Giải phẫu học nghệ thuật – Các sắc thái đơn (Phần 2)
11. Sắc thái 11:
- Một binh sĩ tử nạn.
- Một diễn viên múa.
- Một phù thủy đang tung mình trong không trung với cây đũa phép thuật trên tay.
Để vẽ được chính xác hình dạng phần cánh tay đòi hỏi 2 công đoạn:
1. Xác định được chính xác 4 mặt của nó. 4 mặt đó gồm mặt trước, mặt sau, mặt trong và mặt ngoài. Nếu tay vận động trong không gian, cần phải có mặt cắt định hướng biểu thị dưới dạng hình chữ nhật.
2. Xác định được tính chất chung của cánh tay. Tức là tính chất của delta và khu vực cánh tay nhỏ. Delta luôn cong phình ra mặt ngoài. Cánh tay nhỏ cơ chỉ bố trí mặt trước và mặt sau để đảm bảo chức năng gấp duỗi cẳng tay nên nó dài trước sau với mặt trước và sau căng tròn trong khi mặt ngoài cũng như mặt trong thì phẳng.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Thông qua khớp vai, cánh tay có khả năng vận động khá linh hoạt vì đầu trên của xương cánh tay có dạng khối cầu.
12. Sắc thái số 12:
- Một người nằm ngủ trên giường, ngoài bến xe, trên vỉa hè,
- Một người đang bị đau ở đùi.
- Một người đang nằm suy tư.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Giống như ở cẳng tay, cẳng chân cũng có 2 xương và vị trí của chúng đều bị lệch nhau tức là xương chày thì nằm lên trên còn xương mác thì nằm tụt xuống dưới và điều này khiến bàn chân khi nghiêng vào trong thì dễ hơn là nghiêng ra bên ngoài. Bên cạnh đó khi thả lỏng chân thì bàn chân sẽ bị nghiêng chéo lưng ra ngoài một chút.
- So sánh 2 mắt cá chân chúng ta có thể thấy rằng mắt cá trong thì tròn trịa hơn và có xu hướng nằm ra trước so với mắt cá ngoài.
13. Sắc thái số 13:
- Một binh sĩ tử nạn.
- Một diễn viên trong vai diễn trên sân khấu.
- Một cô gái đang nằm trong rừng, bên bờ suối...
Đặc điểm cần lưu ý:
- Toàn bộ phần cẳng chân của chúng ta dày thịt nhất là ở phía sau với sự góp mặt của cơ tam đầu cẳng chân (cơ dép và cơ bụng chân). Chính cơ này tạo nên các đường nét của toàn bộ cẳng chân ở phía sau.
- Cơ tam đầu cẳng chân từ đầu dưới xương đùi (lồi cầu ngoài và lồi cầu trong) đi xuống chứ không chờ hết xương đùi mới bắt đầu.
14. Sắc thái số 14:
- Một người vừa đi vừa vác một bao tải trên lưng.
- Một nô lệ đang cùng với những nô lệ khác đỡ một cánh cửa đang đè xuống.
- Một người đang kéo lê xác của một con lừa phía sau.
- Một người đang kỳ lưng khi tắm.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Đầu gồm 2 bộ phận đó là sọ não và mặt. Phần trán với y học là sọ, không phải mặt nhưng với mỹ thuật thì một phần của xương trán thuộc về mặt.
- Ở đầu chúng ta có 14 điểm chốt là 14 điểm nhô ra nhất trên toàn bộ bề mặt. Khi quan sát đầu từ trên xuống sẽ dễ dàng thấy được rằng chúng quyết định các thông tin tạo hình đặc thù nhất của phần đầu.
- Toàn bộ đầu to dần lên trên và ra sau điều đó có nghĩa là nó cũng càng xuống dưới và ra trước thì càng nhỏ.
15. Sắc thái số 15:
- Một người đang chống 2 tay vào tường.
- Một người đang cố gắng đẩy một vật nặng về phía trước.
- Một người đang gào khóc đấm tay vào tường.
- Người thổ dân ẩn nấp trên cây chuẩn bị phóng lao xuống kẻ thù.
- Một người tay cầm đèn pin soi, tay vén rèm.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Phần rộng nhất của hông chính là khoảng cách giữa 2 mấu chuyển lớn của xương đùi.
- Từ eo xuống đến mấu chuyển lớn thì toàn bộ phần hông sẽ mở rộng sang hai bên. Trong khi đó từ mấu chuyển lớn xuống đến hết đùi thì nó lại hẹp dần vào bên trong.
16. Sắc thái số 16:
- Một kẻ đang rình rập, nhìn trộm người khác qua khe cửa.
- Một người đang đẩy chiếc xe ô tô chết máy.
- Một người đang tập trồng cây chuối bằng cách chống tay xuống và bước ngược chân lên tường.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Cột sống của chúng ta gồm 4 đoạn cong dọc theo chiều trước - sau. Chúng gồm: đoạn cong cổ (C1-C7), đoạn cong ngực (T1-T12), đoạn cong lưng (L1-L5), đoạn cong cùng tụt (S,Co).
- 4 đoạn này được hình thành dần dần trong quá trình chúng ta lớn lên. Trong bụng mẹ chỉ một đoạn cong nguyên thủy cho cả cột sống và nó sẽ thẳng hết lại ngay khi sinh ra. Khi lẫy và bò, khi ngồi, khi đứng.
(Theo cuốn Giải phẫu ngực-bụng của PGS.TS. Phạm Đăng Diệu)
17. Sắc thái số 17:
- Một người đang chạy trốn.
- Một người đang tập thể dục và bị thu hút bởi đám đông bên kia đường.
- Captian America lao đi với tấm khiên chắn trước mặt.
- Một người mẫu trong quảng cáo giày thể thao.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Nguyên tắc của bàn chân khi di chuyển.
Bàn chân xa nhất ở A sẽ từ mũi chân rời khỏi mặt đất cho tới khi chạm B thì tiếp đất bằng gót. Khi ở B rồi, bàn chân tiếp tục giẫm toàn bộ lòng xuống đất tạo thành B+, lúc này bàn chân sau chuyển thành A+, tức là ở hoàn toàn trên không.
A: vị trí bàn chân ở tận cùng phía sau và ở vị trí này nó luôn tiếp đất bằng mũi. Bàn chân ở A sẽ di chuyển trong không trung, ra trước để tiếp đất ở vị trí B bằng gót chân.
B: bàn chân ở vị trí xa nhất phía trước và nó luôn tiếp đất bằng gót. Bàn chân trước này sẽ không di chuyển nữa (vì nó ở vị trí xa nhất rồi) mà sẽ giẫm dần xuống đất. Khi nó giẫm toàn bộ lòng xuống mặt đất nó sẽ ở tư thế B+. Lúc này nó sẽ trở thành điểm trụ để đẩy cơ thể ra trước theo trục x.
AB: khi 2 chân ngang nhau, chân ở B+ (từ trước ra sau) bắt đầu kiễng lên.
- Nếu 1 chân đang là tư thế A thì chân kia phải là tư thế B.
- Nếu 1 chân là A+ thì chân kia là B+.
- Nếu chân từ sau (A) đến khi dọc thân (AB) thì phải ở trên không trong khi chân còn lại từ (B) về (AB) thì giẫm dưới đất.
- Gần như 2 bàn chân luôn ở trong 2 trạng thái trái ngược nhau.
18. Sắc thái số 18:
- Một người chơi bóng bàn.
- Một cậu học sinh vừa giật được bức thư trên tay cô bé ngồi cùng bàn.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Do xương vai nằm sau lưng nên lưng rộng hơn so với ngực ở trước. Chính điều này khiến cho một cách vô thức, tay chúng ta nếu đưa ra trước thì sẽ cùng lúc đưa vào trong còn đưa ra sau thì sẽ cùng lúc đưa ra ngoài.
Quan sát ở góc chính diện để thấy rõ hơn
19. Sắc thái số 19:
- Một người đang bay.
- Có thể là một thiên thần với đôi cánh bạc hoặc Nobita với chong chóng tre.
- Một người đang lặn dưới đáy biển.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng ta khi vẽ bàn chân là việc chưa ý thức được rằng ngón chân (có thể dùng ngón cái làm chuẩn) có chiều dài tương đương 1/4 bàn chân. Hãy nhìn những bàn chân vẽ sai, đa phần chúng luôn có các ngón rất bé và ngắn.
- Hãy lưu ý thêm rằng ngón cái và ngón út sẽ có xu hướng quay vào bên trong chứ không nằm duỗi thẳng ra.
20. Sắc thái số 20:
- Một người đang bị treo lơ lửng.
- Siêu nhân đang bay.
- Một người đang đứng trên đỉnh, hét lớn và giơ cao nắm đấm.
- Một người đang giơ cao chiến lợi phẩm.
- Một người đang bay lên nhưng bị thử gì đó ở dưới túm chặt chân.
Đặc điểm cần lưu ý:
- Cánh tay phải đang đưa lên cao nên nó kéo dãn toàn bộ phần ngực cùng phía, vì vậy ranh giới giữa ngực với các vùng xung quanh, nhất là gầm ngực biến mất gần như hoàn toàn. Phần thân của nhân vật ở bên phải cũng căng ra khiến thịt ở bên này bị mỏng đi và các xương sườn dễ dàng lộ ra. Bên cạnh đó, núm vú ở bên này cũng bị kéo đi theo hướng vận động của tay.
- Trái với bên phải, bên còn lại có xu hướng gập vào do lồng ngực đưa ngang xuống còn xương chậu lại được đẩy lên. Và điều này gây ra hiện tượng da và thịt bị bị dồn lại, cơ thể ở bên này bị ngắn đi. Ở bên này, bạn có thể thấy chúng ta có 4 yếu tố bộc lộ rõ như trong hình: 1 (ngực), 2 (lồng ngực-eo), 3 (hông), 4 (cơ thẳng bụng).
- Nguồn: Theo Sách 69 Sắc thái của tác giả Nguyễn Ngọc Linh -
>>> Nền tảng giải phẫu người - Cách vẽ bàn chân
>>> Tài liệu giải phẫu chân tay - Chi trên