Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần cuối)
8. Nguyên lý về sự thống nhất phong cách diễn tả
Nhìn ngắm hay nghe một tác phẩm nghệ thuật, những nhà nghiên cứu hay những nghệ sỹ từng trải có thể đoán đúng tên tác giả mà không cần nhìn tên hay nghe giới thiệu. Điều này là sự thực, vậy thì tại sao người ta nhận biết tác giả của một tác phẩm nghệ thuật mà không cần nhìn hay nghe nói đến tên? Nhờ vào cái gì? Đó là “dấu ấn” vừa vô hình vừa hữu hình mà tác giả đã lưu trên tác phẩm của mình. Dấu ấn này chứa đựng cả tình cảm chân thành của tác giả trong quá trình sáng tác, thể hiện cùng với tình yêu nghệ thuật theo kiểu rất riêng của mình, cái mà chúng ta gọi “kiểu rất riêng”, “đẹp nhưng không thể lẫn với ai được” chính là cái làm cho tác phẩm và sự hiện hữu của nghệ sỹ có giá trị, đó chính là phong cách nghệ thuật.
a. Phong cách là gì?
Thuật ngữ phong cách “style” có tên gốc là chữ La tinh “Stilus” hàm ý là cách viết, kiểu chữ tượng trưng cho cá nhân con người, giống như câu “thấy chữ biết người”, nó là dấu hiệu thống nhất được hình thành theo cá tính, thị hiếu của mỗi người, mỗi tập thể, nhóm người hay của mỗi thời đại.
Phong cách là kết quả tổng hợp của ý thức cá nhân và thời đại được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật từ văn, thơ, nhạc, họa. Trong mỹ thuật thì nó thể hiện qua quan niệm tạo hình, thị hiếu thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật, xu hướng diễn tả đồng thời thể hiện ý thức khám phá và sáng tạo của con người.
Trước hết, phong cách là Cái Riêng của mỗi nghệ sỹ thông qua cách thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật của họ. Có những nghệ sỹ mà suốt đời họ chỉ theo đuổi một phong cách, cũng có nhiều nghệ sỹ mà suốt đời họ không chỉ dừng lại ở một phong cách cố định. Những nghệ sỹ này thay đổi phong cách thông qua quá trình lao động do đòi hỏi của tính sáng tạo và nhịp đập con tim. Nghệ thuật là tình yêu mà trong đó cách thể hiện tình yêu đâu nhấ thiết phải bất biến và rập khuôn miễn là chúng ta thể hiện nó bằng sự rung động chân thành.
Phong cách làm giàu, làm phong phú cho kho tàng nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật ngoài các yếu tố khác nó còn là lịch sử của sự thể hiện, sự thay đổi phong cách biểu đạt theo dòng thời gian và địa bàn lịch sử. Có thể nói rằng chính sự tự do cá nhân, tinh thần độc lập sáng tạo, tinh thần khám phá và tinh thần tự khẳng định mình là nền tảng của sự hình thành phong cách trong mỗi nghệ sỹ. Phong cách chính là dấu ấn cá nhân, là “chữ ký” vô hình bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ tĩnh đến động, mà cần có sự nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, đánh giá thông qua sự cảm nhận của thị giác thì chúng ta nên hiểu phong cách ở hai góc độ:
- Góc độ thứ nhất: Phong cách do động thái, ứng xử, đi lại trong đời sống của mỗi cá nhân được hình thành từ tính tình, tâm sinh lý. Đây được gọi là “phong cách tự thân” của mỗi người và nó phần nào có tính bản năng của con người đồng thời do ý thức tạo nên. Cho dù ăn mặc, sinh hoạt trong hoàn cảnh nào thì nó cũng bộc lộ ra, nhiều khi chính cá nhân ấy không hiểu và nhận thức nổi sự cá biệt của chính mình. Điều này góp phần hình thành thị hiếu thẩm mỹ, cách nhìn của mỗi người. Phong cách do chính cá nhân tự tạo ra do cách ăn mặc, diễn xuất, sáng tác. Nó được coi là “phong cách tự tạo” xuất phát từ sự chủ định của người tạo ra nó. Loại phong cách này phần nào kế thừa phong cách tự thân.
Khi phong cách tự tạo ra do quá trình diễn xuất của diễn viên thì nó trở thành phong cách nghệ thuật và gắn với nghệ thuật.
- Góc độ thứ hai: Đây là vấn đề mà chúng ta muốn đề cập trong quyển sách này, đó là phong cách nghệ thuật, nó chỉ biểu hiện trong tác phẩm của nghệ sỹ. Tuy nhiên ở góc độ nghệ thuật thị giác thì phong cách tự tạo này có khi do yêu cầu khách quan mà người sáng tạo phải nghiên cứu để cố tạo nên theo yêu cầu thể hiện nhân vật nào đó của tác phẩm. Thí dụ khi thiết kế nộ thất cho một vở diễn mang tính thời đại, tính lịch sử văn hóa cổ xưa, khi ấy phong cách được hiểu như là một yêu cầu để tái hiện tinh thần lịch sử.
Nói chung, phong cách là sự thể hiện nhịp sống, tính của thời đại, tính lịch sử, tính khu vực, quan niệm của tập thể, cá nhân thông qua các yếu tố tạo hình, cách thức diễn tả bằng việc xử lý các ngôn ngữ thị giác hay thính giác.
b. Các dạng phong cách:
- Phong cách cá nhân: Loại phong cách hình thành do thị hiếu, sở trường, quan niệm tạo hình và diễn tả của mỗi cá nhân nghệ sỹ.
Các phong cách mang tính cá nhân: phong cách cảu các họa sỹ từ Việt Nam cho đến nước ngoài như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Trung, Bùi Xuân Phái, Paul Gauguin, P. Auguste Renoir, Marc Chagall, Paul Cézane, Henri Rousseau, Vincent Van Gogh, Pierre Bonard, El Greco…
Phong cách của mỗi người thể hiện theo nhiều hướng khác nhau: phong cách thể hiện trên quan niệm tạo hình bằng nét như Bernard Buffet; phong cách thể hiện qua màu sắc như Gauguin, Matisse; phong cách thể hiện trên cách tạo khối như Henri Moore; phong cách thể hiện qua hình khối, màu và không gian như Renoir. Đặc biệt phong cách của họa sỹ El Greco thuộc về quan niệm tạo hình cơ thể học. Tỷ lệ nhân hình trong chiều cao của con người trong tranh của ông cao tới 11 đầu. Phong cách của họa sỹ Bùi Xuân Phái về mảng màu nét cọ. Phong cách của họa sỹ Van Gogh là chiều xoáy của nét cọ và màu. Phong cách của Chagall thể hiện trong quan niệm tạo hình, diễn hình.
- Phong cách theo nhóm trường phái: Chúng ta có phong cách của các trường phái: Hiện thực, Ấn tượng, Hậu Ấn tượng Vị Lai, Lập thể, Dã thú, Trừu tượng, Vô hình thể.
Phong cách của trường phái thường gắn với quan niệm tạo hình được số đông công nhận là làm theo, tuy nhiên, có những họa sỹ vốn có cùng khuynh hướng, trường phái nghệ thuật nhưng phong cách cá nhân thì vẫn có những sự khác nhau. Thí dụ, các họa sỹ: Cézane, Renoir, Manet là những người cùng Trường phái Ấn tượng nhưng phong cách cá nhân thì khác nhau.
- Phong cách thời đại: Loại phong cách gắn liền đến giai đoạn lịch sử, sự thay đổi về nền văn minh xã hội, thay đổi triều đài. Bởi vì, mỗi thời đại, giai đoạn lịch sử đều có chế độ chính trị, tư tưởng triết học, thẩm mỹ mang các phong cách văn hóa khác nhau.
Thí dụ các phong cách mang tính thời đại như: phong cách Hy Lạp (Greece), La Mã (Rome), Byzantine (Bizantin), Hồi giáo (Islamic), Gô tíc (Gothic), Barốc (Baroque), Rốc cô cô (Rococo – phong cách xuất hiện ở Đức, cùng thời với phong cách của Louis của Pháp), Lu-I 16 (Louis 16, phong cách trang trí bàn ghế nội thất thời Vua Louis 16 của Pháp), phong cách ở thời Vua James (James I và II ở Anh Quốc, cùng thời với phong cách Louis ở Pháp và Rococo ở Đức), phong cách Đế chế (Empire, Tân Cổ Điển, thời Napoleon), phong cách Victorian (Nữ hoàng Victoria của Anh Quốc), phong cách trang trí bàn ghế đời Minh hay đời Thanh của Trung Quốc, phong cách nghệ thuật trang trí ở Huế, Việt Nam mà người ta gọi là Art de Hue.
c. Hình thái biểu hiện của phong cách:
- Phong cách thể hiện qua quan niệm về tạo hình;
- Phong cách thể hiện qua cách xử lý các yếu tố thị giác;
- Phong cách được biểu hiện trong cách tạo dáng;
- Phong cách được biểu hiện trong cách bố cục hay thói quen bố cục;
- Phong cách được thể hiện trong tính chất đường nét (cầu kỳ, hoa mỹ hay đơn giản);
- Phong cách thể hiện qua cách xử lý không gian;
- Phong cách thể hiện qua cách xử lý hình khối (kiến trúc, tạo dáng);
- Phong cách còn thể hiện khuynh hướng sử dụng màu sắc;
- Phong cách thể hiện qua sự sử dụng, phối hợp chất liệu;
- Phong cách thể hiện qua cách chấm phá;
- Phong cách thể hiện qua kiểu chữ;
- Phong cách thể hiện qua cách xử lý màu nền (trong thiết kế đồ họa);
- Phong cách thể hiện qua thói quen sử dụng thủ pháp kỹ thuật.
Tác phẩm “Ba giai đoạn trong đời của người phụ nữ” của họa sỹ người Áo Gustav Klimt (1862 – 1918)
Tác phẩm “Cởi trang phục Thiên Chúa” của họa sỹ Tây Ban Nha El Greco ảnh 3
Tác phẩm “Ôm nhau” 1917 của họa sỹ Áo Egon Schiele (1890 – 1918)
Tác phẩm “Thiếu nữ nằm gối đầu trên tay” của họa sỹ Ý Ameo Modigliani (1884 – 1920)
Tác phẩm Siêu thực của họa sỹ Ba Lan Igor Morski
Tác phẩm “Già Chăm” của họa sỹ Cao Thị Được
Tác phẩm “Mưa Xuân” của họa sỹ Cao Thị Được
Tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Lâm
Tác phẩm của họa sỹ Hồ Hữu Thủ
Tác phẩm “Thiếu nữ” của họa sỹ Nguyễn Trung
Tác phẩm “Sen” tranh lụa của họa sỹ Nguyễn Thị Tâm
Tác phẩm “Thiếu nữ” của họa sỹ Trương Thị Thịnh
Tác phẩm “Mặt trời đen trên đảo chữ Thập” của họa sỹ Uyên Huy
Tác phẩm “Tĩnh vật” của họa sỹ Lê Vượng
Tác phẩm “Đùa nghịch với sợi chỉ đỏ” của họa sỹ Bùi Tiến Tuấn
Minh họa phong cách thời đại
>>> Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần 1)
>>> Tác dụng của màu sắc đối với thị giác
>>> Các vấn đề liên quan đến thị giác (Phần 1)