CHẤT VÀ SỰ BIỂU HIỆN VỀ CHẤT TRONG HỘI HỌA

Khi nói tới nghệ thuật tạo hình chúng thường nghĩ ngay tới yếu tố đầu tiên là đường nét, màu sắc, hình khối nhưng ít khi đề cập tới một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là Chất. Dù là hội họa, đồ họa hay điêu khắc thì tất cả các loại hình này đều cần phải có sự rung cảm về chất, sau đó các yếu tố tạo hình mới làm tôn cái chất đó lên. Chất vừa là một khái niệm cụ thể, vừa là một khái niệm trừu tượng. Cụ thể khi ta hiểu Chất là chất liệu, là cái hữu hình, cái có thể sờ được, thấy được và trừu tượng khi chất là cảm giác về chất, là chất cảm của sự vật, là cái vô hình.

Trong nghệ thuật đồ họa chất là một đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình và là yếu tố chủ đạo trong cảm hứng sáng tác của người họa sỹ. Khi sáng tác mỗi họa sỹ có một cách thể hiện riêng khi thì chú trọng yếu tố này, lúc thì thiên về yếu tố kia để biểu lộ, tư tưởng, tình cảm của mình. Điều đó dẫn đến sự khác nhau đặc trưng về cách nhìn nhận và cảm giác trước sự vật và hiện tượng, làm nảy sinh những tư tưởng và phong cách riêng trong quá trình sáng tác, đem lại sự phong phú cho mỗi tác phẩm và là khơi nguồn của nhiều trường phái khác nhau trong việc hình thành tác phẩm. Những yếu tố này tổ chức lại theo một kết cấu nào đó tạo nên một không gian đồ họa và biểu hiện thông qua ba hiệu quả: tả chất, diễn chất và tạo chất.

Trong khuôn khổ bài viết này tác giả đề cập tới vấn đề Chất và sự biểu hiện của Chất trong nghệ thuật đồ họa, tức là bao gồm cả Chất của chất liệu, là cái tạo nên vật thể hay chính là những thuộc tính cơ bản của sự vật, cái làm cho sự vật này khác với sự vật kia (material) và chất cảm hay là sự cảm nhận về Chất của chất liệu (matière) một yếu tố không thể thiếu trong sáng tác và cảm thụ nghệ thuật.

Chất trong không gian

Thông thường mọi thứ vật chất trong không gian đều có một hình thù nhất định và thông qua hình thù và màu sắc đó, ta có thể biết được nó thuộc thể chất gì. Chất rắn hay chất lỏng, chất thô hay chất mịn. Quá trình tự thân của sự vật luôn biểu hiện ra vẻ bên ngoài như yếu tố nhận biết nhất định. Mỗi chất đó được chúng ta cảm nhận thông qua thị giác, sự tinh tế của thị giác có thể phát hiện rất nhiều trạng thái vật chất khác nhau, nó đưa cho ta những thông tin chính xác về các loại chất của sự vật, đặc điểm bề mặt, các trạng thái của nó, cũng như phân biệt vật này với vật khác. Không những thế ta còn biết về trọng lượng, mùi vị hay hương sắc của sự vật đó. Đó là thứ cảm giác đã được di truyền và tích tụ từ bao đời nên ta dễ dàng cảm nhận được mọi thứ trong thiên nhiên cả về màu sắc và hình dạng, ngay khi không có sự vật trước mắt ta cũng có thể hình dung ra được.

Chất trong nghệ thuật đồ họa

Chất trong tranh nói chung và trong nghệ thuật đồ họa nói riêng cũng xuất phát từ chất của không gian tạo sự hấp dẫn, quyến rũ người họa sỹ, thôi thúc họ phải cầm bút tái tạo lại những thứ chất đó lên mặt tranh bằng tất cả cảm xúc và sự hiểu biết miễn sao cho người xem một cảm giác như thật về chất trong thiên nhiên. Nếu chất trong thiên nhiên là thể chất, chất loại thì chất trong nghệ thuật đồ họa lại khác, cũng lấy cảm hứng từ thiên nhiên tái tạo lại các dạng vật chất ấy nhưng bằng chính sự uyển chuyển của ngôn ngữ đồ họa đó là chấm, nét, mảng. Nếu như hội họa là nghệ thuật tạo hình trên bề mặt hai chiều một cách trực tiếp và mang tính độc bản thì đồ họa là nghệ thuật tạo hình trên bề mặt hai chiều một cách gián tiếp thông qua kỹ thuật in và mang tính nhân bản. Do vậy chất trong nghệ thuật đồ họa có phần không phong phú bằng hội họa và không có sự va đập trực tiếp về mặt thị giác như trong nghệ thuật hội họa song nó cũng đủ tạo nên những hiệu quả chất cảm vô cùng phong phú khiến người xem không khỏi hứng thú đến ngưỡng mộ khả năng tuyệt vời ấy được tạo nên bởi bàn tay, khối óc, tình cảm người nghệ sỹ. Hiệu quả ấy không có gì khác là sự tái hiện chất bằng sự kết hợp các tương quan màu sắc, sáng tối, đậm nhạt mà cụ thể trong đồ họa là tương quan mật độ của chấm, nét và không phải hình thể là cái hấp dẫn, mà chính là mật độ của chấm và nét tạo ra hình thể mới là sức hấp dẫn của hình thể.

Trong không gian, dưới tác dụng của ánh sáng, các vật thể hầu như đều có màu. Màu sắc của chúng hết sức phong phú nên khi dùng màu để tả chất, ta dễ dàng đạt được một hiệu quả như thực. Thậm chí các chất của màu sắc còn có khả năng đánh lừa con mắt người xem. Nhưng đối với nghệ thuật đồ họa mà ngôn ngữ chính của nó là đường nét thì điều đó không hẳn là như vậy. Trong nghệ thuật tranh khắc thường chỉ có hai màu đen và trắng, còn các độ trung gian được quyết định bởi chính mật độ của nét, nếu có dùng màu cũng dùng rất hạn chế. Cho nên khi dùng đường nét để diễn tả chất, họa sỹ luôn chú ý đến tính chất và cấu trúc của vật thể, tìm những đặc điểm chung nhất, điển hình nhất của chúng hoặc sử dụng phương pháp tả chất khác có hiệu quả cao tức là đặt chất nọ cạnh chất kia, nếu hai chất có cấu trúc và tính chất đối lập chúng sẽ tôn nhau lên.

Tả chất được sử dụng với cả đối tượng hữu hình và cả đối tượng vô hình. Ví như khi ta nhìn thấy sự vật là gỗ hay là vải trong tác phẩm đây chính là sự tả chất và thủ pháp tả như thế nào tùy thuộc vào mỗi người. [RTF bookmark end: ]_Toc60597364Việc tả chất hoàn toàn dựa trên sự tương phản của nét. Những nét ngang bằng, sổ thẳng, những nét cong, thanh mảnh nếu đặt nó trong sự vận động khác nhau và thay đổi chiều hướng sẽ cho cảm giác về sự tương phản của chất. Đường nét chắc chắn không phải chỉ có biểu hiện bởi đường bao và mặt khối, đồng thời nó còn biểu hiện sức sống mà họa sỹ đem lại cho hình thể. Cho nên, đường nét có thể tô đậm, có thể chồng chất, có thể đứt rồi nối, lại có thể như vẽ mà không vẽ. Tất cả những điều đó nói lên rằng, đường nét không chỉ là phương tiện ghi chép mà là một yếu tố có sức mạnh biểu hiện nghệ thuật đặc biệt trong nghệ thuật đồ họa. Như vậy, thông qua những yếu tố biểu đạt chính của ngôn ngữ đồ họa là đường nét, chấm, màu sắc người họa sỹ đã đưa lên tranh đủ loại chất thể bằng sự kết hợp các tương quan trên. Có chất cứng, có chất mềm mại, óng ả, có chất thô thiển, chất khô ròn hầu như không có thứ gì mà nghệ thuật đồ họa không thể tái hiện được.

Mỗi họa sỹ có cảm nhận riêng và tự tìm ra phương pháp riêng để tái hiện sự vật đã ghi nhận được bằng những thủ pháp, có thể là mô phỏng, diễn tả lại hoặc tạo ra những hình ảnh như thật. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người luôn là một chủ đề hấp dẫn của các họa sỹ. Họ dùng mọi phương pháp tái hiện nó theo cách của họ. Người thích vẽ sần sùi thô ráp, người thích cái lồi lõm, người lại đi vào cái tinh vi tỉ mỉ, chi tiết. Từ đó họ khai thác, phát triển để diễn tả theo hướng của họ. Người thiên về mảng nét, người thiên về hình khối, người lại dùng chấm để diễn tả các chất đó theo cách cảm nhận, tố chất, tình cảm của họa sỹ đối với sự vật.

Tả chất nói một cách khác chính là khả năng bắt chước sự vật một cách tinh tế, phân tích phần ngoài của ánh sáng và chất, cho cảm giác về vật liệu rõ từ đó gợi sự thấu hiểu nhiều hơn cảm xúc. Qua tả chất, sự phong phú của tự nhiên với cái nhìn, sự cảm thụ tinh tế của người nghệ sỹ đã mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho tác phẩm.

Diễn chất thực chất là biểu lộ sự sáng tạo giữa tự nhiên và thể chất thông qua cách vẽ nhằm diễn đạt trạng thái nội tâm và bộc lộ khí chất của người họa sỹ. Giúp các họa sỹ không cần phải mượn hình tượng mà cảm xúc luôn trào qua nét bút trong từng khoảnh khắc, nghệ thuật không thể hiện cái nhìn thấy, ngược lại phải làm cho người ta thấy cái không nhìn thấy được. Trong sáng tạo nghệ thuật nhân tố khí chất của người nghệ sỹ và thái độ riêng tư của họ đối với cuộc sống có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí quyết định mức độ thành công của tác phẩm. Khí chất chính là năng lực biểu hiện tính cách, là tính khí mang bản chất con người có môi trường hình thành, nuôi dưỡng và phát triển. Trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, khí chất là yếu tố quyết định phong cách của người họa sỹ và phân biệt họ với người khác.

Diễn chất cũng là diễn tả, biểu diễn, gây cho người xem sự liên tưởng về một chất nào đó như mưa, hơi nước, mây, việc gợi sự cảm nhận là có cái đó thì gọi là Diễn. Trong nghệ thuật đồ họa việc diễn chất càng đòi hỏi cao hơn và tinh tế hơn rất nhiều. Diễn chất cho thấy cảm thiên về chuyển động của thủ pháp như đường xúc của dao, sự linh động của mũi dao trong khắc khắc gỗ, thấy cả tốc độ, nhịp điệu, sự ngừng nghỉ của công việc khắc, nếu vẽ nó chính là đường bút hay bút pháp. Như vậy, việc dùng nét để diễn tả và nắm bắt được những đặc điểm nào đó thì đó chính là Diễn chất.

Tạo chất là quá trình lấy một chất khác đưa vào bề mặt tác phẩm để gây một ấn tượng mới và là sự kết hợp nhiều chất liệu trên bề mặt tranh nhằm phát huy khả năng biểu đạt. Trong tranh sơn mài Việt Nam, nếu chất để tạo chất là vàng, bạc, vỏ trứng thì trong nghệ thuật đồ họa đó là Điệp trong tranh dân gian Đông Hồ, là những chất đắp sần hoặc nhẵn gắn trên mặt tranh đồ họa của họa sỹ Lê Bá Đản.

Khi phối hợp nhiều vật liệu trên bề mặt tranh, tạo chất cũng nhằm giải phóng khả năng cho sáng tạo nghệ thuật. Mỗi một tác phẩm có đời sống riêng, độc lập và nó khẳng định sức sáng tạo của họa sỹ. Đồng thời nó đòi hỏi sự sáng tạo của chính bản thân tác giả và đó cũng chính là yêu cầu của nghệ thuật. Như vậy nói một cách khác tạo chất là sự kết hợp nhiều chất liệu trên bề mặt tranh nhằm phát huy khả năng biểu đạt của đồ họa, mong muốn vươn tới sự phong phú, khẳng định sức sáng tạo của nghệ sỹ và đem lại khả năng rộng lớn cho biểu cảm, ngữ nghĩa trong tác phẩm đồ họa.

Chất liệu trong một tác phẩm nghèo nàn, gian dối hay phỉnh nịnh thì cái hình tượng mà nó miêu tả sẽ nhạt nhẽo tiêu điều. Làm sống lại chất liệu, cái sự sống của chất liệu có hơi thở cùng với hình tượng nghệ thuật hay lấn át nó đó là hai hướng trái ngược. (Thái Bá Vân)

Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sỹ, phần còn lại là tác phẩm. Mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm bắt được tính chất riêng của nó mà phát triển.Với nghệ sỹ tác phẩm đi qua và năng lực còn lại. Vì họa sỹ muốn biết và thấy cái tâm của mình nên mới tìm tòi và làm việc. (Nguyễn Gia Trí)

Hai đúc kết trên của nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân và họa sỹ Nguyễn Gia Trí đủ cho thấy vai trò của chất và sự biểu hiện của chất trong nghệ thuật quan trọng đến mức nào. Việc làm sống lại chất liệu hay năng lực còn lại của người nghệ sỹ chính là yếu tố chất cảm, là sự biểu hiện của chất thông qua việc tả chất, diễn chất và tạo chất. Đòi hỏi người sáng tác cần phải có một tay nghề vững vàng, am tường chất liệu cũng như khả năng biểu cảm của chất mới chuyển tải được đời sống nội tâm vào tác phẩm. Chất đã đem lại sức biểu cảm cho tác phẩm dù là hội họa hay đồ họa, nó không chỉ đem lại giá trị thẩm mỹ, thể hiện sự cảm nhận tinh tế thiên về bề mặt mà nó thể hiện sự sáng tạo, những sắc thái biểu lộ tình cảm, tư tưởng của người nghệ sỹ.

 

0976984729