Chữ mỹ thuật
A. Khái quát chung:
I. Nguồn gốc, ý nghĩa của chữ đối với đời sống xã hội:
1. Nguồn gốc của chữ:
Chữ viết biểu hiện nền văn minh của một dân tộc, một thời đại. Từ thời nguyên thủy, khi loài người chưa có tiếng nói, do nhu cầu giao lưu tình cảm, nhu cầu thông tin và các nhu cầu khác của cuộc sống mà nảy sinh ra một hệ thống các ký hiệu. Dần dần các ký hiệu này biến đổi thành chữ viết và các con số. Trải qua nhiều thế kỷ với các thời kỳ lịch sử phát triển, chữ viết được hoàn thiện dần dần. Cho đến ngày nay, chữ viết vô cùng phong phú, đa dạng, ngày càng hoàn thiện, phát triển và cải tiến không ngừng.
Chữ chính là một hình thái mỹ thuật biểu hiện trên mọi mặt của đời sống, nó là phương tiện, thông tin trong cộng đồng loài người ở mọi dân tộc, mọi thời đại.
b. Ý nghĩa của chữ:
- Chữ để ghi chép thông tin hàng ngày;
- Chữ để trình bày sách báo, bằng khen, tem nghệ thuật đồ họa;
- Chữ để kẻ khẩu hiệu ở nơi công cộng, hội trường, câu lạc bộ, đường phố, quảng trường;
- Chữ là một phần quan trọng trong tranh cổ động để quảng cáo, tuyên truyền;
- Chữ được gắn với các công trình kiến trúc, tên cơ quan, cửa hàng, công trình công cộng…
Do nhiều đối tượng, nhiều nhu cầu khác nhau đều dùng chữ để biểu hiện thông tin nên có rất nhiều kiểu chữ dạng khác nhau phù hợp với từng nơi, từng dân tộc, từng thời đại.
c. Một vài kiểu chữ:
Có một số kiểu chữ tiêu biểu của các thời đại hay dùng như:
- Chữ tượng hình: Loại chữ đầu tiên của loài người, biểu hiện trên cơ sở hình tượng của mọi vật (như chữ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…).
- Chữ La tinh: Xuất hiện sớm là loại chữ thông dụng nhất thế giới.
- Chữ Phạn: Kiểu chữ của Thái Lan, Lào, Campuchia, Ả Rập…
- Việt Nam bắt đầu dùng chữ Hán từ thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất (năm 111 trước CN), là kiểu chữ bắt nguồn từ Trung Quốc (chữ Hán là chữ tượng hình). Đến năm 544 Bắc thuộc lần thứ hai được nhà truyền đạo Sĩ Nhiếp mở trường dạy chữ nên chữ Hán được lưu truyền rộng hơn. Sau chữ Hán là chữ Nôm xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ IX và đến thế kỷ XII, đã được thịnh hành. Vào khoảng giữa thế kỷ XVI, một giáo sỹ người Pháp tên là Alexandre de Rhode, từ nhu cầu truyền đạo Gia tô vào nước ta, đã dựa vào chữ Latinh sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, tiền thân của chữ Việt Nam ngày nay. Chữ Quốc ngữ dễ đọc, dễ viết, dễ học, được phổ cập và thông dụng, ngày nay đã được cải tiến và tương đối hoàn thiện.
Mẫu chữ cổ nhất từ 4000 năm trước Công nguyên ở vùng Uruk – Lưỡng Hà
Chữ viết tượng hình của người Ai Cập Mésoptamie và Trung Quốc
Một số chữ của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ả Rập vào thế kỷ VII
2. Chữ cơ bản và cấu trúc của chữ:
Ngày nay đại đa số các dân tộc trên thế giới sử dụng loại chữ có nguồn gốc từ chữ La tin. Chữ này có ưu điểm dễ đọc, dễ học, dễ viết, tiện cho việc in ấn và trình bày mỹ thuật. Có nhiều kiểu chữ, mẫu mã khác nhau tuy nhiên có hai kiểu chữ thông dụng nhất trên thế giới, đó là chữ Ăng tích và chữ Romanh.
a. Chữ Ăng tích (Hy Lạp) cũng còn gọi là chữ ba tông, chữ gậy, là kiểu chữ nét đều ở tất cả cá nét ngang, dọc và chéo; do vậy, nó còn được goi là chữ nét đều.
Chữ nét đều được cấu trúc trên cơ sở lấy một ô vuông làm chuẩn. Chia cạnh ô vuông đó ra làm nhiều phần bằng nhau (2, 3, 4, 5) hoặc nhỏ hơn tùy cỡ nét chữ, kẻ thành một màng lưới ô vuông, dựa vào đó mà dùng compa, thước kẻ tạo dáng chữ.
Chữ Ăngtích
Các nét ngang và chéo nên để nhỏ hơn các nét thẳng đứng mới cho cảm giác các nét chữ bằng nhau. Chữ này có ưu điểm là khỏe, rắn rỏi, dứt khoát, đơn giản, thường được áp dụng trong tranh cổ động hoặc dùng kẻ khẩu hiệu ở nơi công cộng, mít tinh, hội họp lớn…
b. Chữ Rômanh (La Mã): Là chữ có nét thanh, có chân hoặc không chân (chân nhọn hoặc chân vuông). Chữ có đặc điểm là nét chân nhọn, cạnh lòng chảo cấu trúc với phương pháp khoa học. Cấu trúc chữ trên cơ sở dựng hình ô vuông có đường tròn nội tiếp làm chuẩn, chia mỗi cạnh ô vuông ra 10 phần bằng nhau, kẻ thành 100 ô vuông nhỏ để quy định các điểm trọng tâm của chữ.
Dáng chữ có một nét to, một nét nhỏ, được quy định như sau: nét nào kéo từ trên và từ bên trái xuống phía dưới bên phải là nét to; các nét ngang đều nhỏ. Bề rộng nét chữ được quy định như sau:
+ Nét to bằng 1/10 cạnh ô vuông chuẩn.
+ Nét nhỏ bằng ½ nét to.
Ưu điểm của chữ này là nhẹ nhàng, thanh thoát, trang trọng, nghiêm túc và rất đẹp về hình dáng, thường được sử dụng làm bìa sách, đầu báo, tem nhãn, văn bằng v.v…
Chữ Rômanh
II. Bố cục chữ:
1. Nguyên tắc về viết, kẻ và sắp xếp dòng chữ:
Dù chọn kiểu chữ nét đều hay kiểu chữ nét thanh nét đậm cũng cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định về hình, nét và sự cân xứng trong bố cục.
* Dạng nét chữ:
Có thể quy các nét của các con chữ thành 5 dạng:
- Nét chữ thẳng: E, E, H, I, K, L, T.
- Nét chữ tròn: C, G, O, Q.
- Nét chữ nửa tròn: B, D, P, R, S, U.
- Nét góc: L, M, N, Z, W.
- Nét chữ chéo: A, V, X, Y.
* Khẩu độ chữ: Có 3 khẩu độ:
- Khẩu độ rộng: A, C, D, H, N, O, Q, T, U, V, X, Y, Z.
- Khẩu độ hẹp: B, E, F, I, L, P, R, S.
- Khẩu độ ngoại lệ: M, W.
* Cấu trúc nét chữ: Trong bộ chữ, người ta quy định lấy chữ nào có hai cạnh ngoài thẳng đứng song song là chữ nét chuẩn, chữ có một cạnh chuẩn và một cạnh khuyết là chữ khuyết một nửa và chữ khuyết cả hai bên. Ví dụ:
- Nét chữ chuẩn: H, M, N, I.
- Nét chữ khuyết một nửa: B, D, E, F, K, L, P, R.
- Nét chữ khuyết hai bên: A, C, G, O, U, Q, S, V, X, Y, Z.
2. Ảo ảnh của chữ:
* Chữ chờm dòng kẻ: Theo cấu trúc nét chữ chuẩn, từ đó suy ra, khi kẻ những chữ như: O, C, G, Q, S chỉ kẻ trùng với dòng quy định chiều cao của dòng chữ thì ta cảm thấy chữ thấp hơn so với các chữ cùng cỡ nét đứng. Do đó các chữ có nét tròn – khuyết cả hai bên phải mở rộng đường cong chờm ra ngoài lòng một chút. Tương tự như vậy, đầu chữ A, đuôi chữ V cũng phải kẻ chờm ra, chữ mới không có cảm giác bị thiếu hụt.
Những chữ chờm dòng kẻ
* Vị trí chia đôi dòng:
Đường kẻ ngang các nét chữ E, F, H, B và giao điểm các nét chéo của chữ K, X, P, R phải đặt cao hơn vị trí chia đôi dòng. Ngược lại, nét ngang chữ A và giao điểm chữ Y phải đặt thấp hơn vị trí chia đôi dòng một chút, khi nhìn mới có cảm giác thực như ở giữa.
Đường kẻ ngang các nét chữ
c. Khoảng cách giữa các chữ: Khoảng cách giữa các chữ không cố định, phải căn cứ vào dạng nét chữ để điều chỉnh cho phù hợp. Có 4 khoảng cách cần lưu ý như sau:
* Khoảng cách chuẩn: Khi hai chữ có nét ngoài thẳng đứng song song với nhau, đứng cạnh nhau thì khoảng cách này được lấy làm khoảng cách chuẩn cho các dạng nét chữ khác. Ví dụ lấy khoảng cách chuẩn là 6 đơn vị (6 đv).
Khoảng cách chuẩn
* Khoảng cách gần chuẩn: Khi một chữ nét chuẩn đứng cạnh một chữ nét khuyết thiếu thì khoảng cách này được lấy bằng ½ khoảng cách chuẩn (tức là bằng 3 đv).
Khoảng cách gần chuẩn
* Khoảng cách không chuẩn: Khi hai chữ nét khuyết thiếu đứng cạnh nhau thì khoảng cách này được lấy bằng 1/3 khoảng cách chuẩn (tức là bằng 2đv).
Khoảng cách không chuẩn
* Khoảng cách ngoại lệ: Có 2 dạng:
- Một là khoảng cách chữ lồng nhau – trong trường hợp chữ có hai nét chéo đứng cạnh nhau thì phải đặt chúng lồng vào nhau mới cảm thấy cân đối so với các khoảng cách khác.
- Hai là khoảng cách chữ trùng nhau – trong trường hợp nét chữ khuyết tròn đứng cạnh nét chữ khuyết thiếu chéo thì phải đặt chúng trùng khoảng cách thì mới cân xứng với các khoảng cách khác.
Khoảng cách chữ lồng nhau
Khoảng cách chữ trùng nhau
- Tỷ lệ chiều cao thường được lấy gấp rưỡi chiều rộng của chữ.
Tỷ lệ chiều cao và chiều rộng
d. Khoảng cách giữa các từ: Gần bằng chiều ngang của một chữ, tương ứng với khẩu độ chữ hẹp là vừa. Ví dụ như chữ E chẳng hạn.
Khoảng cách giữa các từ
f. Khoảng cách giữa các dòng: bằng 2/3 chiều cao của dòng chữ là chuẩn nhất, song cũng có thể bằng ½ chiều cao dòng chữ. Điều đó phụ thuộc vào kiểu chữ mà có cách chọn lựa phù hợp.
Khoảng cách 2/3 dòng
g. Yêu cầu về bố cục và sự biến dạng của chữ:
* Yêu cầu về bố cục:
- Thống nhất kiểu chữ trong một từ hay một câu (tránh dùng hai ba kiểu chữ trong một từ hoặc một dòng).
- Dấu của chữ phải phù hợp với kiểu chữ, không đánh dấu quá xa hay quá sát vào chữ. Dấu phải đặt đúng vị trí, đúng trọng tâm của từ và phải có tỷ lệ hợp với chữ.
- Bố cục, sắp chữ phải tạo sự cân đối, chặt chẽ, tránh rời rạc, lệch lạc. Chữ trong một dòng phải trọng nghĩa, không ép chữ hoặc ngắt chữ, phải phù hợp với nội dung, tránh cầu kỳ, rắc rối, khó đọc.
* Sự biến dạng của chữ:
Cuộc sống kinh tế, văn hóa xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thẩm mỹ ngày càng đòi hỏi được nâng cao. Do vậy, chữ viết cũng cần phải cải tiến không ngừng để đáp ứng được nhu cầu sử dụng chữ ở mọi mặt cuộc sống. Việc quảng cáo được coi trọng hàng đầu cùng với sự phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, kinh tế, văn hóa v.v…
Chữ trang trí
Một số kiểu chữ tham khảo
Chữ thể hiện cho việc quảng cáo phải to, đẹp, hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh về kiểu dáng, về màu sắc mới có hiệu quả. Vì vậy, dáng chữ càng cần được đầu tư, sáng tạo và cách điệu cho có nghệ thuật, có thẩm mỹ. Song, cách điệu biến thể đến đâu cũng cần giữ được hình dáng, cấu trúc và đặc điểm của chữ gốc. Không được cách điệu quá đáng làm cho chữ bị biến dạng, rắc rối, rườm rà khó đọc, gây tức mắt, phản tác dụng và mất ý nghĩa của nội dung dòng chữ.
III. Ứng dụng chữ:
a. Kẻ khẩu hiệu:
* Khái quát chung: Khẩu hiệu là một hình thức phản ánh nhanh gọn, súc tích lời kêu gọi, những thông tin mới và các vấn đề mang tính xã hội, chính trị. Khẩu hiệu được sử dụng vào rất nhiều ngành nghề và phổ cập rộng rãi, quanh năm, khắp nơi, khắp chốn. Khẩu hiệu có rất nhiều hình thức phong phú, nội dung khẩu hiệu ngắn gọn gồm ít chữ nhưng đủ ý, dễ hiểu, không lộn xộn, thu hút sự chú ý, kêu gọi, khuyến khích động viên, thông báo nhanh đến mọi người.
* Phương pháp kẻ khẩu hiệu:
Các bước kẻ khẩu hiệu
- Bước 1: Tìm phác thảo, sắp xếp bố cục các dòng chữ.
- Bước 2: Chọn kiểu chữ.
- Bước 3: Chọn màu sắc.
b. Kẻ và trình bày bản trích dẫn:
* Khái quát chung: Bản trích dẫn được treo ở nhiều nơi như: trong hội trường, phòng họp, phòng đọc, phòng học, phòng làm việc, trụ sở, phòng trưng bày… Nội dung bản trích dẫn có thể là một đoạn trích nghị quyết chính trị, một đoạn văn hoặc nội quy của cơ quan… rất cần thiết cho mọi người.
Khác với khẩu hiệu, nội dung bản trích được trình bày đẹp, trang trọng, hòa hợp với nơi được trưng bày vì nó còn có tác dụng trang trí cho hội trường, phòng họp thêm đẹp.
Kích thước bản trích có thể to hay nhỏ nhưng phải hài hòa với nơi treo, thường là hình chữ nhật có thể đặt đứng hoặc nằm ngang. Chất liệu rất phong phú có thể kẻ bằng màu trên giấy; giấy đề can trên giấy bìa, trên bảng foóc; màu bột trên vải; khắc mi ka trên tường, trên gỗ; khắc chữ vàng trên nền vóc sơn mài; khắc chữ nổi trên tường… nhưng đều phải đẹp, trang trọng, quý giá.
Bản trích còn khác khẩu hiệu ở chỗ là có trang trí thêm nền cho sinh động và làm tôn vẻ trang trọng cho chữ.
* Phương pháp trang trí bản trích:
- Bước 1: Khâu chuẩn bị.
- Bước 2: Sắp xếp bố cục và chọn kiểu chữ.
- Bước 3: Cách thể hiện.
- Bước 4: Chọn màu và họa tiết trang trí.
Xung quanh bản trích trang trí họa tiết
c. Trang trí hội trường:
* Khái quát chung: Trang trí hội trường là một công việc thường gặp trong các cơ quan, tổ chức xã hội nhân dịp hội nghị, hội họp, liên hoan… Nội dung thể hiện trên phông rất phong phú và cách thức trình bày khá đa dạng, đều phụ thuộc vào nội dung, chủ đề cụ thể. Nhưng thường có hai mảng nội dung lớn như: Các chủ đề liên quan đến sinh hoạt chính trị và sinh hoạt văn hóa. Hai chủ đề này khác nhau về tư tưởng, từ đó dẫn đến cách trang trí phông cũng không giống nhau. Trang trí hội trường ngoài chữ thể hiện nội dung, còn có biểu trưng, biểu tượng, hình tượng hoặc mô típ trang trí nào đó để bổ trợ, làm sinh động, hấp dẫn hơn cho nội dung chủ đề.
* Định hướng trang trí:
- Chủ đề chính trị. Ví dụ: hội nghị, đại hội, ít tinh, cuộc tọa đàm, hội thảo, đón huân chương, buổi lễ kỷ niệm v.v… cần có trang trí nghiêm túc, đúng mực và trang trọng. Cách sắp xếp bố cục mảng chữ phải thẳng hàng ngang, cân trục giữa và kiểu chữ đứng đắn. Hình tượng trang trí bổ trợ cần cô đọng, đơn giản và đúng chủ đề. Màu sắc phông nền, mảng chữ và của hình tượng cần thống nhất, rõ ràng, mạch lạc. Màu sắc không cần phải pha trộn nhiều nên dùng các màu già dặn hoặc gam màu trầm ấm.
- Chủ đề văn hóa nghệ thuật. Ví dụ: liên hoan văn nghệ chào mừng ngày 8-3, tết Trung thu, Ngày hội của bé, Tuổi đời mênh mông…
Trang trí hội trường cho chủ đề văn hóa văn nghệ vô cùng phong phú, sinh động, khoáng đạt, bay bổng, vui nhộn và truyền cảm. Có thể bố cục mảng chữ bằng nhiều cách: xếp thẳng, xếp chéo, xếp vòng, xếp hơi nghiêng, xếp dật cấp… Kiểu chữ có thể là cân xứng, cách điệu, hư cấu hoặc biến điệu. Màu sắc theo tông, theo hòa sắc, đảo màu nếu thấy hợp lý. Hình tượng biểu trưng cần phong phú và khoáng đạt. Tóm lại, trang trí phông cho chủ đề văn hóa văn nghệ cần bám sát vào nội dung chủ đề để tìm được các nhịp cho phù hợp. Nhịp có thể diễn tả bằng mảng, bằng nét, bằng biểu tượng. Cách thể hiện trang trí phông cho chủ đề này từ chữ, nền, hình tượng và màu sắc phải thống nhất, lô-gíc và thật sống động.
Chủ đề văn hóa nghệ thuật
* Phương pháp trang trí hội trường: Xác định kích thước của phông để có hướng sắp đặt vị trí cho phù hợp. Trước tiên, cần phải làm phác thảo nhỏ với nhiều cách sắp xếp bố cục khác nhau. Phác thảo qua hai bước: phác thảo chì (khoảng 3 phương án) để chọn lấy một phương án tốt nhất cho phương án sau; phác thảo màu (khoảng 2 phương án), chọn lấy phương án tối ưu nhất để thể hiện lên phông thật. Khi làm phác thảo có thể dùng màu chì, màu sáp, màu nước. Còn khi thể hiện lên phông thường cắt giấy đề can màu, giấy màu thủ công hoặc dùng xốp bôi màu. Phóng to bản phác thảo màu theo kích thước của phông (phóng gấp đôi, gấp ba, hoặc theo cách phóng hình ô vuông, ô bàn cờ) rồi tiến hành vẽ, cắt và dán lên phòng. Chú ý: cần xác định vị trí của mảng trang trí ở phông cho chính xác. Dán các mảng lớn, mảng trọng tâm trước, đến các mảng vừa và dán chi tiết sau cùng.
>>> Các thuộc tính tạo hình của chữ