Hình tượng nghệ thuật trong tranh lụa
“Khái quát là một hình thái vận động của tư duy khoa học thực hiện việc trừu tượng hóa, loại bỏ những mặt, những thuộc tính và những đặc điểm riêng lẻ của một loại sự vật, hiện tượng, quá trình đang nghiên cứu, rút ra những đặc trưng chung, bản chất chủ yếu của chúng và phản ánh những đặc trưng chung ấy bằng một khái niệm, một phán đoán khoa học hoặc một quy luật. Đó là quá trình đi từ cái cụ thể, cảm tính đơn giản nhất đến cái lý tính, cái chung, từ một tri thức ít chung hơn đến một tri thức chung hơn. Nhờ đó, con người có thể nhận thức hiện thực ngày càng sâu sắc và chính xác hơn”.
Khái quát hóa hình tượng là việc vô cùng quan trọng trong nghệ thuật, nhất là đối với nghệ thuật tạo hình. Hình tượng càng cô đọng, càng được lược bỏ hết những chi tiết rườm rà, những phần không mang tiếng nói đặc trưng thì càng có giá trị. Việc khái quát hóa đòi hỏi người nghệ sỹ phải nhìn từ bản chất bên trong của vấn đề, khám phá những vẻ đẹp ẩn đăng sau những gì bộc lộ bên ngoài rồi từ đó mới gạn lọc, tìm những nét điển hình, sắp xếp lại tạo nên hình tượng đặc trưng nhất.
Do đặc tính chất liệu, do những đặc điểm tạo hình trong nghệ thuật lụa và do quan điểm thẩm mỹ của cá nhân, họa sỹ Nguyễn Thụ khái quát, cô đọng các hình tượng nghệ thuật trong tranh của mình. Đó là sự khái quát trong cấu trúc mảng hình lớn; khái quát các chi tiết nhỏ, các họa tiết trang trí, cấu trúc đồ vật, khái quát không gian…
1. Khái quát cấu trúc đồ vật:
Nguyễn Thụ có rất nhiều tranh có sự xuất hiện của hình ảnh ngôi nhà sàn Mùa xuân Tây Bắc, Chú ngựa đỏ, Miền Tây, Mùa xuân lại đến, Một ngày bình thường, Trên nhà sàn, Người mẹ ngồi thêu… Cái tài tình của ông ở chỗ khi miêu tả những hình ảnh này ông đã khái quát toàn bộ cấu trúc của chúng để trở thành hình ảnh mang tính điển hình nhất. Tác phẩm Mùa xuân lại đến cũng có lối bố cục gần như ước lệ. Nhóm chính là hình ảnh những nếp nhà sản và mấy gốc mai phía trước nhà. Toàn bức tranh được phủ một gam màu nâu, có sự thay đổi khá rõ về độ đậm nhạt ở các mảng (đen ở gốc cây, nâu đậm ở nhà sàn và nâu nhạt ở nền…). Người viết rất ấn tượng bởi các tạo hình của những ngôi nhà. Trên thực tế, nhà sàn của người Thái có tạo hình khá đặc biệt, “hai đầu hồi” “tụp cống” khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa “Pua tấu” dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng. Mái nhà thường được lợp lá cọ, cỏ gianh hoặc ngói máng. Không chỉ riêng trong bức tranh này, hầu hết tất cả những tác phẩm có sự xuất hiện của nhà sàn, ta có thể nhận ra hình thái nhà đã được điển hình hóa. Chúng đều được lược bỏ những chi tiết rườm rà, chỉ giữ lại “khau cút” trên đòn nóc và hình (form) chung. Ông không vẽ những chi tiết nếp lá cọ, cỏ gianh trên mái hay những đường nhấn thả tự nhiên do đặc điểm chất liệu làm mái tạo nên mà khái quát hóa bằng đường cong tạo ra mảng hình lớn giống với hình mai rùa. Tạo hình này trông vừa giống thực vừa mang tính tượng trưng cao, rất giàu biểu cảm, duyên dáng, hài hòa với khung cảnh chung toàn bộ tác phẩm.
Việc diễn tả những hình ảnh có cấu trúc lớn như nhà, cầu, nội thất trong các công trình bề thế… trong hội họa nếu nghệ sỹ không khéo léo biết cách chọn lọc, tiết chế sẽ dễ sa đà vào việc tả chân, kể lể. Nhưng Nguyễn Thụ đã có cách khai thác rất riêng… ông chỉ chọn những chi tiết đặc trưng, với việc miêu tả kết cấu nhà sàn, ông tập trung vào phần mái, điểm phần lan can, cầu thang, các cột chính Mùa xuân lại đến, Một ngày bình thường… Ông không tập trung đi miêu tả từng chi tiết nhỏ, nếu có chỉ là gợi và đi tìm những tín hiệu điển hình nhất Người mẹ ngồi thêu. Ở bức tranh này, tác giả sử dụng lối thấu thị phương Tây, nhìn thấy cả sàn và phần trên, trong của mái nhà thấy rõ kết cấu của hàng cột dùng đòn dầm xuyên suốt qua các cột. Đường bao của mái nhà là một đường cong được khái quát. Rõ ràng, chỉ cần những hình ảnh được khái quát như thế, chúng ta đã có thể hiểu được cấu trúc của cả ngôi nhà khiến cho hình tượng trở nên vừa có tính tạo hình vừa chính xác về mặt khoa học.
Nguyễn Thụ - Sàng sẩy (1987) - Lụa - 70 x75 cm
Nguyễn Thụ - Giã gạo (1990) - Lụa - 60 x 80 cm
Nguyễn Thụ - Làm bông (2001) - Lụa - 56 x 76 cm
Không chỉ dừng lại ở việc khái quát cấu trúc đồ vật, Nguyễn Thụ còn khái quát các chi tiết nhỏ ở các đồ vật sinh hoạt trong gia đình. Đó là gùi Bác Hồ, giỏ mây đựng đồ thêu Cô gái Thuận Châu, bồ đựng thóc Tình mẹ, Làm bông, Sàng sẩy… ghế mây Người mẹ hai con, chõ đồ xôi Bên bếp lửa, lông chim Em gái Thuận Châu, Dệt vải… Ông không sa đà vào việc mô tả quá nhiều từng chi tiết như những người khác mà chỉ dùng một vài tín hiệu, một vài nét gợi có thể là cách đan của các lớp nong hoặc bố trí các hoa văn trang trí, lược bỏ nhiều phần, chỉ giữ lại cấu trúc chung nhưng vẫn thể hiện hết dáng hình của đồ vật. Bồ đựng thóc là một hình ảnh gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân miền núi. Nó được xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm của Nguyễn Thụ như Sàng sẩy, Giã gạo, Đi học về, Đập lúa, Hạt thóc vàng, Làm bông… Bồ được làm từ thân cây nứa, có thể có nhiều cách đan nên sẽ tạo ra nhiều hình dạng và cấu trúc nong đan khác nhau nhưng về cơ bản bồ có hình trụ, đáy vuông và lớn hơn miệng một chút. Họa sỹ đã khái quát hình bao chung của chiếc bồ Giã gạo bằng đường cong phía trên tạo hình miệng tròn, hai đường thẳng xiên đi về hai hướng theo lối nhìn thấu thị tạo hình đáy vuông. Điều đáng nói ở đây chính là Nguyễn Thụ không chạy theo mô tả chiếc bồ theo cách thông thường là vẽ thật kỹ, diễn sáng tối, đặc biệt là mô tả cấu trúc các nong đan. Bản thân các nong đan khi được tạo tác sẽ đưa đến một loại hoa văn nên Nguyễn Thụ chọn vẽ lại các hoa văn ấy trên thân bồ để giúp người xem có thể hình dung ra sự vật một cách gần gũi nhất mà vẫn đẹp theo cách ông mong muốn. Rõ ràng chỉ với hình bao, những hoa văn điển hình, đồ vật hiện lên rất cụ thể, sinh động và đẹp mắt.
Việc vẽ lại các hoa văn trang trí nên trang phục, đồ dùng sinh hoạt… của họa sỹ Nguyễn Thụ cũng cho thấy khả năng khái quát hình tượng của ông. Rất nhiều tác phẩm xuất hiện hình ảnh chiếc chăn nhỏ của em bé Người mẹ hai con, Người mẹ ngồi thêu, Bên bếp lửa, Tình mẹ…Nhưng có một điểm chung nhất của những hình ảnh này là họa sỹ chỉ dùng những nét thẳng, ngang, xiên để vẽ, không thêm bất kỳ chi tiết nào nhưng người xem cảm thấy thỏa mãn về tạo hình.
Nguyễn Thụ - Người mẹ hai con (1984) - Lụa - 65 x 85 cm
Nguyễn Thụ - Người mẹ ngồi thêu (1993) - Lụa - 55 x 75 cm
Nguyễn Thụ - Tình mẹ (1997) - Lụa - 55 x 74 cm
Từ những phân tích trên, ta thấy rõ chỉ bằng những nét khái quát tưởng chừng như đơn giản ấy đã đủ để chúng ta có thể hiểu hết được tạo hình, công năng của đồ dùng và thấy được sự quan sát tinh tế, khả năng chắt lọc hình, tình yêu thường gắn bó với cuộc sống người dân miền núi của họa sỹ tài ba. Đấy là nghệ thuật chắt lọc, khái quát hóa hình tượng rất đặc sắc của Nguyễn Thụ.
2. Khái quát các dáng người:
Nguyễn Thụ - Cô gái Thuận Châu - (1991) - Lụa - 55 x 75 cm
Nguyễn Thụ - Cô gái Thái (1987) - Lụa - 55 x 75 cm
Ông thể hiện con mắt quan sát tinh tế, sự điêu luyện trong cách thể hiện, không hổ danh là một bậc thầy hội họa khi khai thác, khái quát những dáng người trong tư thế sinh hoạt vào nhiều thời điểm khác nhau như giã gạo, sàng sẩy, đi từ nhà sàn xuống, đặc biệt là các dáng ngồi: ngồi nghỉ ngơi Cô gái Thuận Châu, Cô gái Thái, ngồi dệt vải Dệt vải, ngồi may áo Người mẹ hai con, ngồi sàng gạo, ngồi se sợi, ngồi cho con bú Tình mẹ, ngồi nấu, sưởi ấm Bên bếp lửa, ngồi trò chuyện tâm tình Tâm sự… Đó là những giây phút lao động rất đỗi bình dị của người dân miền núi, có thể nói, nhiều lúc khá cực nhọc, vất vả, bề bộn. Tuy nhiên, qua lăng kính thẩm mỹ của người nghệ sỹ tài hoa Nguyễn Thụ, những hình ảnh ấy hiện lên thật đặc biệt. Ông tập trung khai thác những điểm chung nhất của các tư thế ngồi, lược bỏ bớt những cử động tay chân hoặc các nếp gấp váy áo, giữ lại hình chung là dáng ngồi tĩnh, chắc chắn, lưng thẳng hoặc hơi cong nhẹ, tận dụng triệt để vẻ đẹp duyên dáng hình thể bộc lộ qua trang phục ở điểm nhấn là eo thon hoặc đường lượn, nếp gấp của chân váy khi ngồi… để có thể thấy được vẻ đẹp mộc mạc nhưng gợi cảm của những người phụ nữ miền núi, của dáng ngồi điềm tĩnh, lặng lẽ, thư thái, yên bình thoảng như không màng đến cuộc sống vất vả cực nhọc ngoài kia Mùa đông ấm, Thiếu nữ, thấy được sự cần cù, chịu thương, chịu khó, tần tảo, sớm hôm của những người phụ nữ nghèo khó nhưng yêu cuộc sống, yêu lao động Làm bông, Se sợi, Dệt vải, Quay sợi…thấy được tình yêu dịu dàng đằm thắm, linh thiêng của người mẹ dành cho con Tình mẹ, Người mẹ Thái, Bên bếp lửa, Bầu sữa ấm…
Tác phẩm Thiếu nữ miêu tả vẻ đẹp cô gái ngồi tư lự bên hiên nhà. Nguyễn Thụ chọn lối bố cục hơi có gợi không gian thấu thị. Hình ảnh trọng tâm là cô gái ngồi trên ghế mây, theo hướng chính diện, đặt gần trung tâm bức tranh, chếch nhẹ về bên trái, mặt hơi quay và hướng sang bên phải của tranh, tay trái đặt lên thành ban công, tay phải nắm cổ tay bàn tay trái. Cô đội khăn piêu, mặc áo và váy màu đen, ghi, gương mặt tròn, xinh xắn, sáng và nhẹ nhàng, thanh thoát. Phía sau cô, bên ngoài ban công xuất hiện một gốc mai, vài nụ trắng xinh xinh chớm nở. Xa xa là khoảng không mờ ảo vô định, không có hình. Bức tranh được sử dụng gam màu trung tính pha lẫn chút nâu, chút hồng, chút xanh lá… Bức tranh không có quá nhiều chi tiết, hình ảnh cô gái thoạt nhìn khá đơn giản nhưng lại rất tinh tế. Tác giả khái quát hình (form) dáng cô đang ngồi bằng việc chắt lọc tư thế ngồi thẳng lưng, cách đặt thế tay, cách xoay người, hướng mặt… hầu hết ông chỉ dùng đường bao để vẽ hình, không gợi khối, chú tâm vào những đường lượn mềm mại của váy bám theo hình người, chân chảy xuống sàn nhà. Hình tượng cô gái trở nên rất duyên dáng, uyển chuyển, vừa tĩnh vừa động. Cô ngồi đấy, tĩnh tại nhưng ánh mắt nhìn xa xăm, một khoảng trời mênh mang chất chứa nỗi niềm phải chăng là những rung động xuyến xao của tuổi thanh xuân?
Nguyễn Thụ - Thư Thái (2007) - Lụa - 56 x 76 cm
Trong một tác phẩm khác, ông tiếp tục khai thác dáng ngồi cũng rất đặc trưng của người phụ nữ miền núi: ngồi thêu khăn Thư thái. Khác với tác phẩm trên, ở bức tranh này ông sử dụng lối bố cục ước lệ. Trên nền trống, xuất hiện cô gái ngồi thêu khăn bên bếp lửa, một chú mèo nằm lim dim sưởi ấm. Và cũng khác với Thiếu nữ, lần này Nguyễn Thụ khai thác tư thế ngồi của cô gái ở góc nhìn ba phần tư. Cô ngồi trên chiếc ghế mây nhỏ, tay trái cầm khăn đặt trên đùi, tay phải cầm kim hướng tay hơi cong về phía người, dường như cô vừa xong một mũi chỉ. Lưng hơi cong, mắt chăm chú vào chiếc khăn nhỏ, tâm thế tập trung vào công việc. Gam màu trung tính nhẹ nhàng, điểm chút sắc vàng chanh ở áo, đốm lửa, mẹt đựng đồ thêu. Mảng đậm chạy nhịp từ khăn piêu xuống hàng cúc áo cóm, khăn tay, váy, kéo nhỏ và kết thúc ở dụng cụ nấu bếp đặc biệt là kiềng… Cũng giống như cách khái quát các hình mảng khác, ở hình tượng người con gái ngồi thêu, ông tập trung gạn lọc và tìm kiếm điển hình của những đường cong. Đường cong của dáng lưng lúc ngồi thêu, đường cong của chiếc khăn piêu bám bờ xuống vai gáy, đường cong của cánh tay trái cầm khăn, của đường bao chiếc váy từ thắt lưng chạy xuống ghế ngồi, từ đầu gối vòng qua bàn chân trái, của chiếc khăn tay đặt nhẹ trên đùi, của cánh tay phải uốn cong kéo sợi chỉ, của đường bao hàng cúc áo, của đường lượn ôm trọn lấy bầu ngực tròn trịa, của những nếp gấp áo, váy… Việc khái quát dáng ngồi thêu bằng tổ hợp đường cong, kết hợp với lối vẽ không tả khối, chú trọng vào nhịp nhàng của nét và mảng, gam màu nhẹ nhàng tinh tế khiến cho hình tượng cô gái trở nên rất đặc trưng và vô cùng duyên dáng, mềm mại, giàu cảm xúc.
Để có được những nhẹ nhàng đằm thắm ấy, những duyên dáng, hiền hòa ấy, những thư thái, tĩnh tại ấy, những mộc mạc mà gợi cảm ấy, những ấm áp và yêu thương ấy… chắc chắn phải có từ một Nguyễn Thụ yêu con người, yêu cuộc sống da diết, đặc biệt là với những người dân miền núi nghèo khó nhưng thật thà, chân chất, ân tình, kết hợp với một thụ cảm nghệ thuật tinh tế, tài hoa, với lòng yêu nghề, lao động không mệt mỏi với hội họa trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào.
3. Khái quát không gian:
Sự khái quát hình tượng trong tranh Nguyễn Thụ còn là sự khái quát không gian. Được đào tạo 8 năm ở trường Mỹ thuật, học theo lối tạo hình phương Tây nên chắc chắn ông hiểu và nắm khá rõ các nguyên tắc về phương pháp này. Tuy nhiên, là một người Việt Nam và mang trong mình tâm hồn cốt cách của người Á Đông nên nghệ thuật của ông có sự pha trộn của hai nguồn văn hóa này. Người phương Đông hầu như không quan tâm nhiều đến hiện thực, khi vẽ không quá quan trọng việc đặt mẫu, diễn chất, tả khối và ánh sáng như người phương Tây mà sử dụng phép tam viễn là chủ yếu. Chính những điều đó đã ảnh hưởng đến tranh của ông rất nhiều. Tranh lụa Nguyễn Thụ có 2 dạng bố cục chính là theo lối ước lệ và gợi không gian theo phép thấu thị. Nhưng cả hai cách này đều tạo ra không gian phương Đông trong tranh. Ông thường sử dụng lối bố cục ước lệ, tạo nên không gian mang tính trang trí. Rất nhiều tranh ông để nền trống hoặc để mảu loang nhòe, gợi không gian xa gần rất nhẹ, tạo nên những “khoảng trống ám ảnh”. Ông chủ yếu tập trung ở hình còn nền, không gian thì buông lơi. Có rất nhiều tác phẩm thể hiện rất rõ điều này. Tiền cảnh là nhà, con người, vài gốc cây hoặc đồ vật, hậu ảnh gần như không được thể hiện nhiều Mùa xuân lại đến, Kéo tơ, Bên bếp lửa, Làm bông, Hạt thóc vàng… Hình ảnh chúng ta có thể nhìn thấy khá nhiều trong những bức tranh này là các mẹ, các cô, em bé… đang dệt vải, làm bông, quay sợi, khâu áo, ngồi trò chuyện tâm tình ở gian sau nhà hoặc trong bếp, gian buồng dành cho phụ nữ, gần đó xuất hiện một cây mai hoặc mận còn không gian ở xa thì để trống, chỉ dùng độ loang của màu để gợi tả. Thoạt nhìn có vẻ sơ sài nhưng thực ra những “khoảng trống ám ảnh” ấy có một giá trị rất đặc biệt, nó bổ trợ nhấn mạnh mảng chính, tạo ra chiều sâu không gian, tạo ra ám ảnh về khoảng không, khao khát khám phá những gì không nhìn thấy và còn là khoảng nghỉ của mắt khi dạo chơi trong vườn nghệ thuật đầy hương sắc núi rừng thơ mộng, hữu tình của Nguyễn Thụ. Cách tạo hình này trong tranh lụa Việt Nam dường như chỉ có mỗi ông sử dụng và đạt đến độ chín muồi. Chỉ cần nhìn là có thể nhận ra đâu là tranh của ông, không hề lẫn vào ai khác.
Nguyễn Thụ - Mùa xuân lại đến (1990) - Lụa - 80 x 110 cm
Nguyễn Thụ - Bên bếp lửa (1994) - Lụa - 55 x75 cm
Nguyễn Thụ - Làm bông (2001) - Lụa - 56 x 76 cm
Nguyễn Thụ - Mẹ con (1997) - Lụa - 40 x 60 cm
Với tác phẩm Mẹ con cho chúng ta thấy rõ nghệ thuật khái quát không gian của họa sỹ. Tác phẩm khắc họa hình ảnh người mẹ trong dáng điệu cong cong vừa cõng con thơ vừa cho gạo vào bồ. Đây là một trong những dáng điệu điển hình của những người phụ nữ dân tộc miền núi. Hình ảnh hai mẹ con hiện lện trong tiết trời se lạnh xa xa những tín hiệu vui tươi báo hiệu ngày đang xuân, cuộc sống căng tràn nhựa sống (bản thân hình ảnh cho thóc vào bồ cũng đã giúp chúng ta liên tưởng đến cuộc sống no đầy). Khung cảnh hai mẹ con được bố trí chính là sàn phía sau nhà, đây thường là nơi các bà các mẹ làm các công việc hàng ngày như sàng sẩy, may vá, xe sợi, làm bông… nơi những đứa trẻ thơ nô đùa bên mẹ. Theo quan điểm của người Tày, Thái đó là nơi dành cho phụ nữ và trẻ em, Nguyễn Thụ dùng lối bố cục thấu thị phương Tây. Điều đó được thể hiện qua việc tác giả để cho người xem thấy mặt sàn, mấy cột nhà, đặc biệt là phần mái phía trên. Thế nhưng, dấu hiệu của thấu thị phương Tây chỉ dừng lại ở cách đưa vào những hình ảnh này. Ngoài ra tác giả tiếp tục sử dụng những thụ cảm phương Đông qua việc ông để mấy gốc mai xuất hiện bên ngoài không gian rồi dùng màu để gợi lên cảnh sắc, gợi không gian bên ngoài, gợi cảm giác ngày xuân chứ không phải bằng việc phủ đầy các yếu tố vật chất như thường thấy trên thực tế. Rõ ràng chỉ cần xuất hiện sàn nhà sau hồi và một vài gốc mai là chúng ta có thể hiểu được khung cảnh của hình tượng chính đang ở đâu và vào thời điểm nào.
- Nguyễn Thị Kim Nga -
>>> Tính trang trí trong tranh lụa
>>> Tìm hiểu về tranh lụa Việt Nam