LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU NGHỀ SƠN
Lịch sử nghiên cứu đồ sơn Việt Nam được chia làm hai giai đoạn :
1. Giai đoạn 1 ( trước 1945 )
Những ghi chép về sơn và đồ sơn ở giai đoạn này là do một số sử gia phong kiến Việt Nam, Trung Quốc cũng như một số học giả, nhà buôn người Pháp thực hiện.
Trong chính sử chép về đồ sơn có lẽ: Dư địa chí của Nguyễn Trãi là tác phẩm đầu tiên ghi lại nơi trồng và chế biến nhựa sơn cũng như quá trình sinh trưởng của cây sơn. Trong sách này Nguyễn Trãi không nhắc đến di vật đồ sơn thời Lê.
Một trong những cuốn sách viết. Ở thời Lê rất quan trọng đối với việc nghiên cứu đồ sơn là “ Bình vọng trần thị gia phả “, chưa rõ tác giả, sách dày 476 trang, chia làm 15 kỷ, nói về ông tổ nghề sơn làng Bình Vọng, huyện Thường Tín là Trần Lư, sinh năm canh dần ( 1476), đỗ đồng tiến sĩ năm nhâm tuất ( 1502).
Sách “ Việt sử thông giám cương mục “ của Quốc sử quán triều Nguyễn có nói đến một quy định dùng màu sơn trên kiệu đối với tôn thất là các quan tướng quốc thời Trần , hoặc dùng nón sơn đỏ đối với quân cấm vệ thời Lê.
Phải nói rằng, chính lịch sử Việt Nam thời phong kiến ghi chép rất sơ lược và gián tiếp về đồ sơn.Về ông tổ nghề sơn hoặc những quy định dùng màu sơn theo phẩm hàn chứ chưa bàn đến lịch sử đồ sơn, kỹ thuật và loại hình đồ sơn thời cổ. Hơn thế nữa những ghi chép về sơn sớm nhất có lẽ cũng chỉ từ thời Trần.
Tuy nhiên dã sử “ Hải dương cảnh trí” chưa rõ được ghi chép từ thời nào có nhắc tới chuyện Trần ứng Long, một tướng thời nhà Đinh đã dùng sơn trát thúng làm thuyền vượt sông đánh giặc. Dẫu truyện này chỉ nhắc đến sơn sống, thì những ghi chép về đồ sơn cũng chưa vượt qua thế kỷ X.
Những ghi chép về đồ sơn của các sử gia Việt Nam là vậy, nhưng các sử gia phong kiến Trung Quốc cũng không hơn gì, thậm chí còn sơ sài hơn. Trong cuốn “ Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu khứ Phi, sống vào thời nhà Tống có nói về kiệu” Đinh giai” sơn đen mát và đẹp của Việt Nam đã được dùng làm đồ cống nạp cho phương bắc và rất được ưa chuộng.
Các học giải và các nhà buôn người Pháp có viết đôi điều về nghề đồ sơn Việt Nam thế kỷ XVII, nhưng chủ yếu là nói đến cây sơn hiện đại.
Sanuel Baron trong cuốn “ Miêu tả vương quốc đàng ngoài”, Chapman với cuốn “ Một chuyến đi đến đàng trong” và William Dampier trong sách “ Một chuyến đi đàng ngoài” có nhắc vài lời về việc dùng sơn làm kiệu, làm quan tài và làm mũ nón thời Tây Sơn.
Trong những sách viết về sơn Việt Nam của người Pháp, đáng chú ý hơn cả là cuốn “ Những cây sơn ở đông dương” của Ch. Crevost và cuốn “ sơn và dầu sơn bắc bộ, Trung Quốc và Nhật Bản” của Moutier được ghi chép khá sâu về cây sơn , về chế biến nhựa sơn ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Hai cuốn sách này không nhắc gì tới đồ sơn Việt Nam ở những thế kỷ trước đó.
Rõ ràng là những công trình viết về đồ sơn trước năm 1945 rất ít, tản mạn và tập chung nói về cây sơn, nhựa sơn, phong tục dùng sơn, đôi điều về nghề sơn, chưa có một công trình nào nói về nghề sơn, chưa có một công trình nào nói về đồ sơn dưới góc độ sử liệu lịch sử.
2. Giai đoạn 2 ( sau năm 1945)
Những phát hiện và nghiên cứu đồ sơn ở giai đoạn này gắn liền với kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam , cũng như những cố gắng tìm tòi về hàng sơn , sơn mài của các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam.
Liên tiếp từ năm 1961 đến nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật hàng loạt mộ táng có niên đại khác nhau và tìm thấy đồ sơn trong đó. Đáng chú ý nhất là những ngôi mộ quan tài hình thuyền có niên đại những thế kỷ trước và sau công nguyên như : Việt Khê, Châu Can, Đường Dù, Xuân La, Minh Đức và Châu Sơn.
Những người tham gia khai quật các ngôi mộ này đã đưa ra một số nhận xét đáng chú ý. Những người khai quật mộ cổ Việt Khê cho rằng, đồ sơn tỏng mộ này không phải là đồ sơn bản địa , có lẽ là do du nhập từ ngoài vào. Những người khai quật mộ cổ Đường Dù thì khẳng định đồ sơn được tìm ở đây có từ thời Hùng Vương và nghề sơn đã ra đời từ giai đoạn này. Sau khi khia quật hai khu mộ thuyền Minh Đức và Xuân La, Phạm quốc Quân và Nhã Long đã khẳng định tính bản địa đồ sơn được tìm ra ở đâyvà cho rằng những đồ sơn này đã hoàn thiện về kỹ thuật và đưa ra giả thiết về một trung tâm đồ sơn thời cổ vào đầu Công Nguyên đã có mặt ở Hà Tây.
Trong hai ngôi mộ được xác định niên đại thuộc thời Trần là mộ Phạm Lễ ( Thái Bình) và mộ Bình Xuyên ( Hỉa Hưng) đã tìm thấy đồ sơn. Những người khai quật cho biết, hai một này có quan tài bằng gỗ phủ sơn. Trong quan tài có một ít đồ sơn chôn theo. Đây là loại hình mộ cũi, dạng hình chuyển tiếp từ mộ cũi sang mộ hợp chất thời Lê sau này.
Trên 30 mộ thời Lê thuộc loại hình mộ hợp chất đã được khai quật ở Việt Nam. Quan tài của những mộ này được làm bằng gỗ phủ sơn. Trong Quan tài không có đồ sơn chôn theo.Những người khai quật các ngôi mộ này không bàn luận gì về đồ sơn thời này.
Trong lúc các nhà khảo cổ học chăm chú nghiên cứu tìm hiểu đồ sơn trong các ngôi mộ cổ thì một số nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng đi sâu tìm hiểu đồ sơn dưới góc độ mỹ thuật và nghệ thuật, truyền thống và hiện đại.
Trong số những nhà nghiên cứu mỹ thuật có đề cập đến sơn và sơn mài phải kể đến Lê Quốc Lộc, Lê Kim Mỹ, Thái Bá Vân, Nguyễn Vĩnh Phúc và Phạm Đức Cường. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, những tác giả này dường như không khảo sát về đồ sơn Việt Nam ở một giai đoạn lịch sử cụ thể nào.
Trong những năm gần đây, tác giả của công trình này bước đầu đi sâu tìm hiểu đồ sơn Việt Nam qua những dị vật hiện còn tồn tại trong các gia đình, chùa , đền, miếu, trong một số bảo tàng trung ương, địa phương và lưu giữ trong dân gian các làng quê đồng bằng bắc bộ. Từ những tư liệu ấy và kết hợp với khảo sát dân tộc học một số làng nghề làm sơn cổ truyền, tác giả đã có một số bài viết đề cập đến nguồn gốc, kỹ thuật , mỹ thuật, loại hình và chức năng đồ sơn Việt Nam. Tuy Nhiên, những bài viết này còn nằng về khảo tả tư liệu, chưa đi vào tổng kết về nghề sơn cổ truyền Việt Nam.
Có thể nói, giai đoạn thứ hai trong lịch sử nghiên cứu đồ sơn đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau, bước đầu đã làm sáng rõ sự xuất hiện đầu tiên của đồ sơn Việt Nam và giá trị của chúng trong dòng phát triển văn hóa dân tộc. Tuy nhiên cho đến nay ở Việt Nam chưa xuất hiện một công trình chuyên khảo về đồ sơn, nghề sơn truyền thống. Do vậy tác phẩm này với mong muốn được góp phần tìm hiểu đồ sơn Việt Nam nói chung, đồ sơn thế kỷ XVII – XIX ở đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.