Ý tưởng thiết kế nội thất
Phần này hướng dẫn các bước nghiên cứu, phát triển và hình tượng hóa một ý tưởng. Phần này sẽ cho ta thấy bằng cách nào những điều tưởng chừng rất chung chung, rất quen thuộc lại có thể trở thành các chủ đề nghiên cứu vô hạn. Khi học cách quan sát kỹ lưỡng, bạn có thể tạo ra cho mình một nguồn cảm hứng mới từ chính môi trường sống quen thuộc của bạn và nuôi dưỡng ý tưởng của riêng mình.
Một số kỹ thuật (vẽ, cắt dán, ảnh chụp hay mô hình) sẽ cho phép bạn làm các thực nghiệm về hiệu ứng đa dạng của kiểu dáng kiến trúc – nộ thất, ánh sáng, khung cảnh va quy mô.
Khi kết hợp ý tưởng cá nhân và các nghiên cứu, ban sẽ học được cách phác thảo ra các thiết kế sơ bộ, cách khai thác một không gian và làm quen với các bước thiết kế.
1. Tìm ý:
Bộ bản vẽ tìm ý tưởng vừa có vai trò như nhật ký thiết kế vừa là cuốn sổ ghi chép thể hiện thông tin về công trình và các ý tưởng cá nhân. Chúng giúp lưu lại khởi nguồn của tất cả các ý tưởng và phong phú thêm cho quá trình thiết kế, sáng tạo.
Hệ thống tài liệu, bản vẽ dưới đây sẽ là công cụ thiết yếu trong tất cả các giai đoạn của đồ án, không phải để giới thiệu công trình mà là để nghiên cứu và làm việc.
a. Lược đồ và biểu đồ:
- Sử dụng các lược đồ và biểu đồ đã thực hiện từ bước tìm hiểu hiện trạng để hệ thống nhằm phát triển ý tưởng.
b. Tài liệu tham khảo:
- Tìm tài liệu tham khảo (lưu ý dẫn nguồn).
- Ghi chú các quan điểm cá nhân.
Hình 2.1. Sơ đồ phát triển ý tưởng
c. Hình ảnh minh họa:
- Ảnh chụp hiện trạng công trình.
- Các hình ảnh thể hiện các mối liên hệ về xã hội, con người, các không gian.
- Các hình ảnh sưu tầm, các ví dụ trực quan và thể hiện ý tưởng cá nhân.
e. Tìm ý tưởng:
- Từ bộ bản vẽ ý tưởng trên, người thiết kế cần phân tích các dữ liệu và các ý tưởng đã có, tìm ra các ưu điểm, nhược điểm và các yếu tố cấu thành thiết kế.
- Kiểm nghiệm các ý tưởng bằng việc làm mô hình phác thảo, suy nghĩ về các tiêu chí quan trọng nhất và dự kiến các giải pháp về tỷ lệ, vật liệu, màu sắc…
- Xem xét từng ý tưởng riêng biệt.
- Làm nhiều bản vẽ phác thảo trước khi có sự lựa chọn chính thức.
* Các sai lầm trong quá trình thiết kế:
- Các giải pháp kiến trúc tối ưu chỉ có được sau nhiều tính toán kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ có những sai lầm. Do vậy, người thiết kế cần sẵn sàng đối mặt với rủi ro khi thực hiện đồ án.
- Những sai lầm, sẽ mở ra cho người thiết kế các hướng đi mới đúng đắn hơn. Do đó, bạn nên ghi chép lại những lỗi sai mình đã mắc phải trong quá trình thiết kế.
Hình 2.2. Các sơ đồ tư duy và phân tích phục vụ cho việc phát triển ý tưởng
* Lời khuyên:
- Tập hợp tất cả các yếu tố cấu thành cơ bản của đồ án. Đó chính là các ý tưởng và chi tiết thiết yếu cho việc hình thành ý tưởng thiết kế.
- Đặt các yếu tố này lên vị trí hàng đầu mỗi khi phải ra một quyết định nào đó nhằm định hướng, ưu tiên những ý tưởng hợp lý nhất.
- Hãy luôn thay đổi phương pháp để tối ưu hóa chất lượng các bản vẽ phác thảo, đây không phải là sản phẩm hoàn chỉnh mà chỉ là một công việc đang thực hiện.
- Ưu tiên khai thác và phát triển những ý tưởng có tính kiến trúc cao.
- Tích góp các hình ảnh, có thể thực hiện ghép dán để tôn lên các ý tưởng.
Hình 2.3. Hình ảnh minh họa thể hiện hiện trạng và các mối liên hệ của công trình
* Trình bày ý tưởng thiết kế ban đầu:
- Tập hợp các ý tưởng, trình bày, giải thích những quyết định đầu tiên về thiết kế, đề xuất ra thiết kế sơ phác thông qua bản trình bày thiết kế ban đầu, minh họa những điểm quan trọng nhất.
- Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.
- Tại thời điểm này, người thiết kế đã có thể xác định được hướng đi cho ý tưởng của mình, nhưng nên nhớ rằng đây chưa phải là phương án đã đóng chốt, việc tiếp tục chỉnh sửa, thay đổi là điều tất nhiên.
Hình 2.4. Trình bày các bước tìm ý và phát triển ý tưởng
2. Phác thảo ý tưởng: Không gian là một trong những thành tố quan trọng nhất trong thiết kế nội thất. Kích thước, khối tích hay hình thái không gian khác nhau đều mang lại những ảnh hưởng khác nhau đến cảm xúc và tâm sinh lý của người sử dụng. Không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu về công năng, không gian còn đóng vai trò cốt lõi, làm cơ sở trước khi phát triển các yếu tố khác trong thiết kế nội thất.
Dựa trên nhiệm vụ thiết kế, từ bản thu hoạch nghiên cứu và ý tưởng ban đầu, bạn có thể hình thành các sơ đồ công năng dạng bong bóng khác nhau để cân nhắc lựa chọn ra phương án hợp lý nhất, để từ đó tiếp tục triển khai các bản vẽ phác thảo mặt bằng, mặt cắt chi tiết hơn. Sau khi vẽ phác thảo mặt bằng công năng, bạn cần bắt tay vào nghiên cứu không gian trên cơ sở:
- Mục tiêu sử dụng của không gian.
- Hình thái, tính chất của không gian để xử lý công năng đồ nội thất.
Hình 2.5. Sử dụng sơ đồ bong bóng để tìm ý.
Các hình trên thể hiện 3 phương án khác nhau để cân nhắc trong quá trình thiết kế
Hình 2.6. Từ sơ đồ mặt bằng bong bóng chọn, phát triển các phương án mặt bằng
Hình 2.7. Cân nhắc, chỉnh sửa lại phương án mặt bằng chọn - Hình 2.8. Triển khai các phương án mặt cắt
Có nhiều cách xử lý thẩm mỹ cho không gian như: không gian mở - đóng, không gian động – tĩnh, không gian liên thông, không gian bất định… nhằm tạo các hiệu quả khác nhau phù hợp với từng loại công năng và nhu cầu sử dụng.
Hình 2.9. Các loại hình không gian
Không gian mở: Có tính hướng ngoại, thông thoáng, tầm nhìn thoải mái
Không gian ước lệ: Không có sự ngăn cách, giới hạn rõ ràng. Có tính hoàn hình thị giác
Không gian liên thông: Mang tính vận động, liên tục, lưu thông. Mang tính giao tiếp lớn, sinh động
Không gian bất định: Mang tính động, linh hoạt, lấn chuyển hướng
3. Thực hiện mô hình phác thảo:
* Mục tiêu:
- Học cách mô hình hóa một ý tưởng thành 3D.
- Sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau.
- Sử dụng công cụ mô hình hóa.
Mô hình phác thảo ý tưởng cho phép người thiết kế kiểm nghiệm về vật liệu, ánh sáng, không gian, tạo cơ hội xem xét các thành tố kiến trúc quan trọng. Ở giai đoạn này, chỉ cần các kỹ thuật đơn giản, công cụ cơ bản va các vật liệu rẻ tiền, không cần thiết chăm chút quá kỹ lưỡng các chi tiết cũng như tạo ra một mô hình hoàn chỉnh.
Mô hình phác thảo, theo đúng tính chất của nó, cho phép ta thực hiện công việc với kết quả không cần tuyệt đối chính xác. Điều quan trọng là sử dụng mô hình này để xem những điều gì là có thể và không thể trong thời gian ngắn và khai thác nhiều khả năng trong công tác thiết kế.
- Chụp ảnh mô hình theo các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất để lưu giữ lộ trình sản xuất.
- Đặt mô hình trong nền đen, xoay mô hình, quan sát và chụp lại để thể hiện các mặt khác nhau của mô hình.
Hình 2.10. Thực hiện và chụp ảnh mô hình phác thảo
4. Đồ nội thất: Đối với đồ vật trong nội thất, chúng ta thường phân thành 2 loại cụ thể:
* Đồ nội thất gắn tường: các hệ tủ âm tường (tủ áo, tủ bếp…). Các hệ tủ này có đặc điểm cần lưu ý như sau:
- Thiết kế ngay trong giai đoạn phân định không gian, trong quá trình thực hiện bản vẽ tường xây, vách ngăn.
- Yếu tố kỹ thuật điện, nước, kỹ thuật tòa nhà ảnh hưởng rất lớn trong quá trình thiết kế hệ tủ gắn tường (đường đi của dây điện, các ô chờ thăm kỹ thuật…).
- Đồ nội thất gắn tường là một phần ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, phong cách chung của không gian nội thất. Chúng là những đồ không thể thay đổi thường xuyên trong thời gian ngắn do những khó khăn trong lắp đặt.
- Các hệ tủ âm tường giúp tạo nên không gian gọn gàng và được coi là một phần kiến tạo nên không gian.
Hình 2.11. Cách bố trí hệ tủ gắn tường ảnh hưởng tới không gian, giao thông trong bếp
Hình 2.12. Các hệ tủ gắn tường cần được tính toán ngay trong quá trình phân định không gian
* Đồ nội thất đơn lẻ: bàn, ghế, kệ ti vi, kệ thấp… Đồ nội thất dạng này có những tính chất sau:
- Có tính linh hoạt trong sắp đặt nội thất.
- Dễ dàng tạo nên phong cách, cá tính riêng cho từng thiết kế.
- Có tính cá nhân hóa cao trong công năng sử dụng.
Kiến thức về đồ nội thất đơn lẻ đóng vai trò rất lớn trong lịch sử phát triển của thiết kế nội thất. Nó trở thành một phần của kỹ năng thiết kế. Những hình ảnh về đồ nội thất dưới đây giới thiệu tới các bạn một nền tảng cơ bản để nghiên cứu và khám phá, biết cách sắp đặt và ứng dụng chúng trong quá trình làm đồ án thiết kế nội thất.
5. Các yếu tố quan trọng trong thiết kế nội thất:
a. Tỷ lệ trong thiết kế nội thất:
* Mục tiêu:
- Tìm hiểu các nguyên tắc về tầm vóc con người và các tỷ lệ.
- Tìm hiểu các nguyên tắc về nhân trắc học (ergonomie).
Hình 2.13. Tỷ lệ con người trong không gian quy mô khác nhau mang lại cảm nhận khác nhau
Tỷ lệ con người: Số đo là một khái niệm trừu tượng. Tùy theo cách ta suy nghĩ mà có thể cảm nhận quy mô công trình thích hợp hay không với khung cảnh xung quanh. Do đó, một nhà thiết kế có thể quyết định phá bỏ các quy tắc thông thường và sử dụng tỷ lệ như một phương tiện thay đổi cách ứng xử của con người.
Tầm vóc con người: Cơ thể con người có thể coi như một kết cấu đơn giản bao gồm một tổng thể các tỷ lệ cơ bản. Áp dụng điều này cho quy hoạch một không gian nội thất, các hệ thống tỷ lệ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và tính toán được phản ứng của mắt. Sự tiện nghi và chất lượng sử dụng phải được gắn liền với mọi hoạt động dù ta đang ở trạng thái bất động, đứng, ngồi hay đang vận động.
Hình thái: Một đồ vật được coi là thích hợp và có tính ứng dụng cao nếu nó sử dụng tốt và có ích cho chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Với mọi thứ con người sử dụng, nhà thiết kế phải luôn chú ý đến tính giản đơn, tiện dụng và hiệu quả để có thể đáp ứng tốt các nhu cầu, chức năng hay nhiệm vụ.
Hình 2.14. Ergonomic trong thiết kế nội thất
b. Không gian:
* Mục tiệu:
- Tìm hiểu về không gian.
- Phân biệt các loại hình không gian.
- Học cách phân chia, xử lý thẩm mỹ không gian.
Phân loại không gian nội thất theo công năng: Dựa vào chức năng sử dụng, có thể chia thành bốn nhóm không gian nội thất:
- Không gian ở (biệt thự, căn hộ, chung cư, nhà liền kề…).
- Không gian dịch vụ (nhà hàng, cửa hàng, spa…).
- Không gian văn hóa (bảo tàng, nhà hát, thư viện, nhà văn hóa…).
- Không gian làm việc (văn phòng, phòng họp…).
Phân chia không gian: Có nhiều phương pháp phân định không gian trong nội thất, tùy vào mục đích sử dụng và ý đồ thiết kế, kiến trúc sư nội thất có thể lựa chọn các hình thức khác nhau (tuyệt đối hay tương đối, cứng hay mềm…).
Hình 2.15. Các loại hình không gian được phân chia theo công năng
Xử lý thẩm mỹ không gian: Xử lý thẩm mỹ không gian bao gồm việc điều tiết tỷ lệ, xử lý các diện và bố trí đồ đạc trong không gian đó.
- Xử lý không gian cần tuân theo các nguyên lý thiết kế cơ bản như cân bằng, nhịp điệu, điểm nhấn, sự hài hòa, tương quan tỷ lệ…
Hình 2.16. Sắp xếp đồ đạc trong nội thất cũng ảnh hưởng tới thẩm mỹ không gian
Hình 2.17. Các không gian với tỷ lệ khác nhau sẽ phù hợp cho các cách bố trí nội thất khác nhau
Hình 2.18. Xử lý các diện tạo hiệu quả thể hiện đồ thiết kế
- Tỷ lệ không gian thiết kế (kích thước dài, rộng, cao) góp phần xác định hình thức mặt bằng căn phòng, phân chia không gian và ảnh hưởng đến việc sắp xếp và bố trí đồ đạc nội thất.
- Các diện trong không gian nội thất đóng vai trò lớn trong việc biểu đạt ý tưởng thiết kế và định hướng tổ chức không gian.
Ví dụ: Qua phối cảnh trục đo trên ta nhìn thấy cụ thể các đặc điểm không gian:
- Bố cục phân chia chức năng.
- Các không gian được phân chia qua sử dụng thủ pháp sau: đồ nội thất kiến tạo không gian (hệ tủ giữa phòng phân chia không gian khách – ngủ).
- Các hệ tủ âm tường tạo ra đường biên không gian thẳng gọn, qua đó khiến không gian trở nên mạch lạc.
- Đồ nội thất đơn lẻ như bàn ăn cũng đóng vai trò phân chia không gian một cách ước lệ.
Hình 2.19. Ví dụ bố trí không gian nội thất
3. Màu sắc:
* Mục tiêu:
- Tìm hiểu về màu.
- Học cách phối màu.
Một số cách sử dụng màu sắc tạo cảm giác không gian:
- Màu sắc có thể thay đổi cảm giác về tỷ lệ của một căn phòng. Thêm màu vào tường, làm tối phần trên của tường sẽ thay đổi nhận thức về không gian. Qua việc ứng dụng màu cẩn thận, không gian có thể trông nhỏ hơn hoặc rộng hơn, một thể tích có thể được điều khiển về tỷ lệ. Sử dụng màu trong hình học và hoa văn có thể tăng cường một không gian.
- Thêm màu vào nửa dưới của phòng tạo một đường ranh giới của đồ đạc.
- Thêm màu vào nửa trên của tường làm giảm độ cao nhận thấy được của căn phòng.
Các cách phối hợp màu sắc: Là cách kết hợp màu sắc theo những quy tắc để tạo một bảng màu nội thất. Bắt đầu từ nguyên lý màu sắc, người thiết kế có thể sáng tạo trong cách chọn và phối hợp màu sắc không sự hài hòa. Khi màu sắc không liên quan đến chất liệu, có sáu cách kết hợp màu sắc cổ điển: đồng màu, giống nhau, bổ túc, tách bổ túc, ba màu và bốn màu.
Hình 2.20. Đồng màu: Chỉ dùng một màu với nhiều sắc thái và độ sáng để hòa hợp một kết hợp màu
Hình 2.21. Tương đồng: Dùng các màu cạnh nhau trong vòng tròn màu, có một màu chính
Hình 2.22. Bổ túc: Kết hợp có sự đối lập bằng cách dùng hai màu bổ túc trên vòng tròn màu
Hình 2.23. Tách bổ túc: Cũng như bổ túc nhưng chọn hai màu cạnh nhau với một màu bổ túc
Hình 2.24. Ba màu: Dùng ba màu có khoảng cách như nhau trong vòng tròn màu, để tạo sự đối lập
Hình 2.25. Bốn màu: Sử dụng hai cặp màu bổ túc, tỷ lệ các màu cần được chọn cẩn thận để giữ sự cân bằng
Ngoài ra còn có nhiều cách sử dụng màu khác như: đối lập sáng – tối, tương phản nóng – lạnh, tương phản bổ túc, tương phản đồng thời, tương phản về sự bão hòa, tương phản mở rộng…
4. Chất liệu – Vật liệu:
* Mục tiêu:
- Học cách nghiên cứu các chất liệu và vật liệu.
- Học cách lập nên một bảng các mẫu vật liệu sử dụng.
- Giới thiệu sự lựa chọn chính thức về vật liệu.
Bảng vật liệu mẫu tập hợp tất cả các loại vật liệu sử dụng cho thiết kế chính thức là cách hay để giới thiệu khung cảnh chung về trang trí nội thất.Do vậy cần phải học cách nghiên cứu và lựa chọn các yếu tố cần thiết cho việc thực hiện bảng vật liệu chất lượng về mẫu sản phẩm. Phần này sẽ tư vấn cách tốt nhất trình bày sự lựa chọn của mình. Điều quan trọng là phải biết cách tập hợp và lựa chọn các ý tưởng thiết kế. Cách trình bày hiệu quả các vật liệu cho phép hình dung cụ thể thiết kế mà bạn sẽ tạo ra.
Hình 2.26. Vật liệu đá
Hình 2.27. Vật liệu composit
Hình 2.28. Vật liệu gạch / gốm
Hình 2.29. Vật liệu từ giấy
Bắt đầu công việc bằng cách nghiên cứu sàn, tường, cầu thang và trần. Đây là các thành tố trang trí chính cần xử lý đầu tiên. Để tạo ra khung cảnh cho một không gian nội thất, ta cần phải chú ý đến tất cả các chi tiết: màu sắc, hoa văn, chiếu sáng và kiểu dáng. Không nên quên rằng mối tương quan giữa các loại vật liệu phải tuân theo ý tưởng kiến trúc chung mà bạn mong muốn thực hiện. Tìm hiểu các tài liệu về các loại vật liệu đã lựa chọn và lập luận tại sao lại chọn. Tập hợp các nguồn tham khảo và các hình ảnh sẽ cho phép thể hiện rõ ý tưởng và minh họa các đặc tính không gian mà bạn mong muốn. Do thiết kế là một ngôn ngữ trực quan, bạn sẽ luôn sở hữu các nguồn tham khảo trực quan để thể hiện các ý tưởng của mình. Tránh những hình ảnh như quảng cáo hay các khung cảnh quá quen thuộc có nguy cơ truyền tải các thông điệp không phải của bạn. Nên chọn các bức ảnh kiến trúc đơn giản có thể minh họa tốt kết quả mà bạn muốn đạt được.
Hình 2.30. Vật liệu gỗ
Hình 2.31. Vật liệu kim loại
Hình 2.32. Vật liệu kính
5. Ánh sáng:
* Mục tiêu:
- Tìm hiểu cách tạo ra các hiệu ứng về ánh sáng.
- Cách lựa chọn thiết bị chiếu sáng.
- Học cách thể hiện một bản vẽ ý tưởng chiếu sáng.
Một hệ thống chiếu sáng tốt sẽ làm tôn giá trị kiến trúc nội thất. Để làm việc, thư giãn hay các hoạt động khác, chúng ta đều cần có ánh sáng. Do đó, chúng ta nên định hình các loại hoạt động chính bên trong một không gian cho trước để định vị trí cho các nguồn ánh sáng.
Chiếu sáng là yếu tố bản lề trong quy hoạch một không gian nội thất và phải được quan tâm đặc biệt ngay trong các giai đoạn đầu của thiết kế. Nếu một điểm nào đó không được chiếu sáng đủ hoặc hiệu ứng chiếu sáng không được tính toán kỹ từ trước, kết quả sẽ không tốt.
Hình 2.33. Hiệu ứng ánh sáng trong không gian nội thất
Chiếu sáng là gì? Tất cả các nguồn ánh sáng, tự nhiên hay nhân tạo, đều được cấu tạo bởi các sóng ánh sáng có màu sắc (màu sắc trên quang phổ) kết hợp với nhau để tạo thành ánh sáng có màu trắng. Sự thay đổi về bước sóng sẽ xác định màu, nhiệt độ của ánh sáng. Để lập một bản vẽ sơ đồ chiếu sáng, ta cần phải có một số thông tin về các nguồn ánh sáng cũng như hiệu ứng của chúng đối với không gian cần chiếu sáng.
Độ sáng và hiệu ứng với các không gian được chiếu sáng: Mọi bản vẽ về chiếu sáng đều phải tôn trọng màu sắc hiện tại của công trình. Các màu sáng có tính phản chiếu sẽ làm tăng thêm cường độ sáng chiếu lên các không gian, như vậy làm tăng độ sáng của tổng thể. Ngược lại, màu tối có tính phản xạ ánh sáng thấp. Vì lý do thất thoát ánh sáng này, với cùng một cường độ chiếu sáng và lượng chiếu sáng như nhau, một không gian sử dụng màu tối sẽ không được chiếu sáng tốt bằng cùng căn phòng đó nhưng có màu sắc sáng hơn. Tông màu sẽ là cách mà ánh sáng ảnh hưởng đến màu sắc các bề mặt và phân bổ chúng trong không gian.
Hệ thống đèn chiếu sáng: Có rất nhiều loại đèn, với đủ loại kích cỡ. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ các đặc điểm về kỹ thuật, chất lượng ánh sáng của từng loại đèn. Các thông số nhà thiết kế nội thất cần quan tâm:
- Màu ánh sáng (đơn vị Kelvin).
- Chỉ số hoàn màu CRI (hoặc Ra).
Hình 2.34. Các loại đèn và thông số chiếu sáng
Chiếu sáng đa năng: Cách chiếu sáng đồng đều không được dùng phổ biến trong thiết kế nội thất, chỉ sử dụng trong một số trường hợp cần thiết. Bạn hãy nghiên cứu kỹ các phòng ốc và tính toán lượng chiếu sáng cần thiết cho mỗi loại hoạt động. Sau đó, xác định cách chiếu sáng mà bạn mong muốn. Hãy dự kiến nhiều phương án điện để có thể thay đổi độ sáng và vị trí chiếu sáng khi cần.
Phương pháp chiếu sáng:
- Trực tiếp (rọi hoặc tỏa đều).
- Gián tiếp (ánh sáng phản xạ tác động tới không gian sử dụng).
Hình 2.35. Ánh sáng tỏa đều cho không gian trưng bày
Hình 2.36. Ánh sáng tỏa đều cho không gian trưng bày
Hình 2.37. Ánh sáng trở thành một sản phẩm để chiêm ngưỡng
Hình 2.28. Sử dụng các loại đèn chiếu sáng trong nội thất
Các ý tưởng chiếu sáng: Thật khó có thể thấy trước hiệu ứng chiếu sáng. Hãy cố gắng sưu tập các bức ảnh minh họa cho ý tưởng chiếu sáng ưa thích của bạn và sử dụng chúng cho bản demo thiết kế trong phần chiếu sáng để cho khách hàng thấy ý định trong đầu của bạn là gì?
6. Chi tiết trong thiết kế nội thất:
* Mục tiêu:
- Tìm hiểu về các chi tiết trong thiết kế nội thất.
- Các chi tiết cần lưu ý.
Để tạo được một thiết kế nội thất tốt, ngoài ý tưởng sáng tạo không gian, bạn cần đặc biệt lưu ý tới các sáng tạo chi tiết trong nội thất. Các chi tiết cần lưu ý bao gồm: các điểm giao khi chuyển vùng vật liệu, cấu kiện kiến trúc nội thất (bậu cửa, tay nắm, đường ghép trong ốp lát…).
Hình 2.38. Các cấu kiện nội thất
Hình 2.39. Các điểm giao khi chuyển vùng vật liệu
>>> Không gian trong thiết kế nội thất
>>> Bộ phận cấu thành thiết kế nội thất (Phần 1)