Vẽ tranh (Phần 2)

4. Cách diễn tả không gian:

Tranh phong cảnh thường có hai cách diễn tả không gian:

* Tranh có thể vẽ theo lối tả thực, tức là thể loại tranh phong cảnh theo luật xa gần, ánh sáng một chiều – diễn tả sáng tối giống như thực, màu sắc sát với thực tế. Cách diễn tả này đòi hỏi người vẽ phải nắm chắc được luật xa gần và hướng chiếu sáng theo quy luật mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, trưa, chiều đều thay đổi rất nhiều bằng sắc độ màu. Dựa trên quy luật này ta thấy thời điểm để vẽ tranh phong cảnh cũng rất quan trọng, giúp người xem biết được tranh vẽ vào thời điểm nào trong ngày và ở địa danh nào.

Ví dụ: Vẽ cảnh “Bình minh” khoảng từ 5.30 – 6.30 phút; vẽ cảnh “Sáng sớm” khoảng từ 7-8g; vẽ cảnh “Buổi sáng” từ 8-9g; cảnh “Chiều tà” từ 16.30 đến 17.30; cảnh “Hoàng hôn” khoảng từ 17.30-18.30 v.v… Những thời điểm khác nhau thì cảnh vật và nhất là màu sắc có sự thay đổi rõ rệt.

* Tranh có thể vẽ theo lối trang trí, vẽ ấn tượng, vẽ biểu hiện… Nó thuộc loại không gian trang trí, không gian ước lệ.

Trên cơ sở của những phong cảnh trên nhưng diễn tả theo cách mới này khó và phức tạp hơn, đòi hỏi người vẽ phải hiểu sâu sắc về kết cấu các hình tượng mình định diễn tả để biểu đạt bằng những nét điển hình chung nhất của các đối tượng. Ở cách thứ hai này có thể không cần tuân thủ tuyệt đối luật xa gần cũng như diễn tả ánh sáng và màu sắc thật của tự nhiên, mà phải thông qua cảm nhận, xúc cảm của người vẽ trước đối tượng mà cách điệu hóa, điển hình hóa hoặc cường điệu hóa – hư cấu sao cho đẹp mắt, sinh động và hiệu quả nhất.

Cả hai cách diễn tả không gian trên, người vẽ có thể vẽ ở tự nhiên hoặc có thể sáng tác ở nhà bằng các tư liệu, như: ký họa, ảnh… nhưng tốt nhất vẫn là đi vẽ ở thực tế. Vì trước vẻ đẹp đa dạng của cảnh thực thường đem lại xúc cảm cho người vẽ, từ đó tranh vẽ sẽ đẹp hơn, sinh động hơn.

5. Hình thức bố cục và cách diễn tả:

Thứ nhất, tranh phong cảnh đẹp phụ thuộc rất nhiều vào vị trí hoặc góc nhìn của người quan sát. Có thể cùng một cảnh nhưng do góc nhìn khác nhau mà bức tranh có thể đẹp hoặc xấu. Do vậy phải quan sát kỹ đối tượng để có góc nhìn tốt nhất.

Thứ hai phải biết chắt lọc các hình ảnh – ta có quyền được thêm hoặc bớt vf sắp xếp chúng thành một khung cảnh mới sinh động và hấp dẫn hơn.

Hình thức bố cục tranh phong cảnh rất phong phú và đa dạng nhưng thường được xây dựng từ dễ đến khó, hoặc từ đơn giản đến phức tạp, điều đó còn phụ thuộc vào thời gian, vào tay nghề của người sáng tác. Nhưng đối với người mới học vẽ, có thể tham khảo một số hình thức bố cục sau đây:

a. Bố cục theo dạng dính rời: Đây là dạng bố cục ở mức đơn giản, cả về đối tượng và thời gian thể hiện. Thường là chọn ít hình ảnh, chỉ khoanh vùng góc nhìn hẹp (một vài ngôi nhà, một số cây, cột điện, núi, ao, suối, nhân vật, con vật, đường đi v.v…).

Ví dụ:

- Bố cục theo kiểu “2 dính – 1 rời” là dạng bố cục chỉ có 3 hình – 2 hình ảnh dính đóng vai trò là chính và 1 hình ảnh rời đóng vai trò là phụ, ngoài ra têm một số phụ cảnh bổ trợ.

phong canh 1

Bố cục có 3 hình ảnh

- Bố cục theo kiểu “3 dính – 1 rời” là dạng bố cục chỉ có 4 hình ảnh – 3 hình ảnh dính là chính và 1 hình ảnh rời là phụ, có thể thêm một số cảnh hỗ trợ.

phong canh 2

Bố cục có 4 hình ảnh

- Bố cục theo kiểu “4 dính – 1 rời” là dạng bố cục chỉ có 5 hình ảnh – 4 hình ảnh dính là chính và 1 hình ảnh rời là phụ và thêm các chi tiết phụ khác nữa.

phong canh 3

Bố cục có 5 hình ảnh

- Bố cục theo kiểu “3 dính – 2 rời” là dạng bố cục chỉ có 5 hình ảnh – 3 hình ảnh dính đóng vai trò là chính và 2 hình ảnh rời đóng vai trò là phụ, có thể thêm một số cảnh phụ trợ.

phong canh 4

Bố cục có 5 hình ảnh

- Bố cục theo kiểu “4 dính – 2 rời” là dạng bố cục có 6 hình ảnh – 4 hình ảnh dính là chính và 2 hình ảnh rời là phụ, có thể thêm các chi tiết nhỏ khác.

phong canh 5

Bố cục có 6 hình ảnh

b. Bố cục theo nhóm: Đây là bố cục ở dạng phong phú hơn, số hình ảnh lan ra nhiều hơn và góc nhìn quan sát cũng mở rộng hơn. Nhóm ở đây có thể khác so với các lĩnh vực khác – chỉ dừng ở mức tương đối để dễ khoanh vùng hình ảnh chính phụ mà thôi.

Ví dụ:

- Bố cục theo nhóm “4,2,1” tức là bố cục có 7 hình ảnh, trong đó 4 hình ảnh đóng vai trò là chính, 2 đóng vai trò là phụ vừa, 1 đóng vai trò là phụ nhỏ và thêm một số hình ảnh hỗ trợ khác.

phong canh 6

Bố cục có 7 hình ảnh

- Bố cục theo nhóm “5,3,1” tức là bố cục có 9 hình ảnh, trong đó 5 sẽ là chính, 3 sẽ là phụ vừa, 1 sẽ là phụ nhỏ và các chi tiết khác bổ trợ.

phong canh 7

Bố cục có 9 hình ảnh

- Bố cục theo nhóm “7,4,2” tức là bố cục có 13 hình ảnh, trong đó 7 sẽ là chính, 5 sẽ là phụ vừa, 2 là phụ nhỏ và các đối tượng khác kèm theo.

phong canh 8

Bố cục có 13 hình ảnh

- Bố cục theo nhóm “8,5,3” cũng tương tự như trên.

phong canh 9

Bố cục có 16 hình ảnh

c. Bố cục dạng liên kết: Là bố cục được xây dựng trên cơ sở của các dạng dính rời hoặc nhóm nhưng có thêm chỗ giáp ranh dính rời và các nhóm thêm đối tượng tương ứng thích hợp với cả hai bên để tạo sự liên kết theo một khối.

phong canh 10

Bố cục liên kết

- Liên kết theo “chiều ngang” là dạng bố cục sắp xếp đối tượng theo kiểu dàn ngang hoặc hơi chếch – chéo, gấp khúc.

phong canh 11

Bố cục liên kết ngang

- Liên kết theo kiểu “đa chiều” là dạng bố cục được sắp xếp theo kiểu phức hợp nhiều nhóm hình ảnh theo các hướng khác nhau.

phong canh 12

Bố cục liên kết đa chiều

d. Bố cục theo dạng nhóm mảng: Là bố cục thuộc dạng sử dụng rất nhiều cảnh, góc quan sát và tầm nhìn rộng. Cần phải quy các hình ảnh vào dạng nhóm mảng: nhóm mảng to, nhóm mảng vừa, nhóm mảng nhỏ, nhóm mảng nhỏ nhất … để dễ bề xử lý trong quá trình bố cục và diễn tả.

phong canh 13

Bố cục nhóm mảng

6. Những điều nên tránh khi bố cục tranh phong cảnh:

- Vẽ các hình mảng có tỷ lệ bị dồn nén, chật chội hoặc do những hình vẽ chính trong tranh quá to làm phá vỡ sự hài hòa với khuôn tranh. Ngược lại, nếu hình vẽ quá nhỏ, tỷ lệ hình vẽ và khuôn tranh vẽ trống trải, lỏng lẻo không ăn nhập gì với nhau, gây cảm giác bố cục bị yếu ớt, buồn tẻ.

phong canh 14

Hình ảnh to hoặc nhỏ quá

Vẽ chia đoi bức tranh thành hai phần bằng nhau, cả chiều ngang và chiều sâu hoặc phần đường đi, sông, suối đi theo hướng chéo góc làm cho tranh có bố cục ở dạng cân xứng hai bên, gây cảm giác buồn, khó đẹp.

phong canh 15

Chia đôi tranh

- Vẽ cây ở góc tranh hoặc hai cây cân xứng hai bên; cây xẻ dọc mép tranh, gốc cây sát đáy tranh, ngọn cây sát mép trên tranh sẽ tạo cho người xem sự khó chịu, phản cảm.

phong canh 16

5 vị trí của cây cần phải tránh

- Vẽ cắt lửng nhà, cây, nhân vật thành những mẩu, những đoạn sẽ làm bố cục tranh không hợp lý.

phong canh 17

Cắt lửng một số hình ảnh

- Vẽ núi đều nhau, sát mép trên và núi không có chân sẽ gay cảm giác mất cân đối trong bố cục.

phong canh 18

Các dạng núi cần tránh

- Vẽ mặt trời vào góc hoặc ở giữa tranh và gần sát mép trên tranh đều tạo cho bố cục không đẹp.

phong canh 19

Một số vị trí mặt trời cần tránh

7. Phương pháp tiến hành vẽ tranh phong cảnh: Có 2 cách

a. Vẽ trực tiếp ngoài trời:

- Bước 1: Quan sát;

Điều trước tiên khi vẽ bất cứ đối tượng nào là cũng phải quan sát. Vẽ tranh phong cảnh ngoài trời cũng không nằm ngoài quy luật đó, thậm chí còn là khâu rất quan trọng cho thể loại tranh này. Phải quan sát phong cảnh mình có ý định vẽ ở nhiều góc độ, chiều hướng khác nhau để cảm nhận đối tượng và nhập tâm vào phong cảnh trước măt, từ đó giúp người vẽ tự tin và có hứng thú hơn trước khi vẽ.

- Bước 2: Chọn cảnh

Xuất phát từ khâu quan sát, người vẽ chuyển sang phần chọn cảnh một cách nhanh chóng. Phong cảnh trước mắt thì rộng lớn nhưng phạm vi tầm nhìn của ta có giới hạn, nhất là người mới học vẽ thì không nên chọn cảnh rộng quá mà nên chọn góc nhìn có giới hạn trong phạm vi những đối tượng mà mình thích hoặc quan sát thấy đó là vùng đẹp nhất của phong cảnh. Trong quá trình chọn cảnh, ta có quyền bớt đi các chi tiết rườm rà không cần thiết và cũng có có thể lấy thêm đối tượng ở chỗ khác vào miễn là thấy hợp lý cho bài vẽ.

- Bước 3: Cắt cảnh

Chọn được cảnh rồi ta cần giới hạn cảnh đó trong một khhung cảnh nhất định. Thường ta dùng một tấm bìa cứng và khoét một hình chữ nhất, có thể căng trên đó một sợi dây để xác định luôn vị trí của đường chân trời.

phong canh 20

Cắt cảnh

Muốn chọn được cản và cắt được cảnh, ta chọn vị trí đứng hoặc ngồi hợp lý rồi ngắm cảnh qua tấm bìa đó để chọn được một cảnh có bố cục hợp lý nhất.

- Bước 4: Phác hình

Căn cứ vào vị trí của đối tượng thông qua khung cảnh đã được xác định, cố thể tiến hành phác hình. Đầu tiên xác định được vị trí của đường chân trời trong tranh, từ đó phác cảnh theo đúng quy luật phối cảnh của các đối tượng (vẽ theo kiểu hình đồng dạng với kích thước của đối tượng thật).

Trong khi phác hình, luôn dùng dụng cụ cắt cảnh để kiểm tra lại xem hình vẽ trên tranh có sát với cảnh vật không để từ đó có hướng điều chỉnh kịp thời.

phong canh 21

Phác hình

Bước 5: Chỉnh hình và ấn định vị trí của đối tượng

Trong quá trình vẽ hình, luôn phải kiểm tra lại để chỉnh cho hình khớp đối tượng. Xác định lại vị trí của các đối tượng cho đúng quy luật theo tương quan xa gần, có nghĩa là ta phải quy các đối tượng về dạng dính rời hoặc nhóm để bức tranh có đủ chính phụ và gọn hơn chứ không bị lan tỏa theo tự nhiên.

phong canh 22

Chỉnh hình

Bước 6: Xác định hướng chiếu sáng, phân bóng và phân đậm nhạt

Đối với loại tranh phong cảnh vẽ ngoài trời thì hướng chiếu sáng rất quan trọng, vì thế cần bám sát vào hướng chiếu sáng để phân mảng sáng, tối, trung gian của đối tượng cho đúng. Bóng bản thân theo hướng nào thì bóng đổ cũng phải theo hướng đó, độ đậm nhạt cũng phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng của thời điểm đó mạnh hay yếu.

Phần xác định này đúng, chính xác sẽ xây dựng được bức tranh tự tin, chắc chắn và cũng giúp người xem tranh hiểu được tranh vẽ vào thời điểm nào trong ngày.

phong canh 23

Phân mảng sáng tối

Bước 7: Vẽ màu và hoàn chỉnh bài

Trên cơ sở của phần phân mảng sáng, tối, trung gian của các mảng đối tượng, của nền, của không gian nói chung, cần vẽ phác các mảng màu lớn trước: mảng nhà, mảng cây, mảng núi, mảng trời, mảng đất…, theo các diện sáng tối lớn, từ đó đẩy sâu hơn, chú ý phân biệt rõ hơn các chi tiết trong các mảng. Cứ như vậy tiếp tục điều chỉnh tương quan dần dần, sao cho màu được hài hòa nhất và sát với thực tế. Sau khi tìm được tương quan hòa sắc hợp lí có thể thêm các hình ảnh như: người, con vật và các chi tiết khác có liên quan cho phù hợp.

Cuối cùng là nhấn đậm, đẩy sáng hoặc buông mờ một số chỗ cần thiết để tìm lại tương quan chung của màu và đậm nhạt một lần nữa, từ đó điều chỉnh để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tranh phong cảnh vẽ trực tiếp ngoài trời cũng có thể diễn tả bằng các lối vẽ khác như: vẽ theo kiểu ấn tượng hoặc biểu hiện…; có nghĩa là coi đối tượng phong cảnh trước mắt vừa là đối tượng cụ thể vừa là đối tượng để hư cấu theo cách riêng của người vẽ. Vì vậy không nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào phong cảnh trước mắt và ánh sáng mặt trời, mà chỉ coi cảnh đó là yếu tố cần thiết hoặc là cái cớ ban đầu để người vẽ dãi bày tình cảm, cảm xúc của mình trong tranh.

phong canh 24

Hoàn thiện bài vẽ

b. Vẽ ở nhà, lớp và ở xưởng

Bước 1: Nghiên cứu nội dung chủ đề

Trước tiên là cần phải chọn được nội dung chủ đề phù hợp với yêu cầu của bài và với khả năng của mình. Nội dung thường mang nghĩa rộng chứa trong đó nhiều chủ đề, người mới học vẽ chỉ thể hiện được một mảng chủ đề nhỏ, vì thế cần tìm hiểu rõ nội dung để chọn được chủ đề hợp lí nhất với mình.

Bước 2: Tìm tư liệu để xây dựng bố cục

Nguồn tư liệu cũng rất phong phú, có thể tìm bằng hai cách. Một là, nghiên cứu rõ chủ đề cần cái gì để tìm, thường là đi thực tế để kí họa phong cảnh và những đối tượng có liên quan ở nhiều góc độ khác nhau để làm tư liệu. Hai là, tìm tư liệu theo kiểu gián tiếp, thông qua sách báo, tranh ảnh có liên quan đến chủ đề, kí họa lại ở nhiều hình ảnh khác nhau. Tuy nhiên cách một vẫn là cách tốt nhất, bắt buộc với những người chuyên học mĩ thuật.

Bước 3: Lựa chọn hình thức bố cục

Sau khi đã có tư liệu đầy đủ rồi, cần chọn hình thức bố cục cho phù hợp với chủ đề. Thường một chủ đề cũng có rất nhiều hình thức bố cục khác nhau, vì thế ta phải có sự so sánh, cân nhắc, xét xem kiểu bố cục nào hợp với chủ đề nhất để lựa chọn. Từ chủ đề sẽ liên quan đến nội dung. Hình thức bố cục cũng có thể làm thay đổi cả nội dung, do vậy bước lựa chọn này người vẽ không thể chủ quan được.

Bước 4: Sắp xếp bố cục đơn giản

Đây còn gọi là bước tìm các phác thảo nhỏ. Trong tất cả các bước thì bước này mất nhiều thời gian nhất và cũng được coi là quan trọng nhất.

Ở đây có ba giai đoạn phác thảo mà người vẽ cần làm: phác thảo chì, phác thảo màu đen trắng, phác thảo màu.

- Phác thảo hình bằng chì: Trên cơ sở của tư liệu đã có, tiến hành phác thảo chì bằng nhiều cách với các hình lớn khác nhau.

Ví dụ: Một phác thảo chọn đường chân trời cao, một hình chọn đường chân trời thấp, một hình tròn đường chân trời vừa, một hình tròn đường chân trời nằm ngoài khung tranh.

Dựa vào vị trí đường chân trời để vẽ hình ảnh: nhà, cây, núi, đường đi, mặt đất, nhân vật… cho đúng luật xa gần. Khi đã xác định được vị trí của đối tượng rồi tìm tiếp mối liên kết giữa các đối tượng rời với nhau để đi đến một sự thống nhất cho bức tranh.

Phân mảng các dải sáng, tối, trung gian theo ánh sáng tưởng tượng hoặc theo tương quan chung (vì ở đây không có ánh sáng mặt trời thật). Sau đó vẽ đậm nhạt sáng tối để lấy tương quan chung nhất là xong bước phác thảo chì.

phong canh 25

Một số vị trí đường chân trời – Phác thảo chì

- Phác thảo màu đen trắng:

Dựa vào ba hình phác thảo chì trên, ta chọn lấy hình đạt nhất để chuyển thành phác thảo màu đen trắng.

 Căn cứ vào dải sáng, tối, trung gian đậm nhạt chung, tiến hành vẽ màu đen trắng tương ứng. Trong quá trình chuyển tiếp cần điều chỉnh để thấy rõ sự tương quan về sắc độ và cuối cùng là so sánh, cân nhắc xem chỗ nào để sáng nhất, sáng vừa, trung gian, tối, tối nhất. Lùi ra xa để ngắm lại và nhấn lại một số điểm sáng, đậm, làm một số chỗ không cần thiết và đẩy sâu một số chi tiết cho có trọng tâm. 

phong canh 26

Phác thảo đen trắng

- Phác thảo màu: Xem xét hay phác thảo màu đen trắng đã thể hiện, chọn lấy bài phác thảo khả quan hơn để chuyển sang vẽ màu.

Để tiến hành bước này, nên làm ba hình bằng ba gam màu khác nhau để lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Ví dụ: Một hình tìm gam màu hòa sắc nóng, một hình tìm gam màu hòa sắc lạnh, một hình tìm gam màu hòa sắc nhã.

Định hình được như vậy rồi tiến hành phác thảo màu, tìm cách nhịp chạy sáng, tối, trung gian của màu đen trắng chuyển thành tương quan sắc độ của màu sao cho ăn khớp với nhau. Màu đen trắng và màu cũng có khi khác nhau, vì hai màu đen trắng khác nhau về độ, còn màu có khi khác nhau về màu nhưng lại cùng một sắc độ. Vì thế, cần cân nhắc để điều chỉnh tương quan của màu sao cho có sự chênh lệch về độ như màu đen trắng thì mới đạt được hiệu quả.

Bước phối màu là tương đối khó, vì thế cần liên tục so sánh tương quan để điều chỉnh hòa sắc màu sao cho hợp lý nhất. Khi đã đạt được hiệu quả nhất định thì nhấn thêm một số chỗ, buông mờ một số điểm và phân các chi tiết trọng tâm cho bài vẽ. 

phong canh 27

Phác thảo màu

Bước 5: Thể hiện bài chính

Trên cơ sở của ba bài phác thảo màu, tìm lấy bài đạt hiệu quả tối ưu nhất để thể hiện bài chính. Các bài phác thảo chì, phác thảo màu đen trắng là để so sánh tương quan từ đầu quá trình phác thảo đến lúc phác thảo được màu vừa ý.

Căn cứ vào kích thước của bài vẽ thật và bài vẽ phác thảo, tìm một tỉ lệ chung nhất để tiến hành phóng hình. Thường có ba cách phóng và thu hình (xem lại phần phóng hình ở phần phụ lục). Dựa vào hình vẽ đã phóng, tiến hành chép lại màu sao cho chính xác. Từ đó đẩy sâu hơn cho bài vẽ, vì từ một bài phác thảo nhỏ chuyển sang một bài chính lớn hơn rất nhiều sẽ có nhiều phần phải điều chỉnh tương quan cho hợp lí hơn.

Một bức tranh đẹp thì hiệu quả cuối cùng phải đạt được đủ sắc, độ mảng sáng, tối, trung gian rõ ràng và trên tất cả vẫn là tương quan hài hòa, nêu bật được nội dung cần diễn tả.

Loại tranh phong cảnh vẽ ở nhà này thường có tính sáng tạo hơn là vẽ tranh trực tiếp ngoài trời, vì đã có sự chuẩn bị rất kĩ và sự so sánh cần thiết nhất khi sắp đặt vị trí về cả thời lượng, thời gian và các đối tượng. Chính vì vậy mà nó có thể được diễn tả bằng nhiều lối vẽ, như: vẽ theo kiểu tả thực (ở dạng tưởng tượng lại); vẽ theo kiểu trang trí; vẽ theo kiểu ấn tượng; vẽ theo kiểu biểu hiện, vẽ theo kiểu lập thể v.v…, điều này tùy thuộc vào sở thích và khả năng của người vẽ mà lựa chọn cách diễn tả thích hợp.

phong canh 28

Hoàn thiện bài vẽ

phong canh 29

Bài tập phong cảnh của sinh viên

>>> Vẽ tranh (Phần 1)

>>> Tại sao nên bồi biểu tranh lụa?

>>> Một chút khái niệm về tranh chân dung

0976984729