Đặc sắc đồ thủ công Mỹ nghệ Nga
Tuy cuộc sống mộc mạc song người Nga rất thích sắm sửa đồ dùng và trang trí nhà cửa. Vào các dịp vui lại có thói quen tặng quà để làm phong phú vật dụng gia đình. Phần lớn chúng đều là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đến từ các làng nghề truyền thống đã có tuổi đời từ 300 đến gần 1000 năm. Không chỉ đẹp, mỗi thứ còn giàu ý nghĩa, mang đặc trưng văn hóa vùng miền và là kết tinh của vẻ đẹp đất nước, con người xứ sở Bạch Dương.
Đến nhà người Nga, vừa bước qua cửa, bạn sẽ thấy ngay trên lối vào, dưới trần nhà hình ảnh một chú chim đang tung cánh. Đó là chú chim gỗ Ptitsa schastja, sản phẩm của những ngôi làng ven biển trắng – Barents miền Bắc nước này. Người Nga luôn xem chim là biểu trưng của hòa bình, niềm vui và sự thịnh vượng nhờ tiếng hót líu lo, vẻ nhí nhảnh và sự đông đúc và thường làm các vật trang trí về chim, trong đó có Ptitsa schastja treo trong nhà như một lá bùa để cầu mong gia đình luôn yên ấm, hòa thuận.
Từ cửa vào đôi chút trong phòng khách và trên những cái giá, thế nào cũng gặp những con búp bê và lật đật xinh xắn. Người Nga rất yêu búp bê vì chúng thể hiện cho con người và tính cách Nga. Mỗi vùng có một loại búp bê bằng gỗ, sứ, vải… với những trang phục dân tộc và vật dụng quen thuộc. Song phổ biến nhất vẫn là búp bê làm tổ Matrioska. Bên trong mỗi con lại chứa một hay nhiều tổ hợp con khác. Thông thường mỗi tổ có từ ba, năm, bảy… đến 69 con, và có hình dạng giống một cô gái đẫy đà, đầu quấn khăn, mình mặc váy, tay cầm nông cụ… là những họa tiết vẽ trên gỗ. Trong tiếng Nga, Matrioska có nghĩa là bà mẹ, những người phụ nữ của gia đình. Và người ta làm ra búp bê này để ca ngợi những người mẹ Nga vì Nga là một quốc gia đã từng trải qua rất nhiều cuộc chiến, mỗi lần như vậy nam giới lại phải ra trận, bỏ lại những người phụ nữ ở nhà vừa vất vả nuôi con vừa phải lo lắng lương thảo, thuốc men cho chiến trường. Mỗi con búp bê do vậy đều có gương mặt phúc hậu, thân hình phốp pháp của nữ giới để dễ dàng dung chứa, che chở đàn con.
Trên ngăn tủ nhiều khi còn thấy những đồ đất nặn Kirov hình các con vật như gà vịt, trâu bò, gấu, ngựa,… các chàng kỵ binh, cô bác nông dân, thiên thần…., gắn còi thổi ti toe. Đây vốn là những vật để phục vụ các buổi lễ cầu cúng nhưng sau đó đã mất đi tính huyền bí, trở thành đồ chơi của trẻ. Để làm một đồ đất nặn khá công phu. Đầu tiên phải dùng sét pha cát, tạo hình con vật, đem phơi – nung, rồi dùng bột phấn pha sữa quét trắng và vẽ trên đó các hoa văn bằng bột màu hòa lòng đỏ trứng và cuối cùng nạm vào con vật một số mảnh vàng lá. Sản phẩm hoàn thiện có từ bốn đến 10 màu sặc sỡ, với nhiều họa tiết đối xứng. Vì sự độc đáo tươi tắn, người Nga thường sưu tập một lúc nhiều đồ đất nặn, trung bình ở một góc tủ có từ 10 đến hàng chục cá thể.
Ở những gia đình quân nhân không thể thiếu trong khu vực trang trí chiếc dao găm và đoản kiếm Shashka. Người Nga đã biết dùng Shashka từ xưa làm công cụ săn bắt, tự vệ và trong chiến tranh nhiều đội quân như quân Cossack đã dùng Shashka để giao chiến vì tuy ngắn, chỉ có một lưỡi song nó rất sắc bén. Cuối thế kỷ XIX, Shaska đã trở thành vũ khí chính thức của quân đội và cảnh sát Nga. Ngày nay, tuy nhiều người không dùng Shaska khi đi kiếm ăn nữa nhưng họ vẫn gìn giữ nó như một kỷ vật minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc.
Là nơi phát sinh ra loại rượu vodka, có nghĩa là giọt nước nhỏ tinh khiết, Nga cũng là nơi có nhiều cốc chén, ly tách hơn cả phục vụ văn hóa uống rượu. Là người Nga, nhà nào cũng có vài ba bộ ly rượu vodka. Người ta cũng tặng nhau những bộ đồ uống với số lượng cốc tách tùy theo phong cách và tập tục địa phương. Thông thường, mỗi bộ có từ bốn đến sáu cái bằng thủy tinh, pha lê, sứ, gỗ hoặc kim loại, trên mặt in khắc các họa tiết dân dã hoặc quốc huy. Mọi nhà thường cất cốc chén trên cao, tuy nhiên chưa bao giờ chúng được yên tĩnh bởi thói quen uống rượu của họ. Người ta uống rượu trong mọi dịp từ ngày thường đến lễ tết. Do đó, cốc chén luôn được mang đi, mang lại.
Không nằm trong tủ mà tọa lạc trên bàn hoặc cạnh bàn giữa phòng khách, gian bếp là những chiếc ấm Samovar có kích cỡ đại. Một dụng cụ nấu ăn, đặc biệt là đun nước pha trà phục vụ nghệ thuật trà đạo Nga. Chiếc ấm có cấu tạo và hình dạng rất hấp dẫn, thường là hình một chiếc bình cao cổ, bằng kim loại, trên bề mặt được tráng men, sơn vẽ rực rỡ. Không chỉ để đun nước, người ta còn dùng nó trang trí nhà cửa và sưởi ấm trong những ngày lạnh giá. Khi ấy, cả nhà quay quần bên chiếc ấm vừa uống trà vừa chuyện trò rôm rả. Samovar vì vậy được xem là một biểu tượng của tình thân, sự đoàn tụ và những giây phút thư giãn trong gia đình.
Cũng là dụng cụ ẩm thực, bộ bát đĩa, khay chậu, thìa muỗng bằng gỗ sơn Khokhloma… luôn có mặt trong mọi bữa ăn và nội thất Nga. Đồ gỗ này còn thú vị ở chỗ rất sặc sỡ với nhiều họa tiết được sơn, vẽ và thếp vàng thủ công trên gỗ. Người ta không dùng vàng để nạm trên vật dụng mà chỉ dùng bột thiếc rắc vào họa tiết, rồi thoa dầu lanh và đem hâm nóng, dưới tác dụng của nhiệt dầu lanh và thiếc bỗng hóa vàng! Phụ nữ Nga rất coi trọng đồ gỗ sơn Khokhloma, sau khi dùng đều lấy khăn lau sạch, chứ không dùng máy rửa, nhờ thế chúng luôn như mới.
Gắn bó mật thiết với nội thất Nga còn có hộp sơn mài mini alekh, Fedoskino, Kholui và Mstera. Một vật nhỏ, hấp dẫn lọt thỏm trong lòng tay và có những họa tiết tí xíu song tinh xảo. Tùy kiểu dáng, chúng có hình dạng như vuông, tròn, chữ nhật, ôvan, đa giác… và chỉ có đường kính từ dăm, ba centimét trở lên. Vì nhỏ bé, phụ nữ thường dùng chúng đựng nữ trang, kim chỉ, cúc áo… Để làm một chiếc hộp rất cầu kỳ. Đầu tiên, nghệ nhân phải dựng vóc thật tốt và sau đó quét bảy, tám lớp sơn đảm bảo khi đựng mọi thứ sẽ không bị mối mọt, ẩm mốc. Tiếp đấy, dùng kính hiển vi và bút đặc biệt để vẽ các chi tiết hoa văn dựa theo những mẩu chuyện dân gian. Người ta thường sưu tập một lúc nhiều chiếc hộp này vì mỗi hộp cho một hình ảnh hay phong tục chỉ có ở nước Nga được thu gọn tinh vi.
Hầu như nhà người Nga nào cũng đều bỏ dép bên ngoài bởi bên trong trải thảm. Người Nga rất chuộng thảm. Những chiếc thảm Ba Tư từ lâu đã xuất hiện trong nhà dân và được trải trên sàn cũng như treo tường vừa để trang trí vừa để giữ ấm cho nhà khỏi ẩm hay giá lạnh. Ở nông thôn, những vùng không có giường, người ta sẽ kê ghế và chùm thảm lên nằm nghỉ coi như giường. Riêng những chiếc thảm mảnh như thảm Rooshneekee được dành riêng để quấn và tô điểm cho tranh ảnh. Cùng với thảm, tranh là một phần thiết yếu của mỗi gian phòng. Thường gặp nhất là loại tranh dân gian khắc họa cảnh sinh hoạt dân dã ở các vùng quê, ngoại ô gồm các cảnh gặt hái, đàn hát và trảy hội. Đặc biệt có một loại tranh mà nhà nào cũng có, đó là tranh thờ với hình ảnh thiên chúa và các vị thánh. Đây thường là những họa phẩm mini, họa tiết được vẽ nhờ kính lúp. Riêng phần khung được làm từ vàng, bạc hoặc mạ vàng, nạm ngọc. Nhiều bức tranh có dạng gấp, khi mở ra còn thấy bên trong nhiều tác phẩm nhỏ.
Vì vẻ đẹp độc đáo của tác phẩm thủ công mỹ nghệ Nga, đến thăm xứ sở Bạch Dương, ai nấy đều muốn rinh về thật nhiều món đồ làm quà tặng và vật kỷ niệm về cảnh sắc thiên nhiên và con người Nga./.
- Chu Mạnh Cường -