Các hình thức bố cục trong chạm khắc đình làng

Bố cục là thuật ngữ chỉ sắp xếp kích thước và tương quan của những đường nét, hình khối, màu sắc các vật thể trong một tác phẩm. Di sản mỹ thuật từ xa xưa, đã để lại những kinh nghiệm quý báu về lựa chọn bố cục trong quá trình tạo nên các tác phẩm chạm khắc trang trí ví dụ như một số di sản đình làng thời lê Trung Hưng. Bài học quý báu đó đã trở thành những kiến thức cơ bản đặt nền móng cho nghệ thuật giai đoạn sau kế thừa và phát triển. Một trong những điển hình tiêu biểu trong việc vận dụng các hình thức bố cục thành công là những tác phẩm chạm khắc của đình làng Hoàng Xá, nơi mà nghệ thuật bố cục đã trở thành hiện tượng, được sử dụng một cách tài tình đã tạo công nên giá trị nghệ thuật và lịch sử dân tộc.

Đình Hoàng Xá thuộc địa phận thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Thời Lê Trung Hưng, nơi đây có địa danh thuộc xã Hoa Đình, tổng Phương Đình, huyện Sơn Minh, trấn Sơn Nam Thượng. Ngôi đình cổ này được xây dựng vào tháng 5 Giáp Tuất niên đại Chính Hòa thứ 15 thời Lê Trung Hưng (1694) – cuối thế kỷ XVI trong vòng 40 năm với mục đích thờ đức Thành hoàng là Thánh Quý Minh mà theo huyền sử thì đây là một trong 3 vị Thánh của núi Tản Viên (Ba Vì) sống vào cuối thời vua Hùng. Đình Hoàng Xá tọa lạc trên khu đất rộng giữa làng, với thế đất “Tả kỳ hữu kiếm” (bên trái có cờ, bên phải có kiếm). Mặt đình nhìn về hướng Tây – Tây Bắc. Lúc đầu đình chỉ có một tòa nhà theo hình chữ “Nhất”. Sau đó khoảng 166 năm sau dân làng Hoàng Xá cho tiến hành sửa chữa một số chi tiết và xây cất thêm Trung cung, Hậu cung theo kiểu kiến trúc hình chữ “Công”. Đình hiện còn dòng chữ Hán ghi rõ “Tự Đức thập tam niên thập nhất nguyệt, nhật, bản thôn tu trợ đình sở” (năm Canh Thân 1860).

Cấu kiện kiến trúc của đình gồm: Nghi môn, tả hữu mạc và đại đình. Vào năm 1962, đình được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Kiến trúc đồ sộ mang những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, vượt ra khỏi không gian hẹp của làng xã để hòa nhập vào kho di sản văn hóa quốc gia và nhân loại. Kiến trúc và chạm khắc đình Hoàng Xá đã được tạo tác bởi bốn hiệp thợ, họ đã tạo nên những mảng chạm khắc đạt đỉnh cao mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, bằng lỗi kỹ thuật chạm lộng, chạm bong trên các thân bẩy, kẻ, ván bưng, các bức cốn, chồng rường, các đầu dư với các mô típ chạm khắc phong phú đình Hoàng Xá có thể được coi là một di sản độc đáo. Hình ảnh động vật, linh vật như rồng cuộn vào trong mây, voi, lân, hạc, tiên nữ, nhạc công, nông dân… Ngoài ra còn có các biểu tượng thực vật như cúc, sen…

Những mảng chạm khắc ở đình Hoàng Xá xét trên phương điện nghệ thuật tạo hình chứa đựng gần như đầy đủ các yếu tố cơ bản như đề tài, các thủ pháp, nét, mảng, khối… và cả những dạng thức bố cục cơ bản trong vốn cổ mỹ thuật của người Việt. Những hình thức bố cục này đều được các nghệ nhân sử dụng khéo léo, tinh tế; có tính toán, cân nhắc kỹ càng nhằm đạt tới hiệu quả thẩm mỹ, hiệu quả diễn đạt và có tính ứng dụng lâu dài trong nghệ thuật như: bố cục tự do, bố cục đối xứng, bố cục song song, bố cục đối lập…

1. Bố cục tự do:

Ở đình làng Hoàng Xá, các chi tiết được nghệ nhân thể hiện tự do gần như không theo quy tắc trên các cột, cốn… Mọi sự vật đều uốn lượn, quấn quýt với nhau, linh động đa dạng như một thế gian thu nhỏ. Chẳng hạn như trên phần cốn phía bên phải của đình, nghệ nhân cham khắc hình ảnh tiên nữ với đôi cánh thiên thần có góc nhìn chính diện cân xứng thuộc mảng đề tài thần tiên; xung quanh tiên nữ là vô số các loài độngv ật như rồng lân thuộc mảng linh vật, voi được chạm khắc với nhiều kích cỡ và chiều hướng khác nhau – khi quay trái, khi lại quay phải hòa cùng văn mây và hoa sen tuyệt đẹp. Bởi thế mà cùng với thủ pháp đồng hiện, thủ pháp kết hợp huyền thoại và hiện thực đã khiến tổng thể bức chạm như kết nối, quyện hòa lại với nhau thành một thế giới phàm trần xen lẫn không gian của hoạt cảnh thần thoại náo nhiệt.

bo cuc 1

Bố cục tự do trên phần cốn đình Hoàng Xá

Sự tự do trong hình thức bố cục được nghệ nhân sử dụng với sự tính toàn khá thông minh, bằng cách đổi hướng nhìn và điều chỉnh kích thước, nhìn vào bức chạm trên cốn giúp ta nhận rõ hình tượng tiên nữ là mảng chạm chính – được đặt ở giữa, hai tay dang rộng cân đối và giữ chặt lại bố cục xoay tròn xung quanh. Các mảng chạm linh vật, động vật xung quanh cũng là một sự tự do khôn khéo khi mà hình ảnh là đa dạng nhưng hình tượng đặc điểm lại đồng nhất. Rồng của đình Hoàng Xá được thể hiện với bộ râu đao mác cách điệu với các họa tiết cầu kỳ, dù phóng to thu nhỏ, dù ở trên hay ở dưới đều mang điểm chung như vậy. Đặc biệt là cách sử dụng các nét song song để tả phần râu đã quy từng phần chạm khắc làm các tấm gỗ lớn từ trên xuống dưới trở nên có trật tự, có nhịp điệu. So với tổng thể chạm khắc cả ngôi đình thì tiên nữ được thể hiện với khuôn mặt hiền hòa, thống nhất phong cách chạm khắc ở nhiều vị trí khác nhau trên cấu kiện kiến trúc đình Hoàng Xá. Tính thống nhất đem lại sự hệ thống, liên kết chung bền chặt cho tổng thể chạm khắc của ngôi đình. Ngoài ra, tính thống nhất cũng đạt được thông qua các loại bố cục phân nhỏ ra trên khắp các bức chạm của đình.

2. Bố cục đối xứng:

Bố cục đối xứng là hình thức sắp xếp, sử dụng các cặp họa tiết, hình ảnh tương tự nhau về kích thước, đặc điểm, chi tiết và đậm nhạt, đặt đối xứng, tương xứng với nhau qua một trục, nhiều trục hoặc qua một điểm chính giữa gọi là tâm. Bố cục đối xứng rất thường được tìm thấy ở đình làng do kiểu kiến trúc dân gian. Ở đình Hoàng Xá, các cột sẽ đối xứng với nhau, cánh gà hay cốn bên trái sẽ đối xứng với bên phải. Hay ngay trong chính các cụm chạm khắc lớn cũng xuất hiện sự đối xứng nhỏ như bức chạm đôi nghê hay rồng, tiên nữ khi chạm khắc ở mặt chính diện. Cụ thể hơn khi ta so sánh nội dung giữa hai bên cánh gà với nhau. Ở trên cùng, chiếm diện tích lớn nhất cũng là mảng chạm chính là hai đầu rồng quay mặt lại với nhau qua một trục chính giữa. Đầu rồng này chia mảng chạm lớn thành hai phần. Khi đó, lấy mảng chính làm trung tâm, các linh vật động vật khác được chạm khắc với kích thước nhỏ hơn quần tụ hai bên, mỗi bên lại hướng mặt theo một chiều nhất định quay về phía mảng chính. Riêng mảng chạm cuối cùng thuộc về thế giới con người, cả hai cánh gà đều chọn hình ảnh sinh hoạt vui vẻ, náo nhiệt mang tính chất dân dã, đối xứng lại với nhau. Kiểu bố cục này đem đến sự thuận mắt, cân bằng về thị giác, nhắc lại các mô típ đặc trưng của công trình tạo ra nét riêng biệt, độc đáo.

bo cuc 2

Bố cục đối xứng giữa hai bên cánh gà đình Hoàng Xá

Các nghệ nhân đình Hoàng Xá sẽ khéo léo thay đổi hình dáng của con vật, con người, thay đổi nhiều hướng tạo sự đăng đối giả (không hoàn toàn đăng đối cứng nhắc), điều đó làm giảm bớt tính công thức, lặp lại.

3. Bố cục so le:

Bố cục so le là kiểu sắp xếp to – nhỏ - to, trái – phải, trái, trên – dưới – trên, luân phiên các yếu tố tương tự nhau nhưng sẽ có một đặc điểm trái ngược hoàn toàn qua một đường trục chính giữa.

bo cuc 3

Bức chạm Long – Nghệ
Bài tập chép vốn cổ của Vũ Văn Hào – K13 TKĐH

Dạng thức bố cục so le được tìm thấy ở cả các bức chạm nhỏ hơn trong tổng thể các mảng chạm lớn. Cụ thể như trên cốn đình Hoàng Xá có bức thể hiện linh thú với Long – Nghê – Quy – Hạc thì ở mảng Long – Nghê, 4 con rồng cùng kích thước với tư thế ngẩng cao đầu, vươn mình lên trên đã được chạm khắc so le trái phải tạo ra kết cấu tầng tầng lớp lớp vô cùng nghệ thuật. Có thể thấy, bố cục so le được sử dụng hợp lý, vừa ăn nhập với bố cục đăng đối bên dưới của đôi nghê tạo ra sự đa dạng, sinh động, linh hoạt trong việc biến hóa các yếu tố nghệ thuật tạo hình vừa tạo ra nhịp điệu thú vị, chiều sâu không gian.

4. Bố cục đối lập:

Theo các nhà triết học của phương Đông thì đối lập vừa là sự đối lập, vừa là sự chuyển hóa sang nhau để rồi lại hoàn nguyên. Bố cục đối lập khác với bố cục đối xứng, đối lập là phân biệt – đối xứng là cân bằng; đối lập mang tính khác biệt, sáng tạo – đối xứng mang tính trang trí, có quy chuẩn. Đối lập không phải khác biệt mà là trái ngược, trái ngược về kích thước, trái ngược về chiều hướng, đậm nhạt, đường nét, to với nhỏ, thẳng với cong, mềm với cứng, chi tiết với đơn giản, tầng tầng lớp lớp với trơn nhẵn. Bố cục đối lập được bắt gặp trên nhiều vị trí chạm khắc đình Hoàng Xá.

bo cuc 4

Bố cục đối lập “tiên cưỡi rồng” đình Hoàng Xá

Trong mảng chạm, con rồng mà nàng tiên đang cưỡi chính là phần đối lập với con rồng ngay cạnh nó. Ở đây chúng đối lập nhau về hai yếu tố: chiều hướng và kích thước. Đối lập về chiều hướng: Hai con rồng quay đầu lại đối mặt với nhau. Thường sự đối lập về chiều hướng thường là cơ sở để tạo ra bố cục đăng đối, nhịp điệu. Đối lập về kích thước: Con rồng bên phải có một chiếc đầu gần như gấp đôi so với con rồng bên trái. Hay trên phần cốn, khi đầu rồng đang vươn lên theo chiều dọc thì râu rồng hai bên lại chĩa thẳng tắp theo chiều ngang. Sử dụng đối lập về kích thước, người nghệ nhân dụng ý tạo ra bố cục chính phụ trong tổng thể cả một bức chạm khắc quá nhiều chi tiết phức tạp.

5. Bố cục song song:

Bố cục song song được tạo ra khi các yếu tố giống nhau được đặt cùng một chiều ngang, dọc, chéo trái, chéo phải… Bố cục song song tạo ra hướng chuyển động của một tác phẩm tĩnh, tính đồng nhất liên kết. Bố cục song song được sử dụng rất nhiều trên tất cả các bức chạm ở đình Hoàng Xá bởi đặc trưng chạm khắc nơi đây vốn là kiểu chạm khá phức tạp, nhiều chi tiết, nổi bật với hình tượng rồng cùng vô số mũi đao mác vút thẳng gợi ra từ bộ phận râu của chúng.

Để nhấn mạnh nét đặc trưng này mà không làm tổng thể bị ngổn ngang, lộn xộn, rối mắt, người nghệ nhân xưa đã linh hoạt sử dụng dạng thức bố cục song song kết hợp với cách biến đổi nét điêu luyện đầy dụng ý; Nhờ vậy giữa cái phức tạp của vô số họa tiết đan cài chồng chéo, người ta vẫn nhìn thấy nhiều râu trên đầu rồng, lưng rồng, chân rồng cùng hướng theo một đường cố định. Ở các góc tam giác thường là đường thẳng chéo lên. Ở giữa các cột lại là đường thẳng nằm ngang.

bo cuc 5

Hình 10: Râu rồng theo bố cục sóng song của mảng chạm trên cốn đình Hoàng Xá

Chúng dẫn hướng thị giác, khiến người xem tự hình thành một hệ thống nhịp điệu trật tự, có logic, làm nên nét thú vị, tính động của các mảng chạm tĩnh.

Như đã nói ở trên, những dạng thức bố cục được sử dụng ở đình Hoàng Xá không chỉ có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ đối với đình, có giá trị trong một thời điểm nhất định mà còn mang đến tính ứng dụng cao đối với nghệ thuật tạo hình hiện đại. Bởi lẽ bố cục là yếu tố nghệ thuật cơ bản, nền tảng cấu thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh; Mọi sản phẩm dù là mỹ thuật thưởng thức hay mỹ thuật ứng dụng đều cần có bố cục, điều đó được thể hiện khá rõ nét với khả năng vận dụng thực tiễn như xây dựng bố cục đối xứng trong phần minh họa bao bì do Bandex thiết kế của thương hiệu trà Sach Teas với dòng Original và dòng Flower khi khai thác chủ đề múa rối nước và hoa sen vô cùng ăn nhập với thiết kế chung của thương hiệu, ăn nhập với các đường kẻ, vị trí đặt logo ở chính giữa.

bo cuc 7

Bao bì thương hiệu trà SachTeas dòng Original và Flower

Hay như cách ứng dụng trong bộ tem bưu chính “Giới thiệu nghệ thuật chạm khắc đình làng Việt Nam” của sinh viên Đào Thị Lệ - K4 Thiết kế đồ họa (TKĐH), Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với phần minh họa ghi chép tái hiện các mảng chạm bằng chấm “Hai võ sĩ”, “Chuốc rượu”, “Đá cầu”,… đem tới sự cân xứng, đăng đối, chặt chẽ cho đối tượng sản phẩm là tem bưu chính.

bo cuc 6

Tem bưu chính “Giới thiệu nghệ thuật chạm khắc đình làng Việt Nam” của sinh viên Đào Thị Lệ - K4 TKĐH
Nguồn: Kho dữ liệu Khoa Thiết kế đồ họa

Về bố cục tự do cũng có khá nhiều cách khai thác vốn cổ trong thiết kế ví dụ bộ lịch “Những ngày lễ - Tết truyền thống Việt Nam” của sinh viên Nguyễn Ngọc Hà – K8 TKĐH. Các nhân vật được minh họa theo chiều hướng tự do không cố định, không sắp xếp theo một quy chuẩn công thức nào thể hiện sự vui nhộn, náo nhiệt của chủ đề lễ Tết; sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh của người Việt xưa. Tất nhiên, bố cục tự do luôn phải đi cùng sự tính toán, dù phần minh họa có biến đổi và xoay theo dạng thức chiều hướng nào thì tổng thể vẫn phải nằm trong một hình tròn giới hạn đem đến tính thống nhất, gọn gàng cho cả bộ lịch.

bo cuc 8

Bộ lịch “Những ngày lễ - Tết truyền thống Việt Nam” của sinh viên Nguyễn Ngọc Hà – K8 TKĐH
Nguồn: Kho dữ liệu Khoa Thiết kế đồ họa

Ngoài ra, trong bộ Tem bưu chính “Tiên cưỡi rồng ở đình Hoàng Xá của sinh viên Mạc Thị Quỳnh Anh – K10 TKĐH, bố cục song song cũng được ứng dụng vốn cổ với phong cách minh họa mang tính kế thừa và phát triển trên tinh thần hiện đại để nhấn mạnh đặc trưng chạm khắc thời Lê Trung Hưng, đem đến cảm quan mới lạ hơn về tem.

bo cuc 9

Tem bưu chính “Tiên cưỡi rồng ở đình Hoàng Xá” của sinh viên Mạc Thị Quỳnh Anh – K10 TKĐH
Nguồn: Kho dữ liệu Khoa thiết kế đồ họa

Hoặc dạng thức bố cục đối lập được ứng dụng trong bộ truyện tranh “Hai mẹ con” của sinh viên Nguyễn Kim Nga – K4 TKĐH đã nhấn mạnh chiều sâu không gian, bổ trợ cho yếu tố điểm nhìn, tạo ra sự hứng thú và thu hút thị giác của người xem, người đọc.

Có thể nói, các dạng thức bố cục đối lập, đối xứng, tự do, song song, so le… đã được những người nghệ nhân xưa khéo léo, linh hoạt sử dụng trên các mảng chạm thuộc đình Hoàng Xá không chỉ đem đến tính thẩm mỹ, dụng ý nghệ thuật, dụng ý diễn đạt đối với riêng nghệ thuật chạm khắc đình làng nơi đây; mà còn chứa đựng giá trị khai thác lâu dài đối với các loại hình nghệ thuật tạo hình sau này. Đây là sự gợi ý và là động lực để tìm hiểu và ứng dụng chạm khắc đình làng, vốn cổ Việt Nam nói riêng và những giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, góp phần mở ra cuộc hội ngộ giữa cái xưa và cái này, giữa truyền thống và hiện đại.

- Theo Mạc Thị Quỳnh Anh -

>>> Hình thức xây dựng bố cục trong hội họa

>>> Bố cục không gian

>>> Bố cục theo các sơ đồ tổ chức

0976984729