Chất lượng giấy – Điều quyết định sự thành công của tác phẩm
Trong giới nghệ thuật, người ta nói rằng thành công của người nghệ sĩ chủ yếu đến từ tài năng của người đó. Với hội họa, điều này lại càng đặc biệt đúng, nếu là một người đam mê hội họa, bạn sẽ thấy rằng mỗi một tác phẩm sẽ có những cách thể hiện đặc sắc, mang những dấu ấn, màu sắc riêng làm nên tên tuổi của người họa sĩ đó mà chúng ta thường gọi đấy là tài năng. Tuy vậy, nếu tài năng chiếm đến 70% thành công, thì 30% là những yếu tố còn lại như họa phẩm, kiến thức .., tuy trên số liệu 30% là nhỏ nhưng nếu bạn đã tìm hiểu, trải nghiệm với bộ môn hội họa màu nước bạn sẽ thấy rằng 30% yếu tố đó lại có thể tạo nên những thay đổi rất đáng kể. Một trong những yếu tố đó là yếu tố họa phẩm: chất liệu màu, bút, đồ dùng hỗ trợ (dung môi, medium), những kĩ thuật vẽ,….Và bởi vậy, ta không thể không kể đến tầm quan trọng của chất lượng giấy màu nước.
I. Sự khác biệt cơ bản về chất liệu sản phẩm
1. Chất liệu
Về bản chất, giấy được làm từ những sợi cellulose (sợi bông) và nước. Những sợi cenllulose được chiết xuất từ vải, gỗ , hoặc bông sẽ được đưa qua quy trình lọc, tẩy và trộn với một số hóa chất sẽ thành bột giấy hòa lẫn với nước và nếu được sản xuất theo phương pháp thủ công là sàng, lọc hoặc phương pháp công nghiệp sẽ là sử dụng ống lăn hoặc máy. Hiểu và trải nghiệm các dòng giấy theo các cấp độ từ sinh viên, đến bán chuyên, chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy chất liệu giấy đóng vai trò quan trọng với tác phẩm.
Thông thường giấy hạng sinh viên sẽ được làm từ vỏ cây gỗ, giấy từ bán chuyên trở lên sẽ được làm từ bông tự nhiên với tỉ lệ nhất định (50% bông trở lên) và giấy hạng chuyên nghiệp sẽ được làm hòan toàn từ bông tự nhiên. Lưu ý khi mua giấy phải được ghi rõ không chứa axit. Giấy chứa axit (non acid-free) sẽ bị vàng và giòn dần theo thời gian, tuổi thọ cũng vì thế mà thấp hơn nhiều. Sự khác biệt về chất liệu giấy ảnh hưởng đến các kĩ thuật vẽ rất rõ ràng.
Hình 1: Giấy Strathmore series 400
Giấy làm từ vỏ cây gỗ là loại giấy hạng sinh viên, giá thành khá rẻ, giấy thường sẽ có khả năng chịu tẩy, chịu nước, các dung dịch medium khá thấp. Tuy vậy đây là loại giấy khá là phổ biến để tập luyện, cho người mới bắt đầu. Hiện nay để đảm bảo chất lượng của giấy vẽ, nhiều hãng giấy đã nâng cao chất lượng của các dòng giấy làm từ gỗ cây, giúp cho giấy có chất lượng khá sát với tầm bán chuyên. Giấy cũng có thể chịu tẩy khá tốt, độ dai bền ổn, giúp cho những người mới tập có thể luyện vẽ những kĩ thuật màu nước mà không phải lo giấy bị ướt, nhăn hay rách.Các dòng giấy mà Tanuki muốn giới thiệu đến các bạn đó là: sketchbook Maruman, giấy Nevskaya (White Night), giấy Strathmore, Winson & Newton Aquarelle Classic
Hình 2: Giấy Arches làm từ 100% bông tự nhiên
Giấy làm từ bông tự nhiên hoặc có chứa tỉ lệ bông cao sẽ khắc phục được những đặc điểm của giấy hạng sinh viên. Độ chịu tẩy, nước và hóa chất của các loại giấy này rất tốt. Do làm từ bông tự nhiên, khi sờ vào bề mặt giấy bạn sẽ có cảm giác giấy hơi giống như vải.
Các hãng giấy: Arches, Winson & Newton professional, Hahnemühle Btitania (25% bông), Hahnemühle Cezane (100% bông).
2. Công nghệ
Như đã đề cập ở trên, giấy có ba phương pháp sản xuất thủ công, ống lăn và làm máy. Giấy chất lượng sinh viên và bán chuyên thường sẽ được làm bằng máy, tương tự như các loại giấy in, bởi vậy chúng sẽ có khả năng chịu nước thấp hơn, có thể sẽ bị nhăn nếu gặp quá nhiều nước. Bề mặt giấy sẽ có ít texture, khó tạo được độ loang màu tự nhiên.Thế nhưng hiên nay trên thị trường, giấy làm máy đã có nhiều cải tiến giúp cho chất lượng giấy đạt được gần với các loại giấy làm theo phương pháp ống lăn.
Hình 3: Nhà máy Fabriano sản xuất giấy bằng phương pháp thủ công
Điều này được khẳng định qua tên tuổi của các hãng giấy như Strathmore, White Ibis (Holbein), giấy có chất lượng bán chuyên, rất được yêu thích bởi giá thành hợp lí và chất lượng giấy tốt, ổn định. Các hãng giấy này luông được đánh giá là có độ chịu nước, chịu tẩy tốt, màu sắc lên tươi, phù hợp với nhiều kĩ thuật vẽ, lứa tuổi và nhu cầu.
Hình 4: Nhà máy Fabriano sản xuất giấy bằng phương pháp ống lăn
Giấy chất lượng họa sĩ và một số loại chất lượng bán chuyên sẽ được làm thủ công hoặc ống lăn. Hai phương pháp này giúp cho các sợi cenllulose được ép một cách cẩn thận và chặt hơn giúp giấy có độ dai, bền, ổn định, chống chịu nước. Hơn nữa, bề mặt giấy sẽ có texture giúp họa sĩ thực hiện các kĩ thuật loang màu dễ dàng, hài hòa hơn.
Các hãng giấy cao cấp đã tạo nên tên tuổi trên thị trường đó là Arches, Winson & Newton professional, đặc biệt dòng giấy mới xuất hiện gần đây của Tanuki- Hahnemühle có toàn bộ sản phẩm giấy làm bằng công nghệ ống lăn.
3. Trọng lượng giấy:
Trọng lượng giấy vẽ màu nước thông thường nên sử dụng từ 180 gsm – 300 gsm để tránh tình trạng giấy bị nước làm rách. Các loại giấy rẻ, giấy không rõ nguồn gốc mua ở những cửa hãng văn phòng phẩm thường sẽ không đáp ứng yêu cầu về độ dày giấy, kể cả khi thông tin có ghi rõ trên bao bì do tình trạng làm giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy độ uy tín của hãng giấy rất quan trọng khi chọn mua giấy. Không hẳn cứ phải giấy càng nặng thì mới tốt. Có rât nhiều dòng giấy nhẹ (mỏng) nhưng vẫn có khả năng chịu nước rất tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng, tuy nhiên nếu muốn đắp nhiều lớp nước, bạn sẽ phải bồi thêm giấy vì vậy 300gsm thường là trọng lượng hay được sử dụng.
Hình 5: So sánh trọng lượng giấy ảnh hưởng đến độ cong vênh giấy: giấy 300 gsm (trái), giấy 190gsm (phải)
Các bước bồi giấy:
- Bôi hồ vào bảng.
- Lau, phun, chấm, nhúng… cho giấy ẩm ( hoặc ướt ) rồi dán chặt vào 4 mép bảng.
- Giấy khô rồi sẽ bớt cong hơn khi ta tô với màu nước
4. Vân giấy:
Vân giấy là một trong những yếu tố phân chia trình độ giấy cũng như chất lượng. Vân giấy, hay bề mặt texture của giấy sẽ đem đến những thay đổi lớn cho bức tranh của bạn. Thông thường giấy có 3 loại vân Cold pressed, Hot pressed và Rough. Vân giấy thường sẽ khác nhau theo công nghệ sản xuất, chất liệu giấy.
Hình 6: Vân giấy
Ví dụ vân giấy coldpress của Arches sẽ có độ sần hơn, khoảng cách các nốt sần gần nhau hơn, do đó có thể tạo texture đẹp hơn so với vân giấy cùng loại của Strathmore series 400. Điểm đặc biệt của vân giấy dòng chất lượng họa sĩ đó là có khả năng tạo ra những vệt loang màu rất hài hòa, mềm mại.
II. Sự khác biệt khi sử dụng một số kĩ thuật màu nước cơ bản:
1. Kĩ thuật wet on dry
Kỹ thuật vẽ wet on dry hay kỹ thuật vẽ khô (vẽ trực tiếp màu nước lên giấy khô) Wet-on-dry là kỹ thuật tô màu thường dùng để tô các chi tiết nhỏ. Bước đầu, bạn dùng màu ướt tô thẳng lên giấy, tạo thành những nét sắc, đậm và mảnh. Tiếp theo, để tạo hiệu ứng nổi khối sống động, bạn dùng cọ thấm nước loang nhẹ vệt màu đã khô ra để tạo các sắc độ nhạt dần đến trong suốt đến mức có thể nhìn thấy đường viền phía dưới màu.
Hình 7: Kĩ thuật vẽ khô (trên) và vẽ ướt (dưới) lên 3 loại giấy từ trái qua phải chuyên nghiệp, sinh viên, thường
Như hình minh họa, bạn có thể thấy giấy hạng chuyên nghiệp và hạng sinh viên sẽ có độ sắc nét, màu loang đều theo nét vẽ.
GIấy thường (giấy không có tên tuổi) sẽ tạo nên một vệt với độ loang màu không đều (màu chủ yếu tập trung vào điểm đặt bút đầu tiên và không tự động trôi về đuôi do không có texture và thiếu chất sizing làm giấy ngấm màu quá nhanh)
2. Kĩ thuật wet on wet
Kỹ thuật Wet-on-wet hay là kỹ thuật vẽ ướt. Dùng cọ phết lên giấy (hoặc bề mặt bạn muốn) một lớp nước mỏng, sau đó dùng màu ướt tô lên để tạo hiệu ứng loang màu nhẹ nhàng. Kỹ thuật này làm cho các bức tranh của bạn mang lại cảm giác mơ mộng, bay bổng hơn.
Hình 8: Kĩ thuật vẽ ướt lên 3 loại giấy từ trái qua phải chuyên nghiệp, sinh viên, thường
Như hình 7 và 8 bạn có thể thấy kỹ thuật thực hiện tốt nhất trên giấy chuyên nghiệp với độ loang hòan hảo. Giấy được trang bị texture và lớp sizing (một dạng chất phủ trước lên giấy màu giúp làm giảm tốc độ khô của màu ) giúp pigment sẽ loang theo texture giấy giúp tạo ra nét vẽ tự nhiên.
Giấy chất lượng sinh viên cũng sẽ có độ loang, nhưng tuỳ theo hãng giấy sẽ có vệt loang khác nhau tuỳ theo texture giấy, sẽ thích hợp với tuỳ người
Giấy thường sẽ làm kĩ thuật khó thực hiện bởi nước đọng quá nhanh do thiếu sizing và texture
Hình 9: So sánh texture giấy dựa theo độ trôi màu khi để nghiêng giấy
3. Kĩ thuật blend
Kỹ thuật blend tạo hiệu ứng chuyển màu cũng sử dụng cọ để quét một lớp nước mỏng lên bề mặt giấy rồi dùng cọ chấm màu rồi giảm sắc độ dần dần. Điểm khác biệt với kĩ thuật Wet-on-wet đó là nếu kỹ thuật vẽ ướt tạo nên hiệu ứng màu loang bất kỳ thậm chí khó kiểm soát thì kỹ thuật này tạo nên vệt chuyển màu êm ái và “có tổ chức” hơn. Để kỹ thuật hiệu quả, giấy cần phải có tốc độ khô phù hợp để ta có thể dễ dàng kiểm soát độ đậm nhạt của màu, không để lại vệt giữa phần màu đậm và màu nhạt.
Hình 10: Kĩ thuật blend màu lên 3 loại giấy từ trái qua phải chuyên nghiệp, sinh viên, thường
Giấy chuyên nghiệp có thể thực hiện kĩ thuật blend hòan hảo. Nếu bạn thích vẽ thể loại tranh monochromatic (tranh chỉ sử dụng một tuýp màu duy nhất và bạn sẽ điều khiển độ đậm nhạt của màu) thì giấy là sự lựa chọn hòan hảo.
Hình 11: Tranh vẽ bằng một màu duy nhất (monochromatic)
Giấy sinh viên. Như hình minh họa giấy sinh viên cũng có thể cho ra độ blend khá ổn. Độ tách biệt của lớp màu sẽ phụ thuộc vào hãng giấy và cả khả năng vận dụng kĩ thuật của người vẽ. Với người mới bắt đầu, để blend nên chọn giấy cold press và có khả năng wash (tẩy màu nếu nét vẽ không ưng ý bằng việc hòa thêm nước vào nét đã vẽ) để nét màu được mượt mà.
Hình 12: Minh họa giấy strathmore
Giấy thường: bạn sẽ rất khó để blend trên giấy này do giấy ngấm nước và màu quá nhanh do vậy sẽ để lại vệt và rách giấy khi đắp nhiều lớp nước.
Kết luận
Giấy vẽ không đơn giản chỉ là một phụ kiện, một đồ dùng văn phòng phẩm như người ta thường nghĩ. Người không theo nghệ thuật sẽ thường hỏi tại sao tôi phải chi đến hơn trăm ngàn vì một tờ giấy, trong khi giấy thường có giá chưa đến 1000đ ? Với người họa sĩ, giấy vẽ là linh hồn của bức tranh. Bởi vậy đó là một đề tài khoa học được nghiên cứu và phát triển rất lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đã phát triển. Bạn có thể tìm thấy các loại giấy vẽ cao cấp nhất như Arches (Pháp), Strathmore (Mĩ), Fabriano (Ý), Hahnemühle (Đức),… đều là các hãng giấy với tuổi đời lên đến hàng thế kỉ với mục tiêu đem đến cho họa sĩ giấy vẽ với chất lượng tối đa. Bởi vậy giá thành đắt của những tờ giấy ắt sẽ đem theo chất lượng tương đương mà giấy rẻ tiền không thể sánh bằng. Nếu đã đam mê với nghệ thuật hoặc thực sự muốn theo đuổi vẽ tranh như một sự nghiệp của mình, thì việc đầu tư cho những loại giấy là việc nên làm và cần thiết. Qua bài viết này, mythuatms.com mong các bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ về giấy vẽ nghệ thuật và chúc các bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với thật nhiều loại giấy vẽ.
>>> 18 kỹ thuật màu nước mọi họa sỹ nên biết
>>> Kỹ thuật vẽ tranh bằng mực nho