Cách vẽ mô phỏng màu nước trong cổ trang
1. Vẽ phác:
Vẽ phác là khâu đầu tiên, khá tốn sức nhưng lại rất thú vị trong sáng tác. Ta có thể coi đây là bước tạo “bố cục” hoặc “thiết lập vị trí”. Đúng như tên gọi, đây là một quá trình tư duy thẩm mỹ và và vận dụng các tài liệu thu thập được một cách hài hòa, hợp lý. Một bức phác họa tài tình có thể khiến một sự vật bình thường như được thổi hồn và truyền tải được tình cảm của người họa sỹ tới người xem.
Vẽ phác giống như lập dàn ý cho một bài văn mà ở đó mỗi hình ảnh lại có một vai trò riêng, chúng có mục đích rõ ràng, cụ thể và đồng thời vẫn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Màu sắc, đường nét cũng tương tự như câu chữ của đoạn văn. Sắp xếp thế nào, trầm bổng ra sao sẽ quyết định văn phong của toàn bộ bài văn đó. Bản phác thảo đóng vai trò như kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển và hoàn thiện của tổng thể tác phẩm. Một tác phẩm sẽ được tạo nên từ góc nhìn nào, truyền tải những gì, chứa đựng những ý nghĩa nào, liệu có chạm được đến trái tim người đọc không, và nếu có, chi tiết nào sẽ là đắt giá nhất? Đó là những điều mà người họa sỹ cần cân nhắc khi bắt tay vào vẽ.
Vẽ phác là ấn tượng đầu tiên bạn đem tới cho người xem. Cách vẽ, góc nhìn theo lối truyền thống có thể chiếm được tình cảm của đa số nhưng cách vẽ mới mẻ theo phong cách riêng, về mặt cảm quan, đôi khi có thể kích thích thị giác, để lại ấn tượng sâu sắc. Vì vậy việc kết hợp giữa việc tuân thủ các kỹ thuật truyền thống với sáng tạo, đổi mới là rất cần thiết. Nếu bản phác thảo chỉ đi theo một mô típ cố định thì sẽ rất khó để khơi mở sự sáng tạo, như vậy thật là đáng tiếc!.
Bí quyết tạo bố cục tổng thể cho bức tranh: Trước khi phác thảo, bạn cần tìm hiểu yêu cầu, mục đích sử dụng và xác định bố cục của bức tranh. Nếu đó là bức tranh sẽ sử dụng trên bìa sách, vậy thì nhất thiết tranh vẽ phải có khoảng không gian trống đủ để sắp xếp tiêu đề cuốn sách.
Hãy suy nghĩ thật kỹ về ý tưởng bạn muốn truyền tải, thường thì những ý tưởng xuất hiện đầu tiên trong đầu chưa hẳn đã phù hợp và có thể hơi bảo thủ. Đừng ngại sửa đi sửa lại bản phác thảo bởi chính quá trình đó sẽ giúp bạn khai mở được nhiều ý tưởng mới.
Bắt tay vào tô màu, cần mạnh dạn nhưng cũng thật cẩn trọng, tỉ mỉ, luôn bám sát chủ đề của tác phẩm.
Khi hoàn thành tranh vẽ, hãy lắng nghe ý kiến góp ý, nỗ lực hoàn thiện tác phẩm. Sắp tới bước cuối cùng rồi, các bạn nhất định phải kiên trì đặc biệt, khi vẽ tranh dùng cho mục đích thương mại (như bìa sách), rất cần chú ý đến các yêu cầu minh họa để tránh mất công sửa lại.
Ngay từ bản phác thảo, bạn đã có thể hình dung sơ bộ về tác phẩm của mình, ngoài việc bố trí sự vật, cách tạo hình, bạn cũng có thể “đọc” từ bản phác thảo về cảm giác của người xem. Khi ngắm nhìn bức tranh của mình, bạn có cảm thấy thư thái, thoải mái không? Nét thanh nét đậm đã đã hài hoà chưa? Tỷ lệ giữa các gam màu lạnh, ấm, sự thể hiện chiều sâu, độ nông của sự vật sẽ mamg lại cho người xem cảm nhận thị giác thế nào? Đây là cách tôi vẫn thường tự “kiểm tra” tác phẩm của mình, đặt bản thân vào vị trí của người xem để có cái nhìn thật khách quan.
2. Quan sát:
Nghệ thuật bắt nguồn từ những điều mắt thấy tai nghe, những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, vậy nên, trước những rung động, dù nhỏ bé nhất, về cuộc đời, hãy tập ghi chép lại, ghi nhớ sâu trong lòng, nhất định sẽ có lúc bạn cần dùng đến chúng để đưa vào sáng tác. Vẻ đẹp của bức tranh đến từ sự quan sát tỉ mỉ và chiều sâu của những quan sát, cảm nhận đó, việc “vẽ ra” chỉ là bước cuối cùng, là kỹ năng “biểu đạt”, không ai giống ai. Thế nên, bản thân sáng tác đã là sự thể hiện một cá tính riêng biệt, giống như mỗi người lại có tính cách khác nhau. Tương tự, mỗi sáng tác đều có sự độc đáo của riêng mình.
Sự “biểu đạt” có hào hứng, phấn khởi hay không tùy thuộc vào việc bạn có biết cách vận dụng linh họat các công cụ mình sở hữu hay kỹ năng của bạn có được rèn luyện thường xuyên hay không. Việc này cần có thời gian, cần luyện tập và tích lũy. Muốn hiểu một sự vật nào đoa, điều cần thiết là đọc nhiều, suy ngẫm nhiều. Người họa sỹ cần tìm đọc thật nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, không giới hạn hình thức hay thể loại.
“Quan sát” là bước đầu tiên của hội họa, chúng ta thường học các kỹ năng nền tảng của mỹ thuật như mô phỏng, phác thảo, tô màu, ký họa nhưng cách quan sát sự vật, quan sát cuộc sống mới là kỹ năng tiên quyết và quan trọng nhất. Khi hội họa dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, bạn sẽ có một trái tim nhạy cảm, một đôi mắt với góc nhìn đặc biệt. Bạn có thể có những xúc cảm riêng và ngạc nhiên trước sự thay đổi của vạn vật, màu sắc. Bạn nhìn thấy cả những điều ẩn sâu bên trong vạn vật và rồi biểu đạt mọi thứ qua tranh, theo cách của mình… Thế là tác phẩm ra đời, đó là tác phẩm thuộc về riêng bạn.
3. Đường nét:
a. Phác thảo sơ bộ: Là cách dùng những nét vẽ đơn giản nhất để thể hiện bản phác thảo, có thể viết thêm các ghi chú về hình dung cho tác phẩm khi hoàn thiện. Với phác thảo sơ bộ, họa sỹ có nhiều không gian để trao đổi thêm với biên tập viên mỹ thuật / khách hàng và có những điều chỉnh kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên trước khi bắt tay vào phác thảo, họa sỹ và biên tập viên / khách hàng cần làm việc với nhau để có những định hướng cơ bản cho bản phác thảo để tránh những bất đồng quan điể không đáng có khi bản phác thảo thành hình.
b. Phác thảo chi tiết: Là bản phác thảo đường nét chi tiết sau khi đã xác nhận thông qua bản phác thảo sơ bộ. Lúc này, ngoài những chỗ có thể trực tiếp lên màu, các chi tiết khác đều có thể được phác thảo kỹ lưỡng bằng bút chì. Nếu có yêu cầu cụ thể (chẳng hạn vị trí tiêu đề, kích thước nhân vật, khoảng cách…), có thể sử dụng thêm bảng vẽ điện tử làm công cụ phụ trợ. Sau khi hoàn thành bản phác thảo chi tiết, nếu vẫn muốn có chút thay đỏi nhỏ thì có thể điều chỉnh trước khi lên màu. Cuối cùng, cần xác nhận lại tổng thể bức tranh một lần nữa.
Với những bức ký họa thường ngày, bạn có thể ngẫu hứng vẽ những gì mang đến cho mình cảm hứng, từ con người đến sự vật, từ tranh cảnh rộng đến ừng chi tiết như mái tóc, ánh mắt hay lớp voan mỏng… Vẽ ký họa có thể không đòi hỏi một bức tranh hoàn chỉnh nhưng lại giúp bạn luyện tập “ghi lại” những chi tiết nhỏ một cách sắc nét hơn, là tiền đề cho việc xây dựng những bức tranh rộng lớn hơn, cũng như rèn luyện sự tự tin, khéo léo của người họa sỹ.
Bức tranh này được vẽ vào đúng mùa sen nở. Khung cảnh mùa sen đã tạo cảm hứng cho tôi. Từng hình ảnh cứ như hiện lên trước mắt, với một cô gái dáng hình như tiên nữ giáng trần, tay yểu điệu cầm cành sen, cạnh bên là tiên hạc trên mặt nước lóng lánh. Dù chỉ nhìn phía sau nhưng vẫn như cảm nhận được thần thái của nhân vật trước, rồi sau đó mới tạo hình cho tiên hạc, sự cân bằng trước – sau của bức tranh được thể hiện qua dáng đứng của cô gái và cái ngoảnh đầu của tiên hạc, bức tranh nhìn tĩnh mà thực chất lại động, bóng hình trắng muốt, mong manh của tiên hạc như sẽ vút bay lên trời cao bất cứ lúc nào…
4. Kỹ thuật vẽ khô:
Trong vẽ tranh cổ trang, không thể không nhắc đến kỹ thuật vẽ khô, dùng cọ vẽ cạnh vát và vẽ đè màu, cùng nhiều kỹ thuật khác. Điểm chung của chúng là sử dụng lượng nước rất ít để pha màu. Bức tranh thường sẽ có màu sắc ấn tượng, sắc nét, thể hiện chân thực cảm giác về lực và độ dày của vật thể.
Khi sử dụng cách vẽ khô, lúc đặt bút phải rõ ràng, quyết đoán, linh họat thay đổi nhiều thế bút. Chú ý sau khi đợi màu khô mới tiếp tục vẽ lớp tiếp theo, tránh để màu nền thấm ngược lên làm màu trên bị lem. Ngoài ra, nếu vẽ đi vẽ lại nhiều lần cùng một nét bút, màu sẽ bị két lại khiến cho nét vẽ cứng, thô (chỗ dày quá sẽ dễ bị nứt màu).
5. Kỹ thuật vẽ ướt:
Cách vẽ ướt cũng gần giống với kỹ thuật vẩy màu, xẻ màu, loang màu… trong tranh thuỷ mặc. Khi vẽ tranh theo phương pháp này, có thể thêm nhiều nước vào màu vẽ, bút, cọ cũng sẽ ngậm hết màu. Khi cần tô màu lên một khoảng lớn trên giấy vẽ, tốt nhất nên chuẩn bị thêm một đĩa sứ nhỏ, pha sẵn luôn một lần các màu cần dùng để tiện sử dụng một lượng màu nước lớn trong thời gian ngắn. Vẽ ướt thường mang lại cảm giác mềm mại, như phủ một lớp sương khói, không rõ ràng, so với vẽ khô, lại càng thể hiện được chiều sâu của cảm xúc. Điều cần chú ý là, khi vẽ ướt, lượng nước và thời cơ đặt bút khá là quan trọng. Nên dùng bao nhiêu nước để pha màu, đặc tính kết hợp giữa các màu, giấy ướt ở mức độ nào mới tô nối màu tiếp theo cho thích hợp…. Tất cả những điều đó đều cân đến sự luyện tập hàng ngày để tự rút kinh nghiệm.
6. Kỹ thuật vẽ kết hợp:
Trong nghệ thuật vẽ màu nước, việc sử dụng kết hợp cả hai phương pháp vẽ khô và ướt là cách thường thấy. Do cách thể hiện bút pháp khác nhau nên những tín hiệu của bức tranh truyền đến thị giác là rất phong phú. Đây cũng chính là “ngôn ngữ” của hội họa. Làm thế nào để sử dụng hai kỹ năng này một cách xác đáng và truyền đạt không chỉ hiệu ứng thị giác mà cả thính giác, vị giác, xúc giác tới người xem? Điều này đòi hỏi khả năng kết hợp linh họat của người họa sỹ và sự rèn luyện lâu dài.
Vẽ màu nước không đơn giản chỉ là kiểm soát hướng đi của nước mà còn là mượn sự biến ảo của dòng chảy để tạo nên những mảng màu nông sâu khác nhau cho bức tranh.
7. Nhịp phách:
Điểm mấu chốt tạo nên “hơi thở” cho mỗi tác phẩm hội họa màu nước là sự cân bằng và nghệ thuật tạo không khí.
>>> 18 kỹ thuật màu nước mọi họa sỹ nên biết
>>> Tranh màu nước về các loài chim - Sưu tầm