Đặc và rỗng trong kiến trúc
Việc ngắm nhìn đòi hỏi người quan sát phải có một số hoạt động nhất định. Sẽ là không đủ nếu để hình ảnh tự hình thành một cách thụ động trên võng mạc mắt. Võng mạc đóng vai trò như một bức phông với hàng loạt hình ảnh liên tục xuất hiện trên đó, nhưng bộ não đứng đằng sau chỉ nhận thức được một số rất ít trong số các hình ảnh đó. Mặt khác, chỉ cần một ấn tượng hình ảnh mờ nhạt, một chi tiết bé xíu cũng là đủ để chúng ta nghĩ rằng đã nhìn thấy một vật.
Tiến trình quan sát sự vật có thể được hình dung như sau: Một người đi bộ đang cúi đầu xuống chợt nhận thấy một cái quần bò; chỉ một gợi ý đơn thuần đã đủ. Anh ta tin rằng mình đã nhìn thấy một người mặc dù thực tế cái anh ta thấy là hàng chỉ may nổi đặc trưng chạy dọc theo ống quần. Từ chi tiết rất nhỏ như vậy, anh ta đi đến kết luận là hàng chỉ may nổi đó phải thuộc về một cái quần bò, và khi chiếc quần di động tất phải có người đàn ông mặc nó. Thông thường nhận xét của anh ta dừng lại ở đó vì có quá nhiều thứ cần phải để ý đến trên một con phố đông đúc khiến không thể dành thời gian chú ý đến người đi đường bên cạnh. Nhưng vì một lý do nào đó, anh bạn của chúng ta muốn nhìn kỹ hơn người đồng hành với mình. Anh ta chú ý chi tiết hơn. Anh ta đã đúng về chiếc quần bò nhưng người mặc nó lại là một cô gái, không phải là đàn ông. Nếu không phải là người ngốc nghếch lắm thì lúc này anh ta sẽ tự hỏi: “Không hiểu cô ấy trông như thế nào?”. Anh ta sẽ bắt đầu quan sát cô gái gần hơn, bổ sung dần các chi tiế cho đến khi có tương đối đủ hình ảnh thực về cô gái. Hoạt động này của anh ta cũng có thể so sánh với hoạt động của họa sỹ. Trước hết, người họa sỹ tạo nên những phác thảo sơ bộ của đối tượng muốn vẽ, chỉ đơn thuần là một sự gợi mở; sau đó anh ta sẽ chi tiết hóa đủ để có thể trở thành một cô gái mặc quần bò; cuối cùng anh ta bổ sung càng nhiều chi tiết cho đến khi đạt được một bức chân dung đặc tả cô gái đặc biệt đó. Hoạt động của người quan sát là có tính sáng tao; trong quá trình ngắm nhìn, anh ta cố gắng tái dựng để hình thành một hình ảnh hoàn chỉnh về đối tượng quan sát.
Tất cả những ai ngắm nhìn đều có hành động tái dựng này; đó là một hoạt động cần thiết để có thể cảm nhận được đối tượng quan sát. Nhưng với cùng một đối tượng, cái mà họ nhìn thấy và cái mà họ tái dựng có thể rất khác nhau. Không hề có một ý tưởng chủ quan đúng nhất về biểu hiện của một vật thể, mà chỉ có vô vàn ấn tượng chủ quan về vật thể đó. Điều này đúng với các tác phẩm nghệ thuật cũng như bất kỳ một thứ nào khác; không thể nói rằng chỉ có duy nhất cách nhận thức này là đúng đối với một bức tranh. Cho dù nó có thể gây ấn tượng nhất định đối với con người thì ấn tượng này còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức của người xem, tình trạng tinh thần, học thức và toàn bộ môi trường xung quanh anh ta. Nó cũng phụ thuộc rất lớn vào trạng thái tình cảm của người xem tại thời điểm đó. Cùng một bức tranh có thể có ảnh hưởng rất khác nhau đối với chúng ta tại những thời điểm khác nhau. Vì vậy, luôn luôn rất thú vị khi quay trở lại với một tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta đã từng thấy trước đây để xem mình có còn phản ứng theo cùng cách thức như trước hay không.
Thông thường, sẽ dễ nhận thức một đối tượng hơn nếu biế trước một số điều về nó. Chúng ta thường dễ nhìn thấy những cái quen thuộc và không quan tâm những phần còn lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta tái dựng đối tượng quan sát thành một cái gì đó quen thuộc và có khả năng hiểu được. Việc tái dựng thường được chúng ta tiến hành dưới hình thức liên hệ bản thân với đối tượng, bằng cách tưởng tượng đặt mình vào đối tượng đó. Trong những trường hợp như vậy, hoạt động của chúng ta giống như những diễn viên cảm nhận về vai diễn của mình nhiều hơn là giống người họa sỹ tạo nên bức tranh của một đối tượng nào đó mà anh ta quan sát thấy ở bên ngoài bản thân anh ta. Khi chúng ta ngắm nhìn một bức chân dung ai đó đang cười hay mỉm cười, bản thân chúng ta cũng thấy vui lên. Mặt khác, nếu bộ mặt trong tranh ủ rũ, chúng ta cũng cảm thấy buồn. Khi xem tranh, có một điều rất đáng chú ý là mọi người có thể nhập được vào những vai có vẻ như rất xa lạ đối với họ. Một người đàn ông yếu đuối sẽ tràn ngập chủ nghĩa anh hùng và tình yêu cuộc sống khi anh ta ngắm nhìn thần Héccule thực hiện những hành động mạnh mẽ. Các nghệ sỹ và nhà sản xuất thương mại đều nhận thức được khuynh hướng này và áp dụng trong công việc của mình. Áo quần đàn ông sẽ dễ bán hơn khi được trưng bày với hình ảnh của các vận động viên thể thao. Người nhìn sẽ tự gắn bản thân họ với người mẫu đẹp trai và tin tưởng rằng mình cũng sẽ đạt được hiệu quả tương tự chỉ bằng cách đơn giản là khoác lên mình cùng bộ y phục đó. Một người phụ nữ đứng tuổi cũng sẽ không cân nhắc nhiều khi mua bộ trang phục đã thấy trong đoạn quảng cáo với một cô gái có thân hình hấp dẫn. Một em bé má hồng ngồi mê hoặc với cuốn truyện tranh thì tưởng tượng bản thân mình như Siêu nhân hay Táczăng.
Có một điều mà mọi người biết rất rõ. Những người nguyên thủy thường gán cho những vật thể vô tri vô giác một đời sống. Những con suối và những cái cây là tinh thần của tự nhiên sống trong mối liên hệ với họ. Nhưng thậm chí cả những con người văn minh cũng ít nhiều coi những vật thể đó có cuộc sống riêng của mình.
Trong kiến trúc cổ điển, chúng ta nói đến các đối tượng đỡ và được đỡ. Thực tế là nhiều người không liên hệ điều này với một cái gì cụ thể. Tuy nhiên một số người khác lại có cảm nhận về một khối nặng đè nén lên những cái cột, cũng giống như đối với con người. Điều này được minh họa một cách rất hình tượng khi các đối tượng đỡ được tạo hình với hình dáng con người, như những chiếc cột Caryatid (ND: cột mang hình người phụ nữ ở đền Erechteion trên đồi Acropolis, Athen, Hy Lạp hoặc Atlas – người khổng lồ trên vai. Cùng nhận thức ấy được thể hiện trong những thức cột Hy Lạp, với thân cột hơi phình ra để tạo ấn tượng một cơ bắp đang căng lên – điều đáng ngạc nhiên ở một chiếc cột đá cứng nhắc và vô cảm.
Cột mang hình người phụ nữ ở đền Erechteion trên đồi Acropolis, Athen, Hy Lạp hoặc Atlas
Những bộ phận khác nhau của chiếc ghế được gắn với những cái tên cũng giống như các bộ phận trên cơ thể người và động vật – chân, tay, mặt ghế, lưng. Nhiều khi chân ghế cũng được tạo hình giống như chân sư tử, vuốt đại bàng, vó ngựa v.v… Những hình thức theo hướng siêu thực như vậy đã xuất hiện theo từng thời kỳ từ thời cổ đại. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ví dụ về các hình thức “hữu cơ” nhưng không tả thực hay tượng trưng cho bất kỳ một cái gì tương tự có trong tự nhiên. Chúng đã được áp dụng trong phong cách Jegend của Đức vào khoảng đầu TK 20 và xuất hiện lại không chỉ trong các phong trào đồ đạc nội thất giai đoạn sau mà cả trong các thiết kế khác. Ví dụ như, chiếc ô tô “Jaguar” (ND: con báo) được tạo hình với ý tưởng gợi lên tốc độ và sự mạnh mẽ xuất phát từ bản thân cái tên của dòng xe này.
Thậm chí có những đồ vật không có gì liên hệ với hình thức hữu cơ mà vẫn thường được gắn với những đặc điểm của con người. Chúng ta đã thấy ví dụ chiếc ủng cưỡi ngựa và cái ô có thể ảnh hưởng đến biểu hiện tính cách của người dùng nó. Trong tiểu thuyết Dickens, những ngôi nhà với tinh thần của những chủ sở hữu. Hans Andersen, với sức mạnh của ngôn từ đã vẽ nên bức tranh trong đó những chiếc cối xay gió trở thành con người, cũng như đối với Don Quixote.
Cổng lâu đài Palazzetto Zuccari, Rome
Cái cổng nhiều khi được mô tả như đang mở rộng để đón người vào, và kiến trúc sư của lâu đài Palazzetto Zuccari đã tạo dáng cho vòm cổng thực sự là một cái miệng đang há rộng của một người khổng lồ.
Kiến trúc sư Đan Mạch Ivar Bentsen, người trong suốt cuộc đời mình luôn có một cái cách nhìn riêng rất đáng chú ý về kiến trúc, đã phát biểu tại buổi trao tặng một khối nhà mới cho trường trung học cộng đồng ở Đan Mạch: “Chúng ta thường nói các ngôi nhà nằm, nhưng một số ngôi nhà lại đứng. Các tòa tháp luôn đứng, còn ngôi nhà này thì ngồi tựa lưng vào ngọn đồi, nhìn ra hướng nam. Đi ra ngoài nhà ở bất cứ hướng nào và ngắm nhìn lại, bạn sẽ thấy ngôi trường này đang ngẩng cao đầu và nhìn xuống vùng nông thôn rộng lớn ở phía nam thành phố”.
Những sự nhân cách hóa công trình như vậy giúp cho việc cảm nhận tổng thể kiến trúc của nó một cách dễ dàng hơn thay vì chỉ ra những chi tiết kỹ thuật. Đối với Dickens, một dãy phố với những ngôi nhà là một vở kịch, nơi gặp gỡ của những tính cách gốc, mỗi ngôi nhà có một ngôn ngữ riêng của nó. Nhưng một số con phố chịu sự chi phối chủ đạo của cấu trúc hình học quá rõ ràng mà thậm chí ngay cả Dickens cũng khó có thể gắn cuộc sống cho nó. Một mô tả của ông từ Nhà nghỉ Lion ở Shrewsbury ở Anh: “Từ cửa sổ tôi có thể nhìn xuống chân đồi và nghiêng theo những ngôi nhà đen – trắng vặn xoắn nhất, tất cả có vô vàn hình dạng ngoại trừ hình thẳng”. Bất cứ ai đã từng đến một thị trấn như Shropshire với những ngôi nhà kiểu Tudor làm từ nửa thân cây quét nhựa đường sẽ nhớ ấn tượng mạnh mẽ mà những vệt màu đen trên nền trắng mang lại và sẽ hiểu được rằng, trong trường hợp này thậm chí cả Dickens cũng phải nhìn thấy các hình dạng chứ không phải những con người xa lạ.
Nhưng như vậy chúng ta sẽ cảm nhận một đoạn phố như thế nào khi chúng ta cảm nhận những ngôi nhà như những hình khối hình học? Nhà lịch sử nghệ thuật người Đức A. E. Brinckmann đã phân tích một cách rõ ràng bức tranh của một đoạn phố ở thị trấn nhỏ Nordlingen (Đức).
“Vẻ đẹp của khung cảnh quảng trường Schafflersmarkt ở Nordlingen hoàn toàn là do mối liên hệ hài hòa của các hình khối của nó. Như vậy các tỷ lệ của bức tranh hai chiều được chuyển hóa thế nào thành tỷ lệ của không gian ba chiều, với khái niệm về chiều sâu? Các cửa sổ có kích thước gần như điển hình tạo cho các ngôi nhà dường như có cùng tỷ lệ, làm các ngôi nhà ba tầng ở phía sau vượt trội hơn hẳn những ngôi nhà hai tầng ở phía trước. Các mái dốc gần như có cùng độ dốc với vật liệu hoàn toàn giống nhau. Mạng lưới vô tận của những viên ngói giúp cho mắt người nhận thức được khoảng cách, và từ đó nhận thức được cả kích thước thực của mái. Mắt người lướt qua từ mái nhỏ hơn đến mái lớn hơn cho đến khi dừng lại ở Nhà thờ Thánh George chiếm vị trí chủ đạo ở trung tâm. Không gì có thể tạo nên ảo giác của không gian tốt hơn việc lặp lại liên tục các kích thước quen thuộc với mắt người và được nhìn với chiều sâu khác nhau của phối cảnh kiến trúc và hiệu ứng của nó được củng cố thêm bởi sự thay đổi về sắc độ do tác động của không khí. Cuối cùng khi hình thể hoàn chỉnh của các ngôi nhà được cảm nhận – những ngôi nhà hai mái và bốn mái với các đường phân vị ngang – ngọn tháp nhà thờ trông vượt trội hơn hẳn về kích thước với những hình khối chồng lên nhau vươn cao lên bầu trời”.
Khung cảnh Nordlingen từ cổng vào thành nhìn về quảng trường Schafflersmarkt. Không có điểm nào cụ thể để có thể cảm nhận đường phố
Nếu vừa nhìn hình ảnh vừa đọc vừa phân tích của Brinckmann thì có thể cảm nhận chính xác như ông đã mô tả. Nhưng khi nhìn địa điểm này trên thực tế, bạn sẽ cảm nhận về nó khác hẳn. Thay vì chỉ là bức tranh của một đường phố, bạn sẽ cảm nhận toàn bộ bối cảnh và không khí của thị trấn này. Nordlingen là một thị trấn thời Trung Cổ, có tường thành bao bọc xung quanh. Sau khi bước qua cổng thành, khung cảnh đầu tiên mà ta bắt gặp sẽ đem lại cảm nhận về một thị trấn được tạo nên từ những ngôi nhà rất đặc trưng với đầu hồi mái nhọn quay ra phố, với điểm nhấn là ngôi nhà thờ cực lớn. Càng đi sâu vào trong, ấn tượng ban đầu càng được khẳng định rõ hơn. Không có chỗ nào để bạn có thể dừng lại và nói rằng đây chính là nơi có thể nhìn thấy điều đó. Câu hỏi làm thế nào để một bức tranh hai chiều có thể truyền tải tốt nhất cảm nhận về không gian ba chiều (mà Brinckmann quan tâm) không xuất hiện ở nơi này. Bản thân bạn không nằm ở trung tâm của bức tranh. Điều đó có nghĩa là, bạn không chỉ nhìn thấy ngôi nhà ở ngay trước mặt bạn mà đồng thời vẫn ý thức được sự tồn tại của các ngôi nhà xung quanh và ghi nhớ sự có mặt của chúng khi bạn đi ngang qua ngay cả khi không hề nhìn thấy chúng. Bất cứ ai khi đã xem bức ảnh về một địa điểm và sau đó thực sự đến đó đều cảm nhận thấy sự khác biệt của thực tế. Bạn cảm nhận được không khí của bối cảnh xung quanh mình và không còn phụ thuộc vào góc nhìn của bức ảnh. Bạn hít thở không khí của địa điểm, lắng nghe tiếng động, chú ý thấy những tiếng vang từ những ngôi nhà phía sau mà bạn không nhìn thấy.
Có những con phố, quảng trường và công viên được tổ chức một cách có chủ ý để được nhìn từ một điểm nhất định. Điểm đó có thể là cổng vào hoặc một mặt nền được nâng cao. Kích thước và vị trí của tất cả mọi thứ có thể nhìn thấy từ điểm nhìn đó được xác định một cách kỹ lưỡng để có thể dem lại cảm nhận tốt nhất về chiều sâu cho một bức tranh toàn cảnh hấp dẫn. Điều này rất phổ biến trong cách bố cục mặt bằng kiểu Baroque, với cách bố trí tụ về một điểm. Một ví dụ thú vị của điều này là toàn cảnh Rome nhìn từ địa điểm nổi tiếng với tên gọi “tầm nhìn qua lỗ khóa”. Trên ngọn núi Aventine, bên sông Tiber, con đường hiền hòa Via di Santa Sabina dẫn bạn đi qua những tu viện cổ và nhà thờ cổ để đến một quảng trường nhỏ được nhấn bởi những cây cột obelish (thanh gươm bằng đá có tiết diện hình vuông) và những chiếc đĩa tượng trưng cho chiến thắng làm bằng vữa gắn trên tường. Phía trên chiếc cửa màu nâu về bên phải có hình vũ khí của những Hiệp sĩ Malta. Nhưng cánh cửa bị đóng và ngăn lại. Nhìn qua lỗ cửa, bạn có thể có được tầm nhìn ra một khu vực tách biệt. Thật là một cảnh tuyệt vời. Ở tận cùng góc phối cảnh theo chiều sâu của con đường dạo rất dài, bạn sẽ thấy mái vòm của nhà thờ Thánh Peter vươn lên trời cao.
Trong trường hợp này bạn có tất cả những hiệu quả của một tầm nhìn được bố trí có chủ ý bởi bạn nhìn thấy thực tế như nhìn qua một ống kính viễn vọng, từ một điểm nhìn cố định – và không có gì gây ảnh hưởng đến sự chú ý của bạn. Tầm nhìn này chỉ có một hướng và những cái nằm phía sau người quan sát không đóng một vai trò gì cả.
Tuy nhiên, đây là trường hợp cá biệt ít gặp. Thông thường chúng ta không nhìn thấy hình ảnh của đối tượng mà thu nhận một ấn tượng về bản thân đối tượng ấy, về toàn bộ hình thể đối tượng kể cả phía mà chúng ta không thấy, cùng với toàn bộ không gian xung quanh nó. Cũng như trong ví dụ cô gái mặc quần bò, ấn tượng mà chúng ta thu nhận cũng rất chung chung – thông thường chúng ta không nhìn thấy các chi tiết. Rất hiếm có người nào sau khi “nhìn” thấy một công trình có thể mô tả các chi tiết của công trình ấy. Ví dụ, nếu có một du khách đến thăm Nordlingen và bất chợt nhìn thấy nhà thờ, anh ta sẽ ngay lập tức nhận ra đó là một nhà thờ. Chúng ta xem nhà thờ như một thể loại công trình riêng biệt, một biểu tượng có thể dễ dàng nhận thức được cũng như chữ cái trong bảng chữ cái. Nhìn chữ L, chúng ta nhận thức được nó mặc dù có thể không biết được nó ở dạng gì, kiểu chữ đậm hay vừa nghiêng vừa đậm, kiểu chữ cổ Antiqua hay viết dạng chữ gôthíc. Chỉ đơn giản là có một nét đứng kết hợp một nét ngang cho chúng ta nhận ra đó là chữ L.
Cũng tương tự như vậy, chúng ta biết rằng đã nhìn thấy một nhà thờ khi chỉ mới có cảm nhận về một cồng trình có chiều cao lớn và tháp chuông nhọn. Và nếu không thích thú để biết thêm thì chúng ta thường sẽ không quan tâm kỹ hơn. Nhưng nếu quan tâm thì chúng ta sẽ đi tiếp. Trước hết ta sẽ cố gắng xác nhận lại ấn tượng ban đầu có đúng hay chưa. Liệu đó có phải là nhà thờ? Vâng, chắc chắn là vậy; mái rất cao và rất dốc, và ở phía trước có một cái tháp giống như một hình khối liên tục. Khi chúng ta nhìn cái tháp, nó dường như đang cao lên. Chúng ta phát hiện ra là nó cao hơn phần lớn các tháp khác, điều đó có nghĩa là chúng ta phải điều chỉnh cảm nhận ban đầu. Trong quá trình nhìn ngắm chúng ta dường như đặt dần các tầng tháp hình bát giác lên trên một khối hình hộp mà trước đó ta tưởng đó là hình bát giác. Trong trí tưởng tượng của mình, chúng ta thấy cái tháp vươn lên từ một khối đế hình vuông, giống như những đoạn của một chiếc kính viễn vọng nối dài ra cho đến khi toàn bộ tiến trình tái dựng và cũng là tiến trình nhìn ngắm dừng lại ở tầng tháp trên cùng, được đánh dấu bằng một chỏm tròn. Nhưng cái tháp không kết thúc ở đó. Để hình ảnh được hoàn thiện cần có ngọn nến vươn lên từ chỏm tròn đó và bổ sung những cuốn bay và trụ chống ở các góc của ngọn tháp.
Trình tự suy nghĩ trong đầu một người khi quan sát một công trình diễn ra theo cách thứ rất giống với cách kiến trúc sư suy nghĩ khi thiết kế một công trình. Sau khi đã quyết định hình dáng sơ bộ của công trình, kiến trúc sư tiếp tục bổ sung các chi tiết lên cơ thể chính giống như những nụ hoa và những cái gai nẩy ra từ thân cây. Nếu đã được đào tạo trong lĩnh vực xây dựng, anh ta có thể biết được các bộ phấn sẽ được tạo nên bằng cách nào. Anh ta sẽ dự tính các vật liệu trong suy nghĩ của mình và tổ hợp chúng vào một cấu trúc lớn hơn. Nó mang lại cho anh ta cảm hứng khi làm việc với các vật liệu khác nhau, nhìn thấy sự thay đổi từ một khối lượng vật liệu gỗ, đá không có hình thù xác định trở thành những vật thể rõ ràng, kết quả của những nỗ lực của chính bản thân mình.
Nhà thờ Beauvais
Khoảng 45 dặm về phía Bắc Pari có một thị trấn nhỏ tên là Beauvais với một nhà thờ vĩ đại. Thực ra đó chỉ là một cánh của nhà thờ chưa bao giờ được hoàn thành nhưng kích thước của nó vĩ đại đến mức có thể nhìn thấy từ cách xa hàng dặm, vượt lên trên cả những tòa nhà cao 4 tầng trong thị trấn. Phần móng được xây năm 1247 và phần vòm cuốn hoàn thành năm 1272. Đây là một trong những công trình Gôthíc theo kiểu hướng lên thiên đường với những cây cột cao, mảnh như những hàng cây vươn lên trời xanh. Công trình xây dựng này đã chứng tỏ một sự táo bạo mạnh mẽ, tuy nhiên những vòm cuốn đã bị sập năm 1294. Nhà thờ được xây dựng lại khoảng 40 năm sau với những vòm cuốn cũng cao một cách thần kỳ như trước nhưng được đỡ bằng hệ cuốn bay từ bên ngoài. Những người xây dựng rõ ràng đã rất phấn khích trước thách thức đơn thuần về mặt kết cấu, và họ đã tạo nên một lôgíc của sự cần thiết với hệ kết cấu đỡ là những cuốn bay và cột chống được trang trí bằng các điêu khắc. Nói cách khác, những bộ phận kết cấu thuần túy đã được xem xét từ góc độ nghệ thuật, một thành phần có hình thức của một tác phẩm điêu khắc.
Kiến trúc sư có thể quan tâm quá mức đến việc tạo hình cho tất cả các bộ phận kết cấu của công trình đến nỗi quên mất một sự thật là, công trình xây dựng rốt cuộc cũng chỉ là công cụ chứ không phải là mục đích cuối cùng. Phần ngoại thất chi tiết của nhà thờ Beauvais được phát triển để tạo nên một không gian bên trong có chiều cao huyến bí – chứ không phải là để đáp ứng mong muốn tạo nên một cấu trúc nhọn sắc đâm lên trời cao. Nhưng điều đó có thể hiểu được khi kiến trúc sư cho rằng nỗ lực của anh ta là tạo hình cho các vật liệu xây dựng thông qua ngôn ngữ của kiến trúc. Theo quan niệm, vật liệu xây dựng là phương tiện truyền đạt của kiến trúc. Thay vì để trí tưởng tượng của mình làm việc với hình thức kết cấu, với phần đặc của công trình, kiến trúc sư có thể làm việc với phần không gian trống – phần rỗng – nằm giữa các khối đặc, và xem xét việc tạo hình của các không gian đó là ý nghĩa thực sự của kiến trúc.
Nếu chúng ta vẽ một chiếc bình màu đen lên nền trắng, bạn sẽ coi như toàn bộ phần đen là “hình” và tất cả phần trắng như là một cái nền nằm phía sau hình, kéo dài về cả hai bên của hình và không có hình dáng cụ thể nào cả. Nếu cố gắng cố định hình đó trong suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ nhận thấy rằng ở phần chân đế mở rộng ra cả hai phía và bên trên nó có một loạt các đường cong như vẽ ra trên nền trắng.
Nhưng nếu chúng ta coi phần trắng là hình và phần đen là nền – ví dụ như phần trắng bị thủng mở ra một khoảng nền đen chúng ta sẽ thấy một điều khác cơ bản. Lúc này không còn cảm nhận về cái bình mà thay vào đó, ta nhìn thấy đường bao của cả hai khuôn mặt. Lúc này, phần trắng như đang lấn vào nền đen và tạo nên cảm nhận về mũi, môi và cằm.
Chúng ta có thể chuyển đổi nhận thức của mình tùy theo chủ ý từ cách nhìn này sang cách nhìn khác, nhìn thấy cái bình rồi lại chuyển thành mặt người. Mỗi lần như vậy bắt buộc phải có một sự thay đổi khá cơ bản trong cách cảm nhận. Chúng ta không thể đồng thời vừa nhìn thấy cái bình lại vừa nhìn thấy các khuôn mặt.
Một điểm kỳ là chúng ta không cảm nhận hai hình theo cách bổ trợ lẫn nhau. Nếu cố gắng vẽ chúng, bạn sẽ không tự phóng to kích thước của phần mà chúng ta đang nhìn thấy là lồi lên. Thông thường những hình lồi lên thường được nhìn là hình phần lõm là nền. Điều này có thể thấy rõ với hình ở trên. Đường biên là một đường con lượn sóng do đó ta có thể nhìn hoặc phần trắng hoặc phần đen là lồi, tùy bạn chọn. Tuy nhiên đối với các hình khác, ví dụ hình có cạnh dạng vỏ sò, sẽ không có sự lẫn lộn trong cách thức như vậy.
Có hàng loạt những dạng cấu trúc cổ điển có thể xác định rất rõ ràng cho dù bạn nhìn theo cách gì đi nữa. Một ví dụ rất tốt là dạng cấu trúc đan lưới với mặt trái là sự lật ngược lại của mặt phải. Nhưng phần lớn các dạng thức hai chiều thường được làm bằng hai màu, bắt buộc người xem phải nhìn một màu là hình còn màu kia là nền.
Đền thờ trong hang ở Carli, Ấn Độ
Đền thờ dược đục ra trong núi đá. Trên: Nội thất của đền thờ. Bên dưới: Mặt bằng, mặt cắt
Ở Carli, Ấn Độ có một loạt nhà thờ trong hang. Chúng được tạo nên theo phương thức bằng cách loại bỏ vật liệu – tức là tạo hình cho phần rỗng. Chúng ta cảm nhận phần rỗng trong khi phần khối tích đá đóngv ai trò như một phông nền trung tính, được giữ không can thiệp. Tuy nhiên, vấn đề ở đây phức tạp hơn câu chuyện hình ảnh hai chiều. Khi đứng trong đền, bạn không chỉ cảm nhận không gian trống – đền thờ với ba gian đượ đục ra trong đá – mà còn cảm nhận cả hàng cột chạy hai bên ngăn chia các gian, cũng là một phần của núi đá còn lại mà không bị đục đi.
Có thể tổ chức mặt bằng một công trình kiến trúc như là một bố cục thuần túy của những phần rỗng, nhưng để thực hiện điều ấy những bức tường sẽ tất yếu phải có độ lồi nhất định và sẽ tác động đến người xem cũng giống như hàng cột trong những ngôi đền ở Carli. Mặc dù ban đầu chúng ta cảm nhận những ngôi đền ấy như những bố cục của phần rỗng kiến trúc, cuối cùng chúng ta lại cảm nhận thực thể của những chiếc cột đá. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Khi thấy một ngôi nhà đang xây dựng, bạn nghĩ nó như một bộ khung xương, một cấu trúc với hàng loạt những cái rui nằm trơ trụi trong không khí. Nhưng nếu bạn quay lại ngôi nhà khi đã hoàn thành và bước vào bên trong, bạn sẽ cảm nhận nó theo một cách khác hẳn. Bộ khung xương bằng gỗ sẽ hoàn toàn bị xóa sạch trong tâm trí bạn. Bạn không còn nghĩ những bức tường như những thành phần kết cấu mà chỉ thấy những mặt phẳng giới hạn và bao che khối tích của căn phòng. Nói một cách khác, bạn đã chuyển từ sự cảm nhận của khối đặc với vai trò là yếu tố chủ đạo sang một cảm nhận không gian thuần túy. Mặc dù kiến trúc sư có thể quan niệm công trình của mình theo cách cấu trúc kết cấu, họ không bao giờ đánh mất mục tiêu cuối cùng – căn phòng mà anh ta mong muốn tạo dựng.
>>> Bài tập - Dựng hình các khối đặc và rỗng
>>> Cấu trúc của khối đặc và khối rỗng
>>> Cách vẽ bình thủy tinh dày, đặc