Thiết kế trừu tượng bằng bút chì màu
Trong bài tập này, chúng ta sẽ sử dụng một phần bức ảnh của bạn hoặc ảnh tạp chí (đã được cắt lọc bớt hoặc phóng to) làm nền tảng cho thiết kế trừu tượng bằng bút chì màu.
Chúng ta sẽ dùng khổ tròn, và bạn cũng có thể thực hiện lại bằng bài tập này với bất kỳ khổ nào bạn thích.
Từ “trừu tượng” ở đây có nghĩa là bức tranh không thể hiện bất cứ đề tài, nhân vật hoặc yếu tố tự nhiên nào. Bức tranh sử dụng chủ yếu các yếu tố và nguyên tắc thiết kế sao cho tạo được cấu trúc và sự hấp dẫn, thay vì dựa vào các hình ảnh được cách điệu và trừu tượng hóa. Thuật ngữ “trừu tượng” lần đầu tiên được sử dụng bởi họa sỹ người Nga Wassily Kandinsky vào đầu thế kỷ XX. Có rất nhiều trào lưu nghệ thuật trừu tượng khác nhau, gồm phép biểu đạt trừu tượng (Jackson Pollack, Willem DeKooning), ảo thị (Viktor Vasarely, Yaakov Agam), và De Stijl (Mondrian). Cũng có vô số các thể loại hội họa trừu tượng tuy nhiên, tất cả những họa sỹ theo trường phái này đều có chung ý tưởng, đó là không cần phải sử dụng các vật thể để tạo được một tác phẩm và tạo hình đẹp. Hiểu rõ và thực hiện các khái niệm của thiết kế trừu tượng sẽ thúc đẩy tầm hiểu biết của bạn về các yếu tố và nguyên tắc tạo hình.
Chúng ta sẽ dùng lỗ ngắm tròn để tìm ra sắp đặt thích hợp, sau đó thực hiện bằng bút chì màu. Hãy nhớ học cách phối màu để tạo được ra các màu mềm mại và chuyển sắc nhịp nhàng. Có một số yếu tố nghệ thuật quan trọng được sử dụng ở đây, đó là màu sắc, đường nét, hình, thể, kết cấu (truyền đạt bằng cách ngụ ý), cường độ màu và tỷ lệ.
Hình 1. Tác phẩm Vô chủ của Ken Schwab
Hình 2. Tác phẩm Vô chủ của Ken Schwab
1. Dùng lỗ ngắm để chọn bố cục:
* Vật dụng:
- Giấy nhám;
- Compa chia độ;
- Bút trang trí;
- Dao thủ công;
- Băng keo;
- Chọn từ 10 bức ảnh chụp trở lên hoặc các bản phô tô màu;
- Giấy đồ hình (có thể có hoặc không)
Bước 1: Dùng compa vẽ nhiều hình tròn kích cỡ khác nhau (từ 5 đến 12,5cm) trên giấy. Chừa từ 5 đến 7 cm giấy xung quanh mỗi vòng tròn để tạo khung vuông. Dùng dao thủ công cắt các vòng tròn ra để tạo cửa sổ, các cửa sổ này được sử dụng để quan sát và vật thể nhằm tìm ra bố cục sắp đặt mà bạn thích (Hình 3). Tùy theo ý muốn, bạn có thể làm bao nhiều lỗ ngắm cũng được.
Hình 3. Dùng dao thủ công cắt các vòng tròn và các khung chữ nhật xung quanh mỗi ô cửa sổ tròn
Bước 2: Đặt lỗ ngắm tròn lên trên ảnh chụp hoặc ảnh tạp chí sao cho khu vực trọng tâm sẽ rơi vào vùng khái niệm chia ba phần. Hãy chú ý đến các hình dạng và màu sắc đồng thời đánh giá xem bố cục sắp đặt đó có làm hài lòng bạn hay không. Khi đã chọn được bố cục thích hợp, bạn cũng phải xem xét nó có đáp ứng được những tiêu chuẩn về tạo hình không. Đây là cả một quá trình sáng tạo. Nếu không chắc chắn lắm về điều này, bạn hãy thử cái nhìn khác về tạo hình theo chiều ngược lại, hoặc nhìn qua gương.
Bước 3: Dùng nhiều lỗ ngắm và chọn ít nhất năm bố cục tạo hình mà bạn thích từ ảnh chụp hoặc tạp chí. Dán mỗi bức ảnh xuống phía dưới lỗ ngắm, như vậy bạn có thể nhìn kỹ được tạo hình. Sau đó chọn cái mà bạn thích nhất (Hình 4). Hãy chú ý tới các màu sắc và hình dạng có sức lôi cuốn cao và nhiều sự đối lập, đồng thời có sự chuyển màu và sắc độ một cách nhịp nhàng.
Hình 4. Đồ vòng tròn lỗ ngắm trên ảnh gốc
2. Phóng to bố cục tạo hình:
* Vật dụng:
- Hình ảnh trong lỗ ngắm;
- Giấy in, khổ 30 x 45cm;
- Thước kẻ;
- Êke hoặc tam giác vuông;
- Compa chia độ;
- Bút chì số 2;
- Tẩy;
- Giấy đồ hình (có thể có hoặc không);
- Băng keo.
Bước 1: Sau khi chọn được bố cục thích hợp nhất, bạn hãy dùng hình ảnh (chúng ta sẽ gọi đây là ảnh gốc) và phóng to nó lên bất cứ kích cỡ nào mà bạn thích.
Hình 5. Vẽ hình vuông tiếp xúc với lỗ ngắm bao quanh vòng tròn
Bước 2: Trên lỗ ngắm bao quanh ảnh nguồn, vẽ một hình vuông tiếp xúc với vòng tròn bằng cách dùng thước kẻ và êke (Hình 5). Hình vuông này sẽ được dùng làm ô kẻ, cho nên cố gắng vẽ càng chính xác càng tốt. Đánh dấu trung điểm cạnh của hình vuông bằng một dấu chấm (Hình 6). Dùng bút chì và thước kẻ nối các điểm này lại với nhau và kẻ ngang qua ảnh gốc. Thao tác này sẽ tạo ra ô kẻ gồm bốn ô vuông. Nếu bạn không muốn vẽ trực tiếp lên ảnh gốc, hãy dán một tờ giấy đồ hình lên trên trước khi bạn kẻ ô.
Bước 3: Trên tờ giấy in, vẽ một vòng tròn lớn với kích cỡ mà bạn muốn. Vẽ thêm hình vuông bằng cách kẻ các đường thẳng bao quanh, kẻ ô trên hình phóng to này giống như cách mà bạn thực hiện trên ảnh gốc. Các cạnh hình vuông phải tiếp xúc với vòng tròn.
Hình 6. Tìm trung điểm của mỗi cạnh hình vuông và nối chúng lại để tạo thành một ô kẻ. Bức ảnh sẽ được chia làm bốn phần bằng nhau. Bạn có thể nhìn thấy vòng tròn được phóng lớn trên giấy in cũng được chia làm bốn phần
Bước 4: So sánh hai ô kẻ với nhau. Ô nhỏ hơn nằm trên ảnh gốc sẽ hướng dẫn cho bạn thực hiện thao tác phóng lớn. Các cạnh ô kẻ trên hình tròn lớn nên bằng nhau tương tự như trong ảnh gốc. Dùng ô kẻ để tham khảo khi vẽ hình ảnh lên ô phóng lớn. Chú ý tới các chỗ giao nhau giữa hình ảnh với cạnh hình vuông trên ảnh gốc, chúng sẽ giúp bạn phóng lớn dễ dàng. Hãy vẽ từng nét một trên giấy in, duy trì tỷ lệ chính xác như trên ảnh gốc.
Bước 5: Nếu gặp khó khăn trong khi phóng lớn hình ảnh, bạn hãy chia nhỏ thêm các ô vuông trong vùng cần vẽ. Lặp lại tương tự trên vòng tròn lớn. Khi đó bạn sẽ có thêm nhiều điểm tham khảo cho mình (Hình 7).
Bước 6: Kiểm tra tỷ lệ của bức vẽ phóng lớn bằng cách nhìn lần lượt vào hai hình ảnh.
Hình 7. Vẽ các hình ảnh của ảnh gốc lên vòng tròn phóng lớn. Dùng các ô kẻ để định vị trí và định dạng chúng một cách chính xác. Bạn có thể nhìn thấy (ở góc thấp bên trái) các ô chia nhỏ hơn được thêm vào ô kẻ nhằm tăng độ chính xác. Phác họa hoàn chỉnh của các hình ảnh chính được thể hiện trên giấy in
3. Chuyển phác họa lên giấy vẽ:
* Vật dụng:
- Thanh than chì mềm, loại 6B;
- Phác thảo trên giấy in;
- Giấy vẽ trắng loại tốt (khối lượng 450 gam hoặc hơn), cùng kích cỡ với phác họa;
- Bút chì màu hoặc bút bi dùng để đồ hình;
- Băng keo;
- Bảng vẽ hoặc bề mặt cứng, láng;
- Khăn lau giấy chuyên dụng.
Hình 8. Chà xát than chì lên mặt sau phác họa
Hình 9. Dúng bút chì màu đồ phác họa lên giấy vẽ
Bước 1: Để chuyển phác thảo phóng to lên giấy vẽ trắng, hãy chà xát thanh than chì mặt sau của phác họa nhằm tạo ra một loại bề mặt giấy carbon (Hình 8). Nên dùng một lượng than chì vừa đủ và dùng khăn lau giấy chuyên dụng để làm sạch các vết chì dư thừa. Than chì sẽ giúp bạn đồ các nét mảnh nhẹ trên giấy vẽ, như vậy sẽ dễ dàng chuyển phác họa mà không cần tẩy xóa.
Bước 2: Dùng băng keo dán phác họa lên giấy vẽ. Bạn có thể lật nó lên để kiểm tra tiến trình làm việc của mình. Dán đồng thời cả hai mảnh giấy này lên bảng vẽ hoặc bề mặt họa.
Bước 3: Dùng bút chì màu nhọn đầu hoặc bút mực để đồ phác họa (Hình 9). Không được đồ các đường kẻ ô. Ấn đầu bút nhẹ nhàng khi đồ hình để tạo các nét nhạt trên giấy. Nếu bạn ấn quá mạnh, sẽ để lại các đường nổi trên giấy và xuất hiện trên bức vẽ sau này.
4. Thực hành pha màu với bút chì màu:
* Vật dụng:
- Bút chì màu, bộ 12 hoặc 24 màu;
- Bút đánh bóng (có thể có hoặc không);
- Ảnh gốc;
- Giấy nhám dự trữ;
- Tẩy trắng.
Sau đây là một số hướng dẫn thực hành khi dùng bút chì màu:
- Phối màu bằng bút chì màu không giống cách phối màu bằng sơn. Điểm mấu chốt khi dùng bút chì màu trước tiên là ở cách sử dụng các lớp màu và việc chọn đúng màu. Chẳng hạn, nếu bạn muốn tạo màu xanh lá – xanh dương sáng (với tông hơi mờ), hãy bắt đầu với một lớp mỏng màu xanh dương trước, sau đó thêm lớp màu xanh lá cây. Tiếp theo dùng một lớp màu trắng để làm sáng tông màu, và pha các lớp lại với nhau. Thêm một lớp mỏng màu trung tính như nâu, hung đỏ hoặc vàng đất để làm mờ tông màu xuống một chút. Tiếp đó dùng thêm một lớp màu trắng khác. Các lớp màu trắng đóng vai trò như dụng cụ phối màu, và không nên quá dầy. Kết quả của quá trình này sẽ tạo ra một màu mới rất thu hút với cường độ biểu hiện cao.
- Dùng tẩy đôi khi không phát huy hết tác dụng với bút chì màu, vì chì màu thường có dạng sáp và rất khó tẩy. Tốt hơn hết là bạn nên phối màu một cách từ từ hoàn hảo trong từng lớp màu một. Trong trường hợp bạn muốn tẩy xóa thứ gì đó, hãy dùng loại tẩy hồng hoặc trắng vì chúng đủ độ cứng để làm sạch các vết chì màu. Đừng nên chà xát quá mạnh, vì làm như vậy bạn sẽ làm rách giấy.
- Luôn luôn thực hiện ở các vùng sáng trước sau đó mới chuyển qua các vùng tối hơn. Các màu sáng và trắng không thể tạo tác dụng đổi màu nếu chúng được thêm vào sau cùng (Hình 10). Lực tác động rất quan trọng trong phối màu. Việc dùng các vòng tròn nhỏ với lực nhẹ sẽ tạo ra cho bạn lớp phủ trơn láng và cường độ màu mạnh (với nhiều lớp màu khác nhau).
Hình 10. Phối màu theo lớp có thể mang đến hiệu quả rất cao
- Bạn có thể dễ dàng chuyển từ màu này sang màu khác bằng cách dùng các lớp màu chồng lên nhau (Hình 11 và 12). Nhẹ nhàng tô hai màu sao cho chúng có thể hòa vào nhau, dùng bút màu trắng để phối hai lớp màu và lặp lại quá trình này cho đến khi sự chuyển màu được hoàn tất.
Hình 11. Các màu trung tính như hung đỏ, vàng đất, nâu đen và nâu cơ bản có thể làm mờ các màu khác
Hình 12. Các màu trung tính rất có ích khi phối với các màu khác.
Dưới đây là màu xanh dương phối với màu xám, nâu đất và hung đỏ
- Thực hành tạo các dãy màu từ sáng đến tối nếu bạn muốn mở rộng kỹ năng sử dụng màu của mình.
5. Lý thuyết về màu:
Trải qua nhiều năm, người ta luôn cố gắng tìm hiểu về các đặc tính của màu sắc. Sau đây là một bản tóm tắt cách nhìn về màu, nó sẽ giúp ích cho bạn khi thực hiện phối màu và cho bạn nhiều khả năng điều khiển màu sắc trong hội họa hơn. Hãy thử kết hợp các màu trên vòng chuyển sắc và tạo mẫu cho mình. Nhớ ghi lại các thử nghiệm để tham khảo sau này. Các kiến thức dưới đây dùng khi phối màu bằng bút chì hoặc sơn, không áp dụng cho phối màu với ánh sáng.
Bất kỳ màu nào cũng có ba đặc trưng cơ bản: màu sắc, cường độ và cung bậc.
a. Màu sắc:
C-1. Vòng chuyển sắc thể hiện các màu cơ bản, thứ cấp và màu cấp độ ba.
Các màu bổ trợ tạo thành đường kính vòng chuyển sắc
C-2. Bộ ba màu căn bản (đỏ, vàng và xanh dương)
Màu sắc là cái mà ta thường ám chỉ đến khi dùng từ “màu”. Đỏ, xanh dương – xanh lá, cam và vàng là những ví dụ về màu sắc. Vòng chuyển sắc cơ bản gồm 12 màu khác nhau, xoay quanh vòng tròn. Chúng ta thường dùng vòng chuyển sắc để hiểu về mối quạn hệ giữa các màu (Hình C-1).
b. Bộ ba cơ bản (sơ cấp):
Có ba màu cơ bản đó là đỏ, vàng và xanh dương. Đây là các màu chính yếu nhất và không thể được tạo ra bằng cách trộn lẫn các màu khác. Chúng là nền tảng cho việc phối màu và là trụ cột của vòng chuyển sắc. Trên vòng chuyển sắc, ba màu này tạo thành một hình tam giác đều. Từ bộ ba căn bản này sẽ tạo ra các màu khác (Hình C-2). Chú ý, ta không thể tạo ra màu đỏ tươi bằng cách pha lẫn các màu khác, màu đỏ tươi phải được mua riêng.
c. Bộ ba màu thứ cấp (cấp độ 2): Gồm cam, tím và xanh lá. Chúng cũng tạo thành một tam giác đều trên vòng chuyển sắc. Màu cấp 2 được tạo ra bằng cách phối hai màu cơ bản lại với nhau: vàng với đỏ tạo ra cam, đỏ và xanh dương tạo thành tím, xanh dương và vàng tạo ra xanh là (Hình C-3).
C-3. Bộ ba màu thứ cấp – cấp độ 2 (cam, xanh lá và tím)
d. Các màu cấp độ 3: Khi phối một màu cơ bản với một màu cấp 2, ta tạo ra được màu cấp 3. Ở đây ta có 6 màu cấp 3. Trên vòng chuyển sắc, nó nằm giữa màu cơ bản và màu cấp 2 tạo ra nó. Ví dụ, màu xanh dương – xanh lá nằm giữa hai màu đó. Các màu cấp 3 gồm có: vàng – xanh lá, xanh dương – xanh lá, xanh da trời – tím, đỏ - tím, đỏ - cam và cam – vàng (Hình C-4).
C-4. Các màu cấp độ 3 được phối từ một màu cấp 2 và màu cơ bản ấp 1 đứng gần nó (vàng – xanh lá, xanh dương – xanh lá, xanh dương – tím, đỏ - tím, đỏ - cam và cam vàng)
f. Cường độ màu: Là độ sáng hoặc tối của màu. Để giảm cường độ hoặc độ sáng của một màu, bạn có thể thêm vào màu bổ trợ của nó – nằm đối diện trực tiếp với nó trên vòng chuyển sắc (Hình C-5). Càng thêm nhiều màu bổ trợ, màu sắc sẽ càng mờ đi. Khi đó, bạn sẽ có các màu trung tính như xám, hung đỏ hoặc nâu đất. Việc dùng các màu bổ trợ để giảm độ sáng khi vẽ hoặc sơn màu sẽ giúp ích cho quá trình tạo bóng, thể hiện khoảng cách hoặc dựng mẫu cho vật mẫu.
C-5. Các màu bổ trợ nằm đối diện nhau trên vòng chuyển sắc. Kết hợp các màu này sẽ tạo ra màu mới nhẹ hơn.
Dùng với tỷ lệ thích hợp, các màu bổ trợ sẽ mờ đi và tạo ra màu trung tính
g. Trắng và đen: Trắng và đen không được coi là màu, nhưng chúng là yếu tố rất quan trọng hỗ trợ cho bạn trong quá trình vẽ. Sắc đen hấp thụ tất cả các tia sáng và hầu như không phản chiếu. Sắc trắng thì ngược lại, phản chiếu gần như tất cả các tia sáng. Trắng là cây bút sáng màu nhất và đen thể hiện sắc tối nhất. Khi pha màu đen và trắng chung với nhau, chúng sẽ tạo nên tông màu xám. Nếu ban đầu ta dùng màu đen và sau đó thêm dần sắc trắng vào, đến cuối cùng, ta sẽ có một dãy chuyển màu từ tối sang sáng. (Hình C-6).
C-6. Các cấp độ sáng và tối của màu xanh dương, cam, xanh lá và hồng.
Nếu bạn tạo ra được sự tăng dần cấp độ màu, sẽ có dãy chuyển sắc
h. Cung bậc màu sắc: Khi pha một màu nào đó với sắc đen là bạn đang tô đậm nó. Càng pha nhiều, thì màu càng trở nên tối hơn, cho đến khi màu hoàn toàn biến mất. Nếu thêm sắc trắng vào với màu, bạn đang tạo ra cung bậc màu nhẹ hơn. Càng nhiều sắc trắng màu càng sáng, nhưng không bao giờ đạt được độ trắng tinh khiết. Không có màu nào tối bằng màu đen hoặc sáng bằng màu trắng. Mỗi cây bút chì màu sẽ có cung bậc màu riêng. Màu vàng có tông cao (rất sáng) và tím có tông thấp (rất tối). Các màu xanh dương – xanh lá và đỏ - cam có tông trung bình.
6. Hoàn thành bức vẽ:
* Vật dụng:
- Bộ bút chì màu;
- Bút đánh bóng;
- Ảnh gốc;
- Phác họa phóng to trên giấy vẽ;
- Giấy nhám;
- Tẩy.
Bước 1: Nhìn vào ảnh gốc để nghiên cứu các màu sắc mà bạn sắp sửa phối. Trên một mảnh giấy nhám, tiến hành tạo các màu cần dùng để hoàn tất bức vẽ. Việc học cách phối màu trước khi vẽ sẽ giúp bạn có thêm tự tin. Đồng thời bạn sẽ thử nghiệm được kỹ thuật trên giấy nhám, thậm chí là bạn có thể xem xét được một số khả năng mắc lỗi mà không sợ làm hỏng bức vẽ.
Bước 2: Dùng bức phác họa mà bạn đã chuyển qua giấy vẽ trắng và nhìn vào ảnh gốc. Hãy bắt đầu với bước tô các vùng sáng nhất trên phác họa phóng to. Nếu muốn phối màu tại một khu vực nào đó, bạn hãy tô khổ toàn bộ vùng đó bằng một màu trước, sau đó tô thêm màu thứ 2 (Hình 13). Phối màu toàn bộ khu vực sẽ tạo nên hiệu quả tốt hơn so với cách tô từng vùng nhỏ, sau đó kết hợp lại. Hãy giữ cho các lớp màu mỏng và sử dụng bút chì trắng để pha các màu lại với nhau.
Hình 13. Kết hợp màu cam với lớp màu vàng bên dưới trên một vùng rộng
Bước 3: Bắt đầu tô màu lên các vùng khác (Hình 14). Khi bạn tô đậm một phần bức vẽ hãy chú ý tới các khu vực cần kết cấu và các vùng cần nét vẽ để thúc đẩy bố cục tạo hình (Hình 15).
Hình 14. Thêm màu và các lớp màu vào tranh
Hình 15. Hình cận cảnh một vùng có kết cấu, gồm một lớp bóng và vùng sáng nhất để tạo ấn tượng ba chiều
Bước 4: Tiếp tục thêm các lớp màu cho đến khi bản sao được gần giống ảnh gốc (Hình 16).
Hình 16. Bức vẽ hoàn chỉnh của Ken Schwab
>>> Tâm lý học trong hộp bút chì màu
>>> Cách tô màu bằng bút sáp dầu