trưởng thành là 2/3 người lớn. Từ 10 đến 12 tuổi có chiều cao khoảng 6 đến 6.5 đầu so với người trưởng thành.
Trẻ em ở độ tuổi 14 đến 18 có chiều cao gần 7 và 7 đầu – Lúc đó rốn đã nằm ở vị trí gần 3 đầu tính từ trên đỉnh đầu xuống. Bộ phận sinh dục nằm ở vị trí gần giữa phía dưới đường phân đôi cơ thể, từ đỉnh đầu xuống dưới mặt đất. Chiều cao lúc này đã gần bằng người trưởng thành.
Người trưởng thành (nam thanh niên) ở độ tuổi từ 18 đến 21 trở đi có chiều cao cơ thể là 7,5 cho tới 8 đầu – Lúc đó rốn nằm ở vị trí đầu thứ 3 tính từ trên xuống (có thể trên dưới một chút). Bộ phận sinh dục gần như nằm vào khoảng giữa chiều cao cơ thể (Nhóm hình 4).
Vận động của cơ thể người: Là những chuyển động rất phức tạp và đa dạng, trong khi đó việc vẽ hình họa nói chung và hình họa người nói riêng lại là nghệ thuật của thị giác. Để diễn đạt được những vấn đề cơ bản nhất của phần này chúng tôi phải kết hợp nhiều bằng các lược đồ, hình chuyển động, minh họa và ngôn ngữ để phân tích, giải thích, tổng hợp và luận bàn.
Nhóm hình 5
Như đã nêu ở các phần trên, môn giải phẫu tạo hình chủ yếu nghiên cứu cấu trúc của cơ, xương và các vận động của cơ thể. Đặc biệt là vai trò quan trọng của bộ xương. Bộ xương người là sự kết hợp bởi cấu tạo của xương đầu, xương lồng ngực, xương chậu và xương tứ chi (xương tay và xương chân) – Tất cả các bộ phận xương này đều có sự liên kết với xương cổ. Xương lồng ngực và bộ phận mông có kết cấu với nhau thông qua phần xương sống ở thắt lưng. Mọi cử động của cơ thể đều không tách rời khỏi xương cổ và xương sống thắt lưng, đặc biệt là xương sống thắt lưng nó đã liên kết giữa phần trên và phần dưới cơ thể con người một cách linh hoạt.
Các cử chỉ, vận động của con người là những dáng đứng, ngồi, đi, chạy, nhảy, duỗi thẳng người, uốn cong, ngửa lên, cúi xuống, quay sang trái hoặc quay sang phải… Chúng ta khỏa sát các lược đồ của các vận động trên.
Nhóm hình 6
Yêu cầu đối với việc thực hiện các bài tập hình họa với tỷ lệ vẽ toàn thân người:
Trước hết, việc học tập môn hình họa đối với sinh viên cần phải thực hiện nhiều dạng bài tập, sử dụng một số chất liệu cụ thể và là những bài vẽ có tính chất cơ bản, tiêu biểu, phản ánh rõ những hiểu biết, kiến thức về tỷ lệ và sự vận động của con người trong vẽ hình họa toàn thân người. Đặc biệt, cần thực hiện nhiều các bài tập khác như ký họa người, nhóm người…
Việc dạy và học môn hình họa, trong đó có hình họa vẽ người trong những năm qua và hiện nay tại khoa Mỹ thuật Cơ sở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) phải nói đến sự truyền đạt, kèm cặp có hiệu quả của các giảng viên cùng sự cố gắng và năng lực của cá nhân sinh viên. Tuy vậy các dạng bài tập trong hệ thống bài tập phần hình họa người vẫn còn sự đơn điệu, ví dụ: chưa có dạng bài vẽ mẫu đôi hay nhiều hơn các dạng bài cần giải quyết không gian giữa con người với con người, với đồ vật và không gian xung quanh, tức là tìm hiểu về quan hệ không gian. Mặt khác vẽ người cùng với trang phục (mặc quần áo) cũng chưa được đề cập nhiều để làm phong phú hệ thống bài tập, đối tượng mẫu người chưa có điều kiện tiêu chuẩn hóa, kể cả các điều kiện khác… Tuy vậy, kết quả thu được từ môn học này là đáng khích lệ. Dưới đây là những bài tập môn hình họa – vẽ mẫu người toàn thân có chất lượng tốt được lưu giữ trong thời gian qua tại khoa Mỹ thuật Cơ sở, Trường Đại học MTCN:
Nhóm hình 7
Một số bài tập hình họa vẽ mẫu người toàn thân
(dáng ngồi, chất liệu than) của sinh viên Đại học MTCN
Nhóm hình 7
Một số bài tập hình họa vẽ mẫu người toàn thân
(dáng ngồi, chất liệu than) của sinh viên Đại học MTCN
Nhóm hình 8
Một số bài tập hình họa vẽ mẫu người toàn thân
(dáng đứng và ngồi, chất liệu sơn dầu và mầu bột)
của sinh viên Đại học MTCN
Các yêu cầu tiếp theo đối với việc thực hiện các bài tập hình họa người cần phải nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về con người từ cấu trúc, hình thái (diện mạo), vận động, đặc điểm tâm sinh lý cũng như tình cảm bên trong của con người bởi con người vừa là đối tượng nghiên cứu hết sức phức tạp vừa là đối tượng phục vụ của MTCN. Ngoài ra cần xây dựng hệ thống bài tập hợp lý, khoa học và phong phú. Đặc biệt là đặt ra các tiêu chí cho việc thực hiện các bài tập một cách cụ thể và có định hướng rõ ràng về chủ đề.
- ThS. Khúc Văn Thông -