Quy trình vẽ chân dung người thật
1. Các loại tranh chân dung:
- Chân dung phần đầu: Đây là loại hình vẽ thông thường nhất. Khi vẽ loại này chúng ta căn cứ vào đặc điểm của người mẫu mà chọn góc nhìn trực diện, nhìn ngang hay xiên ba phần tư. Bởi lẽ có những người thì cần phải vẽ nhìn trực diện mới rõ đặc điểm (người chột mắt, mắt cao mắt thấp…); cũng có người thì phải vẽ ngang mới đạt yêu cầu (hô, móm, mặt bị gẩy… có búi tóc…).
- Chân dung bán thân: Loại hình vẽ này thể hiện trang phục, đồ trang sức hay đặc điểm không gian. Thí dụ vẽ người dân tộc thì vẽ cả phần ngực trần, đồ trang sức lủng lẳng. Có trường hợp vẽ những người có hình xăm… Những người mang huân huy chương…
- Chân dung toàn thân: Loại này dành cho quan lại, vua chúa mà ở đó y phục, phụ kiện sẽ góp phần làm rõ đặc điểm của nhân vật (gậy, cặp giấy, ống nhòm, binh khí…), cũng có khi không gian rất cần thiết để thể hiện người mẫu. Ở loại chân dung này sẽ làm rõ thêm đặc điểm về thân thể (cường tráng, tật nguyền…). Đôi khi cũng vẽ thêm các con vật được cho là “thú cưng” của nhân vật (chim chóc, chó mèo…), cũng có khi vẽ người đang cưỡi ngựa, dắt hổ báo… Đặc biệt có loại chân dung của các vị anh hùng, nhân vật huyền thoại.
- Chân dung nhóm người (từ hai người trở lên): Đây là loại chân dung gia đình quan lại…
Trên thực tế các họa sỹ vẽ chân dung bằng nhiều chất liệu: bút chì, conté, phần màu (pastel), màu bột, màu nước hay sơn dầu… Bên trên là chúng ta khái quát về vẽ chân dung.
Chúng ta nên phân biệt bài vẽ phần đầu người thật và vẽ chân dung.
* Ở loại thứ nhất là những bài tập thật cơ bản chưa đòi hỏi diễn đạt được tinh thần, cái hồn của người mẫu. Ở loại thứ hai thì cao cấp hơn và tinh thần của người mẫu được xem là yêu cầu quan trọng. Cao cấp hơn nữa là phải diễn tả ra “chất”: chất da người, chất vải, chất tóc, chất liệu của các loại trang sức.
Ở cấp bậc cơ bản chúng ta đang rèn luyện vẽ phần đầu người bằng các loại bút chì, than, phấn tiên hoặc màu nước, màu bột hay sơn dầu. Nhưng để dễ nghe chúng ta gọi đó là “vẽ chân dung người thật”.
Điều kiện tiên quyết để được học, thực hành vẽ loại bài này thì các bạn bắt buộc phải đã được học, thực hành các bài vẽ về hình khối, tĩnh vật, đầu tượng lột da, đầu tượng vạt mảng và vẽ một số đầu tượng (già, trẻ, nam, nữ…).
Giống như vẽ đầu tượng, việc vẽ chân dung người thật cũng được chia ra những giai đoạn tương tự, từ đó người học tiến hành việc vẽ theo các bước thật cơ bản.
Bước thứ nhất: Quan sát thật kỹ người mẫu từ nhiều phía (đi quanh mẫu để quan sát) để nắm chắc các đặc điểm: phái tính, lứa tuổi, thành phần lao động (lao động, trí thức…), cấu trúc và đặc điểm của khối (sự liên kết giữa các khối: khối đầu, khối trán, khối của phần sọ phía sau; khối của mặt: tròn đầy mịn màng hay góc cạnh…) tỷ lệ tương quan giữa các bộ phận trên mặt (trán cao hay thấp, mũi dài hay ngắn, miệng rộng hay hẹp, cằm nhô hay phẳng, hố mắt sâu hay cạn…). Khối của bộ hàm răng: hô hay móm.
Cần so sánh “khung ngũ quan” với tổng diện tích khuôn mặt. Chú ý các đặc điểm của khối mặt có thể có những tình huống như sau: đầu to cằm nhỏ, đầu nhỏ cằm to bạnh; mặt dài hay ngắn, đầy hay dẹt hoặc gầy; gò má cao hay thấp, sâu hay lồi; mũi thẳng hay cong; miệng hô hay móm; lông mày xếch hay xuôi, tóc đầy hay hói, đen nâu hay bạc, dài hay ngắn. Đặc điểm của cổ: cao hay ngắn, to hay nhỏ, tròn đầy hay gân guốc. Nói chung dưới sự tác động của ánh sáng thì đặc điểm nào nêu rõ cái riêng của người mẫu?
Ngoài những đặc điểm hữu hình nói trên thì “thần sắc” của người mẫu cũng là điều cần quan tâm đối với những bài vẽ chân dung cao cấp. Những cái được cho là “thần sắc” ấy có thể là: tinh anh, ủ rũ, lừ đừ, hiền hậu, hung ác…
Bước thứ hai: Đặc điểm của các trục trên mặt bao gồm trục dọc chạy từ giữa đỉnh đầu xuống giữa sóng mũi qua nhân trung xuống giữa môi và cằm. Có trường hợp trục dọc bị lệch nên mặt bị méo, miệng không thẳng hàng với trục mũi. Có trường hợp các đường ngang qua lông mày, mắt, xương gò má, chân mũi và miệng bị lệch (không song song với nhau) cho nên hai mắt, xương gò má, chân mũi, miệng, cằm không theo hệ thống nét ngang cũng vì không phác các nét sườn để định vị các bộ phận trên mặt theo phối cảnh, mắt bên cao bên thấp, xương gò má cũng vậy; khóe miệng bị bên thấp bên cao.
Ghi chú: Đối với một khuôn mặt cân đối, không lệch méo thì đường trục cân đối sẽ chạy thẳng từ đỉnh đầu xuống cằm đi qua giữa trán, hai đầu lông mày xuống sóng mũi, qua nhân trung, xuống hai môi rồi xuống cằm. Cuối cùng chạy xuống yết hầu. Còn với những khuôn mặt bị lệch méo thì đường trục này sẽ lệch qua lại.
Bước thứ ba: Xem xét kỹ nguồn sáng (loại ánh sáng mạnh hay yếu, có mấy nguồn, tập trung hay phân tán), vị trí (cao hay thấp), hướng ánh sáng tác động vào chân dung (cao thấp, ngang hay xiên), ánh sáng mạnh hay yếu, tản mạn hay tập trung phần bên nào của chân dung hứng ánh sáng mạnh nhất (trái, phải, trên dưới hay trực diện…) phần nào có độ bóng trung gian và tối nhất.
Cần xem xét các khu vực mà “cảm giác về chất”: mịn, sần, nhám, bóng loáng (da người hay tóc) nổi bật. Thí dụ có những phần da mịn màng (da thiếu nữ, trẻ em), sần sùi (mặt bị mụn…), nhám (phần râu bị cạo), nhăn nheo (da người già) phần láng bóng (sóng mũi, đầu mũi).
Cách nhận diện cấu trúc và định vị các bộ phận trên mặt (Khung mặt và khung ngũ quan)
Bước thứ tư: Chọn vị trí để vẽ tư thế vẽ (ngồi hay đứng) bởi lẽ tư thế vẽ sẽ dẫn đến độ cao hay thấp của tầm nhìn (hướng nhìn: nhìn ngang, nhìn thẳng, cao hay thấp. Chú ý là đường tầm mắt của người vẽ cao (trên nhìn xuống) hay thấp (dưới nhìn lên) sẽ chi phối toàn bộ khả năng thấy và luật viễn cận sẽ tác động trên hình vẽ. Cụ thể là tác động vào vị trí, độ cao thấp của các đường trục đứng hay ngang. Còn nữa, góc nhìn (nhìn chính diện, nhìn ngang hay nhìn ba phần tư sẽ cho khả năng thấy mặt của đối tượng.
Tùy theo đặc điểm của người mẫu mà chúng ta chọn góc nhìn để có thể nắm bắt và vẽ rõ được đặc điểm của người mẫu. Ghi chú: trên thực tế bước thứ tư này có thể không cần đưa vào quy trình vì có khi người ta mặc nhiên hiểu rằng người vẽ đã xác định chỗ vẽ, điểm đứng rồi mới quan sát.
Bước thứ năm: Phác họa tổng thể hình nét và bố cục hình vẽ chân dung trên giấy, nên nhớ rằng phần không gian phía trước mặt luôn nhiều hơn phía sau, không nên phác hình to quá gây cảm giác chật chội hay phác hình nhỏ quá gây cảm giác lỏng lẻo. Khi phác hình nên phác nhẹ đường trục đứng và các đường trục ngang. Thông thường thì hình chân dung được vẽ theo chiều giấy đứng. Nhưng có trường hợp phải chọn giấy ngang. Đó là khi quan sát, đo đạc mà thấy bề rộng nhiều hơn chiều cao. Thí dụ vẽ người đội nón lá, người búi tóc hay vác vật dụng gì đó trên vai.
Bước thứ sáu: Thể hiện hệ thống ánh sáng trên toàn bộ chân dung bằng độ đậm nhạt vừa phải (không nên vẽ đậm ngay) tạo thành các khối một cách đơn giản nhất giống như giai đoạn tạo bóng tổng quát khi vẽ đầu tượng.
Trong khi thực hiện hệ thống bóng tổng quát thì người vẽ nên quan sát thật kỹ đối tượng để hình dung các độ bóng từ màu da nhạt nhất cho đến vùng có bóng tối cũng như màu đậm của tóc. Có bao nhiêu độ?
Bước thứ bảy: Diễn tả sâu dần vào các khu vực, các chi tiết và tiến đến các bộ phận cần phải hay đặc tả. Tuy nhiên chúng ta nên “tả” quá đều trên các khu vực mà phải biết “bỏ lửng” (vẽ đơn giản) để làm cho những phần được đặc tả được tôn giá trị lên.
Quy trình vẽ chân dung
>>> Một chút khái niệm về tranh chân dung
>>> Các bước dùng sơn dầu để vẽ tranh chân dung
>>> Tranh chân dung của Nicolai Fechin