Sự biến đổi mang tính sáng tạo
1. Tưởng tượng và trật tự:
Hình 8-1. Xương sọ voi
Hình 8-2. Henri Moore. Khảo họa cấu trúc bên trong của xương sọ voi, 1970. Khắc đồng
Hình 8-2 là một hình vẽ trong đó, theo lời của chính họa sỹ, ông đang tìm tòi “cấu trúc bên trong của chiếc hộp sọ”. Đó là một lối vẽ phân tích,l một cách tiếp cận của “nhà phẫu thuật” để làm sáng tỏ các khía cạnh sinh lý học một cách gọn gàng và chính xác, trong đó nó làm giảm bớt sự phức tạp ba chiều của hộp sọ thành một lối vẽ nét có trật tự bao gồm các bộ phận khóa chặt vào nhau. Với một nghệ sỹ như Henry Moore, nhu cầu nắm bắt bản chất cấu trúc của một vật thể luôn được coi trọng hàng đầu. Một khi nắm vững được những vấn đề thiết yếu như thế, những nguyên lý của trật tự nằm bên dưới những vẻ ngoại hiện của bề mặt sẽ cho phép nghệ sỹ vẽ ra với sự tự tin, và truyền một độ tin cậy về mặt thể chất cho bất cứ một sự biến đổi nào xa hơn nữa của trí tưởng tượng, là cái mà hình ảnh này tìm cách biểu hiện ra.
Hình 8-3. Henri Moore. Đá, các vòm và hốc, 1970. Khắc đồng
Khi chuyển sang H.8-3, ta nhận thấy sự tìm tòi cấu trúc này mang lại lợi ích trong cách vẽ đầy đủ hình khối, nơi mà mảng khối và các khối rỗng có độ nặng và phẩm chất ba chiều ấn tượng. Một chi tiết trong hình thể xương cốt bên trong hộp sọ đã truyền cảm hứng cho lối bố cục này – cái chi tiết mà xét về mọi phương diện, trở thành “khuếch trương”, là kết quả của cách xử lý bố cục và tạo hình đầy uy lực. Nghệ sĩ giải thích rằng hình vẽ này là từ “những khối đá, vòm cuốn hay hang hốc” ông tìm thấy trong chiếc hộp sọ mà ra, vì vậy trở thành những kết hợp hình dạng giàu tưởng tượng mà chúng ta đã thảo luận trước đây. Song đó không phải là lý do để xem xét bức vẽ này tại đây. Mà đúng hơn, muốn lưu ý rằng rằng tất cả các bộ phận của bức vẽ này đã được sắp xếp theo trật tự suốt từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, sao cho đạt được một sự phân bố hài hòa và lan tỏa đều khắp các hình dạng hình – nền. Sự sắp xếp trật tự theo cách đó – một loại cân bằng động (chứ không phải tình trạng đều đều buồn tẻ và đơn điệu) là điều mà Polycleitus từng đề cập - đã được hoàn tất. Để tạo ra một kết quả như vậy, nghệ sỹ phải cân nhắc kỹ từng chuyển động, để không có yếu tố nào bị đặt nhầm chỗ đến mức có thể phá vỡ “tính đúng đắn” thị giác hoặc sự hợp lý trong cách trình bày tạo hình, làm cho hình thức tổng thể trở nên mạch lạc và dễ hiểu – là cái hình thức làm thỏa mãn sự đánh giá bằng trí tuệ và cảm xúc của chúng ta về trật tự theo quy luật tự nhiên.
Tuy nhiên, cho dù ta có thể nhận thấy các phẩm chất trật tự thuộc bố cục ở H8.2 và H8.3- sự tìm tòi cấu trúc trong trường hợp thứ nhất (H8.2) và sự dựng hình cân xứng, rõ ràng và tao nhã gồm những hình thể nhịp nhàng mà cân đối trong trường hợp thứ hai (H8.3) – song vẫn có một chút hồ nghi rằng H8.3 cũng là một sự biểu hiện mạnh mẽ cảm xúc, và do vậy kích thích tư duy liên quan đến những ý nghĩa cùng những liên tưởng còn ẩn tàng (vai trò của biểu tượng). Đây cũng là một vấn đề chúng ta thường gặp phải trong khi cố gắng phân tích một tác phẩm nghệ thuật rồi gán những nhãn mác riêng cho nó. Những phân biệt mà chúng ta đang xem xét tại đây, về cơ bản là rất hữu ích để lưu ý tới những phẩm chất nổi trội, là những nhân tố đang được lựa chọn ra dành cho những mục đích giảng dạy.
2. Tưởng tượng và biểu cảm:
Hình 8-4. Henri Moore. Phác họa xương sọ voi, 1970. Khắc đồng
Hình 8-4 miêu tả toàn bộ chiếc hộp sọ voi. Hãy lưu ý cách xử lý bằng nét ở đây không được kiểm soát chặt chẽ như những hình vẽ trước; mối quan tâm tới sự sáng sủa về cấu trúc, tới cách tạo khối vững chắc cho các bộ phận và giảm thiểu chi tiết sao cho tao nhã, rõ ràng không đạt mức độ như đã thấy ở H8-3. Ở hình vẽ này, nghệ sỹ dường như bớt đi phần nào tính mục đích. Hình ảnh cũng vậy – nếu không nói là phần lớn – là kết quả của sự hứng thú với chiếc hộp sọ của Moore hơn là bởi sự lôi cuốn có suy tư dẫn tới việc phân tích và áp đặt trật tự. Đường nét được khắc trên tấm đồng một cách mau lẹ, bằng sự “tấn công” trong tình trạng cấp bách, có thể nói là “điên cuồng” của mũi kim khắc, do đó, truyền đạt được sức mạnh trong những cảm xúc của nhà điêu khắc. Khi sức sống của cảm xúc được truyền đi theo cách này thì có thể nói rằng ta đang đứng trước một tác phẩm biểu cảm hơn là một tác phẩm được thực hiện có trật tự. Moore lúc nào cũng tìm cách cân bằng hai trạng thái ấy; dù có vô số dịp hoặc tính biểu cảm hoặc tính trật tự nổi trội hơn; song vẫn hiếm khi một trong hai trạng thái này chiếm thế áp đảo đến như thế. Vì sức mạnh cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng bằng trí tưởng tượng của nghệ sỹ, sự sáng sủa và tao nhã của hình thể chắc chắn phải nhường chỗ cho một cách xử lý tự do và phóng túng hơn.
3. Tưởng tượng và Biểu tượng:
Hình 8-5. Henri Moore. Nhà tù tưởng tượng, 1970. Khắc đồng
Hình 8-6. Giovanni Battista Piranesi. Tòa nhà có vòm cuốn với … cửa sổ có chấn song ở trung tâm.
Khắc kim loại. Carceri: Plate 3
Nếu nghĩ rằng trật tự và biểu cảm sẽ định rõ đặc điểm cho những hình ảnh được hình thành nên từ tư duy và cảm xúc của đời sống tinh thần, vậy thì ta có thể nói gì về bức vẽ ở H.8-5? Một lần nữa Moore lại tập trung vào một bộ phận của chiếc hộp sọ khổng lồ - một chi tiết lôi cuốn sự chú ý và thu hút mối quan tâm của ông. Rồi thêm một lần nữa, ta nhận thấy những hình thể xương sọ độc đáo được trình bày một cách chính xác và tao nhã: những hình khối có mảng lớn, thuần hình trụ và cầu. Ngoài ra, cách bố cục tổng thể cho thấy sự đặt kề bên nhau – hình sát vào hình, lực dựa vào lực – vững vàng và rất ổn định. Nói cách khác, đó chính là sự chú tâm tới trật tự và hoàn thiện lại đang phát huy tác dụng.
Với bức vẽ đã hoàn thành, nghệ sỹ hình như nhận thấy hình thể ông vẽ xong đó làm ông nhớ tới những bức vẽ của Piranesi – những hình ảnh huyễn hoặc về những nhà tù hãi hùng, vô nhân đạo, những nơi mà sự đồ sộ đến mức khó tin của chúng đã định dạng cho ý tưởng về sự cầm tù, chẳng khác nào minh họa cho một nhà tù thực sự. Bức tranh khắc axit Tòa nhà có vòm cuốn của Piranesi (H8.6) bộc lộ cái ý nghĩa mà Moore ám chỉ. Hình dạng và cách sắp xếp, với những đặc điểm kiến trúc của Piranesi cùng những vùng không gian mà chúng tạo nên, đã cấu thành một hình ảnh khơi gợi sự so sánh với kiểu “kiến trúc” hộp sọ voi của H8.5. Kể cả không có lấy một bóng dáng con người, những khối cột và gọng to kềnh của xương voi với những hang ốc như mê cung của chúng đã dẫn đến một quy mô đồ sộ giống như của Piranesi cùng với ý thức về sự quây kín xâm hại tới phẩm giá và tự do của con người.
Vậy thì câu hỏi ở đây là: phải chăng Henry Moore nhớ đến Piranesi là do sự xuất hiện cụ thể của bức tranh ông vẽ đã gợi lại trong ký ức ông vẻ ngoại hiện cụ thể của một hình ảnh tưởng tượng do Piranesi vẽ về chốn tù đày? Hoặc, có phải vì ở H8.5 ông đã tạo ra một sự cảm nhận về quy mô cùng sự quây kín, gây nên những ý nghĩa xoay quanh tình trạng tù đày nói chung – đó là sự hăm dọa, sự phi nhân tính, mất tự do và vân vân – nên đã là nguyên nhân gây ra sự liên tưởng tới các bức vẽ của họa sỹ người Ý? Thật khó mà nói trong hai khả năng, khả năng nào gánh trách nhiệm lớn hơn trong việc gây ra sự liên tưởng này. Song câu hỏi phải được nêu ra bởi vì có như vậy, mới tìm được lời giải thích hợp lý hơn về việc làm thế nào mà một tác phẩm nghệ thuật lại thực hiện được chức năng mang tính chất biểu tượng. Nếu phản ứng của Moore đối với cách trình bày tạo hình của riêng ông vượt xa nhận thức về hình hài cụ thể trong thực tế của nó, rồi gợi lên những ý tưởng gắn liền với những hàm ý cơ bản, đầy ý nghĩa của chủ đề, vậy thì hình ảnh – hay các bộ phận của hình ảnh – đang thực hiện chức năng là biểu tượng. Nói cách khác, một khi phản ứng của chúng ta đối với một tác phẩm đưa chúng ta đi xa hơn sự liên kết hình dạng, vươn tới sự liên tưởng trong ý nghĩ, qua đó chúng ta biết chắc là có một điều gì chứa đựng trong tác phẩm mà ta đang quan sát, đáp ứng với tư cách là một sự tương đồng, thị giác phù hợp với một ý tưởng – chưa hẳn là có ý thức – đang có trong đầu.
Theo cách đó, những mảng xương trong H.8-5 không còn là xương cốt nữa, mà trong suy nghĩ của chúng ta chúng đã trở thành các biểu tượng hàm nghĩa về sự giam cầm. Trong trường hợp này, sự biến đổi giàu tưởng tượng của chiếc sọ voi nguyên gốc đã làm cho cả phần xương cốt lẫn khoảng rỗng trong hộp sọ đạt tới một sức mạnh mang tính biểu tượng. Ngoài ra, cũng chính nghệ sỹ là người phát hiện được điều gì đã xảy ra chỉ sau khi ông hoàn thành bản khắc.
Hình 8-7. Livio Orazio Valentini. In lưới, 1971
Phản ứng chủ yếu của bạn đối với bức tranh của Valentini là như thế nào? Cách trình bày chắc chắn là được sắp xếp có trật tự: các nhịp điệu cân xứng và nhịp nhàng, những bộ phận của nó thì được xác định rõ ràng và ổn định, vì vậy đáp ứng thỏa đáng các tiêu chí về trật tự. Ngoài ra, cảm xúc cũng được khơi lên đối với con chim trong tình trạng bị trói; những phẩm chất diễn cảm đã được truyền cho con vật ở phần cánh và cổ bị câu lên một cách nhẫn tâm và ở cách xử lý tạo hình sinh động hơn chính là những điều không thể bỏ qua. Vậy, còn có thêm một điều gì nữa? Nếu bạn tự hỏi không biết Valentini đang muốn nói tới điều gì – tại sao con chim lại bị trói trong một chiếc khung tròn? Có phải dây buộc là những dải gạc băng bó? Nó chết chưa hay đang bị thương? Phải chăng con chim sống bên dưới sắp sửa thoát khỏi vỏ trứng, cuối cùng chỉ để kết thúc giống như con vật bị giam cầm ở bên trên, dở sống dở chết? – trong trường hợp đó, bức vẽ đang có tác động tới bạn như một biểu tượng. Bạn có lẽ đã có lý khi tự nhủ: “khi nào thì một con chim không còn là chim?” và cũng đúng trong câu trả lời: “khi mà nó biểu tượng cho cái ý niệm về tinh thần của cuộc sống mất tự chủ, quyền tự do tung bay bị chế ngự trong một một nhà tù hình tròn thuộc những giới hạn của chính bản thân thiên nhiên hay bẫy rập của con người…” Ấy là đối thoại riêng của tôi trong tâm trí khi đối diện với bức In lưới; còn bạn có thể đang có những suy nghĩ khác. Điểm quan trọng là bản thân hình ảnh đã gây ra sự suy đoán như vậy; chúng ta sẽ gặp khó khăn để tìm ra cái ý nghĩa trong hình tượng con chim chủ đạo khi mà con chim – với bối cảnh quanh nó – nói lên điều gì đó vượt cao hơn cái hình hài cụ thể ở bản thân chúng.
>>> Bài tập - Dựng hình các khối đặc và rỗng
>>> Tạo hình và hình thể khung xương
>>> Các dạng hình thể không gian (Phần 1)