Độ sáng tối - đậm nhạt của hình thể

Độ sáng tối – đậm nhạt (Value) là các thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ đặc tính bề mặt của một hay nhiều hình thể nào đó. Có nghĩa chỉ mức độ đen – trắng (không không có sắc màu) của vật thể hay chỉ là đơn sắc pha thêm đen trắng (ví dụ màu nâu thêm nhiều hay ít trắng).

Về mặt lý thuyết, độ sáng tối – đậm nhạt là một dải vô hạn từ trắng tới đen, nó phụ thuộc vào tỷ lệ pha trộn của trắng và đen. Độ sáng tối – đậm nhạt được sử dụng hữu hiệu trong việc mô tả hình dạng, đặc tính bề mặt, không gian, chiều sâu khoảng cách. Sau đây là một số khả năng tạo hình chính khi dùng cách thức sáng tối – đậm nhạt.

1. Cơ sở nhận biết hình: Độ sáng tối – đậm nhạt xét về mặt cảm nhận thị giác, nhằm tạo ra sự tương phản giữa hình với nền hay giữa hình này với hình khác. Đây là một trong những cơ sở để nhận biết hình, bởi không có sự tương phản giữa hình và nền thì không thể nhận biết được các hình thể, vật thể.

Tuy vậy, độ rõ giữa các hình với nền tùy thuộc vào mức độ tương phản: mức độ tương phản rõ hay mờ nhạt tùy thuộc vào chủ ý của người thiết kế. Cần lưu ý, khi các mảng màu có sắc màu khác nhau với độ sáng tối – đậm nhạt gần như nhau, khi đặt cạnh nhau, có thể phân biệt được sắc màu giữa chúng. Nhưng khi quan sát với nguồn chiếu sáng có cường độ hạn chế hoặc chuyển chúng dưới dạng đen trắng thì rất khó phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Hình 2.1 là bức tranh trừu tượng của họa sỹ Mark Rothko ở dạng bản màu và bản chụp lại dạng đen trắng.

 

dam nhat 1

Hình 2.1: Nhận biết các sắc màu và độ sáng tối – đậm nhạt

a. Mark Rothko. Untitled 12, sơn dầu. Sắc hồng và đỏ có độ sáng tương đương nhau.

b. Ảnh chụp bức tranh dạng đen trắng khó phân biệt được diện có sắc hồng và đỏ

* Tả không gian – chiều sâu: Độ sáng tối – đậm nhạt có thể dùng để mô tả độ xa, gần, nông, sâu. Thông thường, cảm nhận thị giác là đậm ở gần, nhạt ở xa. Xem ví dụ hình 2.2.

dam nhat 2

Hình 2.2: Đậm nhạt mô tả độ xa gần

Hợp nhóm các chấm đen, ghi xám, ghi nhạt. Các chấm đậm ở gần, nhạt ở xa

* Tả hình khối, cấu trúc bề mặt diện:

Có thể dùng độ sáng tối, đậm nhạt để mô tả hình khối của vật thể, khi đó bóng bản thân, bóng đổ của vật thể và nguồn sáng đóng vai trò quan trọng trong chất lượng mô tả hình thể. Với diện phẳng, việc dùng sắc độ đậm nhạt, sáng tối kết hợp với tổ chức các hình dạng theo quy luật nào đó có thể tạo ra một cấu trúc bề mặt (Texture) cho cảm giác về độ nhám, mịn, cứng, mềm… của vật thể.

dam nhat 3

Hình 2.3: Đậm nhạt, sáng tối mô tả hình khối và cấu trúc bề mặt

2.3a: M.E.Esche. Nature morte au miroir. Lithographic, 1943. Sắc độ đậm nhạt, sáng tối dùng để mô tả khối, chất liệu bề mặt hình thể.

2.3b: M.E.Esche. Development1. Dùng sắc độ sáng tối đậm nhạt và các hình dạng có tổ chức tạo ra cấu trúc cho bề mặt diện.

Hình 2.3 là hai tác phẩm của họa sỹ Hà Lan M.E.Escher: một dùng độ sáng tối, đậm nhạt để mô tả hình khối, chất liệu của vật thể; một dùng các hình dạng điển hình sắc độ khác nhau được sắp xếp theo cấu trúc mạng.

* Bài tập thực hành: Tạo cấu trúc bề mặt

Dùng mực nho hoặc bút chì, bút mực tạo nên 15 bố cục có các yếu tố điểm, tuyến, diện với sắc độ đậm nhạt khác nhau. Các yếu tố trên được sắp xếp theo một quy luật nào đấy nhằm tạo ra một cấu trúc bề mặt đặc trưng (xem ví dụ hình 2.4).

2. Chất liệu – Cấu trúc bề mặt:

* Khái niệm chất liệu – cấu trúc bề mặt:

- Tất cả các vật liệu hình thành nên bề ngoài của hình thể dù là tự nhiên hay nhân tạo đều có dạng cấu trúc bề mặt riêng.

- Đặc trưng chất liệu bề mặt của chúng có thể được mô tả như: mịn, nhám, trơn, gồ ghề, trong, đục…

- Có hai dạng thức sử dụng chất liệu – cấu trúc bề mặt để tạo các hình thể: + Tạo nên cấu trúc bề mặt có tính chất trang trí thêm cho hình thể (hình 2.5); + Chất liệu – cấu trúc bề mặt là yếu tố tự thân vốn có của hình thể (hình 2.6).

dam nhat 5

Hình 2.5: Cấu trúc bề mặt có tính chất trang trí do người sáng tác tạo nên

a. Mô típ hoa lá được bố trí đều đặn dạng ô lưới tạo nên các hoa văn, cấu trúc bề mặt lặp lại tuần tự một vài hình dạng.

b. Thạp đồng cổ Việt Nam (trước CN). Chất liệu: đồng thau. Các vết chạm nổi trên mặt đồng làm thay đổi cấu trúc bề mặt. Vết đục chạm các gờ nổi tạo ra các dải, các diện có bề mặt sinh động.

dam nhat 6

Hình 2.6: Chất liệu – cấu trúc bề mặt do tự thân vật liệu tạo nên

a. Louis Josephine Bourgeois, Đôi mắt (1982), đá marble. Chất liệu đá marble được làm bóng, làm mịn mặt và nhám, tạo sự tương phản giữa động và tĩnh, giữa cái tròn trịa và cái thô cứng. Tác phẩm là các cấp độ xử lý bề mặt của cùng một chất liệu.

* Cảm nhận thị giác đối với chất liệu – cấu trúc bề mặt:

Một nghiên cứu về hình thể sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu sự quan tâm tới đặc tính “xúc giác” của bề mặt. Chất liệu – cấu trúc bề mặt cảm nhận qua kênh xúc giác và có thể được mô tả như: mịn, nhám, lượn sóng, gấp nếp, gồ ghề… Tuy nhiên, cấu trúc bề mặt còn được cảm nhận thông qua kênh thị giác và cho hiệu quả thu nhận gần như xúc giác nhờ ánh sáng phản chiếu lên bề mặt của chất liệu. Cũng nhờ ánh sáng, thị giác cảm nhận được các đặc tính về sắc độ, độ sáng tối, màu sắc của chất liệu. Qua kênh thị giác, có thể nhận thức được tương đối rõ hình dạng, hình khối, kích thước, chiều sâu, đường viền, tương quan tỷ lệ giữa các phần của vật thể cùng bối cảnh xa gần của không gian chứa chúng. Có thể nói, khả năng nhận thông tin của kênh thị giác là lớn nhất trong 5 giác quan của con người.

dam nhat 5

2.6b: Getty Villa, Malibu, California, 2006

Các chất liệu bề mặt tự nhiên của bê tông trần, đá thô, các gờ, các tuyến, độ nhám nổi rõ nhờ hiệu quả ánh sáng, mặt nước

* Các yếu tố ảnh hưởng tới cảm nhận chất liệu – cấu trúc bề mặt:

Chất liệu – cấu trúc bề mặt là một trong những đặc tính quan trọng của vật thể, qua đó giúp phân biệt giữa các đối tượng khác nhau trong môi trường nhìn. Trái lại, các yếu tố của môi trường xung quanh cũng tác động lại tới hình ảnh, đặc tính của cấu trúc bề mặt vật thể. Các yếu tố ảnh hưởng tới sự cảm nhận có thể kể đến:

a. Kiểu dạng chất liệu, cụ thể là cấu trúc bề mặt, màu sắc, độ sáng – tối, chất liệu vật liệu, độ lồi lõm bề mặt.

b. Độ xa gần từ điểm quan sát tới đối tượng quan sát.

Thông tin về bề mặt nhiều hay ít phụ thuộc vào khoảng cách của người quan sát tới đối tượng quan sát. Trong nhiều trường hợp, cùng một loại chất liệu khi quan sát cận cảnh lại cho tac ảm nhận khác khi nhìn xa. Đây là cảm giác thú vị khi tri giác các chất liệu. Các hình từ 2.7 đến 2.10 là ảnh chụp từ xa và cận cảnh một số bề mặt vật dụng.

dam nhat 6

Hình 2.7: Chất liệu bề mặt và độ xa gần của chất liệu đan dệt

a. Ảnh chụp một cái rổi đan bằng sợi thép inox. Mặt rổ có cảm giác trơn và mềm mại.

b. Ảnh chụp cận cảnh một phần. Bề mặt lại có cảm giác gồ ghề, đanh cứng.

dam nhat 7

Hình 2.8: Chất liệu bề mặt và độ xa gần của chất liệu đan, dệt bằng vật liệu tự nhiên

a. Một bị cói có cấu trúc bề mặt, tạo bởi các sợi có kiểu cài lồng, cảm giác bề mặt mềm nhẹ.

b. Cận cảnh chi tiết bề mặt lại có vẻ cứng.

c. Vị trí nguồn sáng, cường độ nguồn sáng.

Vị trí nguồn sáng, cường độ sáng cho thấy sắc độ, độ đậm nhạt, màu sắc, cấu trúc bề mặt, độ lồi lõm rõ hay mờ nhạt của bề mặt. Nghiên cứu vị trí, chiều hướng, cách thức tạo nguồn sáng chiếu vào bề mặt vật thể là rất quan trọng, đặc biệt với nghệ thuật kiến trúc.

Hình 2.11 là các ví dụ về cách sử dụng vị trí nguồn sáng để tăng hiệu quả cảm nhận chất liệu bề mặt của hình thể.

dam nhat 8

Hình 2.9: Chất liệu và độ xa gần của gạch, đá xây thô

a. Ảnh chụp một không gian nội thành với gam màu trầm ấm. Các bề mặt hoàn thiện là các chất liệu tự nhiên như gạch gỗ, tường trát vữa. Mảng gạch trần xây thô là yếu tố nổi trội, xốp, nhẹ và linh động.

b. Cận cảnh các viên gạch trần đánh cứng. Hình ảnh thô nhám vững chắc.

dam nhat 9

Hình 2.10: Chất liệu và độ xa gần

a. Một chiếu lọ thủy tinh khía rãnh có vẻ long lanh dễ vỡ.

b. Nhìn cận cảnh các chi tiết lại có vẻ rắn chắc ổn định.

dam nhat 10

dam nhat 11

Hình 2.11: Kiểu thức nguồn chiếu sáng

a. Hitoshi Abe. Kanno Museum of Art (2006). Japan. Nguồn sáng chiếu cho các vật phẩm lộ rõ. Từng khu vực được điều chỉnh độ sáng khác nhau, chất liệu bề mặt tường và trần với các vết lõm.

ảnh

2.11b: Bề mặt tường ngoài có cấu tạo là các vết lõm.

2.11c: Zaha Hadid. MAXXI. National Museum of XXI Century Arts. Rome, Italy.

Bằng các giải pháp kỹ thuật che, giấu nguồn sáng tự nhiên và đèn đã tạo ra ánh sáng khuếch tán trắng đục. Nội thất có màu trắng sữa, không tạo nên bóng đổ cho các thiết bị, các bộ phận và các khán giả ở trong không gian.

* Các loại chất liệu – cấu trúc bề mặt:

Các kiến trúc sư, họa sỹ, nhà thiết kế tạo dáng luôn tìm chất liệu thể hiện cho mỗi tác phẩm của mình. Chất liệu với đặc tính bề mặt, cùng phương thức thể hiện đóng góp rất lớn vào biểu đạt ý đồ cũng như tính thẩm mỹ, hãy xem các ví dụ sau:

Hình 2.12a là ảnh chụp nội thất một công trình của kiến trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma. Với chất liệu tre làm chủ đạo cấu tạo nên các diện tường, diện sàn, diện trần. Hình ảnh nội thất gắn kết, hòa đồng với môi cảnh đồi cây, hồ nước xung quanh. Vẻ thô mộc, đơn giản nhưng tinh tế và tao nhã là đặc trưng của tác phẩm.

Hình 2.12b, tác phẩm theo xu hướng siêu thực, tác giả đã cố tình gây ra sự bức bối, dị biệt cho người xem thông qua cách sử dụng vật liệu là lông thú cứng bọc lấy bộ đồ uống. Đây là trường hợp vật liệu bề mặt đã góp phần quyết định ý tưởng của tác phẩm. Với sự đa dạng về hình loại vật liệu, ngày nay các kiến trúc sư, các họa sỹ thiết kế luôn phải cân nhắc chọn lựa và phối kết giữa vật liệu nhân tạo và chất liệu tự nhiên. Giữa vật liệu, cấu kiện chế tạo tại chỗ hay vật liệu, cấu kiện lắp ghép hay sản xuất hàng loạt.

Việc chọn lựa, tổ chức vật liệu bề mặt nhằm hướng tới tính thực dụng, thực tế và hiệu quả thẩm mỹ. Việc phối kết các chất liệu – cấu trúc bề mặt trên một hình thể có thể gây ra sự thích thú hay là nhàm chán khó chịu.

dam nhat 12

2.12a: Great (Bamboo) Wall, China, 2002. Kengo Kuma. Vật liệu tre làm chủ đạo đã tạo ra vẻ đơn giản nhưng tinh tế, sự hài hòa giữa công trình với môi cảnh xung quanh.

2.12b: Meret Oppenheim. Objet (1936). Lông thú phủ bao bọc bộ đồ uống: tách, đĩa, thìa. Tạo cảm giác bức bối, chông chênh và siêu thực…

Có thể phân ra bốn loại chất liệu – cấu trúc bề mặt là: tự thân; mô tả; cách điệu và kiến tạo mới.

a. Cấu trúc bề mặt tự thân: Cấu trúc bề mặt tự thân là cấu trúc thực. Nó phản ánh đúng bản chất thật của bề mặt vật liệu, không che đậy mô phỏng. Đặc biệt cảm giác về xúc giác rất rõ khi tiếp xúc với bề mặt vật liệu loại này. Với nghệ thuật ba chiều như kiến trúc, điêu khắc, cấu trúc bề mặt tự thân thường là một phần tự nhiên của tác phẩm. Thường thì chất liệu thật của bề mặt vật liệu (cấu trúc bề mặt tự thân) luôn được đánh giá cao. Sẽ là kém thú vị khi một tác phẩm điêu khắc lại sơn vẽ làm giả chất liệu đá hoa cương hay đá marble. Một bức tường trát vữa xi măng lại sơn giả đá thô hay gạch trần.

Hình 2.13 là một số ví dụ về sử dụng chất liệu trong điêu khắc và kiến trúc mà cấu trúc bề mặt diện ngoài phản ánh đúng bản chất vật liệu cấu kết nên tác phẩm. Trong hội họa, việc tạo độ nhám, các vệt nổi khi sử dụng màu cũng được nhiều họa sỹ sử dụng.

dam nhat 13

Hình 2.13: Sử dụng cấu trúc bề mặt đúng với bản chất vật liệu (cấu trúc bề mặt tự thân)

a. Constantin Brancusi. Thiếu nữ (1912). Đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch được mài nhẵn lộ rõ vân đá. Phần cuối tượng được để thô nhám.

b. Church Ronchamp, France (1955). Le Corbusier. Chất liệu bê tông trần, vữa trát sần nhám hiện rõ dưới ánh sáng mặt trời.

c. Koshino House, Ashiya. Tadao Ando. Chất liệu tường bê tông trần không sơn được hắt sáng từ dưới lên, vệt bóng đổ trên tường chéo và sẫm màu. Hình ảnh giống như một bức tranh trừu tượng hình học.

2.13d:Los Clubes, Mehico City 1904. Luis Barragan. Sỏi cuội, vữa trát nhám cho thấy vẻ đẹp mộc mạc của vật liệu tự nhiên.

Hình 2.14a là bức tranh của họa sỹ Van Gogh mà một phần chất liệu sơn dầu được tạo gồ hẳn trên mặt tranh, làm các diện như nổi lên và gần lại, yếu tố tuyến nổi trội trong bức tranh thông qua các gờ cạnh chạy dài. Việc tạo cấu trúc bề mặt tranh trong nghệ thuật hai chiều có lẽ được bắt đầu với hai họa sỹ lập thể là Picasso và Braque. Các bức tranh được cắt dán thêm giấy, vải, mây đan… Ngày nay, có thể thấy rất nhiều kiến tạo cấu trúc bề mặt cho mặt phẳng tranh hai chiều như dùng đá, sỏi, cát, vải trộn vào sơn dầu để tạo độ gồ ghề cho mặt tranh. Xem ví dụ hình 2.14b.

dam nhat 15

Hình 2.14: Cấu trúc bề mặt của tranh hội họa

a. Vicent Van Gogh. The Night Café (188). Sơn dầu. Các vệt màu, tuyến màu là bút pháp chủ đạo của bức tranh.

b. Alberto Burri. Sack 5P (1953). Vật liệu tổng hợp. Vải, sơn dầu, dây tép tạo nên bề mặt tranh.

b. Cấu trúc bề mặt mô tả: Một bề mặt được mô tả để tạo hiệu quả giống như thật. Thực chất đây là tạo hiệu quả ảo về cấu trúc bề mặt thông qua vẽ, in ấn, sơn phủ công nghiệp, dập khuôn nổi… Các chất liệu dạng này phần lớn được đặc tả với chất liệu mịn. Việc dùng các yếu tố như điểm, tuyến, diện, sắc độ, màu sắc và các yếu tố tạo hình khác nhằm tạo ra hiệu quả giống tự nhiên. Xem ví dụ 2.15.

c. Cấu trúc bề mặt cách điệu: Các họa sỹ, các kiến trúc sư, nhà tạo dáng khi sử dụng cấu trúc bề mặt, thay vì mô tả y nguyên tự nhiên, họ cách điệu chúng. Thủ pháp cách điệu thường thông qua hệ mạng và lặp lại mô típ. Xem ví dụ 2.16.

dam nhat 16

Hình 2.15: Cấu trúc bề mặt mô tả hình dạng tự nhiên - Hình 2.16: Cấu trúc bề mặt cách điệu hoa lá

a. Vân gỗ; b. Đất bùn; c. Nước; d. Đất; e. Đất khô nứt; f. Da; g. Sỏi

d. Cấu trúc bề mặt kiến tạo mới: Cấu trúc bề mặt kiến tạo mới là cấu trúc ít gặp trước đây. Chúng không mô phỏng từ thực tế tự nhiên mà là sản phẩm của trí tưởng tượng của người sáng tác (ví dụ bề mặt tường, hình minh họa 2.11a). Đôi khi cấu trúc bề mặt kiến tạo mới khó phân biệt với cấu trúc bề mặt cách điệu do cùng là sản phẩm không dựa vào cấu trúc vốn có của tự nhiên. Cấu trúc bề mặt kiểu kiến tạo mới được hình thành thông qua phép biến hình, lặp lại, xoay trượt theo cấu trúc mạng… Hình 2.17 là các ví dụ về dạng cấu trúc này.

dam nhat 17

Hình 2.17: Cấu trúc kiến tạo mới

a. Các dải sọc chéo đều đặn.

b. Các lực giác xếp liền kề nhau.

c. Các hoa văn tròn sắp xếp kiểu cài lồng.

d. Các hình tròn dập nổi đặt cạnh nhau đều đặn.

e. Giao thoa tuyến ngang và chéo.

f. Các rãnh khía đảo chiều hướng theo ô mạng.

>>> Tại sao sắc độ sáng tối lại quan trọng?

>>> Sáng tối - Đen trắng trong TK tạo hình

>>> Học quan sát độ đậm nhạt

0976984729