Chiếu sáng mặt đứng công trình kiến trúc
Phần I. Giới thiệu:
1. Thế nào là chiếu sáng mặt đứng kiến trúc?
Để hiểu thế nào là chiếu sáng mặt đứng kiến trúc, chúng ta cần hiểu mặt đứng kiến trúc là gì? Mặt đứng kiến trúc là một tổ hợp có tính thẩm mỹ không chỉ của hình khối, vật liệu mà còn bao gồm màu sắc và sự phân bố của ánh sáng cả ngày và đêm. Do đó, chiếu sáng mặt đứng kiến trúc là bố cục ánh sáng và sử dụng hệ thống điều khiển chiếu sáng để tạo ra một hình ảnh nhận diện về đêm cho mặt đứng công trình.
Mặt đứng công trình Ngọ Môn – Huế được chiếu sáng về đêm
2. Các tiêu chí phân loại dự án
Việc sắp xếp và phân loại các loại dự án không đóng vai trò quyết định trong việc đưa ra các phương án chiếu sáng hiệu quả. Tuy nhiên, bước đầu, nó giúp người thiết kế định hình nhanh chóng những sơ phác cơ bản của một ý tưởng thiết kế chiếu sáng mặt đứng phù hợp cho công trình.
Về cơ bản, cách phân loại các dự án chiếu sáng mặt đứng kiến trúc sao cho hiệu quả và nhanh chóng nhất sẽ được mỗi nhà thiết kế xây dựng cho bản thân thông qua việc tích lũy kinh nghiệm thiết kế. Vì thế các tiêu chí để phân loại một công trình khi bắt tay vào thiết kế chiếu sáng mặt đứng thật sự rất đa dạng. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn bao gồm những tiêu chí cơ bản sau đây:
Các công trình ở bờ tây sông Sài Gòn được chiếu sáng về đêm
* Phân loại dựa trên quy mô và kích thước:
Quy mô, kích thước của công trình là một yếu tố cơ bản mà người thiết kế chiếu sáng cần nắm trước khi bắt tay vào công việc chiếu sáng mặt đứng cho công trình. Do đó, đây sẽ là tiêu chí đầu tiên mà người thiết kế dựa vào để phân loại dự án nhằm đưa ra những giải pháp chiếu sáng cụ thể.
Theo tiêu chí quy mô, kích thước, các dự án chiếu sáng mặt đứng thường gặp trong đô thị được chia thành các loại như sau:
- Dự án có quy mô nhỏ: Thường có chiều cao dưới 20m, như nhà ở, các cửa hàng thương mại …
Chiếu sáng mặt đứng Saigon Gardon
- Dự án có quy mô vừa: Thường có chiều cao từ 20m đến 40m và chiều rộng toàn bộ công trình không quá 100m.
Chiếu sáng mặt đứng Khách sạn Majestic Sài Gòn
- Dự án có quy mô lớn: Có thể kể đến hai dạng chính, dạng thứ nhất gồm các công trình có chiều cao dưới 40m nhưng có mặt tiền thường trên 100m. Dạng thứ hai là các công trình cao trên 40m, loại này thường là các tòa nhà cao tầng với phần đế thấp và có các mặt tiền không quá lớn.
Chiếu sáng mặt đứng Tòa nhà Saigon Times Square
* Phân loại dựa trên kiểu kiến trúc và ý nghĩa của công trình:
Dựa trên phong cách kiến trúc và ý nghĩa của công trình, các dự án chiếu sáng mặt đứng kiến trúc thường được xem xét để xếp vào một trong hai nhóm cơ bản sau:
- Các công trình kiến trúc cổ: Có thể là di tích, di sản kiến trúc, thường có nhiều chi tiết trang trí ở mặt tiền.
Chiếu sáng mặt đứng công trình Phu Văn Lâu – Huế
- Các công trình kiến trúc hiện đại: Như các tòa cao ốc văn phòng, các trung tâm thương mại… thường có mặt đứng cấu thành từ các loại vật liệu mới như thép, kính… hình khối đơn giản.
Chiếu sáng mặt đứng Tòa nhà LOTTE – Hà Nội
Dựa vào hai nhóm cơ bản về kiểu kiến trúc, ý nghĩa của công trình của các công trình nêu trên, những nhà thiết kế chiếu sáng có thể kết hợp với những kiến thức về kiến trúc của bản thân cũng như những yêu cầu đặc biệt của chủ đầu tư để phân loại phong cách kiến trúc của dự án chi tiết hơn nữa.
* Phân loại dựa trên tính chất công năng:
Theo tính chất công năng của công trình, các dự án chiếu sáng mặt đứng thường được xếp vào các nhóm cơ bản sau:
- Nhóm 1: Các công trình có phần lớn thời gian hoạt động vào ban ngày như công sở trường học, ban đêm ít người sử dụng.
- Nhóm 2: Các công trình chỉ hoạt động náo nhiệt vào ban đêm như nhà hát, sân khấu kịch, rạp chiếu phim…
Chiếu sáng mặt đứng nhà hát lớn Hà Nội
- Nhóm 3: Các công trình phức hợp, như các cao ốc, khu phức hợp… có các tầng trên cao dùng cho thuê văn phòng làm việc vào ban ngày và các tầng thương mại dịch vụ ở khối để có hoạt động sôi nổi về đêm.
Chiếu sáng mặt đứng Tòa nhà AB
3. Mục đích cơ bản:
Các ý tưởng trong việc tổ hợp những thành phần tạo nên mặt đứng kiến trúc, của từng công trình thật sự rất đa dạng và phong phú. Thế nên từ ý tưởng kiến trúc, hình dạng và vật liệu, mỗi mặt đứng công trình thường có rất nhiều phương án chiếu sáng với những mục đích công năng và thẩm mỹ khác nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả các phương án chiếu sáng mặt đứng đều phải đáp ứng các mục đích cơ bản như sau:
- Chiếu sáng mặt đứng kiến trúc giúp nhận diện rõ các thành phần của công trình vào ban đêm như lối tiếp cận, kích thước chung và các chi tiết đặc thù, kiểu dáng, phong cách của công trình.
- Chiếu sáng mặt đứng kiến trúc giúp tạo nên hình ảnh có tính thẩm mỹ cao cho công trình, làm cho công trình dễ dàng nhận diện và ghi nhớ.
Tòa nhà Keangnam và một phần thành phố Hà Nội về đêm
4. Các bước thực hiện (Tham khảo):
- Bước 1: Xử lý các thông tin và bản vẽ kiến trúc của công trình;
- Bước 2: Sơ phác ý tưởng và các phương án chiếu sáng cho mặt đứng công trình.
- Bước 3: Lựa chọn và bố trí các loại đèn theo phương án chiếu sáng đã thiết kế.
- Bước 4: Mô phỏng và tính toán chiếu sáng bằng máy tính.
- Bước 5: Xuất các thông số ánh sáng của từng loại đèn và lập hồ sơ thiết kế chiếu sáng.
II. Tầm quan trọng của chiếu sáng mặt đứng kiến trúc:
1. Vì sao chúng ta cần chiếu sáng cho mặt đứng kiến trúc?
Cuộc sống về đêm đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa và nhu cầu quảng bá, thu hút thương mại, du lịch cũng như nhu cầu làm đẹp nhà cửa khi mức sống và đỏi hỏi hưởng thụ thẩm mỹ tăng cao, là lý do cần đến chiếu sáng mặt đứng công trình.
Nếu như trước đây vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ánh sáng được coi là thứ “vật liệu” xa xỉ không phải chủ đầu tư nào cũng mạnh dạn chi tiền đầu tư cho công trình của mình. Tuy nhiên hiện nay, khi nền kinh tế bắt đầu có chiều hướng đi lên kéo theo đòi hỏi về thẩm mỹ cho công trình kiến trúc chứ không chỉ dừng lại ở mức thích dụng, hơn ai hết các chủ đầu tư sẵn sàng chi trả cho việc chiếu sáng nghệ thuật tại các công trình của mình nhằm quảng bá, thu hút thương mại và du lịch. Bên cạnh đó, các công trình lịch sử, điểm nhấn ở các thành phố lớn hiện nay cũng được đầu tư thiết kế chiếu sáng như một phần trong kế hoạch chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với thành phố.
Tòa nhà Metropolitan (ảnh trái) sau khi tắt hết hệ thống chiếu sáng (ảnh phải)
* Các công việc của nhà thiết kế chiếu sáng (Lighting Designer):
- Tư vấn cho chủ đầu tư về các giải pháp chiếu sáng mặt đứng công trình một cách tối ưu có thể có dựa trên các yêu cầu đã có.
- Thiết kế
- Triển khai bản vẽ dự án.
* Những hiểu biết và kỹ năng cần có của nhà thiết kế chiếu sáng (Lighting Designer):
- Hiểu biết đặc tính của các loại ánh sáng.
- Hiểu biết về các phương pháp chiếu sáng.
- Hiểu biết về các loại đèn.
- Có kỹ năng lên ý tưởng chiếu sáng.
- Có kỹ năng tính toán và cho ra bản vẽ triển khai thi công lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
Bản phác thảo và phương án chiếu sáng thực tế công trình nhà thờ hồi giáo Kinkkale Nur – Thổ Nhĩ Kỳ. Do nhà thiết kế chiếu sáng Ayrim Yaser Talu thực hiện.
Phần II. Nguyên tắc thiết kế và các yêu cầu:
1. Mở đầu:
Phần này sẽ tập trung giới thiệu về các yêu cầu trong chiếu sáng mặt đứng cũng như các nguyên tắc phân dạng mặt đứng kiến trúc (có tính chất tham khảo) nhằm giúp học viên tiếp cận một cách cơ bản với công việc thiết kế chiếu sáng mặt đứng kiến trúc, từ đó xây dựng cho bản thân những phương pháp tiếp cận thiết kế chiếu sáng mặt đứng cho từng dự án cụ thể.
Mặt đứng của các ngôi nhà cổ ở Hội An được chiếu sáng về đêm
* Tham khảo cách phân dạng mặt đứng:
- Mặt đứng dạng đặc: Là những dạng mặt đứng mà trên đó không thể nhìn thấy được ánh sáng, nội thất từ bên trong công trình.
Với loại hình mặt đứng này ta có các dạng sắp đặt chiếu sáng cơ bản như sau:
+ Dạng 1: Phủ sáng với các loại đèn pha chiếu vào công trình
+ Dạng 2: Chiếu sáng đường viền của công trình
+ Dạng 3: Hắt sáng lên (Uplight) với các loại đèn đặt dưới chân công trình
+ Dạng 4: Hắt sáng xuống (Downlight) với các loại đèn lắp đặt trên mặt đứng công trình
+ Dạng 5: Hắt sáng kết hợp (Downlight & Uplight) với các loại đèn lắp đặt trên mặt đứng công trình.
- Mặt đứng nhấn phương vị đứng: Là những dạng mặt đứng mà ở đó các chi tiết kiến trúc được sắp xếp làm nổi bật phương vị đứng.
Với loại hình mặt đứng này ta có các dạng sắp đặt chiếu sáng cơ bản như sau:
+ Dạng 1: Phủ sáng đều với các loại đèn pha chiếu vào công trình.
+ Dạng 2: Hắt sáng lên (Uplight) dọc theo các chi tiết kiến trúc.
+ Dạng 3: Hắt sáng lên hai phía (Uplight, Double-Sided Layout) dọc theo các chi tiết kiến trúc.
+ Dạng 4: Hắt sáng xuống (Downlight) dọc theo các chi tiết kiến trúc.
+ Dạng 5: Hắt sáng kết hợp (Downlight & Uplight) dọc theo các chi tiết kiến trúc.
- Mặt đứng nhấn phương vị ngang: Là những dạng mặt đứng mà ở đó, các chi tiết kiến trúc được sắp xếp làm nổi bật phương vị ngang:
+ Dạng 1: Phủ sáng với các loại đèn pha chiếu vào công trình.
+ Dạng 2: Tạo đường sáng chạy theo các chi tiết kiến trúc của công trình.
- Mặt đứng giật cấp: Là dạng mặt đứng mà ở đó, có các phần không đồng phẳng với nhau.
Với loại hình mặt đứng này ta có các dạng sắp đặt chiếu sáng cơ bản như sau:
+ Dạng 1: Phủ sáng đều với các loại đèn pha chiếu vào công trình.
+ Dạng 2: Chiếu sáng nhấn (spotlight) với các độ rọi khác nhau.
+ Dạng 3: Chiếu sáng nhấn (spotlight) với các ánh sáng có màu sắc khác nhau…
+ Dạng 4: Hắt sáng lên (uplight)
- Mặt đứng có ô, lỗ rộng (Perforated Façade): Là dạng mặt đứng mà ở đó, có các thành phần kiến trúc dạng ô, lỗ rỗng như làm trang trí hoặc cửa sổ… cho phép nhìn thấy ánh sáng, nội thất phía trong công trình.
Với loại hình mặt đứng này ta có các dạng sắp đặt chiếu sáng cơ bản như sau:
+ Dạng 1: Hắt sáng xuống (Downlight) ở phía trong công trình.
+ Dạng 2: Phủ sáng đều với các loại đèn pha chiếu vào công trình.
+ Dạng 3: Tạo đường sáng quanh các ô, lỗ rỗng trên mặt đứng.
+ Dạng 4: Hắt sáng lên (Uplight) trên mặt đứng.
- Mặt đứng phủ kính: Là dạng mặt đứng được tạo nên từ việc lắp ghép những cấu kiện bằng kính.
Với loại hình mặt đứng này ta có các dạng sắp đặt chiếu sáng cơ bản như sau:
+ Dạng 1: Hắt sáng xuống (Downlight) ở phía trong công trình.
+ Dạng 2: Hắt sáng lên (Uplight) ở phía trong công trình.
+ Dạng 3: Tạo đường sáng dọc theo các kết cấu công trình.
+ Dạng 4: Hắt sáng lên (Uplight) trên mặt đứng.
2. Yêu cầu về nhận diện và tiện nghi thị giác:
* Yêu cầu về nhận diện:
Hệ thống chiếu sáng mặt đứng công trình kiến trúc cần kết hợp hài hòa với các thành phần cấu thành khác của hệ thống chiếu sáng đô thị. Ngoài ra, tùy thuộc vào quy mô, tính chất và đặc điểm của công trình kiến trúc, các phương án thiết kế chiếu sáng kiến trúc phải đáp ứng một số hoặc toàn bộ các yêu cầu sau:
- Chiếu sáng tạo khả năng quan sát các bề mặt chính của công trình.
- Làm rõ đặc điểm giới hạn của công trình (mái nhà, đỉnh tháp…).
- Khắc họa các chi tiết và đặc điểm kiến trúc đặc thù của công trình.
- Tạo ra sự tương phản sáng tối và tương phản về màu sắc ánh sáng.
* Yêu cầu về tiện nghi nhìn:
Thiết kế lựa chọn chủng loại đèn (kiểu đèn, phân bố ánh sáng, công suất), vị trí lắp đặt đèn và góc chiếu phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Hạn chế tối đa sự chói lóa cho người sử dụng.
- Hạn chế tối đa sự hao phí quang thông của từng bộ đèn (tức là phần quang thông phát ra từ bộ đèn nhưng không được phân bố trên bề mặt của đối tượng chiếu sáng).
- Hạn chế tối đa khả năng quan sát trực tiếp vào bộ đèn (trừ trường hợp sử dụng các loại đèn có tính chất trang trí).
Chiếu sáng hoàn thành Huế
Chiếu sáng Tòa nhà Tài chính Bitexco – TP. Hồ Chí Minh
2. Yêu cầu về giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng:
* Ô nhiễm ánh sáng là gì?
Thuật ngữ “ô nhiễm ánh sáng” nhằm mô tả sự quá mức cho phép của lượng ánh sáng nhân tạo (có thể là lượng quang thông, hay các tia sáng trực tiếp hoặc là quang phổ của chúng) chiếu vào môi trường xung quanh. Lượng ánh sáng hao phí này làm giảm tiện nghi thị giác và hơn hết chúng gây hại đến sinh thái do làm lãng phí năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thực vật.
Biểu đổ ánh sáng đêm nhân tạo ở Châu Âu
* Dark-Sky:
Dark-Sky là tên gọi của một chuẩn thiết kế chiếu sáng cho khu vực ngoài trời được giới thiệu và áp dụng trong sản phẩm chiếu sáng bởi công ty ERCO. Chuẩn Dark-Sky chú trọng vào việc đảm bảo lượng ánh sáng nhân tạo chỉ phân bố trên bề mặt của những đối tượng được chiếu sáng. Giúp giảm thiểu sự ô nhiễm ánh sáng cũng như giúp dễ dàng quan sát các đối tượng tự nhiên và bầu trời đêm. Để tạo ra sản phẩm chiếu sáng đạt chuẩn Dark-Sky đòi hỏi sự làm việc kế hợp giữa nhà thiết kế chiếu sáng, kiến trúc sư công trình hoặc kiến trúc sư cảnh quan cũng như nhà sản xuất các thiết bị chiếu sáng.
Hiện nay, việc bảo vệ bầu trời đêm giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng là một xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực thiết kế chiếu sáng.
>>> Ánh hưởng của nghệ thuật chiếu sáng đến kiến trúc
>>> Mối liên quan kiến trúc - điêu khắc - hội họa (Phần 1)