Cấu trúc vách và ô không gian cơ sở
1. Hình lập phương và ô không gian cơ sở:
Hình 7.61: Hình lập phương là ô không gian cơ sở để tạo dựng hệ vách
Lấy một hình lập phương làm cơ sở. Bổ sung thêm hình lập phương theo chiều dọc, chiều ngang như vậy đã hình thành một hợp nhóm các hình lập phương sắp xếp đều đặn. Mỗi hình lập phương gọi là ô không gian cơ sở (hình 7.61). Ô không gian cơ sở có thể là tam giác, tứ giác, lục giác…
2. Biến đổi hình bao ô không gian cơ sở:
Hình 7.62: Biến đổi hình bao ô không gian cơ sở
a. Kéo dài ô không gian cơ sở
b. Thay đổi kích thước một chiều ô không gian cơ sở, tạo ra sự lồi lõm.
c. Các vách có thể nghiêng chéo.
d. Các mặt ngoài có thể thay đổi thành các cạnh cong.
e. Các vách bao ô không gian có cơ sở có thể không tồn tại.
Hiệu quả ba chiều của tập hợp các ô không gian có thể thay đổi bằng cách điều chỉnh kích thước, hình dạng của mỗi ô không gian theo một số cách sau:
- Kéo dài theo một hướng của ô không gian cơ sở (hình 7.62a).
- Thay đổi kích thước ô không gian cơ sở theo một chiều kiểu vi biến (hình 7.62b).
- Các mặt ô không gian cơ sở có thể vuông góc với mặt đáy (hình 7.62c).
- Các mặt bao quanh có thể thay đổi thành các cạnh cong (hình 7.62d).
- Các vách bao ô không gian cơ sở có thể khuyết hoặc không có, chỉ tồn tại các yếu tố bên trong ô không gian cơ sở (hình 7.62e).
3. Biến đổi nội tại ô không gian cơ sở: Biến đổi nội tại ô không gian cơ sở tức làm thay đổi các thành phần đơn vị của ô ô không gian cơ sở. Gọi các yếu tố tạo nên một ô không gian cơ sở là các thành phần đơn vị ô cơ sở. Các yếu tố này có thể là một diện, một tuyến. Sau đây là một số dạng biến đổi các thành phần đơn vị của ô cơ sở:
- Thay đổi chiều hướng thành phần diện của đơn vị ô cơ sở (hình 7.63a).
- Các diện thành phần đơn vị có thể là hình phẳng đầy (positive) hoặc hình bị khấu trừ (negative) (hình 7.63b).
- Các diện thành phần đơn vị ô cơ sở được uốn, bóp méo, gấp, xé, khoét (hình 7.63c).
- Diện bao bên ngoài có thể cắt, khoét lôi ra ngoài đẩy vào trong làm gấp nếp uốn cong… (hình 7.63d).
- Các thành phần đơn vị có thể là dạng tuyến, mạng (hình 7.63e).
- Các thành phần đơn vị ô cơ sở thay đổi theo cách biến đổi dần (vi biến) ở mỗi ô (hình 7.63f).
Biến đổi nội tại ô không gian cơ sở
a. Thay đổi chiều hướng diện ô cơ sở.
b. Các diện ô cơ sở có thể bị khấu trừ.
c. Các diện ô không gian cơ sở có thể được uốn, gấp nếp, chia cắt.
d. Các diện có thể được kéo ra đẩy vào rồi uốn cong, xẻ rãnh, gấp nếp…
e. Các thành phần ô không gian cơ sở có thể là dạng tuyến, dạng mạng.
f. Các thành phần của ô không gian cơ sở khi tập hợp có thể được thay đổi hình dạng dần dần.
Bài thực hành: Ô không gian cơ sở
Tạo một tổ hợp khối, không gian thông qua dùng ô không gian cơ sở. Dùng thủ pháp biến đổi đường bao, biến đổi nội tại ô không gian cơ sở. Xem ví dụ hình 7.64c.
Hình 7.64: Tạo khối, không gian thông qua dùng ô không gian cơ sở (bài tập sinh viên)
Hình 7.64a: Mỗi ô không gian cơ sở là một tứ diện đều trống một diện. Kết hợp diện tiếp xúc diện, trùng khít.
Hình 7.64b: Các ô không gian cơ sở là hình lập phương rỗng hai mặt, kết hợp kiểu cài lồng, chia làm hai lớp trước sau.
Hình 7.64c: Ba ô kiểu đa diện đều, khuyết diện kết hợp kiểu diện tiếp xúc diện, tổ hợp có dạng thức xoay tỏa.
Hình 7.64d: Các ô lăng trụ có kích thước diện đáy và độ dài biến đổi. Tổ hợp thống nhất về kết cấu, hình dáng lại biến đổi.
Hình 7.64e: Hợp nhóm các ô cơ sở hình lăng trụ ngũ giác. Mỗi ô lại được biến chuyển nội tại khác nhau, có ô có hình sao, có ô khoét rỗng… Hợp nhóm các ô theo kiểu mạng, dạng tiếp xúc cạnh và dấu đỉnh.
Hình 7.64f: Các ô không gian hình trụ kết hợp kiểu diện tiếp xúc diện. Trong lòng mỗi ô được bổ sung hình lăng trụ, một dạng tổ chức khối trong khối, ô trong ô cơ sở.
Hình 7.64g: Các ô không gian cơ sở được xử lý cong ở diện bao ngoài. Diện nội tại đặt nghiêng, khấu trừ một phần và được bẻ ra ngoài.
Hình 7.64h: Diện đáy của các ô không gian cơ sở được khoét theo dạng mạng, phần nhánh có hình thức hữu cơ.
Hình 7.64i: Biến đổi nội tại ô không gian cơ sở theo hai cách tạo diện chéo và hình vuông xoay tỏa. Tổ hợp đã tạo được vẻ đa dạng trên nền của ô vuông.
Hình 7.64k: Hợp nhóm ô không gian cơ sở hình lập phương kiểu tiếp xúc diện và so le. Các diện đáy được khoét thùng, một phần được xoay, bên trong ô cơ sở có biến đổi đồng dạng.
Hình 7.64l: Diện cong nội tại của mỗi ô không gian cơ sở là diện cong. Một phần diện cong của mỗi ô lại liên kết với nhau thành hình tròn khép kín. Thủ pháp liên kết này phá vỡ vẻ tuần tự của tổ chức mạng.
Hình 7.64m: Các ô không gian cơ sở sẽ kết hợp với nhau theo nhiều cách, tiếp xúc đỉnh, tiếp xúc cạnh, xoay để thay đổi chiều hướng. Các thành phần nội tại có hình dáng cơ bản giống nhau nhưng do thay đổi chiều hướng mỗi ô cơ sở nên đã tạo được tổ hợp biến đổi sinh động.
Hình 7.64n: Hai dạng loại ô không gian cơ sở. Một tạo diện nghiêng và một tạo ô nội tiếp bên trong kết hợp kiểu diện tiếp xúc diện.
Hình 7.64o: Các ô không gian cơ sở kết hợp kiểu tiếp xúc diện chiều hướng thay đổi. Các thành phần trong ô có hình dạng tương tự nhau.
Hình 7.64p: Một kiểu ô không gian lập phương kết hợp tiếp xúc diện và thay đổi chiều hướng ở một số ô được chia nhỏ đồng dạng bên trong.
Hình 7.64q: Các ô cơ sở hình trụ kiểu cánh lá, kết hợp theo kiểu cận kề, tiếp xúc bờ bao cơ sở mật độ mau thưa được thay đổi ở từng khu vực.
Hình 7.64r: Các ô kết hợp tiếp xúc, giật cấp. Diện bên trong được đặt hơi nghiêng và có sắc độ đậm nhạt. Mỗi ô là đơn giản nhưng tổ hợp lại tạo được vẻ đa dạng, phong phú về sắc độ và hình.
Hình 7.64s: Ô không gian cơ sở lăng trụ tam giác, kết hợp kiểu cạnh tiếp xúc cạnh và giật cấp.
- Nguồn: Theo Sách Cơ sở Tạo hình -
>>> Các lớp tuyến tạo không gian
>>> Các dạng hình thể không gian (Phần 1)