Cách vẽ người
1. Cách phác họa, cách phác hình, vẽ nghiên cứu
Những phác họa thường được vẽ nhanh, có sửa chữa, gọt đẽo hình, rút ngắn bố cục... Các phác họa không có vẻ "trọn vẹn" mà dường như chỉ là hình ảnh hoặc các nét vẽ trình bày toàn bộ ý tưởng chung nhất của tác phẩm. Ví dụ : sẽ không có ở đó màu nền, hoặc người ta sẽ nhìn thấy một người mới được thêm vào chỗ trống trong tranh khi thể hiện tác phẩm. Điều quan trọng vô cùng là phác họa phải hướng về đề tài đã chọn, cho chúng ta thông tin chủ yếu, đầy đủ nhưng không chính xác tuyệt đối từng chi tiết như tác phẩm ấy đã được hoàn thiện. Phác họa phải thu nhập được bản chất của đề tài, nêu rõ điểm chủ yếu hoặc cái "cơ bản" trong đề tài phải phụ thuộc vào nó để bày tỏ ý tưởng của bức tranh. Không có chuẩn mực nào để nói về điều quan trọng nhất làm trong phác họa, vì mỗi người theo đuổi một ý tưởng sáng tác riêng. Bạn có thể nói "điều quan trọng nhất là hình và bố cục" , còn tôi nói "sự sắp xếp tối sáng là cần hơn" ... tất cả đều có lý trong từng trường hợp.
Phác họa là từ chung có nghĩa tổng hợp những ký họa, những hình phác ( bằng màu hoặc bằng nét) và những bức vẽ nghiên cứu. Có ba loại phác họa cơ bản sau:
- Phác họa theo chủ đề hoặc đề tài cụ thể
- Phác họa luyện tập (có thể vẽ ngay trước phong cảnh hoặc mẫu vẽ...)
- Phác họa nghiên cứu để cho một tác phẩm đã được quyết định.
Quan niệm chung về phác họa là thông qua thực tế, họa sĩ nhớ lại và trình bày nhanh một ý tưởng có liên quan, không tô vẽ cầu kỳ, không phức tạp và nó phải đưa ra những đường nét chính, màu sắc chủ đạo nêu rõ chủ đề, đồng thời có các tương phản sáng tối ấn tượng nhất hoặc bố cụ giản lược.