HÌNH HỌA - VẼ ĐẦU TƯỢNG
Học vẽ-luyện thi khối H,V :
Học vẽ đầu tượng là một môn nằm trong các môn thi của một số trường nghệ thuật như: ĐH Kiến Trúc Hà Nội,Sp Nhạc họa Trung Ương, Viện ĐH Mở Hà Nội, Khoa sư phạm - Đh sp Hà nội...Các trường này thi khối H và V. Luyện thi khối H khác với luyện thi khối V ở các môn thi :
Luyện thi khối h bao gồm: Văn, hình họa (vẽ đầu tượng) và bố cục màu ( trang trí )
Luyện thi khối v bao gồm: Toán, lí, vẽ đầu tượng và đề phụ
Để luyện thi khối h,v tốt cần nắm vững các khái niệm sau:
1. Học vẽ Dựng hình (A.to build shape; P.con-struire la forme)
Phác hình các vật thể theo các bước lên giấy sau khi quan sát mẫu. Đối với học vẽ, dựng hình là công việc đầu tiên của người vẽ khi muốn thể hiện những gì trên mặt tranh. Để dựng được hình có tỉ lệ chung không bị sai lệch nhiều, sát với mẫu và vững chắc, người vẽ phải dùng que đo, dây dọi và những đường nét thẳng, ngang để phân chia, kiểm tra các bộ phận của vật mà mình định vẽ. Có nhiều phương pháp dựng hình. Các sách dạy vẽ sơ cấp, phổ thông thường dạy học sinh dựng hình bằng cách: quan sát mẫu, phác khung hình trước rồi phác các nét thẳng, nhẹ, ghép lại để tạo thành hình chu vi của đồ vật định vẽ trong khung hình đó (khung hình này đã được ước lượng theo tỉ lệ của đồ vật định vẽ). Có một phương pháp nữa là phác ngay các hình thể sơ bộ lên giấy sau khi đã quan sát thật kĩ mẫu rồi sửa dần, dựa trên cơ sở đo và so sánh các tỉ lệ v.v... Người ta có thể chọn và áp dụng phương pháp dựng hình nào thích hợp với từng trình độ
Sau đây là những bài vẽ đầu tượng theo nhiều cách vẽ khác nhau, nhưng cơ bản nhất vẫn là giai đoạn dựng hình,phân mảng, nét đậm nhạt và lên bóng. Để vẽ một bài vẽ đầu tượng thành công đòi hỏi phải trải qua nhiều quá trình quan sát và cách dựng hình chắc chắn.
Giai đoạn học vẽ tượng phạt mảng:
Giai đoạn học vẽ dựng hình, nét đậm nhạt , phân mảng và giai đoạn gợi mảng sáng tối
Các bài vẽ đầu tượng chân dung thi theo phong cách mỹ thuật ( mảng miếng, nét đậm hạt, sáng tối rõ rệt )
Đối với các bài vẽ đầu tượng thi kiến trúc thì mang tính tổng thể về không gian , sáng tối và đặc biệt là phải ra được chất liệu
Bài mẫu Tượng bán thân thi sư phạm
2.Hoc ve Đánh bóng (A. to make shadow; P.ombrer)
Vẽ những bóng tối khác nhau và chừa lại những chỗ sáng ở trong tranh dựa theo bóng của đồ vật tạo ra do ánh sáng chiếu vào nó. Đánh bóng tạo ra không gian trong tranh, tạo khối và bề dày của vật thể. Muốn đánh bóng tốt phải nheo mắt lại để tìm những bóng lớn trên mẫu rồi phân chia thành hai bên sáng tối theo mắt quan sát, sau đó, phải tìm trong mảng tối những chỗ sáng hơn để làm cho bức tranh có chiều sâu hơn. Người ta đánh bóng bằng cách gạch nhiều nét sẫm nối tiếp nhau hoặc chồng lên nhau (các độ đậm này khác nhau). Đánh bóng khéo là biết kết hợp đúng độ sáng tối của mẫu, như vậy vật thể sẽ như nổi khối, có bề sâu, bề dày - tạo ra một không gian cho đồ vật trong tranh.
3.Hoc ve Bóng chính (A.poper shading; P.ombre propre)
Phần khuất không được chiếu sáng của một vật trong không gian. Mọi vật trong không gian, khi có ánh sáng chiếu vào đều có những phần sáng và những phần tối. Phần sáng là phần trực tiếp nhận ánh sáng. Phần tối là phần khuất ánh sáng, được gọi là bóng chính của vật. Khi một vật gồm những diện phẳng liền nhau (ví dụ: một cái hộp vuông, một viên gạch…) thì bóng chính rất rõ và dứt khoát. Khi đồ vật là một khối hình cầu như quả bóng, thì bóng chính không dứt khoát, phần tối chuyển mờ dần sang phần sáng. Bóng chính trên một vật có độ đậm nhạt khác nhau, có vị trí và hình thù khác nhau tuỳ theo cấu trúc của vật đó, đồng thời, tuỳ theo cường độ và vị trí của nguồn sáng chiếu vào mẫu. Khi vẽ người, bóng chính phải ăn khớp với giải phẫu, cấu trúc của con người. Để diễn tả bóng chính trên một bài hình hoạ, trước tiên, ta phải nhìn toàn bộ, nhận định những mảng bóng lớn, liên tục; dim mắt lại để giản lược bớt những mảng bóng vụn vặt, phức tạp, rồi sau đó mới đi vào từng phần, phân biệt vị trí, hình thức, độ đậm nhạt của từng bộ phận, làm thế nào cho các bộ phận, các chi tiết hài hoà, nhuần nhuyễn với nhau trong toàn bộ bức tranh.
4.Hoc ve Bóng đổ (A.projected shadow; P.ombre portée)
Bóng của một vật được hiện lên xung quanh vật đó khi có một nguồn sáng rọi vào đó. Ví dụ như bóng của một người đổ xuống sân khi đi ngoài nắng; bóng hàng cây đổ xuống đường dưới ánh trăng; bóng một thiếu phụ hiện lên tường khi tay cầm ngọn đèn v.v… Bóng đổ có hình thù to nhỏ, dài ngắn khác nhau, có độ đậm nhạt thay đổi tuỳ hình dáng của vật đó, tuỳ vị trí và cường độ của nguồn ánh sáng. Nguồn ánh sáng càng mạnh thì bóng đổ càng đậm. Nguồn ánh sáng yếu thì bóng đổ chỉ mờ mờ. Buổi sáng, khi mặt trời còn ở thấp thì bóng đổ của cây cối rất dài, càng về trưa bóng đổ càng ngắn lại, rồi càng về chiều lại càng dài ra. Đó là do sự di chuyển của Trái Đất so với Mặt trời. Khi vẽ một vật, một con người hay một nhóm tĩnh vật nào đó, ta cần chú ý diễn tả đúng cả bóng chính và bóng đổ thì khối và không gian mới được lột tả chính xác và gợi cảm (cần phân biệt được bóng của bản thân mỗi bộ phận với bóng tối của bộ phận khác ngả xuống). Bóng đổ còn được gọi là bóng ngả.
5. Hoc ve Phản quang (A. reflection; P. reflet)
Anh sáng chiếu gián tiếp từ vật này qua vật kia. Ví dụ: ánh sáng mặt trời chiếu vào một mảng tường trắng, rồi từ mảng tường đó có một loạt ánh sáng khác hắt vào một người mẫu đứng sát bức tường, vậy người mẫu đã nhận được ánh sáng ánh sáng phản quang. ánh sáng phản quang bao giờ cũng yếu hơn ánh sáng gốc, trừ ánh sáng phản quang của những tấm gương. Khi quan sát mẫu vẽ, người ta phải chú ý đến sự phản quang để diễn đạt trên tranh những điểm hoặc các mảng màu tinh tế.
6.Đậm nhạt (A.chiarescuro; P.clair - obscur)
Độ sáng tối trong tranh. Hoạ sĩ sử dụng đậm nhạt để gợi tả được sự nổi khối và chiều sâu của không gian trong tranh. Muốn so sánh độ đậm nhạt trong một bức tranh, ta có thể ví độ chuyển từ sáng sang tối theo những chỉ số lớn dần từ 0,1,2,3..., chỗ nào trong tranh có chỉ số càng cao thì càng đậm. Phương pháp tìm đậm nhạt tốt nhất là dùng ba sắc độ chính: trắng, đen, và ghi để phác thảo trước (xt.độ). Độ đậm nhạt tốt nhất mà ta tìm ra được sẽ dùng làm cơ sở cho giai đoạn đặt màu và hoạ tiết trên tranh sau đó.
7. Hoc ve Điểm nhấn (A.accent; P.accent)
Những chỗ trong tranh mà tác giả muốn làm nổi bật hơn để thu hút sự chú ý của người xem, góp phàn nêu rõ trọng tâm của bức tranh hoặc đặc điểm của một bộ phận. Điểm nhất làm cho bức tranh tăng thêm giá trị, bớt đơn điệu, tẻ nhạt, làm cho nhịp điệu bức tranh sinh động hơn, khoẻ khoắn hơn. Người ta có thể nhấn bằng cách làm cho đậm hơn, diễn tả chi tiết hơn hoặc cho màu sắc tươi hơn, tương phản mạnh hơn. Điểm nhấn phải đúng chỗ, vừa phải, không nên nhấn nhiều nơi quá hoặc nổi bật quá làm mất sự nhất quán, hài hoà chung của bức tranh
8.Hoc ve Độ đậm nhất (A.the darkest value; P.valeur la plus sombre)
Màu thẫm nhất trong một bức tranh. Có thể đó là màu đen nguyên chất, màu xanh chàm, nâu đậm, đỏ thắm, cũng có thể là hỗn hợp của những màu thẫm với nhau. Để biết độ đậm nhất trong một bức tranh, phải có sự so sánh tương quan giữa các độ đậm nhạt của các màu, bởi vậy màu đậm nhất trong một bức tranh có thể là màu không thẫm lắm. Trong một hoà sắc mờ, nhạt, thì màu nào tương đối thẫm nhất là màu đậm nhất. Trong một bài hình hoạ hoặc một bài nghiên cứu, người ta thường lấy độ đậm nhất để nhấn và dựa vào đó mà xác định các độ đậm khác.
9.Hoc ve Tương quan (A correlation, P correlation)
Sự phụ thuộc lẫn nhau trong mối liên quan giữa những yếu tố trong tác phẩm, nếu một trong những yếu tố đó thay đổi sẽ kéo theo sự biến đổi của những yếu tố khác. Như vậy, tương quan giữa các yếu tố trong tranh sẽ quyết định hiệu quả của bức tranh. Ví dụ, trong một bức tranh có nhiều yếu tố như đậm nhạt, hình thể, màu sắc, đường nét: Người vẽ phải biết cân nhắc tương quan giữa các mảng màu, giữa độ to nhỏ của các hình thể, tìm xem chỗ nào nên vẽ mờ đi, chỗ nào phản nhấn đậm nét hơn, chỗ nào phải cần thêm chi tiết, chỗ nào nên thêm hoặc giảm bớt màu… Tất cả những yếu tố này tạo nên sự hài hoà, thuận mắt cho bức tranh. Vì vậy, khi sáng tác một bức tranh hay tượng, họa sĩ hay nhà điêu khắc phải biết cách nhìn, so sánh, cân nhắc để tìm ra tương quan tốt và thể hiện được nó trên tác phẩm
10.Hoc ve Chi tiết (A. detail; P.détail)
Những cái nhỏ nằm trong cái toàn bộ; những hình nhỏ, mảng nhỏ, nét nhỏ, điểm nhỏ nằm trong một mảng lớn. Những cái nhỏ đó là yếu tố cấu tạo nên cái toàn bộ, cũng có khi là những thuộc tính, những đặc điểm của cái toàn bộ đó. Ví dụ: khóm tre là toàn bộ, từng lá tre là chi tiết; thân hình con người là toàn bộ, ngón tay, ngón chân, nốt ruồi là chi tiết. Trong sáng tác nghệ thuật, người ta luôn chú ý đến chi tiết mà trước tiên là các chi tiết nổi bật, điển hình nhất. Ví dụ: trên khuôn mặt người mẫu, miệng rất rộng thì nên chú ý diễn tả những điểm chính ấy còn những chi tiết vụn vặt thì lược bớt hoặc làm cho mờ nhạt (kể cả trong ghi chép, nghiên cứu cũng như sáng tác). Nên chú ý rằng, cái đẹp trong nghệ thuật là sự hài hoà của toàn bộ.
Các bài vẽ trên chỉ mang tính tham khảo, giúp hiểu hơn về các phong cách vẽ đầu tượng.
Hình họa là môn học khó và phải có nhiều thời gian để ôn luyện. Chúc các bạn thành công!