Bí quyết vẽ tranh
Trải qua nhiều thế kỷ, giới nghệ sĩ đã phát minh ra rất nhiều công cụ giúp họ thiết kế và lên bố cục, nhằm thể hiện những đối tượng ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Một số sử dụng các loại thước đo toán học để tính toán ảnh hưởng của phối cảnh và tỷ lệ cơ thể người. Số khác thử nghiệm những máy móc kỳ quái có kính, thấu kính hoặc gương giúp vẽ chính xác hơn.
Mắt nhìn không đổi
Cách sát thực nhất để vẽ một cảnh trong không gian ba chiều là diễn tả nó từ một điểm nhìn cụ thể, tại một thời điểm cụ thể, giống như chụp ảnh. Vì thế họa sĩ và mẫu vẽ phải giữ nguyên tư thế - một việc khó khăn khi họa sĩ cứ phải liên tục quan sát đối tượng, rồi lại đưa mắt nhìn bản phác.
Bức tranh họa sĩ sử dụng máy vẽ của Dürer để vẽ một nhân vật (Drawing of Artist Using Dürer’s Drawing Machine to Pain a Figure, 1525) của nghệ sĩ Đức thời Phục Hưng Albrecht Dürer. Tranh mô tả một họa sĩ sử dụng thiết bị được chế ra để giúp ông giữ được điểm nhìn cố định trong khi vẽ.
Bức vẽ phía trên mô tả một “máy vẽ” có tác dụng hỗ trợ. Máy này được tạo thành từ một kính mắt đặt cố định và một tấm bằng kính. Kính mắt giữ cho một mắt họa sĩ cố định tại một điểm nhìn. (Mắt kia nhắm lại, vì nó sẽ tạo ra điểm nhìn hơi khác). Họa sĩ có thể quan sát người mẫu qua tấm kính, để phác họa đường nét của mẫu, đầu không cần nhúc nhích cử động. Nhưng để biến phác thảo thành một bức tranh hoàn chỉnh, họa sĩ phải chép lại lên toan và vẽ đầy đủ chi tiết.
Gương và ma thuật
Những họa sĩ như Dürer sẵn lòng trưng ra hình ảnh về những phương tiện hỗ trợ quang học thông thường để giúp đỡ đồng nghiệp. Nhưng họ lại rất kín tiếng về những dụng cụ tinh vi hơn, như thấu kính hay gương. Đó là những phát minh đương thời, nhưng nhiều người cho rằng nghệ sĩ đã sử dụng ma thuật và có thể bị phạt tội chết. Vì thế, dù có sử dụng thấu kính và gương thật, nghệ sĩ cũng sẽ giấu biệt, còn những kẻ hậu thế như chúng ta chẳng thế biết họ có dùng hay không.
Vẽ trong bóng tối
Một loại máy móc phức tạp được giới họa sĩ sử dụng có tên là camera obscura, tiếng Latinh nghĩa là buồng tối, có khoét lỗ nhỏ trên tường. Cái lỗ cho phép một tia sáng nhỏ lọt vào. Khi tia sáng chiếu vào một mặt phẳng, nó phóng ra hình ảnh của cảnh vật bên ngoài, ở phía được rọi sáng. Trong buồng tối, người họa sĩ đặt một mảnh giấy lên mặt phẳng và tô theo hình ảnh được phản chiếu. Họ dùng các thấu kính để làm hình ảnh rõ ràng và sắc nét hơn. Qua thời gian, người ta nhận thấy có thể làm cho loại máy này nhỏ đi nhiều. Rốt cuộc. buồng tối thời đầu tiên hóa dẫn thành một cái hộp nhìn nhỏ xíu, kiểu như chiếc máy ảnh hiện đại.
Sơ đồ này cho ta thấy cách họa sĩ sắp đặt một buồng tối đời đầu.
Ai dùng buồng tối?
Có nhiều bằng chứng cho thấy hai nghệ sĩ Jan Vermeer và Canaletto đã phác họa cảnh vật dưới sự trợ giúp của buồng tối. Joshua Rynolds cũng sở hữu một phiên bản xách tay, có thể gấp gọn thành cái hộp dạng cuốn sách bìa da cỡ lớn. Reynolds có lẽ muốn che giấu việc ông đã dùng một cái máy vẽ phụ trợ. Số khác có thể cũng dùng những thứ máy móc kỳ quái tương tự, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào.
Mẹo mực hay tài năng?
Bức tranh Thiếu phụ bên cây đàn của Jan Vermeer. Tác phẩm này chuẩn xác đến mức ta có thể tái dựng chính xác căn phòng trong tranh. Một mẫu vẽ 3D của căn phòng này đã được dùng để thiết kế sơ đồ phía trên.
Buồng tối đã giúp các họa sĩ chuyển tải cảnh vật trong không gian ba chiều thành tranh vẽ trên mặt phẳng chính xác hơn. Nhưng nó có rất nhiều điểm bất lợi. Buồng tối phiên bản đầu tiên rộng bằng cả gian phòng, rất khó để bố trí. Hình ảnh chiếu qua lỗ ngắm bị lộn ngược, vì thế họa sĩ phải điều chỉnh bằng cách phác lại hoặc sử dụng một hệ gương sắp xếp phức tạp. Buồng tối thì … quá tối, không thể nhìn rõ màu sắc, vì thế người ta chỉ sử dụng cho giai đoạn phác thảo. Gương và thấu kính có thể giúp cải thiện hình chiếu, nhưng chúng đắt đỏ và cực kỳ rắc rối. Thậm chí công cụ này có thể khiến hình ảnh bị sai lệch, ví dụ: chúng làm nhờ những khu vực sáng nhất. Vì thế, muốn vẽ một hình ảnh cho thuyết phục, các nghệ sĩ vẫn cần vận dụng rất nhiều tài nghệ.
Đến với Nghệ Thuật - Rosie Dickins
Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu dịch
>>> Hình khối 3D - Bí quyết thổi hồn vào nhân vật hoạt hình