Có điều kiện tiếp thu sớm với văn hóa và xã hội tiên tiến, Pierre August Renoir đã sớm trưởng thành. Ở tuổi 13, cậu thiếu niên này đã tỏ ra có năng khiếu về hội họa nên được gia đình cho học nghề vẽ tại một xưởng đồ gốm. Công việc của cậu là trang trí các tách cà phê bằng các bông hoa nhỏ, hoặc vẽ cảnh chăn cừu hay mặt nghiêng của hoàng hậu Marie Antoinette trên các sản phẩm... Khả năng đặc biệt của Renoir về hội họa đã khiến cho các thợ vẽ bạn phải gọi cậu là “Rembrandt” và chính nhờ giai đoạn sao chép các ý tưởng (motifs) của các bậc thầy thuộc thế kỷ 18 như Boucher, Lancret, Fragonard… mà khả năng Renoir ngày càng nâng cao. Không dừng lại ở đó, vào các ngày nghỉ, Renoir thường viếng thăm Viện Bảo Tàng Louvre để ghi chép các họa phẩm cổ điển, vẽ lại các tượng điêu khắc danh tiếng và học hỏi những con người xung quanh. Renoir chỉ làm việc cho xưởng đồ gốm trong 4 năm, sau đó về làm việc cho một người anh, lo việc trang trí các cây quạt tay, các lá cờ của nhà thờ. Tháng 4-1862, Pierre August Renoir xin vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật (Ecole des Beaux Arts) tại Paris, điều hành do vị giám đốc mỹ thuật hoàng gia là Bá Tước Alfred de Nieuwekerke, một người cho rằng đường lối Hiện Thực (realism) trong nghệ thuật có tính “dân chủ và đáng trách“ (objectionable). Vì vậy các sinh viên mỹ thuật phải họa lại các tác phẩm cổ điển, vẽ chính xác các tượng nổi tiếng và bắt chước đường lối hội họa phục hưng. Người thầy trực dạy Renoir là ông Charles Gleyre (1806-1874), họa sĩ danh tiếng người Thụy sĩ về những bức vẽ biểu tượng (allegorical). Cơ hội đã đưa Renoir đến xưởng vẽ của Charles Gleyre: ông là giảng viên ở trường Mỹ Thuật (Ecole des Beaux-Arts), nhưng mở xưởng vẽ riêng để công chúng có thể đến học miễn phí, chỉ thu tiền góp để thuê người mẫu và nhà xưởng. Nên ngoài thời giờ theo khóa học chính thức, Renoir thường tơí đây để vẽ các người mẫu khỏa thân, vẽ cảnh thiên nhiên... Renoir rất yêu thích các màu sắc rực rỡ, một điều không phổ thông vào thời đó, trái với ý thích của Giáo Sư Gleyre. Đã có lần vị giáo sư hội họa này hỏi thẳng Renoir : “anh chỉ vẽ cho mình vui phải không?” và Renoir đã trả lời “Dĩ nhiên, Thầy có thể chắc chắn rằng con sẽ không làm việc nếu không thưởng thức được Hội Họa”. Đây là một thái độ hoàn toàn mới đối với ngành Hội Họa, với đặc điểm là bức họa bớt trang nghiêm hơn, thêm phần sống động, cá biệt và mang tính khoái cảm. Cũng tại đây Renoir đã gặp được Claude Monet, Alfred Sisley và Frédéric Bazille, tạo nên tình cảm bạn bè bền vững giữa tuổi thanh niên mà sau dần trở thành hạt nhân cho trào lưu hội họa Ấn tượng. Được Gleyre khuyến khích, nhóm này đi theo Gustave Courbet và Narcisse Diaz de la Pena vẽ cảnh ngoài trời ở khu rừng Fontainebleau, cũng như hấp thụ thêm các luồng tư tưởng mới từ trường nghệ thuật Swiss Academy qua Camille Pissarro và Paul Cézanne, và đặc biệt sau này chịu thêm ảnh hưởng từ Édouard Manet. Vốn kiến thức học được từ các bậc thầy cổ điển đã giúp cho Renoir có được chỗ đứng trong Salon, tạo tên tuổi cho chàng họa sĩ trẻ kiếm sống bằng nghề vẽ. Thế nhưng cạnh đó còn là các khám phá mới mà nhóm Ấn tượng đang theo đuổi, tạo nên các nét cọ (taches) xoắn dài, nhạt nhòa, đặc trưng, mà đời sau khi nói về Renoir nhiều người đã phải nhắc đến. Không có gia đình trợ cấp, Renoir phải tự mở đường sống cho bản thân bằng cách dung hòa cả hai con người nghệ sĩ trong mình: một người vẽ theo phái Cổ điển để bán, người kia vẽ theo ý thích của bản thân. Tuy nhiên không phải lúc nào hai con người đó cũng tách biệt được hẳn. Trong một số tranh chân dung của Renoir, người ta thấy các khuôn mặt được vẽ theo lối cổ điển, còn thân hình và cảnh vật xung quanh được tự do nhảy múa với các sắc màu và nét cọ Ấn tượng. Có những bức tranh của Renoir sau một thời gian úp mặt vào tường được đem ra vẽ lại và ghi nhận hai trường phái hoàn toàn khác nhau, khi người họa sĩ muốn tìm lại sự sắc cạnh của đường nét và gam màu nhạt nhòa của màu nước trên chất liệu sơn dầu. Chuyên gia mỹ thuật Gerhard Gruitrooy nhận định bức Tiệc trưa trên thuyền (Le déjeuner des canotiers) do Renoir vẽ năm 1881 với chất liệu sơn dầu trên vải khổ 1m3x1m7 chính là đỉnh cao của sự hài hòa và kết hợp. Trên tranh người ta gặp lại hầu hết các người mẫu quen thuộc lẫn bạn bè của Renoir, thể hiện bằng cả lối vẽ Cổ điển lẫn Ấn tượng. Bức tranh này cũng dành chỗ cho tĩnh vật với lối bày biện và màu sắc giống hệt các tranh Cổ điển, nhưng thể hiện bằng nét cọ đặc trưng của Renoir. Một mảng khác trên tranh được dành làm chỗ chơi đùa cho màu sắc, với những chiếc thuyền buồm và đám trẻ con bơi lội trong thảm ánh sáng phản chiếu xuống mặt nước, cạnh nền sáng của bầu trời thấp thoáng sau lớp mái bạc của du thuyền Năm 1892, cùng với người bạn tên là Gallimard, Renoir đã du lịch qua xứ Tây Ban Nha và rất cảm xúc trước các họa phẩm của Diego Velazquez và Francisco de Goya. Cũng vào giai đoạn này, lần đầu tiên Chính Phủ Pháp đã mua cho Viện Bảo Tàng Luxembourg họa phẩm “Yvonne và Christine Lerolle chơi đàn dương cầm” (1897). Renoir đã trải qua các mùa hè 1892, 93 và 95 tại thị trấn bờ biển Pont-Aven, một nơi mà các hoạ sĩ như Paul Gauguin thường lai vãng. Từ năm 1888, Renoir bắt đầu mắc bệnh viêm khớp (rhumatoid arthritis), một căn bệnh làm cho nhà danh họa gặp khó khăn khi sáng tác. Vì vậy, Renoir bị bắt buộc phải sinh sống tại miền nam nước Pháp, tại Cagnes-sur-Mer. Tại nơi đây, nhiều nghệ sĩ danh tiếng đã thăm viếng Renoir như các điêu khắc gia Auguste Rodin và Aristide Maillol, các họa sĩ như Albert André và Walter Pach. Vào các năm gần đầu thế kỷ 20, các họa phẩm của Pierre August Renoir đã được trưng bày một cách trân trọng tại London, Berlin, Dresden, Budapest, Vienna, Stockholm, và tại Moscow, nhà buôn tranh Sergei Schchukin đã trình bày cho dân chúng nước Nga coi các họa phẩm ấn tượng của Renoir và cũng nhờ vậy, ngày nay Viện Bảo Tàng Pushkin tại thành phố Moscow còn lưu trữ các tác phẩm của nhà danh họa. Vào năm 1912, Renoir đã phải ngồi trên xe lăn, nhưng nhà danh họa vẫn cố gắng sáng tác với cây cọ được cột chặt vào cánh tay. Theo lời năn nỉ của nhà buôn tranh Ambroise Vollard, Renoir trở qua ngành điêu khắc năm 1913 và nhà điêu khắc trẻ người Ý tên là Richard Guino đã giúp nhà danh họa Renoir trong việc đục tượng, nặn mẫu hình và vẽ phác. Năm 1915, bà Renoir qua đời. Các năm sau này là thời kỳ nhà danh họa vừa già, vừa tàn tật, vừa đau buồn nhưng các tác phẩm của Renoir không bao giờ bộc lộ ra sự chán nản, nỗi thất vọng, và hàng trăm sáng tác của ông trong các năm cuối đời vẫn chứa đầy bên trong niềm vui và hạnh phúc, với các màu sắc ấm áp hơn: Renoir ưa thích màu siennas vàng và đậm, màu coral vàng thiên đỏ và các bóng mát mang màu trái dâu đỏ hay màu rêu xanh. Tháng 8 năm 1919, nhà danh họa Renoir đã được truy tặng Bắc Đẩu Bội Tinh và đã chứng kiến việc Chính Phủ Pháp mua họa phẩm “Bà George Charpentier”, sáng tác năm 1877, để treo tại Viện Bảo Tàng Louvre. Pierre August Renoir qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 1919 tại Cagnes. Mặc dù ông đã sống qua thế kỷ 20, các nhà phê bình nghệ thuật vẫn xếp Renoir vào lớp các họa sĩ thuộc cuối thế kỷ 19, và dù không đóng một vai trò khai triển các đường hướng mới như Gauguin, Cézanne và Seurat, Pierre August Renoir vẫn là một trong các nhà danh họa nổi tiếng nhất trên thế giới và các họa phẩm của ông hiện vẫn được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Louvre, nơi ngự trị của các Bậc Thầy về Hội Họa.
1. Two Young Girls at the Piano, 1891-1892 (Hai thiếu nữ bên cây đàn piano, 1891-1892)
(Ăn trưa tại nhà hàng Fournaise (bữa ăn trưa của các tay đua thuyền)