Những yếu tố thị giác cơ bản của hình thể (Phần 2)

 

* Nét khung xương, nét mạng:

a. Dùng nét vẽ đậm vẽ lại năm loại cấu trúc dạng khung xương của thế giới sinh vật. Lưu ý: chú ý các mắt giao nhau đúng với cấu trúc thật của sinh vật. Xem ví dụ 1.25 ở phần trên.

b. Dùng nét vẽ đậm, mảnh khác nhau để vẽ hệ cấu trúc khung mạng. Xem ví dụ 1.27b ở trên.

* Nét tạo hình ảnh:

Mục đích của bài tập là dùng các loại nét có đặc tính khác nhau về: chiều hướng, hình dạng, kích cỡ, đoạn kết của nét để tạo nên một hình ảnh, nhằm tránh sự đơn điệu không nên sử dụng liên tục một số ít nét có cùng đặc tính. Xem ví dụ minh họa hình 1.37.

thi giac 1

Hình 1.37: Nét tạo hình ảnh

a. Nét dạng chảy rũ, cùng một nét có độ mảnh, dầy khác nhau.

b. Nét chéo có độ mảnh đều nhau làm chủ đạo.

c. Nét thẳng đứng, nằm ngang có độ mảnh khác nhau.

* Nét và ý nghĩa của nét: Tính đa dạng về hình thức của tuyến đã thể hiện một phần ở mục nhận dạng tuyến. Phần này bàn đến thông tin, ngữ nghĩa của nét. Có thể phân ra các loại nét sau:

- Nét mang nghĩa: Một tổ hợp hình thể được tạo dựng bằng nét không phải nét nào cũng có nhiều giá trị, ngữ nghĩa như nhau. Có những nét mà thiếu nó thông tin về hình thể sẽ không rõ. Nét này gọi là nét mang nghĩa. Hình 1.38 cho thấy để phân biệt giữa số 5 và số 3 là nét đứng và nét chéo. Đây là hai nét mang nghĩa, thiếu nó thông tin sẽ không đầy đủ.

thi giac 2

Hình 1.38: Nét mang nghĩa

Thiếu nét đứng hay chéo, thông tin về hình sẽ không đầy đủ. Hai nét này gọi là nét mang nghĩa.

- Nét cấu tạo: Có những nét chỉ mang tính chất cấu tạo, có nó hình sẽ hoàn chỉnh hơn, không có nó người xem vẫn nhận thức đượ về cấu trúc và ngữ nghĩa của hình. Hình 1.39 vẽ cách điệu con cá. Nét vẽ thể hiện phía dưới có thể lược bỏ nhưng không ảnh hưởng tới hình ảnh chung của con cá. Nét này là nét cấu tạo.

thi giac 3

Hình 1.39: Nét cấu tạo

Nét về phận bụng cuon cá có thể bỏ nhưng vẫn nhận dạng được hình ảnh chung. Nét này là nét cấu tạo.

- Nét đa nghĩa: Sử dụng một nét mang được đa nghĩa về hình ảnh, về nội dung và hình tượng là thủ pháp mà các họa sỹ, kiến trúc sư, nhà thiết kế tạo dáng hay dùng. Việc tạo được nhiều nét đa nghĩa trong tác phẩm mang lại hiệu quả thị giác thú vị, nó kích thích sự tưởng tượng, sự tìm hiểu của người xem với tác phẩm. Hình 1.39a là tác phẩm của họa sỹ Picasso dùng nét vẽ chim hòa bình. Nét vẽ khuôn mặt người và cánh chim được kết hợp khéo léo. Hình 1.39b là hình vẽ lại mặt đứng công trình nhà hát Sydney của kiến trúc sư Jorn Utzon. Đây là tác phẩm kiến trúc mà hình ảnh bên ngoài mang nhiều ngữ nghĩa: cánh buồm, các con rùa biển, các múi cam…

thi giac 4

Hình 1.39a,b: Nét đa nghĩa

a. Nét vẽ cánh chim đồng thời là nét vẽ khuôn mặt.

b. Hình ảnh đa nghĩa của công trình, giống cánh buồm, con rùa biển, múi cam…

- Nét liên tưởng: Là loại nét chỉ được tạo ra trong suy nghĩ, từ tưởng tượng của người sáng tác, người xem khi quan sát tác phẩm. Nét liên tưởng có thể hiểu dưới dạng sau: Nét liên tưởng liên kết các nét dang dở (Hình 1.40a, b); Đoạn kết của tập hợp các tuyến song song (Hình 1.40c); Là nét liên kết các chấm điểm gần kề nhau (Hình 1.40d); Một loại nét liên tưởng ở dạng khác là tuyến điều hòa. Tuyến này được tạo ra như một cấu trúc ảo để sắp xếp các yếu tố thành phần sao cho đạt được tính chặt chẽ, hài hòa, giúp cho hình có chất lượng nhịp điệu.

Một trong những dấu hiệu để phân biệt hội họa thời kỳ Phục Hưng là sử dụng các tuyến điều hòa để tạo ra một hệ tuyến cấu trúc cho tác phẩm. Tuyến liên tưởng này có thể là dạng tròn, hình vuông, tam giác…

thi giac 5

Hình 1.40: Nét liên tưởng

a. Nét liên tưởng liên kết đường cong có vẻ còn dang dở vẽ trên khối trụ tròn nằm ngang.

b. Khối kim tự tháp, khối trụ, khối cầu bị che lấp một phần nhưng người xem vẫn cảm thấy nó hoàn thiện do xuất hiện nét liên tưởng (nét khuất).

c. Tuyến liên tưởng được tạo ra từ nối kết các đoạn cuối của một loạt tuyến song song.

d. Tuyến liên kết các chấm điểm.

thi giac 6

Hình 1.41a: Piero Della Francesca. Sự phục sinh (1450) - Tranh bích họa. Hệ tuyến điều hòa có dạng tam giác cân

Hình 1.41b: Villa Garches France. 1927. Le Corbusier - Các vị trí, kích cỡ, hình dáng chi tiết mặt đứng được dựng theo tuyến điều hòa

Hình 1.41a là bức tranh của Piero Della Francesca, họa sỹ Phục Hưng. Trong tác phẩm hệ tuyến điều hòa hình tam giác được tạo ra bởi vị trí điệu bộ của các nhân vật. Hình ảnh chung có tính tầng bậc mang vẻ tĩnh lặng, bi tráng. Hệ tuyến điều hòa thường được dùng trong kiến trúc để khống chế tính thất thường của hợp nhóm các diện, điều phối, tạo tính trật tự của bộ phận trong tổng thể. Hình 1.41b là ví dụ cách dựng mặt đứng, chia các chi tiết theo tuyến điều hòa một biệt thự của kiến trúc sư Le Corbusier.

Bài tập thực hành:

* Đơn giản nét một công trình kiến trúc:

Mục đích của bài: bỏ bớt các nét tạo khối, tạo không gian của một công trình kiến trúc, giữ lại các nét có nghĩa nhất (ấn tượng nhất) của công trình. Cách làm, vẽ lại một công trình kiến trúc bằng nét, lược bỏ dần các nét có tính chất cấu tạo theo bốn cấp độ (bước cuối cùng theo trí nhớ vẽ lại nét ấn tượng nhất về hình ảnh công trình). Xem hình 1.42.

thi giac 7

Hình 1.42: Đơn giản nét một công trình kiến trúc

a. Ảnh chụp công trình Center PompedauMet. France. 2010. Shigeru Ban & Jeande Gastines.

b. Ba bước đơn giản nét của công trình.

c. Nét ấn tượng vẽ theo trí nhớ.

* Tạo một bố cục đen trắng thông qua dùng tuyến điều hòa, tuyến liên tưởng: Xem hình 1.43.

Khả năng biểu đạt và diễn hình của tuyến: Tuyến là một yếu tố cơ bản của nghệ thuật tạo hình. Tuyến mang tính biểu cảm rõ nét. Tuyến thường được các họa sỹ, kiến trúc sư, nhà thiết kế tạo dáng sử dụng để truyền đạt những ý tưởng, tâm trạng và nhiều loại thông tin khác. Tuyến dùng để phác thảo các hình dạng (shape), vẽ nên các hình thể (form) cùng chất liệu của nó. Tuyến mô tả sự chuyển động, tạo ánh sáng và bóng tối thậm chí tạo nên các ảo giác của hình thể. Sau đây sẽ nghiên cứu khả năng của tuyến trong việc mô tả và tạo dựng hình thể.

thi giac 8

Hình 1.43: Dùng tuyến liên tưởng – tuyến điều hòa tạo bố cục đen trắng

a. Đây là tổ hợp các hình vuông, hình chữ nhật có các đường chéo song song và vuông góc với nhau, tổ hợp kiểu cài lồng, chồng xếp (bài tập sinh viên).

b. Đây là tổ hợp hình vuông được sắp xếp theo kiểu cận kề, cạnh tiếp xúc cạnh. Kích thước hình vuông tương quan theo chuỗi số cộng fibonacci, các đường chéo được tổ hợp theo dạng song song (bài tập sinh viên).

c. Bố cục này được tổ hợp theo kiểu cài lồng từ các hình chữ nhật vàng có kích cỡ khác nhau. Ba hình chữ nhật dưới có các đường chéo song song với nhau. Các hình chữ nhật nhỏ hơn được tổ hợp theo dạng xoay tỏa (bài tập sinh viên).

* Tuyến tạo đường bao hình thể: Lấy một số vật nào đó để làm mẫu. Dùng bất kỳ dụng cụ vẽ nét nào, vẽ lại các vật sao cho ít dừng nét bút nhất, số nét ít nhất mà vẫn chuyển tải được đúng hình dáng, vị trí các đồ vật. Phải nắm bắt về cấu trúc và nhanh chóng hoàn thành trong khoảng 2 phút. Hình vẽ đòi hỏi ghi lại ấn tượng của vật thể với nét vẽ uyển chuyển. Có thể vẽ lại theo trí nhớ về hình ảnh. Xem ví dụ 1.45.

a. Tuyến tạo nên đường bao và hình dạng:

Khi nhìn một hình thể (form) nào đó, ta luôn cố tạo ra sự ngăn cách giữa hình quan sát với không gian xung quanh, cố làm nảy ra bờ cạnh của vật thể để tìm ra đường bao của hình thể quan sát. Khi đó yếu tố tuyến tạo nên hình dạng (shape), tuyến đơn đã xuất hiện. Tuyến đơn tạo hình dạng, tạo hình thái cốt cách chung nhất của vật thể. Nhiều họa sỹ đã dùng nét bao hình dạng như yếu tố chủ đạo trong tác phẩm của mình. Hình 1.44 là tác phẩm điêu khắc của Alexander Calder, tác giả đã dùng các đường bao dây kim loại để tạo nên hình dạng các nhân vật.

thi giac 9

Hình 1.44: Alexander Calder. The Brass Family (1927)

Tác phẩm điêu khắc được làm từ kim loại và gỗ. Các nhân vật được miêu tả chỉ bằng nét bao uốn lượn. Vẻ sống động vui vẻ thể hiện rõ ở tác phẩm.

thi giac 10

Hình 1.45: Tuyến tạo đường bao

a. Ảnh chụp một tĩnh vật.

b. Nét vẽ đường bao, nét vẽ mô tả nhanh, nét vẽ ít dùng.

b. Tuyến tạo nên chất liệu cấu trúc bề mặt: Một hợp nhóm các nét có thể tạo nên cấu trúc một bề mặt nào đó. Nó gợi lên vẻ xù xì, thô nhám, lượn sóng hay trơn nhẵn của hình thể. Tranh vẽ đen trắng hay dùng nét vẽ với độ thưa dầy, thô mảnh khác nhau để tả hình thể, chất liệu, sáng tối. Xem hình 1.46.

thi giac 11

Hình 1.46: Andres Zorn. Chân dung. 1894

Các nét dùng theo cách đan chéo và dọc hoặc ngang đơn lẻ tạo ra những vùng có sắc độ khác nhau. Vùng tối là nơi các đường nét kẻ dày đặc, vùng sáng nét thưa mảnh. Nét vẽ đã đặc tả được các chất liệu quần áo, khuôn mặt.

c. Tuyến tạo nên mẫu hình: Một tập hợp nét khi lặp lại hay biến đổi dần làm nên một kiểu cấu trúc, mẫu hình (pattern). Sự lặp lại có 2 dạng: Lặp lại y nguyên về hình (hình 1.47a); Lặp lại về cấu trúc nhưng biến đổi về hình (hình 1.47b).

thi giac 12

Hình 1.47: Tuyến tạo nên mẫu hình cho bề mặt

a. Các nan đều đặn tạo nên mặt rổ.

b. Các tuyến kiểu trực giao, có biến đổi về độ mảnh các nét và các ô nội tại.

d. Tuyến tạo chiều hướng và sự chuyển động: Một đặc tính phức tạp của tuyến đó là chiều hướng và sự chuyển động dưới góc độ thị giác của tuyến. Đặc tính này cần được hiểu ở 3 khía cạnh: 1-Một tập hợp các đường tuyến rời tạo nên tính chiều hướng và chuyển động thị giác (hình 1.48); 2-Tính chiều hướng của cả một tổng thể nét. Như trên đã đề cập, thông thường một tuyến theo chiều ngang cho thấy sự êm ả, hướng chéo nghiềng biểu thị tính động, phương thẳng đứng gợi lên sự thăng bằng tập trung. Tổng thể chiều hướng nét được tạo ra mà không lệ thuộc vào những chuyển động bên trong đường nét. Như vậy có thể có đường nét loại lượn sóng, zic-zắc nhưng tổng thể lại có hướng thẳng đứng nằm ngang hay xiên chéo. Xem ví dụ hình 1.49; 3-Cần lưu ý về vị trí của tuyến trong không gian. Một tuyến hay một tập hợp với hình dạng không thay đổi nhưng khi đặt ở vị trí khác nhau trong không gian hai hay ba chiều sẽ cho người xem cảm giác khác nhau về sự tĩnh động. Tùy theo vị trí mà tuyến có thể hợp nhất, chia cắt hay làm cân bằng hoặc mất cân bằng một vùng không gian. Hình 1.50 vẽ một tuyến thẳng trong một hình vuông, với vị trí khác nhau sẽ mang lại vẻ tĩnh động khác nhau cho bố cục. Tuyến này chia cắt diện vuông thành các hình không đều.

thi giac 13

Hình 1.48: Tuyến rời chuyển động

Một tập hợp các tuyến ngang rời tạo nên sự chuyển động cho tổng thể

thi giac 14

Hình 1.49: Tính chiều hướng một tổng thể nét

a. Hợp nét có chiều thẳng đứng của đường zic-zắc.

b. Hợp nét có chiều ngang của đường lượn sóng.

c. Hợp nét có dạng chéo của đường zic-zắc.

thi giac 15

Hình 1.50: Tuyến chia cắt diện phẳng

a. Tuyến ngang chia đôi diện vuông trạng thái tĩnh.

b. Tuyến ngang chia diện vuông thành hai phần không đều. Trạng thái động xuất hiện.

c. Tuyến chéo chia diện vuông tạo trạng thái động, phi cân bằng.

Hình 1.51 biểu thị một tuyến được bố trí ở các vị trí khác nhau trong không gian ba chiều có giới hạn. Tuyến này sẽ chia cắt không gian và tạo nên trạng thái động tĩnh khác nhau.

thi giac 16

Hình 1.51: Tuyến chia cắt không gian ba chiều

a. Tuyến đứng nằm chính giữa tâm hình hộp, không gian mang vẻ tĩnh tại.

b. Tuyến đứng bố trí lệch, trạng thái động đã xuất hiện.

c. Tuyến chéo tạo cảm giác động rõ rệt cho không gian.

Hình 1.52, ảnh chụp nội thất bảo tàng. Các vệt cạnh cầu thang, các vệt sáng, các bờ tường đan chéo, sự xô trượt đã tăng tính biểu cảm, tính động của không gian.

thi giac 17

Hình 1.52: Denver Art Museum, Colorado. 2006. Daniel Libeskind

Các cạnh, bản cầu thang, các vệt sáng, các bờ bo tường là các tuyến chéo được tổ chức kiểu tầng bậc thang trong không gian. Trạng thái động, tính biểu hiện là đặc trưng của nội thất.

* Tuyến diễn tả tính ảo, chiều sâu, lồi lõm: Có thể dùng tuyến để tạo nên tính ảo về chiều sâu, về kích thước, độ lồi lõm trong mặt phẳng hai chiều bằng cách sử dụng các tuyến có độ mảnh khác nhau, chiều hướng khác nhau. Hình 1.53 là các ví dụ sử dụng tuyến để tạo nên tính ảo về chiều sâu, độ lồi lõm…

thi giac 18

Hình 1.53: Tuyến diễn tả chiều sâu, độ lồi lõm

a. Các tuyến có độ mảnh khác nhau tạo ra khối trụ.

b. Các tuyến có chiều hướng khác nhau tạo ra chiều sâu.

c. Sử dụng tuyến chồng lên nhau tạo chiều sâu và kích cỡ.

d. Sử dụng các tuyến thay đổi về hình dạng và chiều hướng để tạo lồi lõm của bề mặt.

* Tuyến tạo nên sắc độ:

Giống như điểm, sự thay đổi chiều rộng của tuyến, độ mau thưa giữa các tuyến sẽ tạo ra độ đậm nhạt, độ xa gần của diện. Xem ví dụ 1.54.

thi giac 19

Hình 1.54: Tuyến tạo sắc độ (bài tập sinh viên)

a. Sự thay đổi nhỏ độ rộng tuyến tạo nên biến chuyển rất nhẹ về sắc độ.

b. Sự thay đổi độ rộng tuyến để tạo nên một hình ảnh.

c. Sự thay đổi độ rộng tuyến tạo nên độ đậm nhạt nông sâu của một hình dạng.

* Tuyến tạo hiệu quả rung:

Mỗi một điểm (hoặc một tuyến ngắn) khi quan sát sẽ hình thành trường lực thị giác xung quanh nó. Khi nhiều điểm đặt cạnh nhau sẽ hình thành một vùng giao nhau giữa các trường lực thị giác này (hình 1.55a). Ở khu giao nhau con mắt người quan sát lúc bị hấp dẫn bởi trường của điểm này, lúc bị hấp dẫn bởi trường của điểm khác, tạo nên sự bất ổn định khi quan sát. Hình 1.55b là ba vạch đen đặt cạnh nhau khi ta tập trung nhìn vào sẽ nhận thấy sự tập trung thị giác luôn thay đổi từ vạch đen này sang vạch đen khác, từ vạch trắng này sang vạch trắng khác, từ vạch trắng qua vạch đen… sự tập trung thị giác bị thay đi đổi lại, đây chính là nguyên nhân gây nên hiệu quả rung của điểm và nét. Hiệu quả này được nhiều họa sỹ, kiến trúc sư, nhà thiết kế tạo dáng sử dụng để tạo nên sự ảo giác thú vị trong không gian hai hay ba chiều.

Các hình 1.56 là ví dụ về hiệu quả rung khi tổ hợp các nét với tính chiều hướng và phương cách bố trí khác nhau. Qua các ví dụ trên rút ra một số nguyên tắc tạo nên hiệu quả rung:

- Trên một nền trắng có nhiều điểm đen hay nhiều nét đen đặt gần nhau, với điều kiện khoảng cách các khe trắng về cơ bản không lớn hơn nhiều kích cỡ của các nét đen (hoặc các điểm đen). Ví dụ hình 1.18d.

- Cần tạo sự đối kháng của lực thị giác, tức sự tranh chấp về sức hút thị giác giữa các hình, giữa các yếu tố thị giác. Ví dụ hình 1.55b có sự tranh chấp về sự tập trung của mắt vào mỗi vạch kẻ sọc.

- Tạo các chiều hướng vận động khác nhau cho nét xem ví dụ 1.56a, b, c, d.

- Về kích cỡ, chiều hướng các điểm, các nét cần giữ độ ổn định hoặc biến đổi dần dần.

thi giac 20

thi giac 21

thi giac 22

Hình 1.57: Chồng các hệ tuyến tạo hiệu quả rung

thi giac 23

Hình 1.58: Nét tạo ảo giác về độ rung

Sau đây là một số thủ pháp tạo hiệu quả rung:

a. Tạo hai hệ tuyến có hình thái tổ chức khác nhau chồng xếp, giao thoa nhau. Góc giao thoa càng nhọn thì có độ rung càng lớn. Trong trường hợp này cần lưu ý hình dạng, cấu trúc của các hệ tuyến để tạo hiệu quả thị giác thú vị. Xem sơ đồ hình 1.57a.

b. Tạo hai hệ tuyến giao nhau theo một góc càng nhỏ thì độ rung trong khu vực giao nhau càng lớn. Xem sơ đồ hình 1.57b.

c. Có thể tạo được hiệu quả rung bằng các hệ tuyến không giao nhau. Khi đó cần có sự tăng giảm đều về kích cỡ, chiều hướng. Sự tăng giảm điều này tạo nên các chuyển động thị giác ngược chiều nhau và thay đổi liên tục. Xem các ví dụ 1.56.

>>> Những yếu tố cơ bản của hình thể (Phần 1)

>>> Nghệ thuật tạo hình (Phần 1)

>>> Kỹ thuật đổ bóng bằng màu nước

0976984729