Cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật và sự lan tỏa của áp phích

ap phich 1
Nguyễn Thụ - Huy Oánh
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân
Tranh cổ động, màu bột, 1970

Với nghệ sỹ, cảm xúc (Emotion) là cấu tạo tâm lý thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của họ. Bởi cảm xúc là sự trải nghiệm của con người về thái độ đối với sự vật và hiện tượng khách quan, với người khác và với bản thân. Cảm xúc cũng là nền tảng quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người. Cảm xúc có nhiều dạng: cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc đạo đức, cảm xúc trí tuệ… Đặc trưng cơ bản của cảm xúc mang tính đối cực như: yêu và ghét, thích và không thích, xúc động và dửng dưng, vui và buồn. Sự xuất hiện của cảm xúc không theo một quy luật nhất định và có những cấp độ khác nhau tùy theo sự tác động của các đối tượng khách quan từ thế giới hiện thực thông qua nhận thức, liên tưởng của mỗi nghệ sỹ và các họa sỹ thiết kế.

Con người từ khi chào đời đến khi về già đã trải qua biết bao tiến trình, cung bậc thăng trầm của những cảm xúc trong tâm tư và sự trải nghiệm…

Và cũng chính từ những thăng trầm ấy đã nảy sinh nghệ thuật và từ đó thôi thúc mỗi chúng ta những ham thích, thưởng thức, khát vọng và đam mê sáng tạo… Dựa vào những cung bậc bản năng cảm xúc của con người các họa sỹ và nhà thiết kế đã khai thác về tính lan tỏa trong các nội dung áp phích quảng cáo và trong thiết kế các sản phẩm đồ họa ứng dụng…

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo (lý trí) trên nền tảng cảm xúc của người nghệ sỹ (tình cảm). Vì “Nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn”. Thành công của một tác phẩm nghệ thuật chính sự lan tỏa những giá trị sáng tạo và cảm xúc. Giá trị nghệ thuật và ứng dụng của một sản phẩm được đo bằng sự lan tỏa càng nhanh, càng rộng cả về không gian và thời gian càng nhiều càng tốt, đặc biệt là lĩnh vực quảng cáo của đồ họa ứng dụng (design graphic), đồ họa truyền thông đa phương tiện (multimedia)…

Người nghệ sỹ khi tiếp xúc với thế giới thực tại, song song với nhận thức bằng tri giác thì cảm xúc cũng được trải nghiệm. Quá trình đó đã tạo nên sự đam mê và khát vọng mạnh mẽ từ nội lực trong quá trình sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng sâu sắc những tư duy và xúc cảm riêng của mỗi nghệ sỹ “Cảm xúc là một trạng thái cảm nhận (feeling), liên quan đến suy nghĩ, sự thay đổi về sinh lý và một biểu hiện ra bên ngoài”. Hay còn gọi là sự rung động của hệ thần kinh giao cảm. Sự giao cảm chính là sự lây lan cảm xúc từ người này sang người khác thông qua tác động lôi cuốn một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt trong áp phích quảng cáo.

Trong các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc là thể loại có sự lan tỏa cảm xúc nhanh nhất trong đời sống xã hội. Vì âm nhạc là nguồn cảm hứng nội tâm, có khả năng tạo ra sự sung mãn về tâm hồn, nâng cao ý chí nghị lực trong cuộc sống. Chính vì vậy, từ thời cổ đại ở Trung Quốc, Khổng Tử cho rằng: “Âm nhạc làm thay đổi tập quán và đạo đức xã hội”. Trong cuốn luận về âm nhạc có viết: “Âm nhạc nhập vào lòng người rất sâu, cảm hóa rất nhanh. Nhạc mà bình thì dân hòa không bị dục vọng lôi cuốn. Nhạc mà nghiêm thì dân tề nhất mà không loạn. Trái lại nhạc mà bất nghiêm và hiểm hóc thì dân sa đà, bi tiện”. Đúng vậy, những âm điệu của âm nhạc gắn với đời sống con người từ rất sớm nhất bằng những lời hát ru ngọt ngào khi mới chào đời và cả khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Nó là phương tiện truyền dẫn mối giao cảm của tình mẫu tử thiêng liêng và cô đọng… Tính lan tỏa mạnh mẽ ấy đóng vai trò quan trọng việc hình thành nhân cách của một con người. Âm nhạc cũng là suối nguồn văn hóa cộng đồng xã hội trong mỗi khoảnh khắc lịch sử của một dân tộc cũng như của nhân loại.

Trong quá khứ những năm đất nước có chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh chống Mỹ, hàng ngàn tranh cổ động và áp phích của các họa sỹ sáng tác để cổ vũ toàn dân chiến đấu để bảo vệ và giải phóng đất nước. Những áp phích đó như một vũ khí tinh thần mạnh mẽ động viên và khích lệ toàn dân nước Việt ra chiến trường chiến đấu và chiến thắng để giải phóng Tổ quốc. Tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của họa sỹ Nguyễn Thụ và Huy Oánh là một trong hàng ngàn những tranh cổ động điển hình nổi tiếng trong thời kỳ đất nước đang có chiến tranh và cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm đã gây cảm xúc và có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ và lôi cuốn toàn quân, toàn dân không sợ hy sinh, nối tiếp nhauy ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sự lôi cuốn và lan tỏa của tác phẩm không chỉ có sức sống mạnh mẽ trong thời gian chiến tranh mà cả ngay thời bình của ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Với bố cục chặt chẽ, cách tạo hình và bút pháp khỏe khoắn, chắt lọc, màu sắc giản dị chỉ với mầu xanh lục, đen và trắng, các tác giả đã cho ta cảm nhận không gian của bức tranh như rộng mở hơn, mênh mang hơn. Bức tranh có tính biểu đạt và tạo hình sâu sắc cả về nội dung, cũng như ý tưởng nghệ thuật. Vì vậy tác phẩm đã có sức sống mãnh liệt và mang lại cảm xúc mạnh mẽ đến người xem. Sức mạnh và và giá trị của tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” đã vượt qua sứ mạnh của nó là tuyên truyền và trở thành nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật và cách mạng Việt Nam.

Nói đến áp phích nổi tiếng về chiến tranh trên thế giới ta không thể bỏ qua tác phẩm “Đất Mẹ đang gọi ta” của họa sỹ Nga. Hình ảnh bà mẹ chắc khỏe, tượng trưng cho mẹ Tổ quốc, với trang phục mầu đỏ tay phải cầm bản thông cáo về chiến tranh, tay trái giơ cao chỉ về dòng chữ “Đất Mẹ đang gọi ta”, với khuôn mặt và ánh mắt cương trực, sáng ngời kêu gọi mỗi người dân Nga ra trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Với tác phẩm “Tôi cần bạn” của họa sỹ Mỹ James Montmery Flagg (1916). Hình ảnh “chú Sam” đã được nhân cách hóa trong tranh với cách tạo hình khỏe và ấn tượng với slogan cô đọng gây cảm xúc mạnh tới người xem. Chính nhờ các áp phích ấn tượng trên mà đã kêu gọi nhiều thanh niên Nga và Mỹ xung phong ra trận bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc thế chiến. Đây là những tác phẩm được xếp vào trong danh sách “Những áp phích làm thay đổi thế giới”.

ap phich 2
Tác phẩm Đất Mẹ gọi ta của họa sỹ Nga (1941)

ap phich 3
Tác phẩm Tôi cần bạn của họa sỹ Mỹ James Montmery Flagg (1916)

Theo nhà mỹ học Nga Nina Baburina “Tranh cổ động là một dạng phản ánh tinh hoa và cốt cách của thời đại”. Ngày nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã hỗ trợ rất hữu hiệu và đa dạng về hình thái tạo hình, công nghệ thể hiện và ấn loát. Do vậy những cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật và sự lan tỏa của áp phích trong đời sống xã hội càng phát triển và chất lượng càng cao.

Trong mỹ thuật ứng dụng có Truyền thông đa phương tiện (multimedia). Loại hình truyền thông này có sự tác động đến nhiều cảm nhận giác quan của con người nhất, đồng thời có tính lan tỏa thông tin nhanh nhất trong xã hội hiện nay. Đây là loại truyền thông được ứng dụng khoa học, công nghệ và có sự tương tác rộng lớn của nhiều góc độ của quảng cáo, truyền hình, internet, games, hoạt hình, điện ảnh…

Nghệ thuật làm lây lan sang con người nhiều cảm xúc và nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở sự lây lan này. Tônxtôi nhà văn vĩ đại của Nga viết: “Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dự trên những khả năng những người này bị lây cảm xúc của những người khác. Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả sẽ làm nên đối tượng của nghệ thuật” (Thư của Tônxtôi gửi Xtraxekhop năm 1876, toàn tập tác phẩm).

Áp phích quảng cáo ngày nay rất phong phú và đa dạng cả về chủ đề và cả hình thức quảng bá. Nó là một phần rất quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động của xã hội, đặc biệt là hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm. Những áp phích quảng cáo động như Video Clip, các tấm quảng cáo điện tử lớn tại các không gian công cộng… đã tác động rất nhanh và mạnh mẽ đến cảm xúc thông qua thị giác của người tiêu dùng, nhất là các quảng cáo về các sản phẩm thương mại và văn hóa. Chính vì vậy, sự lan tỏa của áp phích quảng cáo thông qua cảm xúc về hình thức sáng tạo, phong phú, màu sắc hấp dẫn, lôi cuốn, slogan cô đọng và khúc triết đã hấp dẫn khách hàng đến xem và mua sắm ngày một đông hơn. Các áp phích quảng cáo về giảm giá với cách tạo hình độc đáo, sự kết hợp thông minh của phần chữ (Sale) đã gây ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ đến người tiêu dùng và trong xã hội. Trong những áp phích quảng cáo thương mại càng ngày càng được thiết kế phong phú cả về nội dung, hình thức. Không những thế trong đó còn kèm theo những thông điệp khác như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe… Áp phích quảng cáo sản phẩm Coca-cola của David Quartino là một điển hình bảo vệ môi trường mang tính xã hội rộng lớn.

Trong điện ảnh, áp phích quảng cáo đóng vai trò rất quan trọng. Một trong những áp phích gây ấn tượng, cảm xúc và lôi cuốn, truyền tải mạnh mẽ nhất đến khán giả đó là áp phích phim Titanic. Áp phích đã góp phần quảng bá mạnh mẽ và rộng rãi đến khán giả và mang lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất.

Ngày nay, xã hội và vật chất phát triển từng ngày. Khó có thể viết và khai thác hết những giá trị về nghệ thuật cũng như kinh tế của áp phích quảng cáo. Những tác phẩm của các họa sỹ, các nhà thiết kế đều xuất phát từ nền tảng cảm xúc trong quá trình sáng tạo và truyền cảm hứng đến người xem thông qua những áp phích.

Ngày nay, với sự hỗ trợ đắc lực của các phần mềm công nghệ về thiết kế, cảm xúc trong quá trình sáng tạo áp phích của các họa sỹ lại có thêm sức mạnh lan tỏa tích cực và gấp bội trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học và thương mại. Còn trong đời sống thực tế của xã hội cảm xúc không chỉ là nền tảng thông tin, mà còn là cơ sở thiết yếu để phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người.

ap phich 4
Quảng cáo Coca-cola vì môi trường của David Quartino

ap phich 5
Áp phích quảng cáo chè Curtis của Catzwolf (Nga)

ap phich 6
Áp phích quảng cáo phim Titanic

- Lê Thân -

>>> Học vẽ - tranh cổ động

>>> Yếu tố tác động đến hình ảnh trong poster

0976984729