Cách nhìn vật lý trong khi vẽ hình họa
Vẽ trong môn hình họa là vẽ theo mắt tháy, qua đó nó thể hiện mối quan hệ về không gian, thời gian giữa người vẽ và đối tượng được vẽ. Vẽ là sử dụng tất cả các thao tác và công cụ như: bút chì, bút bi, bút sắt để vẽ trên mặt phẳng với mục đích vừa vẽ giống đối tượng và thông qua đó... vẽ luôn cách nhìn, cách suy nghĩ của người vẽ đối với vật được vẽ.
Vẽ trong môn hình họa là vẽ theo mắt thấy, qua đó nó thể hiện mối quan hệ về không gian, thời gian giữa người vẽ và đối tượng được vẽ. Vẽ là sử dụng tất cả các thao tác và công cụ như: bút chì, bút bi, bút sắt để vẽ trên mặt phẳng với mục đích vừa vẽ giống đối tượng và thông qua đó… vẽ luôn cách nhìn, cách suy nghĩ của người vẽ đối với vật được vẽ.
Về mặt nội dung, ý tưởng, thái độ chính trị thì cách nhìn chính là người nhìn dựa vào nhân sinh quan, thế giới quan của người nhìn. Để vẽ hình họa, chúng ta cần phân biệt hai cách nhìn như sau. Đó là: Cách nhìn vật lý (xác định tầm nhìn, góc nhìn và khoảng cách cụ thể) và cách nhìn tâm lý (tâm trạng, cảm xúc, thái độ cá nhân). Trong phạm vi của việc vẽ hình họa, bài này chỉ đề cập đến loại cách nhìn vật lý. Cách nhìn vật lý là sự xác định vị trí, điểm đứng, góc nhìn, tầm nhìn và khoảng cách của người vẽ khi phải vẽ một đối tượng nào đó.
Cách nhìn thể hiện mối quan hệ về không gian là sự tương quan về vị trí từ người vẽ đến đối tượng. Sự tương quan về thời gian thể hiện qua sự thay đổi, dịch chuyển của ánh sáng thiên nhiên tác động vào đối tượng. Xét về quan hệ không gian thì người vẽ có thể chọn nhiều vị trí quanh đối tượng để quan sát, vẽ lại theo ý thích của riêng mình.
Tuy nhiên trong thực tế, trước một đối tượng thì chỉ có một hay vài vị trí mà chúng ta có thể nhìn đủ, rõ, ghi nhận được ánh sáng đẹp trên mẫu được vẽ. Có những vị trí mà chúng ta không cảm nhận được vẻ đẹp của mẫu, kể cả ánh sáng tác động trên mẫu cũng không tốt.
Do đó khi vẽ hình họa thì chúng ta phải nghiên cứu để chọn vị trí mà từ đó giúp chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của đối tượng. Việc chọn chỗ, vị trí để vẽ gọi chung là chọn xác định cách nhìn của người vẽ đối với đối tượng. Thông thường thì mỗi hình vẽ ngầm chứa đựng hai cách nhìn của người vẽ với đối tượng được vẽ: Cách nhìn vật lý và cách nhìn tâm lý.
Cách nhìn tâm lý chính là cái cảm xúc, thị hiếu, cá tính của người vẽ thể hiện ẩn sâu trong tinh thần của hình vẽ: hình vẽ mềm mại, cứng cáp, lả lướt, mạnh bạo, sạch gọn.. Chính là cách nhìn tâm lý này tạo nên sự phong phú, sáng tạo trong nghệ thuật.
Cách nhìn vật lý giữ vai trò rất quan trọng trong việc nhìn thấy đối tượng. Để có khả năng nhìn thấy tốt thì chúng ta phải đáp ứng những chọn lựa và xác định các yêu cầu về vật lý sau đây: tầm nhìn, góc nhìn và khoảng cách.
Khoảng cách cho phép chúng ta có hai khả năng chính: Một là khả năng nhìn bao quát từ xa hay nhìn không bao quát vì vị trí nhìn quá gần. Hai là khả năng nhìn rõ hay không rõ.
Về khoảng cách thì chúng ta có hai khoảng cách: Một là khoảng cách từ điểm đứng của người vẽ cho đến đối tượng được vẽ, hai là khoảng cách tính từ bàn tay cầm cây đo cho đến đối tượng. Như vậy, thông qua cây đo thì sự đánh giá chiều cao hay chiều rộng của đối tượng được tính theo khoảng cách thứ hai. Khoảng cách thứ hai này có vai trò quan trọng cho nên chúng ta gọi nó là khoảng cách thật để đo.
Do đó, khi thực hiện động tác đo để vẽ thì tư thể của cánh tay cầm cây đo, dây dọi phải thật thẳng, hình thế cánh tay phải song song với mặt đất. Việc luôn giơ tay thật thẳng và song song với mặt đất nhằm mục đích xác định khoảng cách để đo cố định cụ thể từ cây đo đến vật được đo.
Thí dụ chỗ đứng của người vẽ cách mẫu vẽ là 3 mét. Khoảng cách 3 mét là khoảng cách vật lý. Mỗi người đều có chiều dài của cả cánh tay khác nhau. Nếu chiều dài cánh tay của người vẽ là 0,6 mét thì khoảng cách thật từ người vẽ tới vật được vẽ là 2,4 mét. Nếu khi đo mà cánh tay lúc co lúc duỗi thì khoảng cách có khi là 2 mét 40 , 2 mét 30 hay 2 mét 10. Như vậy là khoảng cách không nhất định và không chính xác.
Tầm nhìn tức là độ cao của tầm mắt người vẽ. Nếu ngồi vẽ thì tầm nhìn thấp hơn vẽ ở tư thế đứng. Đứng trên lầu vẽ xuống thì tầm nhìn rất cao. Tầm nhìn cho chúng ta mức độ nhìn bao quát đối với đối tượng được vẽ. Theo luật viễn cận thì chúng ta phải vẽ đối tượng theo sự chi phối của luật này tùy theo cách nhìn vật lý.
Tầm nhìn cho phép nhìn thấy phía trên hay phía dưới của đối tượng được nhìn. Khi chúng ta nhìn đối tượng chúng ta có thể ở ba tầm nhìn cơ bản sau đây: Thứ nhất là trên tầm mắt. Thứ hai là dưới tầm mắt. Thứ ba là ngang tầm mắt.
Theo kinh nghiệm thì nếu người vẽ chọn góc nhìn ngay chính giữa và tầm mắt cũng ngay chính giữa thì khả năng thấy sẽ vô cùng hạn chế và hình vẽ sẽ không đẹp.
Góc nhìn cho phép thấy được vật thể với một hay nhiều diện. Thí dụ chúng ta nhìn thẳng góc, ngay trung tâm với mặt đứng.
Nếu vật thể ngay giữa đường tầm mắt thì chúng ta chỉ thấy một diện duy nhất: là mặt đứng chính. Khi ấy về luật phối cảnh, chúng ta sẽ không thấy các đường biến, vì nó bị che khuất.
Về luật phối cảnh thì ở trường hợp chúng ta thấy diện trên hay diện dưới của khối vuông (vật ở trên hay dưới tầm mắt) thì mắt chúng ta thấy rõ các đường biến đều tụ về chỉ một điểm ở trên đường tầm mắt.
Để có góc nhìn chuẩn thì ngoài việc cân nhắc để chọn góc nhìn, chỗ đứng hay ngồi tốt thì khi đo để vẽ, người vẽ phải nhắm bớt một con mắt để giới hạn một góc nhìn cụ thể hơn.