Thực hành kỹ thuật vẽ tranh chì
Bạn sẽ nhận thấy một số đối tượng rất dễ vẽ trong khi số khác lại khó vẽ hơn. Ví dụ bạn có sở trường vẽ chân dung nhưng lại không thể vẽ hình ảnh của các tòa nhà đúng với phối cảnh. Khi cảm thấy không thoải mái với một đối tượng nào đó, chắc chắn bạn sẽ tìm cách tránh vẽ nó, nhưng nếu làm thế thì bạn sẽ không đúc kết được kinh nghiệm làm việc với đối tượng đó. Hãy đặt ra thử thách cho mình – hãy thử làm những bài tập mà bạn cảm thấy sẽ rất khó thực hiện. Bạn thậm chí có thể vẽ nhiều lần một số bài tập cụ thể, sau đó so sánh các kết quả đạt được từ lần thử đầu tiên với lần thử sau cùng. Tôi tin rằng bạn sẽ ngạc nhiên trước sự tiến bộ trong kỹ năng vẽ của mình. Bạn có thể vẽ bằng bút chì 4H, HB và 4B. Hãy sử dụng bút chì 4H và HB cho những vùng sáng và những vùng có sắc độ trung bình, dùng bút chì 4B cho vùng tối.
Nghiên cứu về đá. Vẽ bằng bút chì graphite trên giấy vẽ khổ 11’ x 14’ (28 cm x 36 cm)
Đối tượng vẽ có ở khắp mọi nơi: Hãy để ý các đối tượng vẽ ở xung quanh mình, như những viên đá này chẳng hạn.
1. Mây và cỏ:
Trong thế giới xung quanh chúng ta, có vô số đối tượng để vẽ. Nhưng đối tượng phổ biến nhất như mây và cỏ bản thân chúng cũng rất thú vị và chúng có thể được dùng làm yếu tố bổ sung cho các thành phần khác trong một bức tranh.
Khi vẽ mây, hãy bắt đầu bằng cách phác họa những đường nét cơ bản, sau đó thay đổi độ sáng tối một cách tinh tế để làm rõ hình dạng cũng như chiều sâu của các đám mây. Bạn có thể thay đổi độ sáng tối bằng cách thay đổi lực đè lên nét bút chì. Nhớ chú ý vị trí của nguồn sáng. Những ngày giông bão, khi mặt trời bị khuất, rất phù hợp để vẽ mây, bởi có rất nhiều sự tương phản dễ thấy giữa các mảng màu sáng và tối trên bầu trời.
Mây dưới ánh nắng: Với nguồn sáng nằm ở phía trên, phần đỉnh của đám mây trông sáng hơn và phần bên dưới sẽ tối hơn và có bóng đổ. Một trong những phương pháp để học cách vẽ mây khi trời nắng là nghiên cứu hiệu ứng ánh sáng trên những vật thể đặc ruột, chẳng hạn như quả bóng bằng cotton.
Mây che ánh nắng: Đám mây có thể vừa trong suốt vừa mờ đục. Khi nguồn sáng nằm sau thì đám mây phía trước mặt trời sẽ có màu trắng sáng ở vùng rìa mỏng, nơi mà tia sáng có thể chiếu xuyên qua. Các vùng dày hơn sẽ trông tối hơn vì chúng đục hơn, chặn nhiều ánh sáng hơn.
Cỏ dưới ánh nắng: Từng nét vạch có thể đại diện cho những cọng cỏ riêng biệt. Sử dụng các nét đậm hơn để tô bóng và tạo chiều sâu.
Cỏ dưới ánh nắng và bóng đổ: Cỏ ở hậu cảnh được vẽ như bóng đổ tối màu, trong khi cỏ ở tiền cảnh được vẽ bằng các nét mảnh, nhẹ. Hãy vẽ cỏ theo nhiều hướng và khoảng cách khác nhau để khiến đám cỏ trông sinh động hơn.
2. Cây có lá rậm: Cây cối có thể là trung tâm chú ý trong một khung cảnh hoặc đơn giản chỉ là một yếu tố làm hậu cảnh. Mỗi cây đều có đặc điểm riêng.
Các dụng cụ cần có:
- Bút chì graphite
- Bảng vẽ
- Giấy vẽ
- Tẩy đất sét
Phác họa hình dạng cơ bản: Bắt đầu bằng hình dạng tổng thể cơ bản của cây. Vẽ thân cây hướng xuống phần đáy của giấy vẽ.
Phác họa các nhánh cây và điều chỉnh hình dạng: Phác họa một số nhánh cây. Nếu các nhánh cây không thể nhìn thấy trong bức tranh sau cùng thì việc phác họa chúng vẫn sẽ giúp ích cho bạn trong việc hiểu được cấu trúc của cây lẫn bố cục của các tán lá. Gia tăng độ nét cho viền ngoài của cây bằng cách vẽ phác họa phần viền của các tán lá.
Thêm lá và tô bóng: Tẩy những nét không cần thiết. Sử dụng nét vạch qua lại khác nhau để thể hiện tán lá. Một số nét vẽ đậm hơn nhằm tạo hiệu ứng bóng đổ. Nên nhớ hướng của các nét vẽ sẽ giúp gia tăng độ sinh động cho một đối tượng tĩnh vật. Tẩy nét phác họa ban đầu bằng tẩy đất sét.
Vẽ cây tỏa nhánh: Nhánh cây tỏa ra có thể làm tăng độ sinh động cho cây. Trước hết, hãy phác họa các nhánh cây, sau đó tẩy đi những nét bị che phủ bởi tán lá. Cuối cùng, hãy vẽ thêm tán lá vào.
3. Cây thường xanh: Áp dụng các bước cơ bản trong vẽ cây có lá rậm khi vẽ cây thường xanh. Nhớ phân tích đối tượng một cách cẩn thận để nắm bắt những điểm độc đáo của nó.
Phác họa hình dạng cơ bản: Bắt đầu bằng hình dạng tổng thể cơ bản của cây và thân cây.
Phác họa các nhánh cây: Phác họa một số nhánh cây, để ý kỹ hướng của chúng. Các nhánh cây càng gần gốc thì sẽ càng hướng xuống dần dần. Rất nhiều cây có cấu trúc như vậy, không chỉ riêng cây thường xanh.
Thêm lá kim và tô bóng: Tẩy những nét vẽ không cần thiết. Sử dụng cả nét vạch qua lại so le để thể hiện tán lá kim của cây. Một số nét dùng lực đè mạnh hơn để tô bóng và tạo chiều sâu.
4. Gạch, đá và gỗ: Biết cách vẽ những vật liệu xây dựng khác nhau như gạch, đá và gỗ sẽ rất có ích khi bạn muốn vẽ nhà cửa. Những thành phần này giúp tạo ra các kết cấu khác nhau giúp bức tranh của bạn trông sinh động hơn.
Tường gạch được quan sát từ xa: Hình ảnh các viên gạch từ xa sẽ được vẽ với độ chi tiết nằm ở mức tối thiểu. Sử dụng các nét vạch qua lại để bổ sung độ sáng tối cho viên gạch. Thêm vào phần bóng đổ bên dưới từng viên gạch bằng những nét đậm màu nhằm tạo cảm giác về chiều sâu. Ngoài ra, có thể tạo chiều sâu bằng cách sử dụng phối cảnh một điểm tụ.
Tường gạch được quan sát cận cảnh: Một đối tượng được quan sát cận cảnh sẽ thể hiện kết cấu rõ nét hơn so với khi được quan sát từ xa, thế nên bạn cần vẽ theo một cách khác để thể hiện mức độ chi tiết đó. Để nhấn mạnh bề mặt đã bị ăn mòn, cũ kỹ của gạch, hãy vẽ những viên gạch cũ bằng những nét đa chiều với nhiều mức độ dày mỏng khác nhau.
Các viên đá vuông vức, được sắp xếp chồng khít lên nhau: Vẽ những viên đá vuông vức, được sắp xếp chồng khít, gọn gàng bằng những nét tô bóng với nhiều hướng khác nhau nhằm thể hiện kết cấu của đá. Tô thật đậm vùng giao nhau giữa những viên đá để nhấn mạnh bóng đổ và chiều sâu.
Tường đá gồ ghề: Vẽ các viên đá với hình dạng và kích thước không đồng nhất bằng các nét chì và kỹ thuật tô bóng khác nhau để tạo ra một bức tường đá gồ ghề. Những nét đậm, lực đè mạnh bên dưới các viên đá được sử dụng để tạo bóng đổ và chiều sâu. Hãy để ý phía bên trái của bức tường có một lớp hậu cảnh bằng các nét dọc tối màu nhằm tạo ra góc tường.
Thanh gỗ: Vẽ thanh gỗ bằng độ sáng tôi và nét chì khác nhau. Ở những vị trí gỗ bị đục hay mẻ, chọn nét vẽ tối màu hơn để thể hiện bóng đổ và chiều sâu. Sử dụng nét hình bán nguyệt để tạo ra vân gỗ.
Ván gỗ: Vẽ ván gỗ bị mưa gió bào mòn bằng những nét chì thô cùng hướng nhằm thể hiện rõ thớ gỗ. Không gian bên dưới và giữa các tấm ván gỗ có màu tối hơn để tạo chiều sâu.
5. Tảng đá: Áp dụng nguyên tắc và kỹ thuật để vẽ những đối tượng phức tạp vào việc vẽ các đối tượng tương đối đơn giản như những tảng đá. Bạn có thể khiến bức tranh trở nên sinh động hơn bằng cách thay đổi hình dạng và kích thước của tảng đá.
Phác họa hình dạng cơ bản: Phác họa hình dạng bên ngoài của các tảng đá, thay đổi kích thước và hình dạng để tăng độ sinh động.
Vẽ vùng sáng và vùng tối: Thêm vào các nét xác định rõ vùng sáng và vùng tối cho tảng đá. Trong trường hợp này, ánh sáng chiếu từ trên cao bên phải nên vùng phía trên bên phải của tảng đá là vùng sáng, vùng phía dưới bên trái là vùng tối.
Tô bóng và bóng đổ: Sử dụng nét chì lên xuống nhất quán để bề mặt của tảng đá trông nhẵn hơn. Nét chì ở vùng bên trái tảng đá đậm hơn để tạo bóng đổ và chiều sâu.
* Các dạng đá khác: Bạn có thể nghĩ rằng tảng đá nào cũng giống nhau nhưng thực tế không phải như vậy. Đá luôn có hình dạng, kích thước và kết cấu khác nhau.
Đá thô: Hình dạng thô ráp, gồ ghề khiến cho mỗi tảng đá trông thật độc đáo. Đây có vẻ là một bức tranh đơn giản nhưng sự thay đổi độ sáng tối tinh tế mới là thách thức khó khăn. Hình dạng bên ngoài của một số tảng đá ở hậu cảnh được xác định bằng vùng bóng đổ ở phía sau lưng chúng.
Đá nhọn: Những tảng đá này nhô lên cao, phần đỉnh của chúng có sắc độ khá sáng và nhạt màu. Sử dụng nét vạch qua lại để tạo nên độ sáng tối, thay đổi lực đè của một số nét chì để tạo vùng bóng đổ và chiều sâu.
6. Máy bay:
Phác họa cánh máy bay: Trước hết, hãy phác họa hai cánh máy bay bằng một hình hộp dài, sử dụng phối cảnh hai điểm tụ như thể bạn đang nhìn xuống đối tượng.
Thêm vào đường nét định dạng cấu trúc cho phần thân máy bay: Thêm vào những đường nét định dạng cấu trúc cơ bản của phần thân máy bay và vị trí cuối cùng của đuôi lái. Những đường kẻ này sẽ dùng chung phối cảnh với hai cánh.
Thêm vào các thành phần khác và bắt đầu điều chỉnh hình dạng: Thêm vào các hình hộp để làm rõ vị trí của bánh xe và động cơ. Vẽ những nét xác định rõ hình dạng của đuôi lái. Tinh chỉnh phần thân máy bay và làm ngắn lại phần đầu cánh.
Điều chỉnh và thêm chi tiết: Làm mềm mại nét vẽ cánh và thân máy bay, sau đó thêm vào các chi tiết, bao gồm hình elip của bánh xe, khoang chứa động cơ và cánh quạt.
Tô bóng: Tẩy những nét vẽ không cần thiết và tô bóng cho tổng thể. Đảm bảo rằng những nét tô bóng cho cánh máy bay có cùng hướng với phối cảnh của cánh. Thêm vào những vùng tối màu nhất, chẳng hạn như bóng đổ bên dưới hai cánh.
Vẽ một chiếc máy bay phản lực: Trước hết, hãy vẽ những nét cơ bản theo phối cảnh để xác định hình dạng của chiếc máy bay. Thêm vào các điểm nhấn, bóng đổ và chi tiết.
7. Tàu hỏa: Mẫu động cơ hơi nước này là một chiếc Norfolk và Western 4-8-4. Các thành phần cấu trúc của khung cảnh được vẽ bằng cách sử dụng phối cảnh một điểm tụ. Hãy tận dụng những nguyên tắc của phối cảnh không gian khi vẽ các vùng sáng và tối. Khi muốn tô bóng cho những đối tượng như vậy thì giấy che và thước chắn tẩy sẽ là những dụng cụ vô cùng hữu ích.
Vẽ các hình dạng cơ bản: Vẽ đường chân trời, với điểm tụ nằm bên trái. Bắt dầu bằng hình dạng cơ bản của phối cảnh một điểm tụ. Chú ý, tất cả đường kẻ dọc đều vuông góc với đường chân trời.
Làm rõ các hình dạng cơ bản của mặt trước: Lấp đầy hình vuông đã vẽ từ trước bằng một hình tròn. Thêm vào những đường kẻ khác để làm rõ hình dạng cơ bản của mặt trước đầu tàu.
Vẽ thêm các đường định dạng cấu trúc: Vẽ đường nét định dạng cấu trúc khác, bao gồm những đường kẻ dọc giúp xác định các toa xe rời. Vẽ hình chữ thập vào chính giữa hình tròn để đánh dấu vị trí của đèn đầu tàu.
Vẽ các chi tiết cho cấu trúc của tàu hỏa: Vẽ đường ray, bánh xe, đèn dầu tàu và những chi tiết nhỏ hơn như tay vịn và bậc thang. Ngoài ra, hãy tinh chỉnh lại vào phần nóc cho các toa tàu.
Tô bóng: Tẩy những nét vẽ không cần thiết và tô bóng để hoàn thành bức tranh. Sử dụng nét chì lên xuống đồng nhất để tạo cảm giác bề mặt phẳng, láng. Tạo phối cảnh không gian bằng cách gia tăng độ tương phản và độ sắc nét cho những chi tiết nằm gần mắt người xem nhất.
Vẽ động cơ hơi nước: Phác họa những hình dạng cơ bản, điều chỉnh hình dạng của đầu tàu và vẽ thêm các chi tiết. Tiếp theo là tô bóng, chú ý đến những thay đổi tinh tế về độ sáng tối.
8. Xe hơi: Đây là một chiếc Facel Vega, một mẫu xe hơi thể thao của Pháp được sản xuất từ những năm 1950 và 1960. Bài tập thú vị này giúp bạn rèn luyện khả năng phân tích đối tượng bằng cách tìm những hình dạng cơ bản trước sau đó vận dụng các quy tắc về phối cảnh.
Phác họa hình dạng cơ bản: Phác họa một hình hộp cơ bản với phối cảnh hai điểm tụ. Hãy tập trung cho giai đoạn phác họa này để phần còn lại của bức tranh được chính xác.
Thêm vào phần mui xe và các hình vuông cho bánh xe: Vẽ thêm phần mui xe trên hình dạng cơ bản. Vẽ các hình vuông theo phối cảnh để làm rõ vị trí của các bánh xe. Cách làm này sẽ giúp bạn vẽ các hình elip cho bánh xe được chính xác hơn. Giống như các thành phần khác, các hình vuông cũng sử dụng chung phối cảnh với hình hộp cơ bản.
Thêm và điều chỉnh các nét định dạng cấu trúc: Điều chỉnh hình dạng của chiếc xe và phác họa hai hình elip đại diện cho bánh xe. Thêm vào vài nét đánh dấu vị trí của những thành phần ở đầu xe như lưới tản nhiệt và đèn pha.
Vẽ thêm chi tiết và bắt đầu tô bóng: Vẽ thêm các chi tiết như đèn pha, lưới tản nhiệt, cửa sổ và nội thất. Nhớ rằng hình dạng hai chiều của bánh xe được tạo hình hoàn toàn khác so với bản thân các bánh xe. Tô bóng cho bánh xe và phần bóng đổ bên dưới thân xe.
Vẽ thêm chi tiết và tô bóng: Thêm vài chi tiết khác để hoàn tất bức tranh, chẳng hạn như vành và niềng bánh xe. Tẩy những nét chì không cần dùng đến nữa. Tô bóng cho tổng thể, sử dụng nét chì đồng nhất để tạo ra cảm giác bề mặt phẳng, láng. Tô thêm lớp chì tối màu cho các bánh xe và bóng đổ, giúp tăng độ tương phản giữa chúng so với những phần màu nhạt hơn của chiếc xe.
9. Tàu thuyền: Những đường nét tao nhã của chiếc tàu và hình ảnh phản chiếu lung linh trên mặt nước sẽ tạo ra một bố cục tuyệt vời. Trong bài tập minh họa này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng góc nhìn đơn giản từ một bên.
Phác họa những nét cơ bản của thân tàu: Hãy bắt đầu bằng đường nét của thân tàu, hơi hướng lên về phía bên trái.
Hoàn tất hình dạng cơ bản của thân tàu và phác họa khoang lái: Kết nối các điểm để hoàn tất hình dạng cơ bản của thân tàu. Vẽ thêm vài nét để làm rõ vị trí khoang lái.
Thêm vào mặt bên của khoang lái và mũi tàu: Vẽ một bên của khoang lái và một đường cong cho mũi tàu. Chiếc tàu được nhìn từ một bên và nhìn từ xa, do đó, nó trông có vẻ khá phẳng.
Vẽ thêm các chi tiết: Phác họa các chi tiết, bao gồm cửa sổm cột buồm và con người.
Tô bóng để hoàn tất: Tô bóng cho con tàu. Sử dụng những nét chì dài, thẳng trên thân tàu. Bên trong khoang lái nên được tô đậm màu hơn.
Phác họa một chiế thuyền có mái chèo: Phác họa những hình dạng cơ bản theo phối cảnh, sau đó vẽ thêm chi tiết và tô bóng.
10. Khuôn mặt mèo: Với những ai yêu mèo thì đây sẽ là một bài tập thú vị. Còn với những ai yêu chó thì hãy cứ thử làm bài tập, sau đó đưa tác phẩm hoàn chỉnh cho một người bạn yêu mèo của mình. Bài tập này là một cách rất tốt để phát triển kỹ năng tô bóng cho bạn.
Vẽ những hình dạng cơ bản: Để vẽ khuôn mặt mèo, bạn nên bắt đầu bằng một hình bầu dục cơ bản bên ngoài, hai đường ngang định hình hai mắt và một hình bầu dục đại diện cho phần mõm.
Xác định vị trí các bộ phận trên khuôn mặt: Vẽ thêm những đường nét khác định dạng mắt, miệng và chỏm tai, cùng với đó là một hình tam giác đại diện cho phần mũi.
Thêm tai và cổ: Vẽ thêm những nét định dạng phần tai và cổ.
Điều chỉnh các nét cơ bản và vẽ thêm chi tiết: Điều chỉnh các nét định dạng cấu trúc, tạo hình tròn hoặc đường cong ở những chỗ cần thiết. Vẽ thêm chi tiết, bao gồm đồng tử, mũi và mõm.
Tô bóng: Tẩy những nét vẽ không cần dùng đến nữa. Tô bóng bằng những nét chì thuận chiều lông. Những vùng lông có sọc vằn và bóng đổ nên được tô đậm hơn.
* Vẽ mèo nhìn từ một bên: Mèo cũng đa dạng như người và việc thể hiện những đặc điểm độc đáo của chúng qua các bức tranh là điều rất thú vị. Ngoài việc giúp bạn rèn luyện kỹ năng định dạng và nhận biết kết cấu, bài tập này còn tạo cơ hội cho bạn phát triển kỹ năng xác định tỷ lệ. Để phác họa chân và thân mèo theo tỷ lệ cân xứng, trước hết hãy phác họa những đường kẻ chuẩn. Đường kẻ chuẩn được sử dụng để xác định vị trí của đối tượng và giúp tính toán tỷ lệ của bức tranh.
Phác họa hình dạng cơ bản của thân mèo: Vẽ một hình chữ nhật đại diện cho cấu trúc cơ bản của thân mèo, trong đó vẽ đường kẻ chuẩn là đường nằm ngang bên dưới trước để xác định vị trí chân mèo.
Vẽ thêm hình dạng cơ bản của phần đầu: Phác họa một hình bầu dục đại diện cho phần đầu. Xác định vị trí của nó một cách cẩn thận để hình bầu dục này vừa vặn chồng lên điểm cuối của đường kẻ ngang.
Thêm cổ và chân: Thêm vào phần cổ gắn kết đầu và thân mèo. Phác họa các đường chéo để đại diện cho chân mèo.
Hoàn thiện phần thân: Vẽ đường viền bên ngoài của thân, đuôi và chân mèo. Nhớ vẽ phần chân bị khuất. Vẽ đường viền bên ngoài của phần tai và các định vị trí mắt, mũi. Tẩy những nét không còn dùng đến nữa.
Vẽ thêm chi tiết và tô bóng: Sử dụng các nét vạch qua lại để tạo hình cho bộ lông, thay đổi sắc độ để chiều lông thêm rõ nét. Vẽ thêm chi tiết cho mắt, mũi, miệng, tai và bộ móng.
* Vẽ chó nhìn từ một bên: Áp dụng những bước vẽ thân mèo để vẽ một con chó Dochshund của Đức. Bắt đầu bằng cấu trúc tổng thể cơ bản và sau đó thêm các đặc điểm chi tiết.
Phác họa những hình cơ bản: Bắt đầu từ một đường kẻ chuẩn để xác định vị trí đặt chân của chó, phác họa những hình chữ nhật đơn giản để tạo nên hình dạng cơ bản của thân và đầu chó.
Vẽ hình tròn cho đầu và thân:Vẽ thêm các hình tròn cho phần đầu, ngực và mông chó. Cách làm này sẽ giúp bạn tạo hình dạng tổng thể cho chó.
Vẽ đường định dạng cho thân, cổ và chân: Kết nối các hình tròn với nhau để tạo nên hình dạng của phần thân và cổ. Phác họa những đường nét giúp làm rõ phần mõm và hai chân ở vị trí gần người xem.
Điều chỉnh và vẽ thêm chi tiết: Điều chỉnh đường nét để tạo hình dạng rõ ràng hơn cho thân chó. Thêm vào mắt, đuôi, tai và chân. Vẽ các chân ở hậu cảnh để chúng tạo thế so le với các chân ở vị trí gần người xem.
Thêm lông, các chi tiết và tô bóng: Tẩy những đường nét không còn dùng đến nữa. Tô bóng cho bộ lông mịn của con chó bằng những nét chì ngắn, đồng nhất, thuận theo chiều lông. Thêm vào các chi tiết cho mắt, mũi, miệng và bộ móng.
11. Bò: Bò là một loài vật phi thường. Bên cạnh việc cung cấp sữa, pho mát và thịt, bò còn làm nên những điều kỳ diệu nhưng không ai biết đến những điều đó do chúng chỉ “biểu diễn” khi không có ai để ý.
Phác họa những hình dạng cơ bản: Hãy phác họa những hình dạng cơ bản: một hình chữ nhật cho phần thân và một hình tam giác cho phần đầu. Vẽ một đường kẻ chuẩn để xác định chiều dài chân.
Làm rõ phần cổ và chân: Phác họa những đường nét định hình phần cổ và chân. Chú ý vị trí và góc độ của những đường này. Sử dụng hình tròn nhỏ để làm rõ khớp gối chân trước.
Điều chỉnh: Điều chỉnh đường nét cơ bản để định hình rõ hơn phần thân bò. Thêm vào mắt, tai, đuôi và bầu vú.
Tô bóng và hoàn thiện chi tiết: Tẩy những nét vẽ thừa. Tô bóng nhẹ để làm rõ hình dạng, tô đậm nét hơn cho những vị trí có nhiều bóng đổ. Tạo những đốm đen trên thân bò bằng các nét vạch qua lại bán đồng nhất.
12. Thiên nga: Những đường nét tinh tế trên thân mình khiến thiên nga trở thành một đối tượng vẽ đầy thú vị. Hãy rèn luyeenjj những kỹ năng của bạn với bài tập nhỏ này, bạn có thể dùng bức tranh để làm thiệp chúc mừng.
Phác họa những hình dạng cơ bản: Phác họa những hình dạng cơ bản của phần đầu và thân thiên nga. Hãy chú ý đến tỷ lệ và vị trí của chúng.
Thêm vào phần cổ và mỏ: Vẽ những đường cong cho phần cổ, sau đó thêm vào phần mỏ và chú ý đến khoảng cách giữa các đường vẽ phần cổ.
Phác họa bộ lông: Làm rõ vị trí của bộ lông trên lưng thiên nga, sau đó thêm mắt cho phần đầu.
Vẽ thêm các chi tiết cuối cùng và tô bóng: Tô bóng bằng những nét chì ngắn. Đầu tiên tô nhẹ ở những vùng sáng, sau đó tô thêm nhiều lớp cho những vùng tối màu hơn.
13. Hình người:
Con người là đối tượng vẽ rất thú vị. Mỗi khi đến khu mua sắm, hãy quan sát những người xung quanh, về kích thước, hình dáng và tỷ lệ. Dù mỗi người đều sở hữu những đặc điểm khác nhau nhưng có một số nguyên tắc cơ bản mà bạn có thể áp dụng khi vẽ bất kỳ người nào.
Tỷ lệ cơ thể người lớn: Dù nam giới thường cao hơn nữ giới, nhưng để dễ so sánh, chúng tôi vẽ hai hình người trên đây có chiều cao như nhau. Đối với cả hai gới, gần như một nửa chiều cao toàn bộ cơ thể được quyết định bởi đôi chân. Thắt lưng của nam giới thấp hơn của nữ giới. Một điểm khác biệt nữa là nam giới thường có tầm vóc to, rộng hơn nữ giới.
Tỷ lệ cơ thể trẻ em: Trẻ em có tỷ lệ cơ thể khác so với người lớn, đặc biệt là những đứa trẻ còn rất nhỏ. Cơ thể của chúng nhỏ hơn so với đầu và chân của chúng cũng ngắn hơn, với phần đầu bàn chân nằm thấp hơn đường kẻ giữa.
Chiều cao và chiều rộng bằng nhau: Đối với đa số người lớn thì chiều cao của họ bằng với chiều rộng khi vươn hai tay ra hai bên.
Vẽ hình người: Một khi bạn quen với cấu trúc cơ bản và tỷ lệ của cơ thể người thì bạn có thể vẽ tự tin hơn, bớt phải sử dụng những đường định dạng cấu trúc hơn.
Phác họa cấu trúc: Đây là bức phác họa cơ thể người theo cấu trúc từng thành phần.
>>> Độ sáng tối trong vẽ tranh chì