Quy trình thực hiện vẽ đầu tượng (Phần 2)
Sau giai đoạn vẽ phác bố cục hình vẽ trên tờ giấy thì phần vẽ và diễn tả được thực hiện theo tiến trình sau đây:
a. Dựng hình: Dựng hình là quá trình vẽ đối tượng từ khi phác nhẹ các đường nét làm hệ thống sườn của hình (trục, các nét ngang, dọc, xiên phân chia các khu vực, chiều hướng của hình). Kế đó là vẽ hình dáng chung của đối tượng trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các đặc điểm tổng thể: thế dáng, hình khối, cấu trúc, thăng bằng, hướng ánh sáng chính phụ.
Chúng ta dựng hình trên cơ sở bảo đảm chính xác các đặc điểm cốt lõi của đối tượng. Dựng bằng các nét phác nhẹ tay, nhưng khá chuẩn xác. Khi phác nét lỡ bị sai thì không nên vội tẩy xóa. Đừng e ngại, cứ tiếp tục phác các nét tiếp theo. Nếu nét thứ hai cũng bị sai thì nét đúng sẽ ở giữa ngay bên trong hai nét sai.
Hình vẽ phác đúng là khi nó thể hiện chuẩn xác về: tương quan tỷ lệ, chiều hướng của đối tượng, điểm rơi của các bộ phận xiên, trục thăng bằng, đối tượng không bị nghiêng, lệch đo, những phần lồi, lõm, phần rỗng, phối cảnh…
Khái niệm “vẽ đúng” là hình vẽ chính xác, giống với mẫu thật trên cơ sở so với góc nhìn, tầm nhìn của người vẽ.
b. Tô bóng tổng quát: Sau khi xác định hướng ánh sáng, chính phụ, hệ thống các mảng sáng tối, đậm nhạt thì trước hết chúng ta bắt đầu việc tô bóng tổng quát thành hệ thống đơn giản. Để thực hiện đúng về kỹ thuật và quy trình tô bóng thì chúng ta cần phải tô sắc độ nhạt trước… chưa vội tô đậm ngay mà là phải từng bước tăng dần độ đậm theo quy trình.
Nên nắm bắt cho được tinh thần của ánh sáng đang tác động trên đối tượng. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng: hễ tô bóng lên hình thì lớp bóng sẽ làm hình đã vẽ bị mờ đi. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải dùng nét vẽ để củng cố hình lại sau khi bị mờ.
Khi lớp bóng thứ hai tô lên thì hình vừa được củng cố lại bị mờ nữa. Cứ như thế, sau mỗi lớp bóng là chúng ta lại phải chỉnh dùng nét vẽ để chỉnh hình lại. Việc chỉnh hình là cơ sở để chúng ta định vị các mảng bóng theo hình, diện, các mối liên kết giữa chúng với nhau.
Việc tô bóng tổng quát không phải thực hiện chỉ một lần duy nhất. Sau mỗi lần tô bóng chúng ta cần lùi ra xa để ngắm nhìn lại hình mẫu mà mình mới tô bóng để phân tích, so sánh sự tương quan. Nghĩa là chúng ta phải kiểm tra liên tục sau mỗi chu kỳ tô bóng và chỉnh hình.
c. Tô bóng chi tiết và diễn tả kỹ: Sau khi thực hiện các lớp bóng tổng quát tương đối tốt cũng như liên tục chỉnh hình để cho bóng và hình quyện với nhau một cách chặt chẽ làm lộ đối tượng dần dần một cách toàn diện, chắc chắn thì chúng ta bắt đầu đi vào công việc diễn tả kỹ từng bước, lần lượt từ tổng thể đến các chi tiết.
Quy trình thực hiện vẽ đầu tượng (tiếp):
Ứng dụng khả năng vẽ đầu tượng trong bài vẽ tĩnh vật
>>> Quy trình thực hiện vẽ đầu tượng (Phần 1)
>>> Tượng đầu người và tượng thật