TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP

KHOA TẠO DÁNG CÔNG NGHIỆP

------------------

 

 

ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC

NGUYÊN LÝ TỔ CHỨC HÌNH KHỐI TRONG TẠO HÌNH SẢN PHẨM

 

I. THÔNG TIN VỀ GIẢNG VIÊN

1.      Họ và Tên      : Đỗ Đình Tuyến

2.      Địa chỉ           : P1710B, tòa nhà Sail Tower, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội

3.   Điện thoại      : 0912 261 956

II. THÔNG TIN TỔNG QUÁT VỀ MÔN HỌC

1.      Tên môn học: Nguyên lý tổ chức hình khối trong tạo hình sản phẩm

2.      Mục tiêu, yêu cầu môn học:

Môn Nguyên lý tổ chức hình khối trong tạo hình sản phẩm được đưa vào chương trình học tập của sinh viên năm thứ 3 nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức căn bản bước đầu về cấu trúc và công năng cơ bản của Nét – Mảng – Khối để vận dụng vào thiết kế chuyên ngành.

Trong quá trình học, sinh viên phải nghiên cứu kỹ lý thuyết và làm bài tập của môn học này làm cơ sở để tổ chức thiết kế sáng tác một cách khoa học, xác định tính phù hợp với công việc đáp ứng quy trình thiết kế của sản phẩm mỹ thuật.

3.      Số đơn vị học trình: 6 ĐVHT (3 ĐVHT lý thuyết, 3 ĐVHT thực hành)

4.      Phân bổ thời gian: Từ tuần 14 đến tuần 20 HKI năm học 2013-2014

5.      Các kiến thức căn bản cần tìm hiểu trước:

- Tìm hiểu các sản phẩm mỹ thuật.

6.      Hình thức giảng dạy chính:

- Trình bày giáo trình do chính giảng viên nghiên cứu và biên soạn

- Hướng dẫn sinh viên thực hành tra cứu tài liệu, khảo sát thực tế và thảo luận.

7.      Các công cụ hỗ trợ:

- Projector

- Tư liệu thực tế.

III. NỘI DUNG CỦA MÔN HỌC

1.      Đại cương về Nguyên lý tổ chức hình khối trong tạo hình sản phẩm

- Nguyên tắc

- Khái niệm hình khối

2.      Nét

- Cấu trúc của đường nét

- Công năng cơ bản của đường nét

- Các cách vẽ đường nét

- Cảm nhận thị giác về đường nét trong thiết kế

3.      Mảng (diện)

- Cấu trúc của mảng (diện)

- Nguyên lý cấu tạo bằng mảng (diện)

4.      Khối

- Cấu trúc và tính chất của một số hình khối cơ bản

- Nguyên lý cấu tạo khối

- Ánh sáng và độ sáng – tối của hình khối

- Mối quan hệ tương hỗ giữa màu sắc và hình khối

IV.  ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP:

1.      Tuân thủ hình thức đánh giá chất lượng dạy và học theo quy định của Nhà trường.

2.      Thảo luận nhóm

3.      Kết thúc môn học bằng việc chấm bài tiểu luận.

4.      Trong quá trình học yêu cầu sinh viên trao đổi, thảo luận. Đây là căn cứ để cộng thêm điểm.

5.      Kết quả

- Tổng điểm 3 bài tập trên lớp tích lũy trong suốt môn học: 90% tổng điểm.

- Điểm chuyên cần: 10% tổng điểm (theo danh sách điểm danh)

                                                                     

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2013

Người viết đề cương

 

 

 

Ths. Đỗ Đình Tuyến

 

 

 

GIÁO TRÌNH MÔN HỌC

NGUYÊN LÝ TỔ CHỨC HÌNH KHỐI

TRONG TẠO HÌNH SẢN PHẨM

 

Mở đầu:

1.      Nguyên tắc

-         Những đường thẳng song song với đường thẳng đứng (đường dây dọi) trên bức vẽ thì vẫn song song với nhau.

-         Những đường thẳng song song đi về hướng chân trời đều hội tụ tại một điểm (p) trên đường chân trời.

-         Hai vật hay đoạn thẳng có cùng kích thước: Vật hay đoạn thẳng nào ở gần vị trí quan sát thì lớn và dài. Xa thì nhỏ và ngắn. Đối với sự vật cũng vật.

-         Trên nguyên tắc một hình vuông để nằm hay dựng đứng đều có những đường quy tụ về điểm ở tầm mắt (hay chân trời).

-         Đối với hình thể tròn: Căn cứ theo hình vuông để vẽ cho đúng, vẽ trước phối cảnh hình vuông, sau đó vẽ hình tròn nội tiếp.

-         Tùy theo vị trí quan sát: Hình tròn bị chi phối hình dáng theo luật phối cảnh, tâm hình tròn thay đổi không còn nằm ở giữa.

-         Luật viễn thị đối với các khối phức tạp hơn nhưng cũng đều chung một quy luật. Trên nguyên tắc hai hình thể vuông để khác chiều góc thì mỗi hình thể vuông có một điểm tụ khác nhau.

-         Những bố cục khó khăn và phức tạp hơn về luật viễn thị: Chỉ sử dụng trong những ngành hết sức chuyên môn nhất là vẽ kiến trúc hay kỹ nghệ họa.

2.     Khái niệm Hình khối

-         Khối là các vật thể chiếm những thể tích cụ thể trong không gian.

-         Khối mang bản chất là vật thể có 3 chiều không gian, được xác định bằng 3 kích thước cơ bản: rộng dài, cao (dầy).

-         Khối hình học thực chất là không không gian, được giới hạn bởi các mặt phẳng hoặc cong. Bao gồm các thể khối: đặc, rỗng, cụ thể, cảm tính (ảo).

-         Như vậy khối là kết quả cả sự tổng hợp các thành phần hình học như điểm, đường hình, mặt, mảng.

-         Hình khối tự nhiên: Bao gồm những hình có sẵn trong thiên nhiên: Đất đá, khoáng thạch, cây cối, người và vật, nước, mây…

-         Hình khối nhân tạo (do con người sáng tạo ra) gồm:

·        Hình khối hình học (kỷ hà)

·        Hình khối mang tính tổ chức, sắp đặt (nhà cửa, kiến trúc, điêu khắc, máy móc…)

Căn cứ vào những tính chất cảm tính và lý tính, ta phân chia hình khối thành 3 thể: Thể khối cứng, thể khối mềm và thể khối kết hợp giữa hai thể khối trên.

-         Thể khối cứng: Là những hình khối được tạo nên bởi các hình khối có cạnh là những đoạn thẳng và góc có số đo lớn hơn 00 và nhỏ hơn 1800 (hình khối hình học là các dạng khối hộp, khối tháp, khối đa diện, trong tự nhiên là khối các tinh thể, tảng đá). Thể khối cứng được ứng dụng nhiều vào lĩnh vực kiến trúc, nội thất và các sản phẩm công nghiệp (tính chấ cứng là chủ đạo).

-         Thể khối mềm: Là những hình khối có các mặt lõm hoặc lồi, do các hình khối không có góc cạnh tạo thành. Thể khối mềm chủ yếu có trong tự nhiên như: đồi đất, dòng nước, cụn cây, lùm cây, người và vật (tính cất mềm là chủ đạo).

-         Thể khối kết hợp (cứng và mềm): Bao gồm cả trong tự nhiên và nhân tạo.

                             

Các thể khối cơ bản do con người tạo ra bao gồm: Khối lập phương, khối cầu và khối trụ. Khối lập phương mang tính tĩnh, là thể khối cứng, nếu thay đổi tỷ lệ về hai hướng khác nhau thì trở thành những khối khác nhau. Khối cầu là thể khối mềm, mang tính chuyển động quay, là quỹ tích của các điểm cách đều một điểm cho trước, diện tích bề mặt tối thiểu nhưng lại có thể tích tối đa. Khối trụ là sự kết hợp giữa khối cứng và khối mềm. Nếu phát triển theo hướng thẳng đứng (chiều cao lớn hơn chiều rộng) thì là thể khối đứng, còn phát triển theo hướng nằm ngang (chiều cao nhỏ hơn chiều rộng) thì là thể khối nằm.

Chương 1: Nét

1.      Cấu trúc của đường nét.

Đường là quỹ tích chuyển động của một điểm, với phương hướng của sự chuyển động, ta có thể chia thành: Đường thẳng, đường cong và đường gấp khúc. Đặc trưng thị giác của chúng như sau:

-         Đường thẳng đứng có tính trực tiếp, nghiêm túc, mạnh mẽ, cứng cỏi, cho cảm giác lên và xuống.

-         Đường nằm ngang có tính yên tĩnh và tĩnh lặng.

-         Đường nghiêng có động thái tích cực, nhảy vọt.

-         Đường cong có tính gián tiếp, cho cảm giác động

-         Đường gấp khúc có hiệu quả thị giác vững vàng, mang sức mạnh.

-        Đường thanh mảnh cho cảm giác sắc sảo nhưng yếu ớt và có xu hướng lùi về phía xa.

Những nhân tố biểu cảm về đường nét được quyết định bởi hướng đi của nét bởi hai đầu mút và hai mép của nét. Yếu tố đầu tiên của nét là độ dài, nhưng độ rộng của nét lại có yếu tố quan trọng, nó mang tính chất không gian và những xúc cảm phong phú. Có thể dùng nét để thể hiện diện và hình.

Đường nét là thủ pháp biểu hiện do con người sáng tạo ra. Thị giác con người đã kết hợp lại cảm quan hình thức của đường nét với tính năng của sự vật, từ đó dẫn tới muôn vàn liên tưởng. Cho nên có thể nói đường nét biểu hiện sự thống nhất giữa cảm tính thị giác và lý tính phân tích. Quỹ tích chuyển động của điểm hình thành đường nét động. Đường nét không chỉ biểu hiện vật thể hữu hình mà còn biểu hiện ý tưởng vô hình.

2.      Công năng cơ bản của đường nét.

- Đường nét có chức năng bao ngoài xác định giới hạn của hình ảnh, đường nét bao hàm tính ngưng tụ của hình càng thêm được củng cố và hiển hiện. Đường nét có thể chia cắt, phân giải các bộ phận của hình để biểu hiện mặt, khối, chất của nó.

- Đường nét tĩnh biểu hiện đường bao ngoài, đường nét động biểu hiện sự chuyển động của điểm.

- Đường nét biểu đạt sự tưởng tượng và ảo giác của con người (nối các vì sao thành chòm, dùng đường nét để chia cảnh mộng và hiện thực…).

- Không chỉ ở phương Đông mà ở phương Tây đường nét trong tranh khắc từ thời Phục Hưng tạo nên sắc độ xám, với độ sáng không giống nhau để biểu hiện sáng tối không gian và vật thể đã trở thành truyền thống trong tranh đơn sắc. Tranh khắc đồng và tranh bút sắt dùng đường nét mảnh nhỏ tạo tuyến lưới thưa dày, sắc vực độ sáng của nó rộng và mềm hơn so với đường nét xếp lớp. Tranh khắc kim lọai với đường nét dày sít đã phát triển đến mức giống như sơn dầu vào cuối thế kỷ XIX.

- Độ thô mảnh và độ rộng khe hở của nét không giống nhau sẽ xuất hiện hiệu quả khác nhau, đường nét có thể biểu hiện khối, mặt cong, màu sắc.

- Thị giác đã liên kết đường nét với tính trạng của sự vật, cho nên, chiều hướng cơ bản của đường nét, đặc biệt là nét xếp chiếm một diện tích nhất định trên mặt tranh, khiến người ta đưa những liên tưởng lên mặt tranh. Đường nét theo chiều ngang cho ta cảm giác yên bình, ổn định, nó bắt nguồn từ hình tượng quen thuộc như ruộng vườn, bãi cỏ… Cảm giác tĩnh lặng, đứng yên bắt nguồn từ cánh đồng bằng phẳng, lặng lẽ và mặt hồ phẳng lặng như gương. Đường kẻ theo chiều đứng cho cảm giác cao vợi, trang nghiêm, thê lương, lạnh lẽo nhưng cũng cho ta cảm giác vươn lên.

- Trong sách “luận về tinh thần nghệ thuật”, Kandinski cho rằng: đường nét ngang có tính cách lạnh lẽo, nữ tính, bị động. Đường nét đứng có tính cách ấm áp, nam tính, chủ động. Hàm ý nghệ thuật trừu tượng phú cho đường nét ở mức độ rất lớn và phản ánh những tình cảm suy nghĩ riêng tư của họa sỹ. Nếu nhìn từ góc độ tượng trưng của Mỹ học, đường đứng là lý tính, đường ngang là nhiều cảm tính.

- Đường xiên là đường giàu cảm giác với góc độ đa dạng. Đường cong, đường xiên không ổn định nhưng lại có tính chất linh hoạt.

Như vậy ta có thể thấy đường nét là sản phẩm của tư duy trừu tượng kết hợp với tư duy hình tượng. Đường nét là phương pháp lắng luyện cao độ, vẽ nét cũng mô phỏng theo đường bao, khối mặt và chất liệu của sự khách quan. Quan trọng hơn là người họa sỹ tái hiện nhận thức, lý giải về tình cảm của mình, phú cho sự vật mà nó biểu hiện sự sống được nghệ thuật hóa, vì thế tất phải có chú trọng giản lược, thêm bớt và biến đổi.

3.      Các cách vẽ đường nét.

Căn cứ vào hiệu quả biểu hiện khác nhau của đường nét, người ta phân chia thành 4 cách vẽ đường nét: Kiểu cơ giới, kiểu tự nhiên, kiểu cá tính và kiểu lý trí.

Kiểu nét vẽ cơ giới: Kiểu nét vẽ cơ giới được vẽ bằng công cụ máy móc. Kiểu nét vẽ này có đường nét tề chỉnh và mang tính chất trang trí mạnh.

Kiểu nét vẽ tự nhiên: Kiểu nét vẽ tự nhiên có đặc điểm là chất phác, ngây ngô, thô vụng, kết hợp với cách tạo hình, diễn ý không theo quy luật thấu thị.

Kiểu nét vẽ cá tính: Đường nét kiểu cá tính chỉ loại đường nét phát huy cá tính và tình cảm, các loại biến hóa và đường nét kiểu này biểu hiện sự thoáng hoạt, mềm dai, rung động, khô rít. Có những đường nét có tính như trôi chảy, mạnh mẽ, rung động, bi thương.

Đường nét trôi chảy tương đối linh hoạt, được tổ hợp dài ngắn khác nhau tạo ra hiệu quả khác nhau, loại đường nét này rất có sức sống.

Đường nét mạnh mẽ thường đem lại cho thị giác sự kích thích khác thường, giảm thiểu những nét yếu ớt, tăng độ thô của nét.

Đường nét bi thương chỉ loại đường nét thô mảnh xen nhau, vụn vỡ đứt nối.

Đường nét rung động có mục đích phá vỡ mô thức lưu thoáng trôi chảy của truyền thống, thường là đường nét hơi có chút răng cưa, so với nét trơn thì có sức sống hơn, làm cho bức vẽ không bị khô cứng.

Kiểu nét vẽ lý trí: Đường nét kiểu lý trí chỉ loại đường nét được vẽ có tính toán, theo quy luật. Thường thì kiểu đường nét này thường được dùng trong các bản vẽ thiết kế hoặc hình minh họa chính xác.

4.      Cảm nhận thị giác về đường nét trong thiết kế

Đường nét được vận dụng vô cùng linh hoạt trong thiết kế mỹ thuật ứng dụng. Đó là sự phối hợp các thuộc tính của đường nét tạo ra các tính chất cho sản phẩm. Những sản phẩm mang tính vững chãi, mạnh mẽ thì thường sử dụng những đường nét thô, cứng; Những sản phẩm thuộc về phái đẹp thường mang những đường nét cong, mảnh…

Trong quy trình thiết kế một sản phẩm mỹ thuật, đường nét đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngay từ bước đầu là vẽ phác thảo, đường nét đã giúp cho người họa sỹ thiết kế nắm bắt được mạch ý tưởng của mình một cách thông suốt và rành mạch.

Một người họa sỹ thiết kế biết vận dụng các kiểu đường nét vào những bản vẽ phác thảo của mình một cách linh hoạt nhằm cho ra đời những bản phác thảo có tính thẩm mỹ rất cao, gây thiện cảm cho người cảm thụ. Những đường nét thanh, đậm, ngang, dọc được sử dụng nhằm tạo không gian cho vật thể. Những nét thanh được dùng để mô tả trục của khối hay mô tả ranh giới giữa tối – sáng hoặc sự thay đổi hình dạng của khối; nét đậm dùng làm đường bao hoặc để nhấn nháy những chỗ tối, đậm…

Ngoài ra các kiểu đường nét cũng được vận dụng hết sức linh hoạt và hiệu quả. Đối với các bản vẽ phác thảo tìm ý, kiểu nét vẽ tự nhiên được sử dụng triệt để nhằm tạo ra xúc cảm dồi dào và liên tục cho người họa sỹ. Một bản vẽ phác thảo tìm ý thường gây được những rung động ban đầu cho người xem, đồng thời đây là mạch nguồn của những sáng tạo tiếp theo của người họa sỹ thiết kế.

Để thể hiện cá tính sáng tạo của mình, cũng như biểu hiện được tính chất của sản phẩm, các nhà thiết kế cũng thường sử dụng các kiểu đường nét cá tính vào trong bản vẽ phác thảo chi tiết. Các kiểu đường nét được kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn và thành thục, kết hợp với yếu tố màu sắc tạo nên một bản vẽ phác thảo có tính thẩm mỹ rất cao.

Ngày nay, khi công nghệ đã rất phát triển, ngoài vẽ tay, người họa sỹ còn có thêm một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc sáng tác các tác phẩm của mình, đó là máy móc. Thường thì các họa sỹ tạo dáng công nghiệp ngày nay vẽ bằng công cụ Wacom. Đó là một bảng vẽ được số hóa. Người họa sỹ có thể sử dụng linh hoạt các nét vẽ cơ giới mà đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao không khác gì vẽ tay.

Trong các bản vẽ thiết kế, một lần nữa, vai trò của đường nét lại được khẳng định một cách rõ nét. Ở đây, người họa sỹ dùng kết hợp giữa kiểu đường nét lý tính và đường nét cơ giới để biểu hiện sự chính xác, khoa học của bản vẽ.

Trong bố cục hình khối của một sản phẩm, đường nét cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng có tính trang trí rất cao, là yếu tố tạo điểm nhấn cần thiết cho sản phẩm. Chúng ta thường thấy trong cách sản phẩm có hình khối thô kệch người họa sỹ thiết kế thường cho các đường nét vào để tô điểm thêm, để làm mềm mại hoặc tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm đó. Ngược lại, trong các sản phẩm có hình khối quá mềm mại, người ta lại thường điểm thêm những đường có tính chất cứng, thẳng hoặc làm cho chính đường nét đó đậm lên để giữ cho khối được ổn định.

 

 

 

Chương 2: Mảng (diện)

1.      Khái niệm diện trong tạo hình

Một đường trải dài theo một hướng sẽ tạo thành một diện. Diện có hai chiều dài và rộng nhưng không có chiều sâu. Đường chu vi là đặc điểm của một diện, do đó một diện xuất hiện từ những đường biên, được nhìn từ chính diện hoặc trong phối cảnh. Sức mạnh thị cảm và độ bền vững của một diện phụ thuộc vào diện tích, chất cảm, màu sắc và nét trong của diện. Một diện ngoài chiều dài và chiều rộng còn có hình dáng, diện tích và phương hướng.

2.      Cấu trúc của diện

Diện (hay còn gọi là hình, mặt, mảng) là các mặt được giới hạn bởi các đường hình học khép kín.

Chủng loại của diện bao gồm: Hình hình học (hay còn gọi là hình kỷ hà), hình thiên nhiên, hình ngẫu nhiên. Ở đây chúng ta dùng diện có hình học làm chính, cách tổ hợp của những hình khác cũng tương tự như hình học. Trong hình hình học, cơ bản nhất là hình tròn, vuông và tam giác.

nguyen ly to chuc hinh khoi trong tao hinh san pham 1

Đặc điểm của diện là tính đầy đặn, xác thực, nhưng nhiều khi coi diện như là thấu quang cũng rất quan trọng. Bởi lẽ trong quá trình tạo ra một hình mới, giữa các diện có thể có sự giãn cách, liên kết, chồng đặt lên nhau, bao vây nhau, những tình huống đó sẽ đa dạng hơn nhiều so với khi diện chỉ là quỹ tích của một đường.

Quan hệ tổ hợp của diện gồm: Liên kết, tiếp xúc, chồng xếp. Tổ hợp của diện không những tạo ra sự phân biệt với nền mà còn tạo ra sự biến hóa phong phú về không gian và sắc điệu.

Trong mỹ thuật ứng dụng, Diện đóng vai trò quan trọng bởi nó là yếu tố hình thành nên khối. Từ ba hình cơ bản là tròn, vuông, tam giác, chúng ta có thể biến điệu thêm bớt để hình thành những hình khác nhau.

Nói tóm lại, hình này được sinh ra trên cơ sở của hình kia và ngược lại. Sự hình thành các hình trên cơ sở vận động của các hình dạng tạo ra những khả năng tạo hình vô cùng phong phú và có hiệu quả thẩm mỹ trong việc xây dựng bố cục hình khối.

 

1.      Nguyên lý cấu tạo bằng mảng (diện)

a.      Cấu tạo gấp

Trên mặt phẳng kẻ những hàng song song, theo những hàng đó gấp thành những phần nổi lên và trũng xuống. Trên cơ sở đó ta rạch, cắt và gấp thêm sẽ được những phù điêu hoặc khối phong phú.

nguyen ly to chuc hinh khoi trong tao hinh san pham 2

b.      Cấu tạo vỏ mỏng

Vỏ ốc, vỏ trứng, mai rùa, cốc thủy tinh, phích nước… đều có cấu tạo vỏ mỏng. Vỏ ô tô cũng được dập từ thép mỏng.

 

nguyen ly to chuc hinh khoi trong tao hinh san pham 3

Mẫu xe E-motion (Dario Gagule)

            Bước đầu luyện tập cấu tạo vỏ mỏng nên gấp một đường cong, thử xem xét vẻ hấp dẫn do chiều hướng của no tạo thành. Tiếp theo, gấp hai đường cong, đường cong thứ hai là phần trũng sau khi gấp đường cong thứ nhất.Theo sự gia tăng của các đường gấp, tính trật tự cua các đường sẽ càng rõ ràng. Để phát huy giá trị của các nếp gấp, cũng có thể cuộn giấy thành một cuộn tròn, từ khối trụ này tìm quy luật lồi lõm, tạo nên một cấu tạo vỏ theo quy tắc nhất định.

            Tóm lại có nhiều cách để tạo ra những hình ống và hình cầu vỏ mỏng. Đương nhiên cũng còn có thể từ những khối cơ bản nói trên tạo thành những tổ hợp khối phức tạp hơn.

c.      Cấu tạo chêm

Cấu tạo chêm giống như cấu tạo mộng của nghề mộc. Mối nối là các mộng âm và dương, độ dài của mộng âm và dương bằng nhau. Nếu vật liệu là giấy thì do độ mỏng của giấy, chỉ cần cắt mộng mà không đục mộng.

Cấu tạo chêm thông thường của giấy bìa: Hình dạng của mộng có thể nhìn theo mặt cắt hoặc nhìn bề ngoài. Nhìn theo mặt cắt thì có thể phân thành mộng cánh én và mộng thẳng. Mộng cánh én phải tính đến độ chéo của mộng. Mộng thẳng phải tính đến yêu cầu đặc biệt về độ dầy và độ chắc của vật liệu. Nhìn theo bề ngoài có thể phân thành mộng trực tiếp và mộng gián tiếp (mộng phụ), loại mộng này cũng có hiệu quả phong phú qua hai lần gia công. Nếu dùng mộng có bề dày thì càng có nhiều hình thức linh hoạt, như dạng đồ chơi trí tuệ vậy. Nếu là mộng chêm theo kiểu có ngoàm uốn thì hiêu quả càng đặc biệt.

Cấu tạo chêm của vật liệu có bề dày loại này thường chêm theo mộng thẳng, chú ý độ rộng của mộng. Nói chung độ rộng của chỗ chêm phải tương đối lớn hơn độ dày của vật liệu. Trên đây là nói về chêm thẳng, nếu chêm chéo góc thì lỗ chêm nên có hình chữ V.

d.      Cấu tạo khối mở

Những khối hình thành do gấp, dán và có thể mở ra trên mặt phẳng gọi là khối mở. Cho thấy những khối này có thể thông qua cách dán khác nhau và tạo ra những hình thể khác nhau.

-         Những thiết kế cơ bản: Ta coi nếp gấp như những “bức tường” trong ngõ hẻm, lần theo những “tường” này mà rạch, cắt các diện (đương nhiên phải là các diện liên tục), căn cứ vào đó để gấp, dán thành khối. Thông thường, một bản thiết kế trở thành một khối cố định, nhưng nếu khối gấp và dán theo những cách khác nhau thì cũng có thể tạo thành những khối khác nhau. Nếu những đơn nguyên được nối tiếp nhau và ở giữa lại có chỗ được trổ thủng thì có thể tạo thành một khối có âm có dương.

-         Thiết kế khối mở đa diện: Cấu trúc của thiết kế đa diện có thể phân thành hai loại chính là khối đa diện và khối lăng trụ. Dưới đây chỉ nói về khối đa diện đều. Khối đa diện đều chia thành hai loại:

§        Loại A: Các diện hoàn toàn giống nhau; mỗi diện là một hình đa giác đều; các diện tiếp nối với nhau tạo thành các góc với nhau; diện bo quanh các đỉnh là một khối cầu.

§        Loại B: Các diện là hình đa giác đều; có từ hai loại đa giác đều trở nên tạo thành khối; diện ba quanh các đỉnh là một khối gần với khối cầu.

Lưu ý: Chúng ta còn có thể gia công trên các diện các cạnh, các góc để có nhiều biến thể về hình khối đa diện đều. Ngoài ra có thể tổ hợp nhiều khối với nhau để tạo ra vô vàn hình thể đa dạng.

e.      Cấu tạo rạch cắt và uốn lật

Đầu tiên dùng phương pháp rạch cắt những đường cơ bản, điều đáng chú ý là mỗi kiểu rạch cắt chỉ cho một hướng đại thể mà thôi, sau đó cần vận dụng linh hoạt. Có thể dùng một hoặc hai cách rạch cắt khác nhau, song không nên cắt quá phức tạp. Tiếp theo, từ những chỗ rạch cắt mà lật, uốn thành các hình rồi cố định chúng lại để có được những khối phong phú.

nguyen ly to chuc hinh khoi trong tao hinh san pham 4

Flower chair. 2006 – Seater, wood fiber, plastic

 

 

 

 

Chương 3: Khối

 

 

1.      Cấu trúc và tính chất của một số hình khối cơ bản

1.1.           Cấu trúc hình khối

Hình khối có 3 tính chất cơ bản là tính hoạt động theo hướng thẳng đứng (hướng vươn lên), tính hoạt động theo phương nằm ngang (nén xuống) và tính không hoạt động.

-         Khối đại thể có chiều cao lớn hơn chiều ngang và lực tổng hợp theo phương pháp hình bình hành một góc lớn hơn 450 thì đó là hình khối có hướng vươn lên.

-         Khối đại thể có chiều cao nhỏ hơn chiều ngang và lực tổng hợp theo phương pháp hình bình hành một góc nhỏ hơn 450 thì đó là hình khối có xu hướng nằm ngang.

-         Khối đại thể có chiều cao bằng chiều ngang và lực tổng hợp theo phương pháp hình bình hành bằng 450 thì đó là hình khối không hoạt động (hay còn gọi là khối trung bình). Khối không hoạt động mang tính ôn hòa và thường được sử dụng làm khối chuyển tiếp. Nó làm gia tăng tính hoạt động của các thể khối.

1.2.           Tính chất của một số hình khối cơ bản

a.      Khối cầu.

-         Cấu tạo đơn giản nhất: Vô hướng, có vô vàn điểm. Cách nhau một điểm cho trước bằng một khoảng cách R cố định.

-         Rỗng: Diện tích hẹp nhất cho cảm giác thể tích lớn nhất. Cảm giác rỗng hơn cho khối khác.

-         Khép kín: Cảm giác đầy đủ nhất (không thêm hoặc bớt). Một phần khối cầu luôn gợi cảm giác về sự tồn tại của một phần ta không trong thấy.

-         Cân bằng và có một tâm điểm.

nguyen ly to chuc hinh khoi trong tao hinh san pham 5

Mẫu ghế BALL CHAIR, Eero Aarnio thiết kế

b.      Hình khối lập phương

-         Xác định hai trục chính: Tung và hoành cách đều từ tâm đến các cạnh.

-         Cảm giác vững chãi và đầy đủ.

-         Cụ thể hóa không gian thành ba chiều rõ rệt hơn hình tròn.

-         Có dung tích lớn (sau khối cầu) khi diện tích bề mặt không thay đổi.

nguyen ly to chuc hinh khoi trong tao hinh san pham 6

Mời các bạn xem bản đầy đủ chi tiết tại đây

 

 

0976984729