Các hình thái và màu sắc của mảng
1. Mảng là gì?
Để hiểu về mảng, chúng ta lưu tâm đến hai hướng giải thích chính như sau:
Một là, mảng là danh từ dùng để chỉ một tổng hợp diện tích chứ không phải là một diện tích đơn lẻ. Thực chất của mảng (masses) là những “diện” ngược lại với “mảng” là sự manh mún, phân tán, rời rạc. Người giảng dạy và người vẽ hình họa gọi cách gom các phần vụn vặt, các phần sáng nhỏ, bị phân tán là “quy thành mảng các loại bóng, độ bóng” (trong trường hợp diễn tả bằng màu thì thao tác “quy các mảng màu”) là quy trình cần thiết.
Thí dụ: Ngay trong những giai đoạn đầu của quy trình vẽ bài hình họa vẽ đồ vật hay vẽ hình người. Khi bắt đầu quan sát toàn bộ, các định hướng ánh sáng sáng tác động vào mẫu, vẽ những nét phác để dựng hình (hình tổng thể, cấu trúc, trục thăng bằng, bố cục) rồi phân tích, đánh giá về hình, bóng, khối và không gian ở đối tượng theo góc nhìn để vẽ… với mục đích diễn tả đúng, chuẩn xác đối tượng thông qua sự quan sát, đánh giá để tô, vẽ, diễn bóng đối tượng đạt yêu cầu về những đặc điểm của hình khối, không gian.
Như vậy, mảng bóng trong bài hình họa là sự đơn giản hóa các tác động của ánh sáng lên các diện của khối ba chiều bằng cách đơn giản hóa các độ bóng là yêu cầu cực kỳ quan trọng trong quy trình: đơn giản hóa các chi tiết, mảng bóng vụn vặt thành mảng khối lớn để từ việc đơn giản khối hình, mảng của đối tượng rồi mới thực hiện việc chi tiết hóa dần cho đến khi hoàn tất bài vẽ.
Như vậy, về phương pháp tô, diễn bóng thì khi bắt đầu tô bóng, chúng ta chưa vội đi vào từng khu vực chi tiết cụ thể như đã nói, mà dừng bút chì để khoanh vùng những khu vực nào có bóng tối, khu vực nào là ánh sáng, theo mật độ chung, để từ đó chúng ta thấy được sự tương quan lớn giữa hai phần sáng và tối. Cách làm này được gọi là “quy phần sáng tối thành mảng”.
Khi ấy, vùng mà người vẽ cố ý để nguyên màu trắng của giấy và vùng được tô thành một màu xám lớn được gọi chung là hai mảng sáng và tối.
Do đó, trước tiên, thuật ngữ “mảng” là danh từ dùng để chỉ một diện tích có được do sự quy kết những yếu tố nhỏ thành từng vùng, từng đống, từng cụm lớn.
Dưới sự tác động mạnh của ánh sáng đã để lại nhiều khu vực các vị trí bóng tối, ánh sáng rải rác trên nhiều diện của mẫu. Ở trường hợp này ta có các loại mảng lớn, nhỏ ở dạng hai chiều.
Ảnh gốc – Mảng hóa bước 1 (Đen và xám) – Mảng hóa bước 2 (Đen và trắng)
Nhưng chúng ta sẽ chứng kiến “mảng ba chiều khi ta đổ một thùng bột nhão sền sệt ra mặt đất thành một mảng diện tích có độ dày và nó cho chúng ta cảm giác về khối lượng và trọng lượng. Lúc ấy chúng ta gọi nó là mảng bột. Khái niệm mảng ba chiều là thế. Như vậy, mảng là một diện tích lớn có độ dày, mà độ dày này chưa đủ tạo thành một khối rõ ràng. Ở trường hợp này ta có loại mảng ở dạng gần như ba chiều. Nhưng nó có độ dày, mà độ dày này rất ít chưa đủ làm cho mảng ấy trở thành một khối (volume). Nói chung, mảng là diện tích cảu vật chất có độ mỏng hay dày tạo thành các yếu tố hình thực để tạo thành hình tượng thị giác. Đặc biệt là mảng hình, mảng màu, mảng tường, mảng vật liệu tạo thành tác phẩm điêu khắc.
Cũng như phân loại về hình, người ta cũng chia ra làm hai dạng: mảng dạng hình học (geometric mass) và mảng dạng sinh học hay mảng tự nhiên (organic mass). Nên nhớ rằng tất cả các mảng hiển thị trước mắt chúng ta thường thông qua dạng hình dáng nào đó có thể gọi tên được như là hình dạng hình học (geometric shape) hay hình không gọi tên được (freedom shape). Chúng ta thường thấy mảng hình học trong tác phẩm lập thể (cubism) và trừu tượng hình học (geometric abstractionism).
Ngoài ra mảng có thể chia làm hai loại: Loại thứ nhất là mảng có thể hình dung và đo lường được. Loại thứ hai chỉ là ảo giác về hình khối và trọng lượng. Người ta gọi loại thứ hai là mảng ẩn tàng, khó thẩm định.
Bằng chứng rất rõ về sự xuất hiện của mảng là khi chúng ta rọi luồng sáng cực mạnh vào các đồ vật ở dạng khối, thì các độ bóng trên khối dường như bị xóa nhẹ bớt các phần sáng tối nhỏ và khối trở nên mất đi độ lồi lõm, trở thành dẹt. Chúng ta có thể gọi là giải pháp hai chiều hóa hình khối do ánh sáng cực mạnh làm triệt tiêu các độ bóng trung gian thành các mảng sáng và tối mà thôi (minh họa hình khối chó ba mặt với ba độ sáng rồi đơn giản chỉ còn hai mảng sáng và tối).
Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, chúng ta cũng có thể véc tơ hóa hình ảnh bằng cách dùng Computer hay máy phôtôcopy để chuyển hình ba chiều thành mảng cực kỳ đơn giản. Khi ấy các độ bóng trung gian gần như bị mất đi, chỉ còn phần đen và sáng. Chúng ta gọi đó là mảng sáng và mảng tối. Cách này thường được ứng dụng để biến hình thành mảng cho việc thiết kế Posters.
2. Các hình thái biểu hiện của mảng:
Dựa vào trình bày và phân tích ở trên, chúng ta có thể phân loại để thấy một cách khái quát các dạng mảng như sau:
a. Mảng ở dạng hai chiều:
Đây là dạng mảng bẹt, phẳng là khái niệm về sự khoanh vùng lớn. Thí dụ mảng của vùng tối, mảng sáng, mảng màu, mảng giấy dán, mảng nước đổ, mảng bèo nổi trên mặt ao, mảng vôi trên tường bị tróc.
b. Mảng ở dạng ba chiều:
Đây là dạng mảng có ý nghĩa là “đống” “cụm” có bề dày, có khối lượng, trọng lượng rõ ràng như: mảng rong rêu, mảng vữa trên tường bị rơi ra, mảng da trâu…
c. Mảng đặc và mảng rỗng:
Trong lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc chúng ta còn có các thuật ngữ “mảng đặc” và “mảng rỗng” (còn gọi là mảng âm, mảng dương).
Mảng đặc là một khối lượng mỏng mà bản thân vật chất tạo ra nó có sự liên kết, có độ kín, chắc, gợi cảm giác về khối lượng, trọng lượng, tính đông đặc, mật độ của vật chất đã tạo ra nó. Thí dụ mảng tường kín mít, không có lỗ thủng nào.
Mảng rỗng là dạng khối có thể tích tương tự như mảng đặc nhưng ngay bên trong khối lượng ấy vốn có một số nơi đã bị khoét, cắt thủng hay bị đục thủng vô số điểm. Thí dụ mảng tường bị bắn thủng nhiều lỗ; hay mảng tường bị lắp đặt rất nhiều lỗ thông gió thành những lỗ thủng xuyên sáng hay để không khí có thể luân chuyển xuyên qua tường; những cánh cửa đi mà trong đó lắp nhiều ô kính hay hình tượng những tấm tôn có lỗ lấm tấm. Trên mặt tiền của một công trình kiến trúc, có một mảng tường được cố ý để thật phẳng dùng để bắt sáng, hoặc có một mảng tường mà trên đó bị khoét thủng thành nhiều lỗ có hình hay kẻ sọc, tạo ra các “lam tường” nhằm mục đích tạo sự thông thoáng hay “lằn kẻ lõm” nhằm làm giảm sức bắt sáng của mảng, tạo thành những khoảng âm hay chia cắt mảng ấy thành một số hình nào đó.
d. Mảng trong và mảng đục:
Thuật ngữ này cũng được dùng trong lĩnh vực kiến trúc, nó gắn liền với cảm xúc từ chất liệu xây dựng.
Ở mặt tiền một công trình kiến trúc, các mảng tường vốn là các mảng đặc, được tô phủ cấn hay sơn bằng những chất liệu nào đó thì gọi là mảng đục (cảm giác do các chất liệu tạo ra).
Còn mảng tường được lắp gương, thủy tinh, polycarbonate, mi-ca trong (có màu hay không màu) thì được gọi là mảng trong (transparent masses).
Trong khi mảng đục có nhiều màu sắc, các mức độ mịn, nhảm láng, mờ thì mảng trong có màu sắc, độ trong suốt, xuyên sáng và bóng loáng.
Thường thì màu sắc ở các mảng là chất liệu trong suốt gây hiệu quả thị giác yếu hơn là chất trong suốt của bản thân nó (như kính, thủy tinh hay mi-ca màu). Màu ở các mảng chất liệu đặc, trong hay đục có sức tác động vào thị giác mạnh hơn (như đá, gỗ, thạch cao, bố, nỉ…).
Trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc thì trong khi sử dụng, khai thác cảm xúc về chất liệu như: mảng âm, mảng dương, mảng bắt sáng, mảng xuyên sáng hay phân tán ánh sáng là những vấn đề thường phải giải quyết.
Ngoài ra, người ta còn phải quan tâm đến tỷ lệ lớn nhỏ của các mảng, sự tương quan cân đối giữa các loại mảng trên cơ sở đã sự xác lập loại mảng giữ vai trò chủ đạo cho công trình (âm, dương, lồi, lõm).
Công trình kiến trúc là dạng vật thể khối với nhiều mặt và nó được nhìn ngắm từ nhiều phía. Cho nên, tùy theo cấu trúc khối được kiến trúc sư sử dụng tạo dáng công trình. Mỗi khối có nhiều mặt: mặt bằng, các mặt bên, mặt chính. Mỗi mặt cho dù là chính hay phụ thì trong bản thân nó cũng được kiến trúc sư phân bố có cân nhắc về tính chất âm, dương, trong đục, lồi lõm… theo hệ thống chất liệu, hệ thống bắt sáng, dẫn sáng một cách hợp lý, có thẩm mỹ trên cơ sở công năng từ tổng thể cho đến từng bộ phận của công trình.
Điều tối kỵ là các mảng ở mỗi mặt công trình bị thiết kế phân tán manh mún, vỡ nát do thị hiếu thẩm mỹ của nhà thiết kế kém, do bệnh tham lam màu sắc hay chi tiết cục bộ.
Sự kiện này thường xảy ra ở những người tham lam nhiều màu, có tầm nhìn hạn hẹp, không am hiểu về hiệu quả thẩm mỹ của khối và ánh sáng trong không gian.
e. Mảng có hình theo quy ước:
Đây là những mảng có hình dạng kỷ hà cụ thể mà chúng ta có thể đọc tên được như: mảng chữ nhật, mảng bầu dục, mảng hình vuông. Chúng ta có thể gọi đây là loại mảng có định hình.
f. Mảng không có hình cụ thể:
Trên thực tế chúng ta thường bắt gặp loại mảng có dạng này. Đó là những mảng không có hình cụ thể, không thấy rõ là hình gì. Khi đó, người ta gọi đó là mảng bất quy ước nên không thể nói tên được.
Lúc nãy, người gọi thuật ngữ “masses” với ý nghĩa là “đống” như đống củi, đống gạch hoặc gọi là “đụn” như đụn cát.
3. Màu sắc có khả năng làm bể mảng:
Đây là câu nói xuất phát từ tình trạng các màu được sử dụng trong tranh hay bài tập bị rối loạn, vụn vỡ, không thành mảng, thành miếng gì cả, làm phân tán thị giác người xem. Người ta gọi đó là “màu làm bể mảng” màu làm rối mắt, nát mảng.
Sở dĩ có tình trạng này là vì các nguyên nhân sau đây:
a. Họa sỹ không thể hiện rõ ràng, dứt khoát hệ thống màu chủ đạo, chủ sắc, để cho tình trạng màu nóng, lạnh lộn xộn, không biết cái nào chính, phần nào phụ. (Nóng hay lạnh là chính? Màu tái hay màu tươi là chủ đạo? Giữa hai loại sắc độ: đậm và nhạt, không biết cái nào là chính?).
b. Hệ thống các phần chính, phụ của các mảng hình được xác lập.
c. Họa sỹ không biết sử dụng màu tương đồng để làm màu nền, màu chủ đạo.
d. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, để che mắt, tránh sự quan sát phát hiện của đối phương người ta phải thực hiện công việc ngụy trang cho một số yếu tố mà trong đó có ngụy trang để phá mất hình thể, mất khối bằng mọi cách không tạo ra chủ đạo mà tô, sơn lốm đốm màu trên bề mặt vật dụng nhằm mục đích ngụy trang làm cho các quân xa, quân cụ hay con người (bằng vải may quần áo) lẫn mất màu sắc vào môi trường. Việc tô, sơn các quân xa, quân cụ, vũ khí bằng những đốm màu rằn ri là nhằm mục đích phá hình, phá khối của nó, tránh sự tác động của ánh sáng, dễ bị đối phương phát hiện.
Việc mặc quân phục màu sáng trong khi hành quân trên sa mạc, mặc quân phục rằn ri hay màu xanh là để lẫn vào môi trường.
Trường hợp này cho thấy màu sắc có thể làm “bể mảng, nát hình và vỡ khối” hay làm lẩn mất hình, mảng…
4. Các cách thức tạo mảng:
Có một số cách tạo mảng hay gom mảng như sau:
- Quy các chi tiết, các diện thành một vùng lớn, đơn giản để dễ so sánh sự tương quan về diện tích.
- Rọi ánh sáng cực mạnh để làm mất các độ bóng trung gian, để hình thành các mảng sáng tối thật đơn giản các mảng trên ảnh chân dung để phục vụ trong lĩnh vực thiết kế đồ họa (có thể dùng Computer).
Chúng ta có thể gọi đây là giải pháp hai chiều hóa (chuyển vật thể từ ba chiều sang dạng hai chiều) tạo ảo giác về hai chiều, với mục đích phá vỡ cảm giác về khối. Đây là cách tạo hai chiều ảo. Thí dụ khi chụp ảnh một chân dung nhăn nheo, chúng ta áp dụng thủ pháp tăng mạnh độ sáng của ánh sáng để triệt tiêu các vết nhăn ấy làm mất nếp nhăn, gợi cảm giác về sự trẻ trung hơn hay sự mịn màng của làn da.
Trong trang trí nội thất, khi gặp những căn phòng có không gian hẹp, chúng ta áp dụng biện pháp tô màu cho trần và vách giống nhau, nhằm mục đích phá đi cái góc, nơi tiếp giáp giữa tường và trần nhà, làm tăng độ rộng căn phòng. Đây là giải pháp làm tràn mảng, hòa lẫn mảng vào mảng, làm phá mất sự giới hạn của mảng tường, mảng trần, gợi ảo giác về sự mở rộng không gian, tạo cho căn phòng có vẻ rộng hơn.
- Bỏ bớt hay “dìm” các màu, các sắc vốn đang làm phân tán thị giác bằng cách tăng độ đậm, giảm cường độ, đội chói của màu để hình thành các mảng bằng cách áp dụng phương pháp phối màu đơn sắc hay hòa hợp các màu tương đồng.
- Thực hiện cách nhìn theo khu vực lớn bằng màu, sắc, ánh sáng cho đúng vài trò vị trí của nó căn cứ vào nội dung chính phụ, trọng tâm và đồng thời bảo đảm sự thăng bằng thị giác trong toàn bộ bức tranh, bài thiết kế…
Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến khái niệm về mảng. Với vai trò là một yếu tố thị giác, mảng có một số khả năng, đặc điểm mà những nhà mỹ thuật, kiến trúc phải quan tâm. Có như vậy trong quá trình thực hành sáng tác chúng ta sẽ có kinh nghiệm xử lý tốt việc phối hợp các yếu tố thị giác để xây dựng nên hình tượng mỹ thuật một cách tốt nhất.
Mảng trong hình tự nhiên
Quy trình tạo mảng từ nhiên nhiên đến đồ họa
(1) Tạo mảng bằng nét; (2) Tạo mảng bằng chữ; (3) Tạo mảng bằng đen trắng; (4) Tạo mảng bằng màu; (5) Tạo mảng bằng trắng sáng; (6) Tạo mảng bằng chấm; (7) Tạo mảng bằng hình
Mảng trong tranh ghép mảnh “Mosaic”
Nghệ thuật trừu tượng hình học của họa sỹ Bryce Hudson
Tượng điêu khắc được tạo hình bằng những mảng cuộn xoắn của nhà điêu khắc Tony Cragg
>>> Cách thể hiện mảng, khối và sắc thái tranh sơn dầu
>>> Sự cân bằng các mảng khối (Phần 1)
>>> Đường phân mảng là gì và vai trò quan trọng của nó