Họa tiết trang trí trong nghệ thuật nề đắp nổi
Dưới thời Nguyễn (1842-1945), do nhu cầu xây dựng và trang trí kiến trúc cung đình, những người thợ nề giỏi khắp nước, trong đó chủ yếu là thợ từ Quảng Nam, Thanh Hóa, Quảng Ngãi được trưng tập về kinh đô Phú Xuân làm việc. Họ thuộc Bộ Công quản lý, tổ chức và điều hành trong Nê ngõa tượng cục (Nê: bôi, trát dùng để chỉ nghề thợ nề. Ngõa: ngói. Tượng cục: đơn vị quản lý thợ lành nghề trong các công tượng thời Nguyễn). Sau khi công tượng được giải tán phần lớn trong số này trở về quê quán, số còn lại lập làng nghề nên ngõa ở Huế, nay vẫn còn Nê ngõa tượng đường nơi thờ vị tổ sư ngành nê ngõa và làm ngói, hàng năm đến ngày 24 tháng 11 Âm Lịch các môn phái thợ nề ở Huế tụ về làng để làm lễ giỗ tổ.
1. Sơ lược về vữa nề cổ:
Trong nghệ thuật nề đắp nổi trang trí, vữa nề có một vai trò hết sức quan trọng đối với việc tạo ra hình thể trang trí trên công trình kiến trúc thời Nguyễn. Vữa là một trong những vật liệu chính tạo nên khối thể cũng như để hoàn thiện các chi tiết hoa văn, họa tiết. Theo nhiều nguồn tư liệu và kiểm chứng qua phục hồi thực nghiệm chất liệu vữa nề thì nguyên liệu dùng cho vữa cổ bao gồm chủ yếu là vôi, sò, cát, mật mía, nhựa cây, giấy bản hoặc bột rơm… Tùy theo mục đích sử dụng, vữa nề được chia ra làm các loại: vữa xây, vữa tô trát, vữa lợp mái, trong đó vữa tô trát ở những thành phần có trang trí nề họa lại có những yêu cầu về chất phụ gia riêng khá phức tạp. Những tư liệu cổ còn cho thấy tầm quan trọng cũng như cách thức sử dụng vữa đắp chặt chẽ của các nghệ nhân đối với loại chất liệu này. Trong Khâm Định Đại Nam Hội điển, sự lệ, Phần Công chính cũng ghi rõ: “Trộn vữa hồ cứ 100 cân cần 5 cân mật, trộn vữa cỏ rơm cứ 100 cân cần 4 cân mật; trộn vữa giấy đen cứ 100 cân cần 2 cân mật, …”.
Chất kết dính chủ yếu trong vữa cổ là vôi với mật mía, một số nhựa cây có vai trò như một phụ gia kết tụ, đóng rắn. Sau khi trộn, mật mía sẽ kết hợp với vôi và khí cacbonic trong không khí tạo ra một loại chất kết dính cho vữa. Phân tích cho thấy hàm lượng mật trong vữa nằm trong khoảng 1-7% so với hàm lượng vôi. Nhựa cây được xem như thành phần làm tăng độ dẻo, độ dính kết của vữa. Nhựa thường được lấy từ các loại cây như bời lời, tơ hồng, ô dước,… Cụ Cửu Lập, nghệ nhân được phong phẩm hàm Cửu phẩm vào năm 1935 cho biết còn có thể sử dụng nhựa cây hoa râm bụt trộn vào vữa nề dùng trong đặc tả các chi tiết văn hoa và khảm sành sứ trang trí. Trước khi cho vào vữa, nhựa cây thường được ngâm để lọc ra phần dung dịch nhựa, còn phần bã bị loại bỏ. Tỷ lệ sử dụng nhựa cây tuy chưa được tìm thấy trong các tài liệu cổ sử, nhưng chắc chắn chúng chỉ chiếm hàm lượng nhỏ so với lượng vôi sử dụng. Ngoài ra, có khi trộn một bao vôi, người ta cho thêm cây ô dước, được nghiền thành bột, với hàm lượng từ 0.5 – 2% so với hàm lượng vôi nhằm tăng cường độ kết dính và hạn chế nứt nẻ.
Qua quá trình khảo sát và thử nghiệm ở các phường thợ, các nhà nghiên cứu khẳng định có thể tái tạo được vật liệu vữa cổ và vừa chất kết dính nề theo phương pháp truyền thống từ những nguyên liệu đã được xác định là cát, vôi, mật mía, giấy bản, bột rơm và nhựa cây. Các nguyên liệu này sử dụng phù hợp, có độ bền của loại vữa nề nhẹ, không khó tô trát, tạo hình và không gây ra các ảnh hưởng phụ, tiêu cực. Thực tế là nghệ nhân xưa cũng có thể sử dụng các nguyên liệu khác pha trộn đối với vữa tô trát để chống nứt, tăng bám dính và hẳn nhiên điều này có ý nghĩa trực tiếp đối với việc làm trang trí nề và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sửa chữa các công trình cổ. Một trong những đặc trưng của các công trình cổ là các họa tiết hoa văn nề trang trí, những chi tiết làm nổi bật đường nét công trình. Nhưng hiện nay khá nhiều các họa tiết nề tinh xảo có giá trị thẩm mỹ, giá trị tạo hình cao đã bị hỏng nhiều. Những con rồng, lân, phụng được người Pháp chụp những năm 20 – 30 rất rõ ràng, chi tiết thì nay không những bị rêu phong bao phủ mà còn bị mất đuôi, lở vây, gẫy cánh. Để phục chế các cbhi tiết trang trí này chỉ có thể dùng loại vữa phục cổ, bởi chúng sẽ làm cho các họa tiết gắn kết nhuyễn với nền cổ và giống với nguyên bản, đồng thời lại dễ thi công, phù hợp với thời tiết khí hậu ở Huế.
2. Một số đề tại – Họa tiết trang trí tiêu biểu trong nghệ thuật nề đắp nổi thời Nguyễn:
Nghệ thuật trang trí nề đắp nổi là một kỹ thuật – chất liệu trong nhiều chất liệu làm nền những giá trị của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn. Do gắn liền với thẩm mỹ và yêu cầu trang trí cung đình, đề tài trong nghệ thuật nề luôn tuân thủ những nguyên tắc chung của các bộ đề tài, trang trí với hàng ngàn họa tiết trang trí khác nhau.
a. Đề tài – Họa tiết rồng: Ở chất liệu nề có thể nói kiểu thức lưỡng long mang tính phổ biến hơn cả và chiếm vị trí chủ đạo trong trang trí cung đình triều Nguyễn. Thông thường kiểu thức lưỡng long xuất hiện ở những công trình quan trọng, chúng ngự trị giữa các đỉnh mái, tạo nên sự uy nghi cho kiến trúc. Các nghệ nhân luôn dành sự tập trung cao độ cho hình tượng con rồng, bởi vì rồng là điểm hội tụ của nhiều ý nghĩa về vũ trụ và nhân sinh, là biểu tượng quyền uy của nhà vua và sức mạnh của triều đại. Con rồng thời Nguyễn được các nghệ nhân tập trung diễn tả sâu sắc với những ý nghĩa tượng trưng uy quyền trên nền tảng triết lý Nho giáo. Đồng thời với tính tam giáo pha trộn, con rồng còn là sự thể hiện tính uy nghiêm, cái huyền diệu của đạo, của khí, tinh tế biểu hiện được đặc trưng của hình tượng. Rồng thời Nguyễn có sự kết hợp, kế thừa các kiểu thức, cấu trúc nhịp thể của các con rồng thời trước nhưng rất chú trọng tính biểu tả bên cạnh sự cách điệu, ước lệ từ đơn giản đến phức tạp, hoa mỹ hóa, biến thể hóa. Có thể thấy điều này qua hình tượng rồng trong các hình nề đắp nổi công phu, chi tiết, đạt tính biểu cảm chất liệu ở các kiểu thức lưỡng long chầu nguyệt (mặt trời, bầu rượu, viên ngọc), hay long hồi ở cổ diêm điện Sùng Ân, Thái Miếu. Những hình tượng rồng ở tam quan Thế Miếu, cổng bửu thành lăng Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương, cung An Định và những nhịp điệu rồng cách điệu hoa văn mây hóa ở tam quan Cung Diên Thọ, Thái Bình lâu, cổng lăng Từ Cung. Chất liệu trang trí nề đắp nổi cũng rất phù hợp với diễn tả các kiểu thức mặt rồng nhìn ngang, đó là kiểu rồng mặt hổ phù với góc nhìn chính diện đăng đối. Nhiều kiểu thức mặt rồng được diễn tả nề kết hợp với sứ màu làm nổi bật cả một đầu hồi cung điện, có khi còn kết hợp với hoa lá, lá lật và cụm hoa văn kỷ hà, vì vậy các mặt rồng càng gây được ấn tượng thị giác sâu sắc. Tiêu biểu là mặt hổ phù, rồng theo kiểu thức Long ẩn vân bằng nề đắp nổi ở điện Ngưng Hy. Ở điện Thái Hòa, công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của Đại Nội, nơi vua thiết triều, làm lễ đăng quang và tiếp các sứ thần có nhiều trang trí nề đắp nổi ở các ô hộc trên dải cổ diêm nhưng vừa phải, cẩn trọng và chặt chẽ về mặt nội dung đề tài. Rõ ràng sự đầu tư cẩn trọng cho trang trí nề đắp nổi ở điện Thái Hòa là một yêu cầu trọng tâm được nêu ra và đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ cho toàn thể các tiết diện trang trí. Đề tài trong trang trí nề đắp nổi cung đình thời Nguyễn cũng như các chất liệu khác phải chuyển tải tinh thần và nội dung Nho giáo. Nhưng các nghệ nhân nề tài hoa trong nê ngõa tượng cục đã Việt hóa những đề tài và kiểu thức trang trí một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo và đầy ý thức tự chủ vì vậy họ đã tạo ra những sự chuyển dịch đề tài mang đậm cốt cách tâm hồn dân tộc làm cho mỗi hình tượng sống động và gần gũi đầy biểu cảm qua nghệ thuật trang trí nề đắp nổi, từ đó sự cảm nhận đề tài trở nên đa dạng, phong phú và sinh động hơn.
b. Đề tài - Họa tiết lân: Là linh thú thứ hai trong bộ đề tài tứ linh, lân cũng là một hình thú được hình thành từ tư duy liên tưởng từ các truyền thuyết, điển tích phương Đông về một linh thú có bốn chân hàm chứa nhiều biểu tượng rút ra từ những con thú nuôi, người dân thường coi hình tượng lân là biểu tượng của triều đại thái bình. Nhà Nguyễn đề cao ý thức biểu hiện theo tinh thần Nho giáo vì vậy con lân là hình ảnh của một triều đại vững bền, thái bình, ngoài ra, lân xuất hiện giữa mây ngũ sắc còn ẩn ý về triều đại có đức vua anh mình và biểu thị cho lòng trung quân... Lân xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các công trình dành cho vua đến các điện, cung, phủ chúa đều có thể tìm thấy con lân đang đứng trước cổng đền đài, lăng tẩm, cũng điện hay các góc, án thờ dày đặc nghệ thuật nề ở ngoại thất lăng Khải Định. So với hình tượng rồng, phụng, rùa, con lân trong trang trí nề đắp nổi trông khá hiền lành, như các hình tượng lân trang trí nề đắp nổi tại bình phòng lăng Dục Đức và Đồng Khánh mang tính thanh nhã hơn cả vì kỹ thuật nề đã tạo cho kiến trúc một quần thể tác phẩm tượng tròn hay phù điêu đặc sắc. Một kiểu thức biến thể của con lân phổ biến và điển hình trong chất liệu trang trí nề đắp nổi là kiểu thức long mã, chúng có mặt trong các bình phong nghệ thuật nề họa và khảm sứ tinh xảo ở lăng lệ Thiên Anh, cung Trường Sanh, cung An Định... nhiều khi còn kết hợp với cụm trang trí khác để tạo ra một tổng thể nghệ thuật trang trí nề đắp nổi đầy đủ. Trong trang trí ở những mảng nhiều chi tiết rất dễ dẫn đến sự vụn nát của hình, vì vậy, các nghệ nhân rất quan tâm đến sự thay đổi của tiết điện của từng khối phù điêu của chúng, từ đó nhấn mạnh được nội dung chính của mỗi tác phẩm. Trong các hình tượng lân bằng chất liệu nề đắp nổi, thì hình tượng có tính chất tạo hình cao, trau chau truốt đáng chú ý trước hết là con lân ở cổng lăng Đồng Khánh Chúng được nghệ thuật hóa bằng nề đắp nổi đặt ẩn khuất trong các cụm trang trí khác, vì vậy tạo ra cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, làm cho khối thể như bay bổng, trữ tình và thi vị hơn. Trong các hình tượng lân bằng nề phải được xử lý khéo léo, chính xác từng xoắn ốc, vây, mắt... thì mới đạt được một hình ảnh trọn vẹn về lân, bởi hình tượng lân như một con thú nhỏ, vừa thực vừa hư ảo.
Tam sư hý cầu trang trí tại lăng Cơ Thánh
Trong cấu trúc kiến trúc bậc thềm, ngách cửa, cổng, hình tượng lân đã "mặc định" về tỷ lệ hình khối, vì vậy không thể kéo dài hơn và cũng không thể thu ngắn quá mức cho phép, vì tiết diện, không gian kiến trúc không thể đáp ứng được, trong những trường hợp như vậy các cụm hoa lá, mây quả cầu...trở thành những họa tiết quý giá để gắn kết hình tượng lân thêm chặt chẽ trong một bố cục và làm tăng tính hài hòa thẩm mỹ giữa hình tượng với khối kiến trúc. Các nghệ nhân nề cũng rất chú ý đến khối thể không gian của hình tượng lân, vì vậy kích cỡ của các con lân trước cổng tam quan, bình phong, gờ mái... rất khác nhau dẫn đến kỹ thuật chất liệu, sự phối hợp đề tài cũng khác nhau. Điều này thể hiện quá rõ qua hình tượng hoa mẫu đơn hóa lân trang trí nề đắp nổi ở bình phong lăng Thánh Cung, lăng Từ Cung và lăng Thoại Thánh.
c. Đề tài - Họa tiết rùa: Hình tượng con rùa xuất hiện khá nhiều trong chất liệu nề đắp nổi trong bộ tứ linh, rùa là linh thú duy nhất hội đủ các yếu tố hiện thực, vì rùa là một con vật có thật và được linh hóa, theo quan niệm phương Đông, rùa là biểu tượng của sự bền vững, trường thọ, lòng nhẫn nại của người quân tử. Hình tượng rùa có mặt ở hầu hết mọi công trình kiến trúc, có khi rùa đội bia như ở các chùa, đình, miếu, đội bát quái với những sự diễn tả nề tinh xảo ở các bình phong, trụ cổng, rùa ngậm bọt biển, hoa, sóng biển bằng nề ở các nách mái, các ô hộc, rùa chở hòm sách hộp cổ... ở các ô hộc ở Hưng miếu - Thế miếu. Hình tượng tứ linh đắp nổi nề, có nhiều hình tượng rùa mang một vẻ đẹp bình dị, gần gũi bởi tính hiện thực của chúng và được diễn tả bằng tình cảm thân quên, yêu quý từ sự cảm nhận sâu sắc của các nghệ nhân, vì vậy mỗi nét diễn đạt qua chất liệu trang trí nề đắp nổi đã đem lại sự sống động, linh hoạt, vừa dân đã vừa hàm chứa những ý nghĩa cao xa, lắng đọng của tinh thần tâm linh Nho giáo. Hình tượng sen hóa rùa khá phổ biến trên các ô hộc tam quan cung Trường Sanh, Thế Miếu... Cách nhìn về kỹ thuật mô tả nghệ thuật nề đắp nổi cũng được mở rộng ra nhiều chiều. Sự tinh xảo, cô đọng và chính xác của từng chi tiết làm cho hình tượng rùa thêm linh thiêng. Điều đó càng rõ nét hơn khi đi vào đời sống thẩm mỹ cung đình, hình tượng rùa cũng được nâng lên bởi những hình thức có phần lý tưởng. Nhưng độc đáo là ở chỗ sự nâng cao hình tượng không đối lập với tính biểu hiện còn sâu đậm cội nguồn dân gian của chúng. Mô típ sống động nhất là kiểu thức rùa sen, còn gọi là kiểu thức hóa (sen hóa rùa) với những lá sen rũ xuống tạo thành mai rùa và đầu rùa từ trong vươn ra được đắp mềm mại với những đường cong làm viền đã làm cho hình tượng đạt đến độ chân xác, khúc chiết và đầy biểu cảm. Như vậy so với chất liệu khác thì hình tượng rùa bằng nề có độ phóng khoáng, linh hoạt hơn, đặc biệt là từ kết cấu đặc trưng của chất liệu các hình tượng rùa có độ căng đầy mạnh mẽ, ẩn chứa những sức mạnh nội tại của chúng. Tự thân mô típ sen hóa rùa đã mang một ý nghĩa giao hòa giữa thẩm mỹ dân gian và cung đình, điều đó càng thể hiện rõ nét hơn qua chất liệu nề. Tuy nhiên ta thấy điều này không mang tính phổ biến mà chúng chỉ tồn tại trong một vài giai đoạn, một vài khu vực và trong những hoàn cảnh trang trí đặc biệt trên các cổng tam quan và cổ diêm. Cũng chỉ ở những mặt phẳng tạo hình phù hợp, hình tượng sen hóa rùa mới được phô diễn bằng nề rõ nét và sống động. Hình tượng rùa qua chất liệu trang trí nề đắp nổi còn phản ánh một thực tế của tư tưởng nghệ thuật thời Nguyễn trong một chừng mực nhất định, hệ thống tư tưởng Nho giáo chính thống vẫn chấp nhận một giới hạn của tinh thần Phật giáo. Hình tượng rùa ngậm hoa sen, sen hóa rùa là một minh chứng cho sự tiếp nhận và "cung đình hóa" các yếu tố Phật giáo trong hệ thống mỹ cảm tạo hình Nho giáo mà hình tượng rùa bằng nề đắp nổi ở lăng Đồng Khánh là một ví dụ sinh động.
d. Đề tài - Họa tiết phụng: Sau hình tượng rồng, lân, rùa thì chim phụng là hình ảnh quan trọng trong trang trí các cung điện, lăng tẩm dành cho các bà hoàng và các công trình khác. Theo điển tích, chim phụng là hình ảnh tượng trưng cho sắc đẹp và đức hạnh của người phụ nữ, vì vậy chim phụng trở thành linh thú giữ vị trí chủ đạo trong trang trí nghệ thuật nề ở cung Trường Sanh (nơi ở của Thái Hoàng Thái Hậu), cung Diên Thọ (nơi ở của Hoàng Thái Hậu), cung An Định, lăng bà Lê Thiên Anh, điện Hòn Chén và một vài nơi khác như bình phong khu vực Thái Miếu (nơi thờ các chúa Nguyễn), Thái Bình Lâu (nơi đọc sách của nhà vua)... Hình tượng phụng ở các công trình dành cho các bà hoàng luôn được đặt ở vị trí trung tâm và trang trí trên các đỉnh mái, với những trang trí nề đắp nổi được chọn lọc kỹ càng về tiết điệu, cường độ phản chiếu ánh sáng. Kiểu thức đề tài chim phụng phong phú không kém kiểu thức rồng, có những kiểu thức mang tính biến thể độc đáo như đôi phụng bố cục trong hình tròn chuyển động xoay vòng (lưỡng phụng), nghệ thuật nề thường được dùng để trang trí mặt ngoài các cột giả hay khá phổ biến trên các gờ mái.
Chim phụng tại lăng Từ Cung
Tại điện Hòn Chén và lăng Vạn Vạn kiểu thức Phụng hàm thơ được diễn tả khá tinh tế bằng chất liệu nề kết hợp với khảm sứ màu, phần lớn tiết điệu đường nét đều ở thể cong uốn lượn, làm cho hình tượng phụng mềm mại, uyển chuyển. Ngoài ra hình tượng phụng còn xuất hiện như một biểu hiện của tinh thần tâm linh Nho giáo, như ở vị trí các miếu thờ và bình phong, cổng tam quan khác. Hình tượng phụng được coi là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình và sự xuất hiện người tài qua điển tích phụng - lân xuất hiện báo hiệu sự ra đời của thánh nhân, vì vậy ở bửu tán ngai vàng, bàn thờ trong các miếu, điện cũng được thể hiện hình phụng. Cũng như hình tượng rồng trong khảm sành sứ và các chất liệu khác, ở trang trí nề đắp nổi cũng có những biến thể sinh động, đầy sáng tạo về phụng, ngoài phụng hàm thơ, phụng hồi, còn có sự biến thể từ hoa, lá, cành thành hình phụng như đào, lan, cúc, mẫu đơn hóa phụng, với các biến thể này qua chất liệu nề vô cùng sinh động. Mỗi hình tượng thường được kết hợp thêm với hình mây trời, hoa cỏ, và các hoa văn hoa thị, hoa văn mai rùa, và đường diềm trang trí kỷ hà. Trong biến thể cành mai hóa phụng, ta thấy như cả sức sống mạnh mẽ của con chim khi giang cánh (lá hóa) cổ vươn cao và chân đạp vào những cụm mây. Để xử lý được hình tượng sống động như vậy những nghệ nhân nề phải có sự chuẩn bị công phu về vật liệu, hình về, các họa tiết cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của trang trí kiến trúc. Sự biến thể như vậy xuất hiện càng nhiều vào cuối thế kỷ XIX và dần trở thành một kiểu thức trang trí phổ biến.
e. Đề tài - Họa tiết dơi: Hình tượng con dơi xuất hiện nhiều ở các hồi nhà, ở các góc bình phong bằng trang trí nề đắp nổi dưới dạng ngậm chữ Thọ, hoặc bay bổng ở các thông gió, ô cửa trong ý nghĩa biểu hiện Ngũ Phúc (Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh). Cũng có khi hóa thành lá cúc, lá sen hoặc chỉ còn là những kiểu thức trang trí hình học, hình tượng dơi đã chiếm một vị trí đáng kể và được sử dụng nhiều trong trang trí. Khi dơi biến hóa thành lá (lá hóa phúc), biến thành hoa mai (mai hóa phúc), biến thành hoa sen (sen hóa phúc), biến thành quả (quả hóa phúc), biến thành mây (vân hóa phúc) và dạng tạo hình trang trí hồi văn hóa phúc. Các hình tượng dơi ở cửa giả hoặc đầu hồi các cung điện được diễn tả theo lối biểu tả nề đắp nổi phù hợp với bố cục góc của ô hộc, hồi nhà, góc ngách... đồng thời ở các ô hộc dưới, dơi lại chuyển hóa thành hoa văn, hoa lá hóa. Trong cụm trang trí, dơi hóa chỉ là một yếu tố phụ họa cho hình tượng hoa lá hóa rồng. Với ý nghĩa ẩn dụ và biểu hiện tâm linh - triết Lý nhân sinh sâu sắc, tại các lăng Đồng Khánh, Thánh Cung, Tiên Cung, Từ Cung... dơi xuất hiện trong các trang trí nề đắp nổi ở tam quan, bình phong chính bình phong hậu với những tiết điệu bố cục cân xứng, nét khối đắp nề sinh động, nhiều chi tiết mà không bị rối.
f. Đề tài - Họa tiết cá: Hình tượng cá trong trang trí nề đắp nổi là một sự chuyển dịch đề tài từ dân gian mà vẫn phù hợp với những tiêu chí thẩm mỹ cung đình. Hình tượng cá là biểu hiện của sự dồi dào, phong phú, viên mãn. Nhìn chúng, con cá thường được diễn tả theo bố cục "động" với kiểu thức tả thực và hóa lẫn vào những làn sóng xoắn ốc đơn giản, với một nét tạo hình nhẹ nhàng, thanh nhã. Với chất liệu nề càng làm cho khối trang trí của hình tượng cá thêm khỏe khoắn, căng đầy và sinh động hơn, tạo cho hình tượng sức sống chân thực, đặc biệt là các nét vờn nề tạo nét ở đầu, vây và đuôi được diễn tả sinh động trên nền đắp nổi hình thể, vì vậy tạo được sự gần gũi và cũng chứa đựng được những yếu tố tâm linh, cầu mong sâu xa về cuộc sống viên mãn. Một trong những đề tài cá được nhiều người biết là Cá chép vượt vũ môn (vượt qua cửa thác để biến thành rồng) với ý nghĩa mong muốn con cháu luôn có chí hướng, học hành đỗ đạt được trang trí trên các ô hộc và bình phong.
Trong một số ô hộc còn có Ngư long hý thủy, một đề tài diễn tả cá và rồng vui đùa dưới làn nước với sự ẩn dụ về mưa thuận gió hòa. Sự diễn tả bằng nề của đề tài này là tương đối khó. Nhưng nhiều hơn cả là cá đắp ở ngách cổng bửu thành, bình phong lăng Đồng Khánh, Dục Đức, điện Hòn Chén (Huệ Nam điện). Hình con cá trong ô hộc cổng Thế Miếu vươn ra khỏe khoắn bằng sức căng của nề vữa làm nền khối và biểu cảm tạo hình đậm nét Cái đuôi không chịu khép kín trong các góc quy định của ô hộc, tạo nên sự sống động kỳ lạ của khối và mảng trang trí. So sánh với các bức chạm đồng, gỗ, chạm đá và tranh tường ta thấy chỉ ở chất liệu nề đắp nổi đã tạo ra hình tượng con cá đạt đến phẩm chất tạo hình dân gian phóng khoáng, cởi mở, thuần khiết và sinh động như vậy.
g. Đề tài - Họa tiết hoa, lá, quả: Khi đắp nề cây cỏ, hoa lá cành, nghệ nhân chú ý đến dáng của cây, tới sự gồ ghề khúc khuỷu, từng cành từng lá được chú ý tỉa gọt sao cho tạo được vẻ đẹp hình thể cao nhất theo quan niệm tâm linh và biểu tượng về các giá trị tinh thần đương thời. Đồng thời ý nghĩa của cây cỏ, hoa trái cũng được quy định như: na có nhiều hạt tượng trưng cho sự đông đúc, nó đủ, con cái đầy đàn vì thế quả đó được thể hiện rõ từng mắt. Mỗi loài cây quả, hoa lá đều có ý nghĩa tượng trưng nhất định như hoa sen biểu hiện cho sinh nở, tượng trưng cho thanh bạch, bởi đài sen nhiều hạt và nó sinh ra trong bùn rồi vượt lên mà tỏa sắc hương, hoa mẫu đơn đỏ biểu hiện cho giàu có, niềm vui hạnh phúc, tượng trưng cho người đàn bà cao quý, cây tùng biểu hiện cho sức mạnh, tượng trưng cho sự chịu đựng, sự bất diệt và khí phách của người quân tử, cây trúc tượng trưng cho sự bất diệt, cho ngay thẳng. Cây mai có khí chất chống mà quỷ và cũng là hình ảnh tượng trưng cho người con gái, cây cúc tượng trưng cho sức mạnh thiên nhiên đưa lại hạnh phúc cho con người, hoa cúc biểu thị cho vẻ đẹp sâu lắng, kín đáo và lòng chung thủy, hoa lân gắn nhiều với sự thanh cao và sự trường sinh, hoa đào được coi trừ được mọi ma quỷ cho nên cành đào thường được sử dụng trong ngày Tết, quả đào tượng trưng cho sự trường thọ, sự kính trọng... còn quả lựu với đặc tính tự nhiên là nhiều hạt nên tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở... vì vậy quả lựu được trang trí nề họa khá nhiều ở cung các bà hoàng như cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, các lăng bà hoàng như Thuận Thiên, Thoại Thánh, Hiếu Đông, Thánh Cung, Tiên Cung, Vạn Vạn, Từ Cung... Ngoài ra hình ảnh quả lựu còn xuất hiện ở nhiều nơi khác như đắp nề tại Đại Hồng Môn lăng Mạnh Mạng, bình phong hậu cung Trường... Mỗi thứ quả lại có thể tạo ra một sự biến dịch như mãng cầu biến thành phụng (cung Trường Sanh), phật thủ thành đầu rồng, quả lê thành con nghê, quả đào thành con rùa...
Quả dưa tây, trang trí tại lăng Vạn Vạn
Phần đông các nghệ nhân thời Nguyễn xuất thân từ các làng quê, vì vậy những quả dược trang trí rất gần gũi và quen thuộc, họ đã diễn tả mỗi thứ quả rất rõ ràng, trong sáng và đầy ắp tình người, cũng như đề tài tứ thời, người nghệ nhân cũng thể hiện được tình yêu thiên nhiên. Những quả bí trang trí ở lăng Vạn Vạn là một trong những tác phẩm nề đắp nổi nề hoàn toàn thuần khiết hiện thực. Trong các ô hộc dành cho nề chiếm giữ nhiều nhất là đôi quả đào và lựu, hầu như các công trình nào có mật độ trang trí nề dày đặc cũng có thể tìm thấy đầy đủ tám quả quý và có nhiều hơn cả là quả đào và lựu.
h. Họa tiết chữ Vạn: Là một trong những chữ sử dụng trong trang trí nề đắp nổi khá nhiều không kém chữ Thọ cũng với ý nghĩa biểu tượng cho sự tốt lành (Cát tường). Chữ Vạn còn đồng âm với số hàng vạn (10000) với nghĩa là vô số, vì lẽ đó chúng không chỉ được dùng trong các ngôi chùa Phật giáo mà còn có mặt trong trang trí ở cung đình, nhiều nhất là nội thất cung Thiên Định và binhfb phong cung Trường Sanh (Đại Nội), bình phong hầu hết lăng các bà hoàng như Thuận Thiên Cao hoàng hậu, Hiếu Đông, Lệ Thiên Anh, Thánh Cung, Tiên Cung (Vạn Vạn), Từ Cung. Chữ Vạn là một họa tiết được sử dụng đa dạng trong trang trí nghệ thuật nề đắp nổi với mật độ chữ Vạn ở bình phong khá đậm nét, cùng các kích cỡ, mảng khối không gian, vị trí tạo hình trang trí khác nhau. Chữ Vạn tuy không có nhiều hoa văn phụ trợ nhưng khi bố cục nối tiếp nhau, xen kẽ với những cổ vật trong bộ bát bửu của đạo Lão cũng tạo ra sự phối hợp nền chính phụ đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao.
Tuy nhiên, sự đặc sắc nhất của nề đắp nổi là ở một số kiểu thức nhất định trong các bố cục chịu sự chi phối từ nguyên lý không gian kiến trúc. Trong sự quy định đó, các nghệ nhân thời Nguyễn đã tạo ra nhiều kiểu thức bố cục ô hộc Nhất thi nhất họa, được thể hiện chủ yếu trên các dải gờ mái kéo dài và các cổ diêm lớn của hai tầng mái rất quen thuộc trong cấu trúc kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Cái độc đáo và mang tính hình thức ở cấu trúc nhưng lại chứa tải được sự biểu cảm bên trong của nghệ thuật, chính vì vậy lối bố cục ô hộc Nhất thi nhất họa được coi là một trong số những bố cục tạo hình thành công, đặc sắc và là một “style” độc đáo, đặc trưng trong mỹ thuật thời Nguyễn. Lối trang trí phân chia theo ô hộc bằng nề đắp nổi đã làm cho việc chọn lựa các phương án bố cục trang trí phải đạt đến độ chính xác cao. Mặt khác cũng càn thấy sự phân chia ô hộc này đã tạo ra cách thức cảm thụ thị giác rất riêng của mỹ thuật thời Nguyễn.
Trang trí tại lăng Vạn Vạn
Nghệ thuật nề đắp nổi trang trí là một chất liệu – kỹ thuật khá phổ biến ở hầu hết các di tích và có một vai trò quan trọng, góp phần trong việc tạo dựng diện mạo của nghệ thuật trang trí thời Nguyễn. Dù có nhiều mất mát do thời gian và chiến tranh nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ lại ở các công trình kiến trúc cung đình những tác phẩm nề đắp nổi đặc sắc qua các thời kỳ phát triển rực rỡ của nghệ thuật này. Mặt khác, nghệ thuật nề đắp nổi đã không bị mai một, mờ nhạt đi như một số chất liệu khác, không lụi tàn, thất truyền như kỹ thuật – chất liệu pháp lam, hay mất đi nét tinh xảo biến hóa như nghệ thuật thêu cung đình. Ngược lại, đời sống thẩm mỹ đương đại, như cầu phục chế các công trình kiến trúc cung đình Nguyễn với tư cách là di sản văn hóa thế giới, cũng như nhu cầu tâm linh, ngưỡng vọng tổ tiên của người dân, nghệ thuật nề đắp nổi vẫn luôn là một nhu cầu khá lớn trong đời sống tinh thần của người dân, trong phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và vì vậy nghệ thuật nề vẫn được tiếp tục lưu giữ qua việc phục chế di tích, xây dựng, sửa sang các đình chùa không chỉ ở Huế, các vùng ven Huế mà còn trở thành một nhu cầu của đông đảo làng xã dọc miền Trung hiện nay.
>>> Chép phù điêu (đắp nổi) trong điêu khắc
>>> Trang trí mỹ thuật đình chùa Hà Nội